<p>Tháng Sáu năm 2019, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Để con được chích – Hiểu hết về vắc xin và miễn dịch của các tác giả Uyên Bùi, Bs. Minh Lê, Bs. Vân Hương, và Ts. Bs. Hoàng Hồng hiệu đính.</p>
<p>Để con được chích là cuốn sách thứ 2 nằm trong bộ sách 10 cuốn “Để con…” của Nhã Nam hợp tác độc quyền với tác giả Uyên Bùi với nội dung chuyên sâu về chăm sóc sức khoẻ và tinh thần của trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành. Cuốn sách là sự hợp tác giữa Uyên Bùi với hai bác sĩ trẻ, nhiệt huyết, BS Vân Hương và BS Minh Lê.</p>
<p>Khác với nỗi niềm của người mẹ trong quá trình khôn lớn cùng con, câu chuyện của Để con được chích là câu chuyện về hành trình tìm hiểu về hệ miễn dịch và các vấn đề có liên quan đến vắc xin của Di Di, một bệnh nhi 7 tuổi và bác sĩ Hương Lê. Những câu chuyện vào mỗi đêm của bác sĩ Hương Lê giúp độc giả tìm hiểu đến gốc rễ các vấn đề có liên quan đến dịch bệnh, đến cách thức hoạt động của hệ miễn dịch, giải thích cho lý do vì sao chúng ta cần đến vắc xin cũng như giải thích các hiểu lầm và phản bác lại các luận điểm của hội bài trừ vắc xin.</p>
<p>Cuốn sách ra đời trong thời điểm phong trào bài trừ vắc xin (anti-vaccine) đã trở thành 1 trong 10 vấn nạn lớn nhất về sức khoẻ của con người trong thời hiện đại do Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) cảnh báo. Sở dĩ có điều này là bởi hiện nay, các dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhờ vào vắc xin, số lượng trẻ tử vong sau tiêm do các bệnh hiểm nghèo đã giảm xuống ở mức thấp nhất, khiến cho nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng dịch bệnh đã không còn tồn tại nữa và không thể nhìn thấy được những lợi ích mà chương trình Tiêm chủng mở rộng mang lại cho xã hội.</p>
<p>Trong khi đó, với sự lan toả nhanh chóng của mạng xã hội, những thông tin sai lệch và bịa đặt về vắc xin đã có cơ hội để phát tán rất nhanh cùng với những tin tức xấu về các biến chứng bất lợi sau tiêm chủng đã khiến cho rất nhiều cha mẹ hoang mang và dẫn đến tâm lý do dự trong việc lựa chọn tiêm vắc xin cho con. Hậu quả là hệ miễn dịch cộng đồng bị phá vỡ và các đợt dịch bệnh nghiêm trọng tưởng như đã được kiểm soát nay đã quay trở lại. Số lượng trẻ bị mắc bệnh và tử vong do biến chứng của bệnh cũng tăng nhanh. Do đó, cuốn sách hi vọng sẽ trở thành một cơn mưa lớn, giúp hạ nhiệt cho những tin tức “nóng” về vắc xin, giúp cha mẹ tự tin hơn trong hành trình học làm cha mẹ tốt và chăm con khoa học.</p>
<p>Để con được chích tiếp tục mang đến cho các bậc cha mẹ một nguồn tham khảo có cơ sở và đáng tin cậy hơn nữa về những điều dễ gây hoang mang trong việc tiêm chủng hiện nay như: nguồn gốc lịch sử của thủ thuật chủng ngừa, vắc xin, lịch sử của các dịch bệnh, cách thức hoạt động của hệ miễn dịch, vắc xin và các quy trình sản xuất, kiểm nghiệm, hiểu về Tiêm chủng mở rộng & Tiêm chủng dịch vụ, các vấn đề xảy ra sau tiêm chủng, quy trình điều tra các biến cố bất lợi sau tiêm chủng, các phản ứng phụ sau tiêm nên hiểu thế nào cho đúng, lịch sử về phong trào bài vắc xin, phản biện các luận điểm bài vắc xin… Những câu chuyện được nhân vật bác sĩ Hương Lê giải thích cụ thể và rõ ràng dễ hiểu cho em bé Di Di 7 tuổi phù hợp với mọi đối tượng độc giả, giúp cha mẹ cảm thấy tự tin hơn, can đảm hơn, “lì đòn” hơn, cứng rắn hơn để đứng về phía con trong mọi hoàn cảnh. Cuốn sách hi vọng sẽ giúp cha mẹ và những người chăm sóc trẻ tìm được cách để hoà hợp giữa những lo lắng quan tâm và điều thực sự tốt cho con trẻ. Bởi đến cuối cùng, mọi lựa chọn của cha mẹ đều dẫn đến kết quả là sức khoẻ của con và đó mới là điều quan trọng nhất.</p>
<p>VỀ TÁC GIẢ</p>
<p>Uyên Bùi – Tên thật Bùi Hà Uyên</p>
<p>(SN 1984)</p>
<p>Là một copywriter chuyên nghiệp tự do, đã từng là phóng viên mảng văn hóa – giải trí, được mệnh danh là “người chuyên giải cứu các deadline”.</p>
<p>Uyên Bùi là gương mặt quen thuộc của cộng đồng cha mẹ qua những bài viết chia sẻ về chăm sóc và giáo dục con theo phương pháp “Unschooling” và là đồng tác giả của cuốn sách chăm sóc trẻ khoa học nổi tiếng “Để con được ốm” hợp tác với bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, có số lượng phát hành đã vượt quá con số 100.000 bản, trở thành tác giả uy tín về chăm sóc con trẻ theo khoa học dù là người ngoại đạo. Hiện chị vẫn đang làm mẹ toàn thời gian và dành thời gian cho việc chia sẻ cách chăm sóc và dạy dỗ con trẻ theo phương pháp “Unschooling”.</p>
<p>BS. Vân Hương</p>
<p>(SN 1990)</p>
<p>Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên ngành Y học dự phòng. Đam mê nghiên cứu khoa học, yêu trẻ con bằng tất cả những gì mình có. Mong ước sẽ làm một điều gì đó nho nhỏ thôi nhưng sẽ giúp cho trẻ em có được hành trình cuộc sống thật ý nghĩa.</p>
<p>BS. LÊ DUY MINH</p>
<p>(SN 1982)</p>
<p>Bác sĩ chuyên ngành Siêu âm, người sáng lập Nhipcauykhoa.net từng gây tiếng vang trong cộng đồng các bác sĩ thực hành nghề trẻ ở Việt Nam. Hiện đang là kỹ sư Khoa học máy tính, đang sinh sống tại Mỹ.</p>
<p>TS.BS HOÀNG HỒNG</p>
<p>(SN 1954)</p>
<p>Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ chuyên ngành kiểm định vắc xin.</p>
<p>Nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm (NICVB)</p>
<p>Nguyên chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký vắc xin - Cục Quản lý Dược</p>
<p>Nguyên thành viên Hội đồng Đạo đức - Bộ Y Tế</p>
<p>Nguyên chuyên gia tư vấn của WHO về NRA</p>
<p>Có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lãnh vực miễn dịch và vắc xin</p>
<p>CHIA SẺ CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC</p>
<p>Ngày nay, bạn tôi sinh con ở bệnh viện đẳng cấp 5 sao nhưng lại từ chối các mũi tiêm vắc xin cho con từ phút ban đầu. Bạn cho rằng bạn muốn con bạn được lớn lên một cách thuận tự nhiên, được chống lại bệnh tật một cách tự nhiên và được khỏe mạnh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, có một điều mà cô ấy không biết, “thuận tự nhiên” cũng đồng nghĩa với chọn lọc tự nhiên và em bé bị đặt vào một môi trường rủi ro với nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều bởi những điều mà cô ấy tin tưởng. Và thật may mắn khi con cô ấy qua được cơn nguy kịch trong đợt dịch sởi bùng phát tại Hà Nội.”</p>
<p align="right">– Bác sĩ Vân Hương –</p>
<p> Khi thấy các bạn bài xích vắc xin hoạt động ngày càng mạnh và hậu quả của họ gây ra là có thật chứ không còn ảo như những câu chữ trên mạng nữa. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó. Tôi nghĩ mình không phải là một đại diện hoàn hảo cho ngành y của Việt Nam để viết những điều này. Nhưng khi những người giỏi hơn tôi, có chuyên môn hơn tôi, viết tốt hơn tôi không ai làm thì tôi quyết định rằng mình sẽ làm. Vì tôi luôn tâm niệm “Thà thắp lên một ngọn lửa còn hơn nguyền rủa bóng tối.” Đường đi còn rất dài nên muốn đi xa thì chúng ta cần phải nắm chặt tay nhau để lan tỏa những điều tử tế. Vì tất cả những điều đó mà tôi cặm cụi viết cho đến bây giờ, chỉ mong, góp được một phần bé nhỏ để giảm đi những nỗi đau mà một ai đó, một em bé nào đó, phải chịu đựng trong tương lai. </p>
<p align="right">– Bác sĩ Minh Lê – </p>
<p>Việc cho con đi tiêm chủng đủ liều, đủ loại và đúng lịch khuyến cáo của tiêm chủng mở rộng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cho những đứa con yêu của bạn không bị mắc những bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo. </p>
<p align="right">– Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Hồng – </p>
<p> “Chuyển ngữ” từ ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ bình dân dành cho độc giả đại chúng thực sự là một công việc khó khăn. Từ tổng quan như Để con được ốm đến chuyên sâu hơn về miễn dịch như Để con được chích, thêm một cuốn sách là thêm một thử thách và không thể tránh khỏi những sơ sót. Nhưng tôi mong rằng, sự nỗ lực của mình cùng với các bác sĩ đồng tác giả cũng mang lại một kết quả nào đó hữu ích dành cho các bậc cha mẹ, những người luôn hết lòng yêu thương con trẻ và mong muốn điều tốt đẹp nhất dành cho con. Mong rằng cuốn sách Để con được chích sẽ giúp các bạn an tâm hơn và tự tin hơn với những lựa chọn của mình trong hành trình khôn lớn cùng con. </p>
<p align="right">– Uyên Bùi –</p>