người lữ hành lặng lẽ

người lữ hành lặng lẽ

<p>Người lữ hành lặng lẽlà một trong số ít tiểu thuyết ký sự thành công lớn, Tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và được nhiều độc giả yêu thích. Tác phẩm thể hiện sở trường của nhà văn Hữu Mai trong thể loại ký sự nhân vật lịch sử.</p>

<p>Cốt truyện được xây dựng dựa trên các nhân vật và sự kiện lịch sử, trung tâm là ông Lê Quang Đạo - một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong mối liên hệ với nhiều nhân vật chính trị, quân sự, văn hóa lớn của Việt Nam đương thời. Người lữ hành lặng lẽ Lê Quang Đạo đã đi qua những năm tháng cuộc đời giản dị mà hào hùng, từ bước chân thơ ấu trên quê hương Đình Bảng ra không gian đất nước rộng lớn vận động cùng lịch sử dân tộc, trải dài từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xuyên qua thời đoạn khó khăn, gian khổ của “đêm trước Đổi Mới” đến năm cuối cùng của thế kỷ ông sống. Không gian, thời gian và hệ thống nhân vật lịch sử đồ sộ kết nối trong các sự kiện có thật đã tạo nên tầm vóc lớn củaNgười lữ hành lặng lẽ- thiên ký sự về cuộc đời nhà cách mạng Lê Quang Đạo gắn với những biến chuyển t lớn và sâu sắc của Việt Nam thế kỷ XX. Ông hiện lên là vị tướng tài đức, dung dị, nồng hậu với cái Tâm, cái Tầm đi trước thời đại, trọn đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Ông là vị thủ trưởng - đồng đội - đồng chí rất mực gần gũi, thân thương và đáng kính; là người chồng - người cha hết lòng yêu thương gia đình.</p>

<p>Ông Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện (1921 - 1999), sinh ra trong một gia đình có nếp sống thanh tao, kỷ cương, hiếu học ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh văn hiến. Trong hơn 60 năm cống hiến, ông luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, hoàn thành xuất sắc mọi cương vị: Gần 10 năm Bí thư Hà Nội và nhiều tỉnh thành lớn; Gần 30 năm lãnh đạo công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội và Chính ủy nhiều chiến dịch lớn; Chủ tịch Quốc hội Khóa VIII (1987 - 1992) đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, thông qua Hiến pháp 1992 và nhiều Bộ Luật, Luật quan trọng như Luật Đất đai (1987), Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Công ty (1990),... đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về cơ chế thị trường; Khởi xướng và hoàn thành xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999), một căn cứ pháp lý quan trọng cho đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...</p>

<p>Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Quốc hội, cố Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo (1921 - 2021), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh rất vinh dự được đồng hành cùng gia đình tác giả Hữu Mai và gia đình ông Lê Quang Đạo thực hiện cuốn sách Người lữ hành lặng lẽ. Tác phẩm hoàn thành như một nén tâm nhang để tưởng nhớ 100 năm đời người mà ông Lê Quang Đạo đóng góp tuổi xuân và trí tuệ, để lại cho đời tấm gương thầm lặng, nhưng mãi sáng trong tâm thức của chúng ta.Lần in tái bản này, trân trọng bút tích của tác giả tác phẩm, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin giữ nguyên văn Lời cảm ơn của nhà văn Hữu Mai với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trong lần xuất bản đầu tiên năm 2005.</p>

bảo vệ môi trường - qua góc nhìn của tôn giáo và triết học

bảo vệ môi trường - qua góc nhìn của tôn giáo và triết học

<p>Bảo Vệ Môi Trường - Qua Góc Nhìn Của Tôn Giáo Và Triết Học</p>

<p>"Cuốn sách này là tập hợp một số bài viết do Đại đức Thích Nhuận Đạt biên dịch từ những công trình nghiên cứu nghiêm túc của một số học giả, nhà tu hành, nhà thần họ như một cách để xuất giải pháp cho vấn đề bảo vệ sinh thái dưới góc nhìn của tôn giáo và triết học. Vì vậy trong cuốn sách này, người đọc có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết được ngoài Phật giáo đi tiên phong ra, Nho giáo, Đạo giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, và nhiều sách triết lý chính trị theo truyền thống của “bách gia chư tử” Trung Quốc cổ đại cũng đều có những gợi ý hoặc để xuất minh triết liên quan các vấn để thuộc về bảo vệ môi trường sống của loài người. Điều dáng ngạc nhiên là không hiểu sao các bậc hiền triết cổ có thể “tiên tri” được vấn đề, từ đó đưa ra được những chỉ dẫn thích hợp mà con người thời đại ngày nay còn có thể tham khảo để điều chỉnh lối sống và hành vi của mình, nhằm tránh nguy cơ bị tận diệt?"&nbsp;-&nbsp;&nbsp;Trần Văn Chánh&nbsp;(Trích Thay lời tựa)</p>

<p>"Mối quan tâm sinh thái là một phương diện quan trọng trong sự phát triển của sự quan tâm xã hội và ý thức đạo đức đương đại, những người có chung sự quan tâm này đã đưa ra sự thách thức cho các truyền thống tôn giáo không giống nhau. Các nhà tư tưởng tôn giáo từng tiến hành nghiên cứu, giải thích và thay đổi lại truyền thống tôn giáo của họ, khiến cho nó càng có thể đối diện với sự thách thức của khủng, hoảng sinh thái."&nbsp;-&nbsp;Lại Phẩm Siêu</p>

<p>"Tất cả những vấn đề trên thế giới đều liên quan đến "con người", nhân loại có thể nói là kẻ tạo ra vấn đề, muốn xử lý vấn đề môi trường, phải nhờ vào sự tự giác của mỗi cá nhân. Vì lẽ đó, ngoài việc trân quý nguồn tài nguyên đất đai ra, chúng ta cần phải bảo vệ tốt môi trường thân tâm của mình, như cự tuyệt với kiến thức rác rưởi, không để tư tưởng bị ô nhiễm, ấy chính là bảo vệ môi trường tư tưởng, trong lòng không phiền muộn, đố kỵ, bất bình, giận dỗi, vv., ấy chính là bảo vệ môi trường tâm linh."&nbsp;-&nbsp;Đại Sư Tinh Vân</p>

giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non

giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non

<p>Giáo Trình Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học Giáo Dục Mầm Non</p>

<p>Lời giới thiệu</p>

<p>Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục là học phân thuộc khối kiến thức cơ sở ngành trong chương trình đào tạo giáo viên có trình độ đại học. Đối với sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non, sau khi học xong học phân này, người học sẽ đạt được các chuẩn đầu ra của học phần, cụ thể như squ: (1) Hiểu được các khái niệm cơ bản trong nghiên cứu khoa học giáo dục; (2) Biết một số phương pháp nghiên cứu thông dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục mâm non; (3) Trình bày rõ ràng các bước trong logic tiến hành một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non; (4) Có hiểu biết về cách đánh giá một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục; (5) Xây dựng được đề cương cho một đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non. Do vậy, trong việc biên soạn giáo trình, ngoài việc bao quát các khái niệm cơ bản của nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non, chúng tôi đã kết hợp phân đánh giá với các câu hỏi, thảo luận giúp sinh viên ngành Giáo dục Mầm non có hứng thú với việc tham gia các hoạt động khoa học. Đông thời, các nội dung của giáo trình cũng hướng tới việc hình thành khả năng tự rèn luyện kỹ năng nghiên cứu của người học, để từ đó người học có thể tin tưởng rằng, mình có khả nắng thực hiện các cuộc nghiên cứu khoa học độc lập trong tương lai khi đã là giáo viên mầm non.</p>

<p>Những năm qua, trong quá trình thực hiện học phần, cả giảng viên và sinh viên đã có những buổi thảo luận về các ý tưởng cho việc bổ sung ví dụ minh họa, cập nhật tài liệu trích dẫn cũng như thiết kế các câu hỏi sau mỗi chương. Việc biên soạn giáo trình lần này hướng tới việc thực hiện những ý tưởng đó, đồng thời tuân thủ các quy định về việc biên soạn giáo trình giảng dạy bậc đại học.</p>

<p>Cuốn giáo trình “Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non” này được biên soạn tương ứng với học phần 01 tín chỉ lý thuyết, trước hết dành cho sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên

nhưng chúng tôi hy vọng nó có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn sinh viên đang học tập, nghiên cứu khoa học giáo dục và những ai quan tâm tới các hoạt động khoa học trong lĩnh vực giáo dục.</p>

lưu nhất vũ - đời và nhạc

lưu nhất vũ - đời và nhạc

<p>Lưu Nhất Vũ - Đời Và Nhạc</p>

<p>Sách gồm hai phần:</p>

<p>Phần 1: Những bài ca như muối của đất</p>

<p>Phần 2: Đất phương Nam – Bài ca của những bài ca.</p>

<p>Tập sách có tính chất tổng kết những chặng đời sống và sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa được ra mắt bạn đọc trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay.</p>

<p>Bạn đọc sẽ có dịp sở hữu gần như trọn vẹn gia tài ca khúc của Lư Nhất Vũ, từ những sáng tác ban đầu vào những năm 1960: Chiều trên bản Mèo, Gửi Bến Tre, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Mùa chim trên Bảy Nú đến các ca khúc sau ngày đất nước thống nhất như: Khúc hát người đi khai hoang, Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất phương Nam, Nhớ em câu hát đưa đò và tác phẩm mới nhất sáng tác năm 2019.</p>

<p>Những áng mây chiều. Nhưng nội dung thú vị của tập sách còn ở phần tập hợp những bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng và dấn thân vào văn nghệ của nhạc sĩ từ hồi còn chiến tranh.</p>

<p>Đặc biệt là thiên phỏng vấn “dài hơi” của nhà văn Bích Ngân với cặp đôi vợ chồng Lê Giang – Lư Nhất Vũ khi hai ông bà bước vào tuổi bát tuần.</p>

<p>Từ những tâm sự không ngần ngại, bạn đọc hiểu hơn mối duyên kết nối hai người lại với nhau, những chặng đường cả hai gắn bó với dân ca các vùng miền: những chuyến đi sưu tầm điền dã, những cuộc gặp gỡ nghệ nhân dân gian, tìm kiếm chất ngọc trong lời ca tiếng hát người dân quê và từ đó những tập sách ra đời, những ca khúc được công bố, những kho tàng văn nghệ dân gian được lưu giữ cho nhiều thế hệ mai sau…</p>

bí mật của thung lũng silicon

bí mật của thung lũng silicon

<p>Bí Mật Của Thung Lũng Silicon</p>

<p>Bí mật của Thung lũng Silicon giải mã những bí ẩn của trung tâm kinh tế công nghệ cao chưa từng có trong lịch sử. Đó là nơi hợp lưu của những dòng chảy lớn: của cuộc cách mạng công nghệ transistor và chip có năng lực tàng hình ngày càng sâu vào tất cả các thiết bị dân sự và quốc phòng; của lòng đam mê công nghệ, của tuổi trẻ, của tinh thần khởi nghiệp lập thân đầy tự hào như một tiếng gọi; của giáo dục đại học kinh doanh, như suối nguồn tri thức cung cấp dồi dào tài năng trẻ; của phương thức kinh doanh mới, có tỉnh thần chia sẻ, liên kết cao nhất, cùng phát triển, sẻ chia thất bại và cùng hưởng vinh quang; của tinh thần chấp nhận rủi ro một cách rất tự nhiên như một sự vấp ngã để rồi đứng dậy khởi nghiệp tiếp; của vùng đất mà Cơn sốt vàng từng thu hút những con người mạo hiểm và có động cơ cao.</p>

<p>Ở đây, công nghệ cao hòa quyện với một tinh thần doanh nhân mới, new entrepreneurship, đã sản sinh ra một văn hóa kinh doanh mới đặc biệt chưa từng có trong sách vở. Người ta chỉ có thể nói đó là một thần kỳ.</p>

<p>Tác giả Deborah Perry Piscione là một nhân chứng, tự trải nghiệm khi chuyển từ hoạt động chính trị ở Bờ Đông về Bờ Tây để trở thành một entrepreneur thành đạt của Thung lũng. Bà kể lại với tất cả nhiệt tình và sự hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái độc đáo này.</p>

bộ loạn 12 sứ quân - tập 3: hoa lư anh hùng tụ nghĩa + tập 4: khói lửa kinh kỳ (1 cuốn)

bộ loạn 12 sứ quân - tập 3: hoa lư anh hùng tụ nghĩa + tập 4: khói lửa kinh kỳ (1 cuốn)

<p>Loạn 12 Sứ Quân - Tập 3: Hoa Lư Anh Hùng Tụ Nghĩa + Tập 4: Khói Lửa Kinh Kỳ (1 Cuốn)</p>

<p>Theo chính sử: Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của cháu gọi bằng cậu ruột là Ngô Xương Ngập. Trong triều xảy ra nhiều biến loạn, xung đột, tranh chấp làm cho chính quyền Trung ương suy yếu. Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực phong kiến nổi dậy mỗi người hùng cứ một phương tranh chấp đánh phá nhau quyết liệt nhất là từ năm 965 khi chính quyền Trung ương tan rã. Đó là loạn mười hai sứ quân.</p>

<p>Mười hai sứ quân đó là:</p>

<p>Kiều Công Hãn chiếm giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú)</p>

<p>Kiều Thuận chiếm giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê, Vĩnh Phú)</p>

<p>Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây)</p>

<p>Nguyễn Khoan chiếm giữ Tam Đái (Yên Lạc, Vĩnh Phú)</p>

<p>Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Đặng Giang (Thanh Oai, Hà Tây)</p>

<p>Lý Khuê chiếm giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Hà Bắc)</p>

<p>Nguyễn Thủ Tiệp chiếm giữ Tiên Du (Tiên Sơn, Hà Bắc)</p>

<p>Lã Đường chiếm giữ Tô Giang (Văn Lâm, Hải Hưng)</p>

<p>Nguyễn Siêu chiếm giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)</p>

<p>Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đăng Châu (Bàn Động, Hải Hưng)</p>

<p>Trần Lãm chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Vũ Tiên, Thái Bình)</p>

<p>Vua Ngô là Ngô Xương Xí cũng rút về chiếm giữ Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa).</p>

<p>Lãnh địa của mỗi sứ quân bằng khoảng một vài huyện ngày nay, các sứ quân xây thành đắp lũy thôn tính lẫn nhau gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình thống nhất của dân tộc, nền độc lập vừa mới giành được đứng trước nguy cơ hiểm nghèo. Do đó, yêu cầu sống còn của cả dân tộc là phải giữ vững khối đoàn kết toàn dân, đòi hỏi phải chấm dứt cuộc nổi loạn của mười hai sứ quân, khôi phục quốc gia thống nhất. Người anh hùng dân tộc giương cao ngọn cờ thống nhất quốc gia và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng trước lịch sử là Đinh Bộ Lĩnh.</p>

<p>Đinh Bộ Lĩnh người làng Hoa Lư, là con người thông minh cương nghị có chí lớn, lúc đầu ông liên kết và đứng dưới cờ của sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm chết, ông trở thành người cầm đầu một lực lượng vũ trang hùng mạnh, lần lượt đánh bại cái sứ quân khác. Đến năm 967, Loạn mười hai sứ quân được dập tắt, đất nước được thống nhất. Đây là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.</p>

<p>Tác giả Nguyễn Đình Tư rất tâm huyết và ấp ủ đề tài này từ lâu nên đã bỏ ra nhiều công sức khắc phục nhiều khó khăn để thực hiện hoài bão của mình. Nhưng theo tác giả, đề tài này nằm trong giai đoạn khuyết sử. Chính sử chỉ ghi lại các điểm chính còn chi tiết thì sơ sài.Nhiều câu hỏi đặt ra cho tác giả, tác giả đã vận dụng mọi khả năng có thể có được hầu góp phần giải đáp một số câu hỏi có liên quan đến giai đoạn Loạn mười hai sứ quân.</p>

<p>Loạn mười hai sứ quân xảy ra cách đây hơn một nghìn năm nên việc tái tạo hiện thực bối cảnh lịch sử qua trang viết sao cho chuẩn xác phù hợp, kể cả việc sử dụng ngôn từ là rất khó khăn, do đó không tránh khỏi hạn chế ở mặt này, mặt kia. Nhà xuất bản và tác giả mong đươc sự lượng thứ và góp ý của rộng rãi bạn đọc.</p>

con gái của chim phượng hoàng

con gái của chim phượng hoàng

<p>Con Gái Của Chim Phượng Hoàng</p>

<p>"Con gái của chim Phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi"&nbsp;của Isabelle Müller kể lại câu chuyện về một người phụ nữ xuất chúng, người phụ nữ có dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản, người không cho phép bản thân bị bất hạnh lấn át, đã vươn lên làm chủ cuộc đời mình và cuối cùng - bất chấp mọi ràng buộc của số phận – trở thành một doanh nhân thành đạt ở Đức.</p>

<p>Với phương châm sống đầy thách thức&nbsp;"Từ mỗi hòn đá họ ném xuống trước chân chúng ta, chúng ta sẽ xây nên một con đường", có thể trong những hoàn cảnh mà người khác sẽ gục ngã, thì Isabelle đã không bỏ cuộc. Bà là con út của một người mẹ Việt Nam và một người bố Pháp, lớn lên ở một làng quê Pháp nghèo khó, tù túng. Tuy có một người bố tàn bạo và môi trường sống mang nặng tinh thần phân biệt, nhưng Isabelle đã được thừa hưởng nghị lực sống và dũng khí hướng về tương lai từ người mẹ Việt Nam của mình.</p>

<p>Câu chuyện của Isabelle Müller không chỉ nói về việc tìm kiếm hạnh phúc mà còn về con đường để tìm thấy nó. Đó là việc biến bất hạnh thành hạnh phúc, là học cách biến vòng xoáy tiêu cực thành vòng xoáy tích cực. Cho dù bà&nbsp;"chắc chắn đã trải qua những điều tồi tệ, bao gồm lạm dụng tình dục, khủng bố tâm lý, kiệt sức, bị loại trừ, phân biệt đối xử, nghèo đói, phản bội", nhưng đổi lại, bà luôn tự nhủ:&nbsp;"Tôi cũng đã trải qua tình yêu đích thực, sự ấm áp, tình cảm, sự động viên, sẵn sàng giúp đỡ, sự đồng cảm, tình bạn, may mắn và hạnh phúc. Và tôi được phép sống khỏe mạnh ở đây trên trái đất và tận hưởng cuộc sống này."&nbsp;Có thể thấy, dù đã trải qua những năm tháng tồi tệ nhất, bị chính người thân của mình lạm dụng tình dục, phải chịu đựng, phải câm nín, không thể nói với một ai, sống trong nỗi tuyệt vọng nhiều năm trờ đó là nỗi đau tột cùng mà Isabelle phải gánh chịu; thế nhưng cô đã không đầu hàng nghịch cảnh, cố gắng vươn lên và truyền cảm hứng cho mọi người. Tác giả khuyến khích các nạn nhân của bạo lực tình dục phá vỡ sự im lặng của họ để phá vỡ sức mạnh của thủ phạm. Trong ba năm rưỡi, Isabelle Müller đã diễn thuyết 150 lần ở 8 tiểu bang liên bang trước khán giả, là khách mời trên tivi và đài phát thanh, và được mời đến Tổng thống Liên bang vì cam kết của cô.</p>

<p>Câu chuyện về cuộc đời của Isabelle Müller mang đến cho người đọc nhiều sức mạnh, hy vọng, nghị lực sống tích cực và dũng khí cho tất cả mọi người, đặc biệt là những cô gái từng bị lạm dụng tình dục, bị phân biệt đối xử. Nó sẽ khuyến khích mọi người đặt câu hỏi nhiều lần về những điều trong cuộc sống và bản thân để chinh phục nỗi sợ hãi của chính mình, tin vào những giấc mơ của một người, đặc biệt là khi chúng được cho là không thể tiếp cận được với người khác, phát triển sự tự tin của bản thân. Và dù rằng trải qua bao biến cố, khổ nạn, nhưng Isabelle vẫn lạc quan, tích cực với những gì cô đã và đang xây dựng được, "Với sự tức giận và lòng hận thù ta phá bỏ mọi thứ, nhưng với đức kiên nhẫn và tình yêu ta có thể xây dựng một ngôi đền từ hư vô." Điều này cũng ngụ ý đến sự tha thứ. Sức mạnh của sự tha thứ có thể làm nên những điều kỳ diệu, "thái độ sống làm nên tất cả". Nỗi đau có thể là vĩnh hằng, là vết sẹo hằn sâu trong tim, nhưng sự tha thứ lại là quyết định giải thoát, cứu rỗi cho cả ta và người.</p>

về thu xếp lại (2022)

về thu xếp lại (2022)

<p>Về Thu Xếp Lại (2022)</p>

<p>Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả.</p>

<p>Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi… Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi! Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ, “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (NCT), nhưng cũng là tuổi có thể lại vướng víu, đa đoan nhiều nỗi, để một hôm ngậm ngùi. Ta là ai mà còn khi giấu lệ/Ta là ai mà còn trần gian thế? (TCS).</p>

<p>Nhớ hồi ở tuổi 55, mới hườm hườm, tôi ngẫm ngợi, ngắm nghía mình rồi lẩn thẩn viết “Gió heo may đã về”. Đến 60 thì viết “Già ơi… chào bạn!” như một reo vui, đến 75 còn… ráng viết “Già sao cho sướng?… để sẻ chia cùng bè bạn đồng bệnh tương lân.</p>

<p>Nhưng 80 thì thôi vậy. Đã đến lúc phải “Về thu xếp lại”…, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”… rồi đó thôi.</p>

<p>Khi viết Gió heo may đã về, tôi cảm xúc từ nhạc Trịnh, nên đã mượn những ca từ của anh làm tiêu đề cho mỗi chương sách. Trong Lời bạt cho cuốn sách này, Trịnh Công Sơn viết:“… Bạc đầu có phải đã chớm già không ”Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc… Tôi nghĩ rằng, không có già, không có trẻ, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là vô lễ”.</p>

<p>Thế rồi, đến một hôm kia, anh đã lại viết: “Về thu xếp lại…”“Ôi phù du/từng tuổi xuân đã già/một ngày kia đến bờ/Đời người như gió qua… ”Tôi nhớ mãi lần đến thăm anh ở phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy năm đó, trông anh như một tàu lá chuối khô, dán sát giường bệnh, tôi bỗng ngộ, những câu chữ anh viết trong ca khúc thì ra đã đến từ một cõi nào khác, xa xôi, một “mặc khải”, một “phó chúc” nào đó, chớ không phải từ tấm thân tứ đại ngũ uẩn mong manh này. Cho nên khi viết những dòng này, hôm nay, tôi lại nhớ người bạn nhạc sĩ họ Trịnh và lại mượn những ca từ của anh như một đề dẫn…Những dòng viết này góp nhặt từ những trang nhật ký rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi kia, chỉ để sẻ chia cùng bè bạn thân thiết, những bè bạn cùng trang lứa, cùng tâm trạng. Rất riêng tư, và rất chủ quan… (Đỗ Hồng Ngọc).</p>

nhật ký cô giáo - học kỳ thu

nhật ký cô giáo - học kỳ thu

<p>Bộ ba tập&nbsp;Nhật ký cô giáo Học kỳ Xuân - Học kỳ Hè – Học kỳ Thu&nbsp;là ghi chép hàng ngày theo đúng nghĩa đen của từ này. Tập tản văn là một thực tiễn giáo dục, đơn thuần mô tả chân thực đời sống của nữ giảng viên làm công ăn lương ở một trường đại học trong thành phố Hồ Chí Minh. Giảng viên đại học cũng như bao nghề khác, có đầy rẫy thử thách làm cho cô giáo không ít lần lao đao, khóc lên khóc xuống để giữ thẻ màu giảng viên.</p>

<p>Vẫn giữ lối kể chuyện nhẹ nhàng hài hước, "Nhật ký cô giáo – Học kỳ Thu" có nhiều đối thoại nhẹ nhàng, mô tả nhân vật kĩ hơn hai tập trước. Trong&nbsp;Nhật ký Cô giáo – Học kỳ Thu&nbsp;vẫn là chân dung cô giáo đại học bận rộn bài vở nhưng đã thành thạo công việc hơn cô giáo ở hai học kỳ trước. Cô giáo qua mấy học kỳ đã biết chấp nhận học trò, bình tĩnh hơn trong đối thoại và xử lý dứt khoát 101 tình huống sư phạm chỉ khi thực chiến mới thấy. Cô vẫn tỉ mỉ khi quan sát xung quanh, mọi cuộc gặp gỡ trong trường hay ngoài trường dù ngắn ngủi một vài phút cũng đủ cho cô giáo học hỏi từ các tiền bối, hậu bối.</p>

<p>Cô giáo hiện lên là một nhân vật lạc quan, yêu nghề, tin người, có khả năng nhìn xấu thành đẹp, nhìn quen thành lạ. Cô giáo vẫn nhạy cảm với mọi thứ xảy ra quanh mình nhưng đã cứng rắn hơn trong cách xử lý. Nhờ đó những chuyện tưởng như bực mình trong học quán lại trở nên đáng yêu, mang đậm cảm xúc đặc thù của học quán thanh xuân này. Mỗi ngày cô đi làm đều có niềm vui.&nbsp;</p>

<p>Tập&nbsp;Nhật ký Cô giáo – Học kỳ Thu&nbsp;hé lộ nội dung nhiều tiết học trong lớp của cô giáo, đề bài là gì, hoạt động của sinh viên, thể hiện quan điểm giáo dục thực tiễn của cô giáo: không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn hướng đến xây dựng con người hạnh phúc trong cuộc đời dài.</p>

bộ rong chơi miền chữ nghĩa - tập 5

bộ rong chơi miền chữ nghĩa - tập 5

<p>Từ nhiều năm nay, bạn đọc khắp nơi đã biết đến và ái mộ học giả An chi qua các bài viết của ông được đăng tải trên báo chí. những bài viết này phần nhiều thuộc lĩnh vực từ nguyên học, tập trung vào việc truy tìm và giải thích những thay đổi về ngữ âm và ngữ nghĩa của các từ, các địa danh tiếng việt. Đây quả thật là một công việc khó, đòi hỏi không chỉ vốn kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực ngôn ngữ mà còn cần đến vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa và nhiều khi cả sự từng trải của bản thân người nghiên cứu.</p>

<p>Cũng chính bởi sự khó khăn, phức tạp đó mà mỗi khi một kiến giải được học giả An chi đưa ra thường nhận được nhiều ý kiến phản hồi. có ý kiến đồng tình, có ý kiến còn nghi ngại và cả những ý kiến phản đối, thậm chí có cả những “va chạm”. có nhiều kiến giải được trao đổi qua lại nhiều lần trên báo chí và cả trên mạng hơn một lần học giả An chi đã chủ động tuyên bố phoọc-phe (bỏ cuộc) để chấm dứt những tranh luận mà ông cho là “vô ích” - tất nhiên là sau khi ông đã trả lời cặn kẽ bạn đọc và người phản đối kiến giải của ông, nhưng vì độc giả thấy chưa “đã”, tiếp tục phản hồi nên ông vẫn đăng đàn trả lời, tạo nên những bài viết “hậu phoọc-phe” thú vị. cũng có lần ông công khai thừa nhậnmột phần kiến giải của mình có chỗ còn lầm lẫn. Điều đó thể hiện một thái độ tranh luận thẳng thắn, cởi mở, khoa học, sẵn sàng đi đến cùng của sự việc.</p>

<p>Mỗi kiến giải của học giả An chi đều xuất phát từ sự nghiên cứu, đối sánh nghiêm cẩn; được trình bày khúc chiết, khoa học, “nói có sách, mách có chứng”, với một phong cách “rất An chi”– thẳng thắn, không khoan nhượng, giàu cảm xúc… Điều này thực sự hấp dẫn người đọc. những kiến giải của ông không chỉ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc, sự biến đổi của nhiều từ ngữ trong văn chương, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày; mà còn đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa nước nhà, ví như khi ông bàn về chữ “cồ” trong quốc hiệu “Đại cồ việt”, về bốn chữ “Bùi thị hý bút” trên di vật gốm chu Đậu… chính giá trị và sức hấp dẫn trong các bài viết của học giả An chi đã thôi thúc chúng tôi xuất bản bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa với ba tập dày dặn, tập hợp những bài viết của ông đăng trên các báo: Đương thời, Người đô thị, An ninh thế giới, Năng lượng mới. hy vọng rằng mỗi bài viết trong bộ sách này sẽ đưa quý độc giả vào một cuộc rong chơi thú vị và say mê, rong chơi để thêm hiểu, thêm yêu tiếng việt và cùng nhau gìn giữsự trong sáng của tiếng nước mình.</p>

cuộc chiến tranh công nghệ cao ở hàng rào điện tử mcnamara (1966 - 1972)

cuộc chiến tranh công nghệ cao ở hàng rào điện tử mcnamara (1966 - 1972)

<p>Cuộc Chiến Tranh Công Nghệ Cao Ở Hàng Rào Điện Tử McNamara (1966 - 1972)</p>

<p>Lần đầu tiên trong chiến tranh ở Việt Nam và cũng là trong lịch sử chiến tranh thế giới, Mỹ triển khai cuộc chiến tranh công nghệ cao, kết hợp giữa các lực lượng trên bộ (được trang bị những vũ khí hiện đại nhất cho đến thời điểm đó) với tác chiến điện tử và thông tin dưới sự chi viện tối đa của hỏa lực tối tân trên không, trên biển.</p>

<p>Hàng rào điện tử McNamara trở thành biểu trưng của sức mạnh Mỹ, thể hiện quyết tâm ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á. Đối với ta, Hàng rào điện tử McNamara là nơi thử thách bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, nơi thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ để thống nhất đất nước của dân tộc. Kết quả của cuộc đụng đầu tại đây, do đó có ảnh hưởng quyết định đến cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.</p>

<p>Trong cuộc đối đầu đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã giành được thắng lợi trước sức mạnh khổng lồ và những thành tựu khoa học quân sự mới nhất của siêu cường Mỹ, khi toàn bộ chương trình ngăn chặn này bị vô hiệu hóa. Đó chính là “một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc."</p>

nhà báo nhật bản takano isao - nhân chứng quả cảm

nhà báo nhật bản takano isao - nhân chứng quả cảm

<p>Nhà Báo Nhật Bản Takano Isao - Nhân Chứng Quả Cảm</p>

<p>Ngày 7 tháng 3 năm 1979, nhà báo Nhật Bản Takano Isao đã ngã xuống trên mảnh đất Lạng Sơn, do đạn của quân xâm lược Trung Quốc. Anh là nhà báo nước ngoài duy nhất hy sinh trong cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979. Cái chết của Takano đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người dân Việt Nam và loài người tiến bộ trên thế giới. Có rất nhiều bài báo, bài thơ, bài hát, bộ phim viết về anh, lấy anh làm nguồn cảm hứng, trong đó, nổi tiếng nhất là bài Takano - Nhân chứng quả cảm của nhạc sĩ Phó Đức Phương:</p>

<p>“Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ

Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói

Tấm lòng anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở...”</p>

<p>Năm 2003, khi viết tham luận Dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản, Đoàn Lê Giang đã giới thiệu Takano Isao với tư cách là dịch giả của văn học Việt Nam. Mười lăm năm sau, khi dịch thiên phóng sự của nhà báo Nakamura Goro viết về những giờ phút cuối cùng trước lúc hy sinh của nhà báo Takano Isao anh hùng để đăng trên báo Tuổi trẻ, Nguyễn Đỗ An Nhiên cũng tình cờ đọc được bài tham luận trên. Năm 2019, đúng bốn mươi năm ngày Takano hy sinh, các bạn bè của anh, đứng đầu là phóng viên Nakamura Goro đã thực hiện chuyến đi tưởng niệm anh, thăm lại nơi anh ngã xuống, đồng thời tổ chức nói chuyện và trưng bày hình ảnh di vật về anh ở hai trường: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà báo Goro chính là người đã cùng Takano lên Lạng Sơn vào ngày 7 tháng 3, và là người đã may mắn sống sót trong buổi chiều định mệnh ấy. Sau đợt tưởng niệm, chúng tôi (Đoàn Lê Giang và Nguyễn Đỗ An Nhiên) quyết định cùng nhau thực hiện cuốn sách về Takano Isao, để ghi nhớ về nhà báo anh hùng, dịch giả văn học Việt Nam, một người đã sống và chết vì tình yêu với Việt Nam. Chúng tôi vừa biên soạn, vừa dịch các tài liệu tiếng Nhật viết về Takano. Sách gồm ba phần:</p>

<p>Phần I: Takano Isao - Nhà báo anh hùng.</p>

<p>Phần này có 3 mục. Mục I giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Takano, đặc biệt đi sâu thuật lại cái chết anh hùng của anh. Mục II sưu tầm những tin bài về cái chết và tang lễ Takano. Mục III là hình ảnh về cuộc đời Takano, từ thuở nhỏ đến khi đi học ở Hà Nội, có gia đình cho đến trước lúc hy sinh. Phần này chủ yếu do Đoàn Lê Giang thực hiện.</p>

<p>Phần II: Takano Isao - Nhật ký chiến trường và dịch văn học Việt Nam.</p>

<p>Phần này có 2 mục. Mục I trích dịch cuốn Ngày 7 tháng 3 ở Lạng Sơn, cuốn sách sưu tập các bài báo của Takano, thư từ của Takano gửi cho cha mẹ, vợ con. Những văn bản ấy vừa cho thấy công việc vừa cho thấy đời sống tình cảm riêng của Takano, có thể coi đó như một loại nhật ký chiến trường. Phần sau của cuốn Ngày 7 tháng 3 ở Lạng Sơn còn có thư từ của vợ và bố của Takano Isao, đặc biệt là phóng sự Cùng phóng viên Takano Isao - Lạng Sơn, ngày 7 tháng 3 của Nakamura Goro, nhà báo, bạn thân của Takano. Mục II của phần này giới thiệu lời bạt của Takano Isao khi dịch hai tác phẩm văn học Việt Nam là Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng. Phần này chủ yếu do Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch.</p>

<p>Phần III: Takano Isao trong lòng gia đình và bè bạn.</p>

<p>Phần này có 3 mục. Mục I dịch chương nói về Michiko, vợ của Takano Isao trong sách Chồng tôi không trở về - 30 năm của những người vợ phóng viên đã mất trong chiến tranh Việt Nam do Tonoshima Miki thực hiện. Chương này nói về cuộc đời của Michiko, tình yêu và cuộc sống của cô với Takano, những đau đớn của cô khi nghe tin chồng hy sinh ở Việt Nam, tang lễ và những tháng năm cuộc đời sau khi chồng mất đi. Mục II sưu tập bài viết của nhà báo nổi tiếng Ishikawa Bunyo về Takano; thơ, nhạc, phim Việt Nam ngợi ca Takano Isao. Mục III là tin bài, hình ảnh về hoạt động tưởng niệm 40 năm ngày Takano Isao hy sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn và Hà Nội tháng 3 năm 2019. Phần này do Nguyễn Đỗ An Nhiên và Đoàn Lê Giang cùng thực hiện.</p>

<p>Tập sách này hoàn thành, chúng tôi gửi lời cảm ơn nhà báo Nakamura Gogo đã khuyến khích, cho sử dụng tài liệu một cách vô tư. Cảm ơn các tác giả hai tập sách Ngày 7 tháng 3 ở Lạng Sơn và Chồng tôi không trở về đã cho phép chúng tôi dịch một phần các tập sách này. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn bà Michiko và gia đình đã cho phép sử dụng các tài liệu trong hai cuốn sách trên. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo có bài sưu tập trong sách này. Tiếc rằng chúng tôi không biết địa chỉ để có thể cảm ơn từng người. Tất cả chúng ta đều làm vì tình cảm yêu quý và biết ơn đối với Takano Isao. Cuối cùng xin cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã biên tập, xuất bản để tập sách này đến tay độc giả.</p>

bộ văn học dân gian bến tre - tập 1

bộ văn học dân gian bến tre - tập 1

<p>Văn Học Dân Gian Bến Tre</p>

<p>“Nhằm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận lấy sứ mệnh, sưu tầm, gìn giữ và công bố phần di sản quý giá này của dân tộc. Đồng thời, trên cơ sở tài liệu thu thập được, chúng tôi còn tiếp tục nghiên cứu và giáo dục sâu rộng cho sinh viên những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại qua những câu ca, điệu hát, qua những câu chuyện kể lịch sử, những bài vè, những câu tục ngữ, thành ngữ…</p>

<p>Kể từ năm 1999 đến nay, Khoa Văn học đã liên tục thực hiện các đợt sưu tầm điền dã mỗi năm mỗi đợt từ hai đến ba tuần, mỗi tỉnh từ hai đến ba đợt, gồm các tỉnh thuộc hai vùng văn hóa Nam Bộ và Tây Nguyên.</p>

<p>Bến Tre cũng là một trong những tỉnh trọng điểm của miền Tây Nam Bộ nằm trong kế hoạch sưu tầm và lưu giữ văn học dân gian Nam Bộ của chúng tôi. Do vậy trong hai năm liên tiếp là 2009 và 2010, mỗi năm chúng tôi triển khai một đợt thực tập về tỉnh Bến Tre với phương án chia nhỏ nhóm sinh viên, chia nhỏ địa bàn cho tiện đi lại và sưu tầm được hiệu quả, đa dạng, phong phú.</p>

<p>Qua hai đợt sưu tầm điền dã tại 35 xã và thị trấn của tỉnh Bến Tre, tổng cộng đơn vị tác phẩm văn học dân gian mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến gần 15 ngàn đơn vị, số cộng tác viên nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh là 2.656 người. Trong đó, dồi dào nhất phải kể đến loại hình trữ tình dân gian bao gồm các thể loại như ca dao, đồng dao, hò, lý, hát ru; loại hình lời ăn tiếng nói dân gian bao gồm tục ngữ và câu đố chiếm số lượng nhiều thứ hai và tương đương là loại hình tự sự dân gian bao gồm các thể loại truyện kể như truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, số còn lại là vè, thơ ca kháng chiến, truyện đố, truyện thơ, đờn ca tài tử…</p>

<p>Sau khi lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý toàn bộ văn bản tác phẩm thô được sưu tầ trong hai đợt, chúng tôi giữ lại được văn bản tác phẩm của các thể loại câu đố, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, truyện ngụ ngô, ca dao và vè. Ở mỗi thể loại, trước khi trình bày phần tác phẩm sưu tầm đã được chỉnh lý, chúng tôi có giới thiệu đôi nét về diện mạo chung của nội dung và số lượng đơn vị tác phẩm trong từng tiểu loại hoặc đề tài của thể loại đó. Cuối phần tác phẩm sưu tầm của mỗi thể loại, chúng tôi đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho chúng tôi những tác phẩm trên.”</p>

nguyễn hiến lê cuộc đời và tác phẩm

nguyễn hiến lê cuộc đời và tác phẩm

<p>Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời Và Tác Phẩm</p>

<p>Tác phẩm viết về ông Nguyễn Hiến Lê, tự nó cũng có nhiều điểm đáng nói. Có lẽ từ trước đến nay ở xứ ta chưa bao giờ người ta viết về một tác giả đương còn sống một cách đầy đủ, tường tận đến thế. Bộ sách của ông Châu Hải Kỳ gồm cả hai phần, thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hiến Lê, in ra có thể được ba bốn trăm trang. Đối với các danh gia các thời trước, trong lịch sử văn học nước ta, hình như cũng chưa có bộ truyện ký nào dày hơn. Nhưng ông Châu Hải Kỳ không phải chỉ viết nhiều. Ông còn viết kỹ. Trước khi viết về Nguyễn Hiến Lê, ông Châu chưa quen biết ông Nguyễn. Kẻ Nam người Trung, chưa biết người, chưa biết về quê nhau; chỉ bằng vào sự tìm hiểu qua các tác phẩm của ông Nguyễn mà ông Châu Hải Kỳ có thể giới thiệu với chúng ta những nét thật linh động về quê quán, về cảnh nhà, về những người thân của ông Nguyễn, như các cụ thân phụ, thân mẫu, như bà ngoại của ông Nguyễn v.v...</p>

<p>Tác phẩm của ông Nguyễn Hiến Lê tới nay đã được một trăm nhan đề. Phải đọc kỹ ít nhất là một nửa số đó, và đọc phớt qua một nửa kia, rồi mới có thể viết về ông được. Nội công việc đó cũng đủ tốn công lắm rồi. Đọc xong, ghi chú xong, ông Châu Hải Kỳ bỏ ra hai năm nữa để viết, viết tận lực. Ngoài giờ dạy học, rảnh lúc nào là viết lúc đó. Có lần ông đau trong một tháng, mất bảy ký lô, vừa mới hơi bình phục, lấy lại được hai ký lô, ông đã vội viết tiếp - nếu không thì công việc ám ảnh ông hoài, ông không yên được - và ông đã xin bớt giờ dạy học để viết, có khi viết từ 5 giờ tới 11 giờ khuya, và rốt cuộc ông đã hoàn thành tác phẩm đúng thời gian ông đã định (trước Tết vừa rồi).</p>

<p>Nghị lực, sức kiên nhẫn của ông thực đáng phục.</p>

<p>Không phải ông Châu Hải Kỳ viết được kỹ chỉ vì có công, mà còn vì ông thực lòng mến mộ ông Nguyễn, lại còn vì ông rất tinh tế.</p>

<p>Thật vậy, có những tác phẩm về ngữ pháp Việt Nam, về triết học Trung Quốc, ông Nguyễn hợp soạn với các nhà văn khác (ông Trương Văn Chình, ông Giản Chi v.v...); đọc những tác phẩm ấy ông Châu Hải Kỳ đôi chỗ đã tế nhị nhận được đâu là phần góp công của ông Nguyễn. Nếu không thực lòng yêu tác giả, hoặc nếu chỉ yêu mà không tinh thì đâu có thể làm được như thế?</p>

<p>Mặt khác, ông Châu Hải Kỳ có lẽ cũng là người đầu tiên nêu lên cái đặc tài viết Tựa của ông Nguyễn. Và điều ấy đúng.</p>

<p>Còn nhớ khi cuốn Quê hương của Ngu Í được xuất bản với cái tựa của Nguyễn Hiến Lê, anh em ở tòa soạn Bách Khoa đã một phen ngạc nhiên. Anh Ngu Í? Thì anh vẫn gặp chúng tôi hàng ngày, vẫn nói với chúng tôi đại khái những điều đã nói với ông Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Quê hương? Thì anh cũng đã đưa bản thảo cho chúng tôi xem như đã đưa cho ông Nguyễn. Tuy vậy, trước khi cuốn sách xuất bản, không một ai trong chúng tôi ngờ đến những điều lý thú mà ông Nguyễn đã viết ra trong bài Tựa tác phẩm độc đáo nọ, một bài Tựa thật khéo léo tài tình.</p>

<p>Đưa ra cái ý kiến một tuyển tập các bài Tựa của ông Nguyễn Hiến Lê, ông Châu đã tỏ ra là một tri kỷ của ông Nguyễn.</p>

<p>(Trích Thay Lời Tựa&nbsp;"Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời Và Sự Nghiệp")</p>

đời thường các nhân vật nổi tiếng trên thế giới

đời thường các nhân vật nổi tiếng trên thế giới

<p>Đời Thường Các Nhân Vật Nổi Tiếng Trên Thế Giới</p>

<p>Thưa quý độc giả,</p>

<p>Biên soạn quyển sách về một số nhân vật được nhiều người biết trong lịch sử cận và hiện đại, người viết không có tham vọng trình bày các sự kiện một cách cặn kẽ và có lớp lang như trong một quyển sử biên niên, mà chỉ nhằm kể lại một vài nét nổi bật trong cuộc sống của mỗi người, những hoàn cảnh đưa đẩy, những khúc quanh định mệnh mang lại cho họ vinh quang ; chất ngất hay tủi nhục ê chề.</p>

<p>Họ gồm nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ những vương tôn công tử, những nhà khoa học nổi tiếng, đến những ca sĩ, diễn viên điện ảnh từng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng, đặc biệt là những người thưởng ngoạn nghệ thuật.</p>

<p>Mỗi cuộc đời là một câu chuyện khác biệt, mang lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ người nữ ca sĩ da đen chạy trốn nạn kỳ thị chủng tộc trên chính quê hương mình (Mỹ), trôi dạt trên xứ người, cuối đời được cả nước Pháp vinh danh (Josephine Baker), đến người diễn viên điện ảnh chỉ mới tham gia diễn xuất mấy bộ phim qua đời ở tuổi rất trẻ, song vầng hào quang để lại đã biến anh trở thành thần tượng của cả một thế hệ (James Dean); từ bà hoàng trẻ đẹp đã phải nuốt nước mắt rời bỏ cung vàng điện ngọc chỉ vì không sinh được cho hoàng tộc một mụn con (Soraya) đến cuộc tình nghiệt ngã của người nữ bác học đã ít nhất hai lần nhận được những giải thưởng cao quý nhất (Marie Curie)...</p>

<p>Cách của họ đối diện với nghịch cảnh hay sự hy sinh của họ cho hạnh phúc của cộng đồng xã hội là những bài học có giá trị lâu dài, giúp người đọc rút tỉa được những kinh nghiệm sống cho bản thân mình.</p>

<p>Phần lớn nội dung quyển sách dựa vào những nguồn tư liệu nước ngoài (bao gồm văn bản và hình ảnh), chủ yếu là sách báo phát hành tại Pháp và Mỹ từ thập niên 1990 trở về sau, như Point de Vue, Marie Claire, Le Figaro Magazine, Paris Match, Madame Figaro, Vogue, Reader’s Digest, Life ... Đó thường là những bài viết về một số khía cạnh trong ; đời sống của mỗi nhân vật, hầu như chưa có mấy tài liệu khảo cứu thấu đáo về họ, nên sự khác biệt về tiểu tiết giữa các nguồn tư liệu khác nhau là điều khó tránh. Song những khác biệt đó không làm thay đổi bản chất của câu chuyện về mỗi cuộc đời riêng. Hy vọng quý độc giả sẵn lòng góp ý, giúp chúng tôi tham khảo thêm tư liệu và hoàn thiện hơn trong các lần xuất bản sau.</p>

<p>Sau cùng, tác giả trân trọng cảm ơn Ban giám đốc, Ban biên tập và các cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình góp ý và hỗ trợ người viết để tập sách này đến được với người đọc trong những điều kiện tốt nhất.</p>

<p>Trân trọng

Lê Nguyễn</p>

<p>Trích dẫn sách&nbsp;Đời Thường Các Nhân Vật Nổi Tiếng Trên Thế Giới</p>

<p>Thế rồi một hôm Tonio chuẩn bị ra chiến trường, ông nói với Consuelo:</p>

<p>- Em đừng khóc nữa. Đừng nhìn vào đôi mắt anh, anh đang khóc vì vui sướng sắp được thi hành nhiệm vụ, cũng như vì nỗi đớn đau khi nhìn thấy nước mắt của em. Hãy đưa cho anh chiếc khăn tay của em để anh viết lên đó phần tiếp theo của tác phẩm Ông hoàng nhỏ. Em sẽ không bao giờ là một đóa hoa hồng có nhiều gai mà là nàng công chúa trong mơ đang đợi chàng hoàng tử trở về.</p>

<p>Và chỉ mấy tuần lễ sau ngày Tonio mất tích, Consuelo nhận được thư ông qua đường bưu chính với nội dung như một lời cầu nguyện cuối cùng.</p>

<p>Một ngày nọ, trên đường phố Paris, tại một hiệu bán sách cũ, Consuelo đã bật khóc nức nở khi tình cờ nhìn thấy ấn bản đầu tiên của tác phẩm Ông hoàng nhỏ mà Saint-Exupéry tức Tonio yêu quý, đã viết để tặng bà.</p>

<p>Bà mất ngày 28.5.1979 sau khi vẽ lại bức ảnh mà nhà văn đã chụp bà sau đêm ân ái, bởi vì bức ảnh chính đã nằm trong ngực áo của ông khi ông mất tích cùng chiếc máy bay của mình rồi.</p>

<p>(Cuộc tình đẹp của nhà văn Saint-Exupery)</p>

tôi học phật

tôi học phật

<p>Tôi Học Phật</p>

<p>Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…</p>

<p>Vào tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một tệp bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang, Như không thôi đi được!… chủ yếu là một dịp để giúp “Nhìn lại mình”… Tôi cũng mong gom góp, tập hợp được một số bài viết, một số quyển sách nhỏ những lời biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tệp để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!</p>

<p>Duyên may lại đến.</p>

<p>Cách đây mấy năm, một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 3 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày cả ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn gọi thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.</p>

<p>Hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.</p>

<p>Rồi hãy nghe 5 Hiền “giải trình”:</p>

<p>Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.

Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật.</p>

cẩm nang phòng trị ung thư (tái bản 2023)

cẩm nang phòng trị ung thư (tái bản 2023)

<p>Cẩm Nang Phòng Trị Ung Thư</p>

<p>Cứ nghĩ bị ung thư là trời kêu ai nấy dạ. Buông xuôi tay chạy thầy chạy thuốc dân gian đến lúc bệnh trổ nhiều thì các cách điều trị chuẩn cũng không còn hiệu quả nhiều.</p>

<p>Phòng tránh được mà

Đừng đổ trời kêu ai nấy dạ. Hầu hết các ung thư là do những gì con người hít thở, ăn uống, cọ xát hoặc phơi trải. Tránh xa khói thuốc lá, đừng uống rượu quá đà. Ăn đúng ăn lành, nhiều rau quả tươi, không quá mặn, quá ngọt, quá béo, quá cháy. Thể dục đều, giữ cân tốt. Ngăn ngừa bệnh nhiễm... Để bệnh nhập vào là bụng làm dạ chịu.</p>

<p>Biết bệnh sớm dễ trị lành

Khám sức khỏe định kỳ rà tìm khi bệnh còn im lìm. Lưu tâm các triệu chứng báo động. Các thầy thuốc như có được mắt thần. Các ống soi mềm vào mọi ngõ ngách trong phổi, dạ dày, ruột, bọng đái... Đầu dò siêu âm thăm khắp thân người. Các máy CT, MRI, PET thấy rõ các nội tạng, xương và não. Chẩn đoán phân tử chộp đúng các xáo trộn gen.

Đã có nhiều cách khống chế ung thư. Các thầy thuốc phối hợp nhuần nhuyễn: lưỡi dao mổ bứng trọn khối bướu, chùm tia phóng xạ nhắm trúng ung thư né được mô lành, nhiều thuốc đặc trị tìm diệt đúng các tế bào ác tính rải rác, liệu pháp trúng đích điều chỉnh các gen rạn vỡ. Thật nhiều tiến bộ. Phải biết: “Ung thư biết sớm trị lành. Nếu mà để trễ dễ thành nan y”.

Nhiều bạn đọc thôi thúc: “Thời buổi bận bịu lắm, bác sĩ viết sách gọn gọn đi”. Quyển sách mỏng này mong đáp lại sự trông đợi và thương mến của bà con.

Chân thành cảm tạ Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để tác phẩm được ra mắt bạn đọc.

Mong bạn đọc quý mến chỉ giúp những sơ sót.</p>

<p>Ngày 18 tháng 3 năm 2014</p>

<p>NGUYỄN CHẤN HÙNG</p>

bộ gia định - sài gòn - thành phố hồ chí minh: dặm dài lịch sử (1698-2020) - tập 1: 1698-1945 - bìa cứng (tái bản 2023)

bộ gia định - sài gòn - thành phố hồ chí minh: dặm dài lịch sử (1698-2020) - tập 1: 1698-1945 - bìa cứng (tái bản 2023)

<p>Gia Định - Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh: Dặm Dài Lịch Sử (1698-2020) - Tập 1: 1698-1945 - Bìa Cứng</p>

<p>"Lâu nay đã có nhiều người viết về thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng mỗi người chỉ viết về một vấn đề, một mảng của Thành phố, chưa có tác phẩm nào viết bao quát toàn diện các khía cạnh, các lĩnh vực hoạt động của Thành phố. Ngay như bộ sách Địa chỉ văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ nói một cách đại cương về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo, mà không nói đến các lĩnh vực khác. Nay với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giao fin ngưỡng, thể dục thể thao, v.v... của từng thời kỳ. Tóm lại tác phẩm này vi như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, can bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn fim kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa".</p>

<p>- Trích Lời nói đầu</p>

bộ gia định - sài gòn - thành phố hồ chí minh: dặm dài lịch sử (1698-2020) - tập 2: 1945-2020 - bìa cứng (tái bản 2023)

bộ gia định - sài gòn - thành phố hồ chí minh: dặm dài lịch sử (1698-2020) - tập 2: 1945-2020 - bìa cứng (tái bản 2023)

<p>Gia Định - Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh: Dặm Dài Lịch Sử (1698-2020) -Tập 2: 1945-2020 - Bìa Cứng</p>

<p>"Lâu nay đã có nhiều người viết về thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng mỗi người chỉ viết về một vấn đề, một mảng của Thành phố, chưa có tác phẩm nào viết bao quát toàn diện các khía cạnh, các lĩnh vực hoạt động của Thành phố. Ngay như bộ sách Địa chỉ văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ nói một cách đại cương về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo, mà không nói đến các lĩnh vực khác. Nay với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giao fin ngưỡng, thể dục thể thao, v.v... của từng thời kỳ. Tóm lại tác phẩm này vi như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, can bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn fim kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa".</p>

<p>-Trích Lời nói đầu-</p>

bộ bổn cũ soạn lại 3 - những bài học thuộc lòng - tân quốc văn giáo khoa thư

bộ bổn cũ soạn lại 3 - những bài học thuộc lòng - tân quốc văn giáo khoa thư

<p>Bổn Cũ Soạn Lại 3 - Những Bài Học Thuộc Lòng - Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư</p>

<p>Cuốn sách là một tuyển tập nhỏ gồm 263 bài học thuộc lòng làm theo thể thơ được sưu tập rải rác từ trong những sách giáo khoa Quốc văn bậc tiểu học cũ của miền Nam thời trước, trong khoảng những năm 1955 - 1975.</p>

<p>Bài học thuộc lòng là một môn học quy định, được dạy từ khi mới bước chân đến trường, vừa học nghĩa, vừa học văn, lại nhấn mạnh đến ý nghĩa luân lý hay xử thế, chủ yếu dạy trẻ em sống tốt trong quan hệ bản thân, gia đình, xã hội, từ việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, cách dùng thì giờ, kiến thức địa lý - lịch sử cho đến lòng yêu thầy quý bạn, tôn kính ông bà cha mẹ, cũng như lòng vị tha và tình yêu đối với quê hương xứ sở.</p>

<p>Tất cả đều được diễn tả vừa sinh động hấp dẫn vừa dễ hiểu dễ thuộc. Đối với thế hệ tuổi trên dưới 60, đây có thể là những "hình bóng cũ", những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu cắp sách đến trường; đối với lứa tuổi học trò hiện tại, sách này cung cấp những bài đọc thêm bổ ích trong việc rèn luyện tính tốt, trau dồi tiếng Việt và nghệ thuật làm văn, mà các bậc phụ huynh có thể dùng dạy thêm cho con em trong nhà, quý vị giáo viên và các nhà hoạch định chính sách giáo dục có thể dùng làm tài liệu tham khảo.</p>

dân gian triết - nghiên cứu văn xuôi trần bảo định

dân gian triết - nghiên cứu văn xuôi trần bảo định

<p>Dân Gian Triết - Nghiên Cứu Văn Xuôi Trần Bảo Định</p>

<p>Tiếp nối Hạt phù sa sông nước Cửu Long – Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định, Võ Quốc Việt đã hoàn thiện tập sách Dân gian triết Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định. Đây là tập sách thứ hai gồm loạt bài chuyên luận về văn xuôi Trần Bảo Định qua nhãn quan văn hóa và nhân bản, tiếp tục đưa bạn đọc du hành vào không gian văn hóa miền sông nước Cửu Long.</p>

<p>Ở chặng đường này, Võ quốc Việt đi sâu hơn vào địa hạt tư tưởng của nhà văn Trần Bảo Định và qua đó, làm rõ quan niệm sống của người lao động bình dân Nam Bộ. Lắng nghe, chuyển tải đời sống tâm tình của phận người “chân lấm tay bùn”, tác giả tập trung vào những khám phá và phản ánh của Trần Bảo Định trên trang văn, góp phần bày tỏ những vẻ đẹp đáng quý trong đời sống lao động sản xuất, trong sinh hoạt thường nhật cũng như trong tâm hồn chân phương hồn hậu của người bình dân miền châu thổ Cửu Long giang.</p>

<p>…Thiết nghĩ, thời buổi giao lưu văn hóa đương đại đa chiều cần có những tấm lòng nặng nghĩa với quê hương cố thổ, ra sức giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo điều kiện nhận diện cốt tủy chân quê sâu đậm trong tâm thức mỗi người hôm nay. Bấy giờ, bạn độc có thể nhận ra giá trị dân tộc như hằng số nhân tính cần thiết cho đời sống kinh tế thị trường đương thời.</p>

kể tiếp chuyện bác hồ (tái bản 2023)

kể tiếp chuyện bác hồ (tái bản 2023)

<p>Kể Tiếp Chuyện Bác Hồ</p>

<p>Năm 2020 chúng ta có nhiều ngày kỷ niệm đáng ghi nhớ. Đó là ngày kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); kỷ niệm lần thứ 100 ngày Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tham dự Đại hội Tua, thành lập Đảng Cộng sản Pháp (30/12/1920); kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020); kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945 - 02/9/2020)...</p>

<p>Nhân dịp này Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt cuốn sách mới của tác giả Trần Quân Ngọc Kể tiếp chuyện Bác Hồ. Cuốn sách bao gồm một số bài viết của tác giả về hai mảng đề tài mà ông quan tâm tìm hiểu trong nhiều năm qua.</p>

<p>Ở mảng đề tài thứ nhất - về những người bạn quốc tế của Bác Hồ - ngoài bài viết về người bạn Pháp là Pôn Vayăng Cutuyriê (trong thời kỳ thành lập Đảng Cộng sản Pháp) và một người bạn Haiti là Max Clanhvin Blôngcua (trong giai đoạn làm báo Le Paria - Người cùng khổ) đã công bố cách đây 30 năm, chúng tôi tập hợp một số bài của tác giả viết về những người bạn khác của Bác như Côlarốp V.P., Đimitrốp G.M, hai người Bungari từng đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập; nhà văn Nhật Bản Kômátsu Kiyôshi, chính khách và nhà văn hóa Thái Lan Pridi Phanomyông, “Ông hoàng Đỏ” người Lào Xuphanuvông...</p>

<p>Ở mảng đề tài thứ hai - một số sự kiện trong đời hoạt động cách mạng của Bác - tác giả đã sưu tầm được nhiều thông tin, tài liệu đáng tin cậy, chắp nối, liên kết lại với nhau, dựng lại một số sự kiện thú vị như quan hệ của Người với tổ chức hướng đạo sinh; về hai chuyến bí mật đi thăm Liên Xô trong những năm kháng chiến chống Pháp 1950 và 1952...</p>

<p>Càng tìm hiểu kỹ những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và gian truân của Bác, ta càng thêm yêu quý tấm lòng, đạo đức, càng thêm khâm phục tư tưởng của nhà yêu nước, của người chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh.</p>

người việt nói tiếng việt

người việt nói tiếng việt

<p>Người Việt Nói Tiếng Việt</p>

<p>Viết xong một quyển sách, đã có thể thở phào nhẹ nhõm rồi chăng? Tất nhiên. Nhưng rồi, lúc ấy còn nghĩ thêm điều gì nữa? Trăm người như một, trăm miệng đều thốt ra một lời: “Đặt nhan đề như thế nào?”. Như thế nào là hiểu theo nghĩa nhan đề ấy phải ấn tượng, hấp dẫn khiến bạn đọc nhìn thấy/ nghe thấy ngay lập tức phải tìm đọc cho bằng được. Vậy mà, nhà báo Nguyễn Quang Thọ - nguyên Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ lại cứ như giỡn chơi. Thì đó: “Người Việt nói tiếng Việt”. Thật hay đùa? Thật đó. Đã là người Việt bất kỳ ai cũng nói được tiếng Việt, vậy, có gì trong sách phải khiến ta tò mò, náo nức tìm đọc? Nhầm chết. Nhầm đứt đuôi con nòng nọc rồi đó.</p>

<p>Dám nói một cách quả quyết như dao chém chuối, nói rằng, không phải bất kỳ ai dù người Việt rặt ròng, dù người Việt chính hiệu con nai vàng cũng nói đúng tiếng Việt và hiểu đúng các từ tiếng Việt. Mà, một khi có vài từ tiếng Việt được chọn lọc, vận dụng để trở thành câu tục ngữ, thành ngữ thì muốn hiểu rõ nghĩa của nó lại càng khó hơn bội phần, có lúc khiến ta cũng bí bị bà rì. (Lê Minh Quốc, trích giới thiệu)</p>

<p>Trích dẫn sách Người Việt Nói Tiếng Việt</p>

<p>Để bạn đọc tiện theo dõi</p>

<p>1. Những thành ngữ, tục ngữ chưa có mặt trong từ điển được in đậm và để trong ngoặc kép khi là đề mục; trong bài viết được in đậm và nghiêng, nhưng không để trong ngoặc kép, ví dụ:</p>

<p>“thổi kèn khen lấy”</p>

<p>Thành ngữ thổi kèn khen lấy gần nghĩa với “Mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng không thấy các tác giả đưa vào từ điển.</p>

<p>2. Những thành ngữ, tục ngữ đã được các từ điển thâu nhận, nhưng là chủ đề của bài ghi chép và cần được xem lại được in đậm và để trong ngoặc kép khi là đề mục; trong bài không in đậm, được in nghiêng và để trong ngoặc kép, ví dụ:</p>

<p>“trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”</p>

<p>“Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy” được các tác giả đồng thuận coi là tục ngữ, nhưng cách hiểu có khác nhau.</p>

<p>3. Những cụm từ không có trong từ điển, nhưng được đưa ra để đối chiếu và xem xét, trong bài cũng được in đậm và nghiêng, không để trong ngoặc kép, ví dụ: tào lao mía lau; tào lao bí đao...</p>

<p>4. Các trích dẫn được viết đúng như chúng có mặt trong tài liệu gốc, ví dụ: “Thề cá trê chui ống Chỉ thề, hứa suông mà không làm, không thực hiện. Tôi chẳng tin các anh đâu, thề thốt cũng vậy, thề cá trê chui ống!”</p>

<p>5. Những cụm từ cần nhấn mạnh trong văn cảnh được in nghiêng, nhưng không in đậm, ví dụ: “phải tính đến từng chiếc cúc áo thì cái mũ sắt lại là cả một gánh nặng”.</p>

Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

Liên Hệ