<p>Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối</p>
<p>Sơ lược về tác phẩm</p>
<p>Tác phẩm bao gồm những truyện ngắn hay nhất thời kỳ đầu của Ivan Bunin: Những quả táo Antonov, Quý ông từ San Francisco đến, cùng những truyện ông viết trong những năm cuối đời: Say nắng, Những lối đi dưới hàng cây tăm tối...Chúng có thể được coi là những câu chuyện say đắm về tình yêu, về cảnh trí không thể nào quên của nước Nga. "Vì ở đây", Bunin viết như vậy về chính mình "trong sự tĩnh mịch vô cùng của đồng quê...giữa ngũ cốc chất đầy ngưỡng cửa, giữa những đồng tuyết, tuổi thơ tôi, ngập tràn chất thơ buồn rầu, tiếc nuối, đã trôi qua ở đó". Xuyên suốt những truyện của ông là cảm giác về sự mong manh của tồn tại, là nhận thức thường trực về sự vô thường của những ước vọng và những kết quả của con người...</p>
<p>Nhận định</p>
<p>Những truyện ngắn và truyện vừa -bộ phận cốt lõi trong di sản văn học của ông - mới đọc tưởng chừng như đơn giản về cốt truyện, nhưng thực ra lại cực kỳ sâu sắc, chúng bao la cả về thời gian lẫn không gian, bao gồm cả một thế giới đủ loại nhân vật, có khi chỉ trong một truyện vừa mà có tới hơn một trăm nhân vật, động chạm tới hàng loạt lĩnh vực trong đời sống của con người..., lại được thể hiện một cách rất hấp dẫn với đủ loại màu sắc, âm thanh, hương vị, vừa chân thực vừa cao độ, vừa mơ mộng, cảm động, lại vừa sâu lắng với tinh thần phân tích, suy tư, vừa bi thảm, quyết liệt, lại vừa lạc quan, yêu đời. Người ta cho rằng sau Tsekhov, Binin đã đem lại sự đổi mới cho thể loại truyện ngắn Nga, mỗi truyện ngắn của ông vừa là một áng văn xuôi vừa là một bài thơ, ông đã viết chúng với trí tụê và trái tim của một nhà tư tưởng, một nhà triết học và một nhà thơ, và do đó "đọc tác phẩm của Bunin không những phải đọc chăm chú mà còn phải có văn hóa rộng, phải tập trung cả trí tuệ và tâm hồn, phải có khả năng suy nghĩ về nước Nga, về quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, về mối liên quan của cuộc sống hàng ngày, của cuộc sống "riêng" với những sự kiện lịch sử-xã hội có quy mô"</p>
<p>- dịch giả Hà Ngọc</p>
<p>Nếu như những sáng tác đầu tay của Bunin thường có dung lượng dài, nhắc nhiều đến khung cảnh thơ mộng của nông thôn Nga thì những truyện ngắn cuối đời dường như được thu ngắn, cô đọng lại trong những suy nghiệm về ký ức, về nhân sinh, về sự tàn nở mong manh của tình yêu và hạnh phúc. Đọc những truyện như Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, Say nắng, Ngày thứ hai chay tịnh, Ruxia, Chiếc đu ...người ta nhận ra rằng không có cuộc đời hạnh phúc mà chỉ có khoảnh khắc hạnh phúc, bất ngờ gặp gỡ, rồi đột ngột chia tay, chỉ có ký ức cùng những ám ảnh của nó là điều sẽ theo ta đi suốt cuộc đời này. Văn Bunin giàu nhạc tính, giàu chất thơ- nhạc tính và chất thơ được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn con người Nga và cảnh vật Nga.</p>
<p>- Nhã Nam</p>
<p>"Bunin viết hay đến nỗi cả Turgheniev cũng không viết được như thế chứ đừng nói gì tôi"</p>
<p>- L.Tolstoy</p>
<p>“Về nông thôn Nga, chưa có ai viết sâu sắc được đến thế, có tính chất lịch sử đến thế...Bunin là bậc thầy hàng đầu trong văn học Nga hiện đại"</p>
<p>- M.Gorki</p>
<p>“Bunin...là sự đơm hoa cuối cùng trong truyền thống vĩ đại của Turgheniev và Tolstoy"</p>
<p>- London Magazine</p>
<p> "Nỗi u sầu bị kìm nén kín đáo, những hồi ức trở đi trở lại, những hình ảnh chẳng thể mờ phai, đặc biệt là những huy hoàng cũng như khổ sở của sự mê đắm nhục dục...Bunin là Nabokov cộng với một tấm lòng "</p>
<p>- New Statesman</p>
<p>"Tập truyện có được chiều sâu xúc cảm của Tsekhov, sự sắc sảo đầy sáng tạo của Raymond Carver hay John Cheer- điều khiến chúng trở thành những truyện tiên phong của thời đại mình: Bunin luôn luôn xứng đáng được khám phá lại...như Say nắng chẳng hạn, truyện đã giũ bỏ sự phòng vệ của các nhân vật một cách vừa tao nhã vừa chính xác: chàng trung úy trải qua một cuộc tình ngắn ngủi với người thiếu phụ mà chàng gặp trên tàu. Đoạn cuối cùng của cuộc hẹn hò, nàng gọi tên si mê của họ là cơn say nắng, rồi ra đi...bỏ lại chàng với trái tim tan nát và tâm hồn trống rỗng...Cốt truyện của Bunin nhiều khi không đặc sắc lắm, nhưng sức mạnh và sinh khí của chúng không bao giờ làm ta ngạc nhiên..."</p>
<p>- Publisher Weekly</p>
<p>"Một cột mốc ghi dấu thành công của những nhà văn Nga vĩ đại trong thế kỷ 19 và 20"</p>
<p>- Kirkus Reviews</p>
<p>"Tập truyện này đã khiến cho danh tiếng của Bunin vọng mãi. Vốn nghiên cứu mĩ thuật trước khi viết văn, Bunin luôn chứng tỏ một nhãn quan đầy chất hội họa, kỹ đến từng chi tiết. Ông là bậc thầy trong việc nắm bắt khoảng khắc."</p>
<p>- Library Journal</p>
<p> "Với vẻ đẹp tuôn trào và sự chói ngời về tâm lý...Bunin viết trong sự mãnh liệt thấu suốt"</p>
<p>- Booklist </p>
<p>*****</p>
<p>Trích đoạn tác phẩm</p>
<p>Vào một ngày thu xấu trời và lạnh lẽo, trên một trong những con đường lớn ở Tula đã bị ngập nước sau những trận mưa và hằn đầy những vết bánh xe đen đủi, người ta thấy có một chiếc xe ngựa vấy bùn, mui giương nửa chừng, ba con ngựa kéo gồm toàn những con ngựa rất bình thường, đuôi bị buộc lại do đường lầy lội. Xe lăn bánh lại gần một ngôi nhà gỗ khá dài, một bên là trạm thư của nhà nước, còn một bên là căn phòng của tư nhân mà người ta có thể vào để nghỉ ngơi hoặc ngủ trọ, vào ăn một bữa hoặc gọi một ấm xamovar để uống trà. Ngồi trên ghế đằng trước xe để giong ngựa là một người nông dân vạm vỡ, mặc tấm áo dạ dày thắt chẽn lưng, vẻ nghiêm nghị, mặt rám đen, bộ râu thưa đen nhánh, trông giống như một ông tướng cướp đời xưa. Còn trong xe là một quân nhân già, lão đội mũ lưỡi trai to, mặc áo capốt xám kiểu thời vua Nikolai I[1] có cổ đứng bằng lông hải ly, cặp lông mày còn đen, nhưng ria mép đã bạc và nối liền với những chòm râu má cũng đã bạc. Cằm ông ta được cạo nhẵn và toàn bộ ngoại hình của ông ta trông hao hao giống vua Alekxandr II[2], một hiện tượng rất phổ biến trong giới quân nhân thời ông vua đó trị vì. Cái nhìn của ông ta cũng có vẻ dò hỏi, vừa nghiêm khắc lại vừa mệt mỏi.</p>
<p>Khi ngựa dừng bước, ông ta thò ra khỏi xe một cái chân đi ủng nhà binh cổ bằng, rồi dùng hai tay đi găng bằng da nai mịn giữ lấy tà áo capốt, ông chạy ù lên bậc thềm của căn nhà gỗ.</p>
<p>– Thưa đại nhân, ở bên trái ấy ạ, – ngồi trên ghế giong xe, người xà ích hét to lên một cách cục cằn, còn ông ta thì phải hơi cúi mình xuống ở ngưỡng cửa vì thân hình ông quá cao, bước vào tiền sảnh, đoạn rẽ sang căn phòng tư nhân phía bên trái.</p>
<p>Trong phòng ấm áp, khô ráo và tươm tất: một bức tượng thánh[3] mới, mạ vàng, được treo ở góc bên trái, dưới tượng là một chiếc bàn phủ khăn sạch sẽ, nghiêm chỉnh, hai bên bàn là những chiếc ghế dài kỳ cọ sạch sẽ; chiếc bếp lò choán góc phải ở phía xa xa cũng trắng lốp màu vôi mới; gần đó có đặt một cái gì đó như kiểu đi–văng trên phủ những tấm chắn loang lổ tựa vào một bên lò; từ trong tấm chắn lò toả ra mùi súp thơm ngào ngạt, – mùi bắp cải đã nhừ, mùi thịt bò và lá thắng.</p>
<p>Vị khách mới đến cởi áo capốt quẳng lên một chiếc ghế dài, và khi chỉ mặc có bộ quân phục với đôi ủng trông ông lại càng cân đối hơn, sau đó ông ta tháo đôi găng tay và cất chiếc mũ lưỡi trai ra, đoạn đưa một bàn tay tái xanh và gày guộc lên vuốt đầu với vẻ mệt nhọc, – mái tóc ông bạc, tóc mai ở hai bên thái dương hơi xoăn lại ở gần đuôi con mắt, khuôn mặt hơi dài nhưng đẹp đẽ với đôi mắt sẫm của ông vẫn lấm tấm sót lại những vết rỗ hoa nhỏ. Trong phòng không có một ai cả, ông bèn hé cửa trông ra buồng ngoài, hằn học hét lên:</p>
<p>– Này, có ai đó không!</p>
<p>Ngay sau đó lập tức bước vào phòng là một người đàn bà tóc đen; lông mày cũng đen và cũng còn đẹp so với tuổi của mình. Bà ta trông giống một phụ nữ Zigan đã luống tuổi, có những lông tơ sẫm trên môi trên và dọc theo hai bên má, và tuy bà ta đi đứng nhẹ nhàng, nhưng to béo, đôi vú to dưới chiếc áo len đỏ, và dưới tấm váy len đen là chiếc bụng hình tam giác như bụng con ngỗng cái.</p>
<p>– Xin được chào mừng ngài, thưa đại nhân, – bà ta nói. – Ngài dùng bữa hay cho đặt xamovar uống trà ạ?</p>
<p>Khách thoáng nhìn đôi vai tròn trĩnh và đôi chân nhẹ nhàng dận đôi giày tatar đỏ đã sờn cũ của bà ta, đoạn trả lời vừa sẵng vừa chẳng để tâm gì:</p>
<p>– Xamovar. Chủ nhà hay đầy tớ đấy?</p>
<p>– Tôi là chủ nhà, thưa đại nhân.</p>
<p>– Nghĩa là chính chị tự mình cai quản?</p>
<p>– Đúng thế đấy ạ. Tôi tự cai quản đấy ạ.</p>
<p>– Sao lại thế? Gái goá hay sao mà lại tự mình kinh doanh?</p>
<p>– Thưa đại nhân, không phải là gái goá, nhưng cũng phải có cách để sinh nhai ạ. Với lại tôi cũng thích việc kinh doanh nữa ạ.</p>
<p>– Ra thế, ra thế. Tốt đấy. Mà chỗ chị đây sạch sẽ, dễ chịu đáo để.</p>
<p>Người đàn bà luôn nhìn ông với vẻ xét nét, mắt hơi nheo lại.</p>
<p>– Tính tôi cũng thích sạch sẽ nữa ạ, – bà đáp. – Lớn lên trong giới các ông lớn bà lớn chẳng lẽ lại không biết xử sự lịch thiệp hay sao, thưa ông Nikolai Alekxeevits.</p>
<p>Ông ta vội đứng thẳng đừ người, mở to mắt và đỏ mặt lên.</p>
<p>– Nadejda! Cô đấy ư? – ông hấp tấp nói.</p>
<p>– Tôi đây, thưa ông Nikolai Alekxeevits, – bà đáp.</p>
<p>– Trời đất ơi, trời đất ơi, – vừa ngồi xuống tấm ghế dài và nhìn chằm chằm vào bà ta, ông vừa nói. – Nào có ai ngờ được! Chúng ta không gặp nhau đã bao nhiêu năm rồi nhỉ? Khoảng ba mươi nhăm năm chăng?</p>
<p>– Ba mươi năm, ông Nikolai Alekxeevits ạ. Bây giờ tôi bốn mươi tám, còn ông có dễ gần sáu mươi rồi chứ ạ?</p>
<p>– Đại khái thế... Trời đất ơi, kỳ lạ quá!</p>
<p>– Cái gì kỳ lạ, thưa ngài?</p>
<p>– Ờ, tất cả, tất cả... Làm sao cô lại còn không hiểu chứ?</p>
<p>Nỗi mệt nhọc và thái độ lơ đãng của ông đã biến mất, ông đứng dậy và quả quyết cất bước trong căn phòng, mắt nhìn xuống sàn. Rồi ông dừng bước, mặt ông đỏ lên dưới bộ râu tóc bạc, và ông mở lời:</p>
<p>– Ngay từ dạo ấy tôi bặt tin về cô. Làm sao cô lại trôi dạt đến nơi này? Tại sao cô không ở lại với các ông lớn bà lớn nữa?</p>
<p>– Chẳng bao lâu sau khi ông đi, các vị ấy đã cho tôi được tự do[4].– Rồi sau đó cô sống ở đâu?</p>
<p>– Chuyện ấy dài lắm, thưa ngài.– Cô nói là cô không lấy chồng ư?</p>
<p>– Không, thưa không ạ.</p>
<p>– Tại sao vậy? Hồi ấy cô có nhan sắc thế kia mà?</p>
<p>– Tôi không thể thế được ạ.</p>
<p>– Sao lại không thể? Ý cô định nói gì vậy?</p>
<p>– Có gì phải cắt nghĩa đâu ạ. Chắc hẳn ông còn nhớ ra tôi đã yêu ông đến chừng nào.</p>
<p>Ông ta xấu hổ đến phát khóc lên và lại tiếp tục đi tới đi lui, mặt nhăn nhó.</p>
<p>– Mọi sự đều qua đi cả, bạn ạ. – ông lúng búng nói. – Cả tình yêu, cả tuổi trẻ, – tất, tất thảy. Đó là câu chuyện tầm phào, rất thường tình thôi mà. Với năm tháng mọi sự đều qua đi. Trong sách của Giốp[5] đã nói sao về chuyện đó nhỉ? “Điều mà ta hồi tưởng lại, sẽ chỉ như giòng nước đã trôi qua”.</p>
<p>– Chúa cho ai, người ấy được vậy, ông Nikolai Alekxeevits ạ. Tuổi trẻ thì của ai rồi cũng qua đi cả, thế nhưng tình yêu lại là chuyện khác.</p>
<p>Ông ta ngẩng đầu lên và vừa dừng bước lại, ông vừa cười khẩy một cách bệnh hoạn:</p>
<p>– Dù sao cô cũng đã không thể yêu tôi được suốt đời rồi mà!</p>
<p>– Vậy mà có đấy, ông ạ. Dù thời gian có trôi qua bao nhiêu tôi vẫn chỉ một lẽ sống như vậy mà thôi. Tôi cũng biết rằng từ lâu ông đã không còn như trước nữa, rằng đối với ông dường như chẳng có chuyện gì nữa cả, vậy mà... Bây giờ trách móc tuy đã muộn rồi, nhưng quả thật là ông đã ruồng bỏ tôi một cách hết sức tàn nhẫn, đã bao lần tôi toan tự tận chỉ vì một nỗi hờn giận ấy thôi, chứ chưa nói gì đến nỗi niềm khác. Thật ra, ông Nikolai Alekxeevits ạ, đã từng có lúc tôi gọi ông là Nikolenka, còn ông gọi tôi là gì thì chắc ông còn nhớ đấy chứ? Ông lại còn để tâm đọc cho tôi nghe những câu thơ về tất cả “những lối đi tăm tối giữa hàng cây” ấy nữa, – bà nói thêm với một nụ cười cay nghiệt.</p>
<p>– Ôi, lúc ấy sao cô xinh tươi thế! – ông lắc đầu nói. – Sao cô nồng nàn thế, tuyệt vời thế! Vóc người đẹp biết bao, cặp mắt đẹp biết bao! Mọi người đều phải nhìn ngắm cô, cô còn nhớ chứ?</p>
<p>– Còn nhớ, thưa ngài. Mà cả ngài cũng rất đẹp trai nữa. Và chính vì vậy tôi đã hiến dâng ngài sắc đẹp của tôi, mối tình nồng nàn của tôi. Làm sao lại có thể quên điều đó được.</p>
<p>– Chao ôi! Mọi sự đều qua đi. Mọi sự đều bị lãng quên đi.</p>
<p>– Mọi sự đều qua đi, nhưng không phải mọi sự đều lãng quên đi cả đâu.</p>
<p>– Cô đi đi, – ông nói, đoạn quay mặt đi và tiến lại gần cửa sổ. – Cô đi đi cho tôi nhờ.</p>
<p>Rồi rút chiếc khăn mùi soa ra ấp lên mắt, ông mau miệng nói thêm:</p>
<p>– Miễn sao Chúa tha thứ cho tôi. Còn cô thì chắc hẳn đã tha thứ cho tôi rồi.</p>
<p>Bà đã gần bước ra tới cửa bèn dừng chân lại:</p>
<p>– Không, ông Nikolai Alekxeevits ạ, tôi không tha thứ đâu. Một khi chúng ta đã bàn đến chuyện tình cảm của chúng ta thì tôi phải nói thẳng rằng: tôi đã không sao có thể tha thứ cho ông được. Hồi ấy cũng như sau này, đối với tôi ông là quý nhất trần đời. Chính vì vậy tôi không sao có thể tha thứ cho ông được. Nhưng mà thôi, nhớ lại để làm gì, người chết ai lại đưa ra khỏi bãi tha ma.</p>
<p>– Phải, phải, điều đó chẳng ích gì. Cô bảo đưa xe ngựa lại đi, – ông đáp, đoạn rời khỏi cửa sổ, nét mặt đã trở nên nghiêm nghị. – Có một điều tôi phải nói với cô là trong đời tôi, tôi chưa bao giờ biết được sung sướng là gì đâu, xin cô chớ tưởng là tôi sung sướng để tôi được nhờ. Xin lỗi cô, có thể tôi phạm đến lòng tự ái của cô đấy, nhưng tôi xin nói thẳng rằng tôi đã yêu vợ tôi say đắm. Vậy mà cô ấy đã phản bội tôi, ruồng bỏ tôi một cách nhục nhã hơn nhiều so với việc tôi ruồng bỏ cô. Tôi lại cưng chiều thằng con trai, khi nó đang nhớn, tôi đã đặt biết bao hy vọng vào nó! Thế nhưng nhớn lên rồi nó lại thành một thằng đểu cáng, hoang toàng, càn rỡ, tàn tệ, táng tận lương tâm... Nhưng dù sao tất những cả cái đó cũng lại là chuyện rất thường tình, tầm phào cả thôi mà. Mạnh khoẻ nhé, bạn thân mến ơi. Tôi nghĩ rằng cả tôi cũng đã mất đi ở bạn cái quý giá nhất mà tôi đã có trong đời.</p>
<p>Bà tiến lại, hôn tay ông, và ông cũng hôn tay bà.</p>
<p>– Cô bảo đưa xe ngựa đến...</p>
<p>Khi xe đã tiếp tục đi, ông nhăn nhó nghĩ: “Phải, hồi ấy cô ta đẹp thật! Một bậc tuyệt thế giai nhân!” Ông hổ thẹn nhớ lại những lời nói cuối cùng của mình và việc mình hôn tay bà, nhưng rồi ông lại lập tức hổ thẹn về nỗi hổ thẹn của mình. “Chẳng phải chính là cô ta đã đem lại cho mình những giây phút tươi đẹp nhất trong đời sao?”.</p>
<p>Tới lúc chiều tà mới ló ra một mặt trời tái nhợt. Người xà ích cho ngựa chạy nước kiệu, luôn chuyển từ vết xe nọ sang vết xe kia để chọn lấy những vết ít lầy lội hơn, và cả anh ta cũng đang ngẫm nghĩ điều gì. Cuối cùng anh ta nói với một giọng thô kệch nghiêm trang:</p>
<p>– Thưa đại nhân, lúc chúng ta ra đi, bà ta cứ đứng ngó hoài ở cửa sổ. Hẳn là ngài có quen bà ta từ lâu?</p>
<p>– Quen từ lâu, Klim ạ.</p>
<p>– Bà ta thông minh đáo để. Người ta bảo là bà ấy ngày càng phát tài. Cho vay lấy lãi đấy ạ.</p>
<p>– Điều đó chẳng có nghĩa lý gì.</p>
<p>– Sao lại chẳng nghĩa lý ạ! Ai mà chẳng muốn sống cho khấm khá cơ chứ! Nếu làm ăn có lương tâm thì cũng chẳng có gì xấu mặt. Mà người ta bảo rằng về chuyện làm ăn thì bà ta biết điều lắm. Nhưng đáo để đấy! Nếu không giao trả đúng hẹn thì cứ là mình làm mình chịu thôi.</p>
<p>– Phải, phải cứ là mình làm mình chịu thôi... Anh ruổi ngựa sao cho ta khỏi lỡ chuyến tàu đấy nhé...</p>
<p>Mặt trời xuống thấp toả ánh vàng vọt lên những cánh đồng trống trải, mấy con ngựa đập vó đều đặn trên những vũng nước. Ông dõi nhìn những vành móng ngựa lấp loáng, nhíu đôi mày đen, nghĩ ngợi:</p>
<p>“Phải rồi, mình làm mình chịu. Phải rồi, đó dĩ nhiên là những giây phút tươi đẹp nhất. Và cũng không phải tươi đẹp nhất mà còn thật sự là thần tiên nữa kia! ‘Tứ phía tầm xuân nở hoa đỏ thắm, song những lối đi vẫn tăm tối dưới hàng cây đoạn âm u...’[6]. Nhưng trời ơi, sau đó rồi ra sao nhỉ? Nếu như mình không ruồng bỏ cô ta thì sẽ ra sao nhỉ? Thật vô lý quá chừng! Chính cái cô Nadejda đó sẽ không phải là bà chủ của một quán trọ, mà là vợ của ta, là bà chủ của ngôi nhà của ta tại Peterburg, là mẹ của các con ta ư?”.
Và ông lắc đầu, nhắm mắt lại.</p>
<p>Ngày 20 tháng 10 năm 1938</p>
<p>[1] Nga hoàng trị vì những năm 1825 - 1855, nối ngôi anh là Alexandre I. Trong chân dung thường mặc capốt lớn màu xám.</p>
<p>[2] Nga hoàng trị vì những năm 1855 - 1881, con của Nicôlai I, có tư tưởng tự do hơn, trong chân dung thường thấy có râu mép và râu má màu hung.</p>
<p>[3] Trong ngôn từ Thiên Chúa Giáo, tượng thánh không cứ là tượng mà là cả tranh vẽ, phù điêu.</p>
<p>[4] Đạo luật năm 1802 ở Nga cho phép các điền địa chủ được “giải phóng” (cho được tự do) các nông nô. Phải đến 1861, Nga hoàng Alekxandr II mới huỷ bỏ chế độ nông nô. Thời đoạn câu chuyện này là vào khoảng giữa hai thời điểm nói trên.</p>
<p>[5] Một nhân vật trong Kinh thánh, được coi là người gặp nhiều đau khổ nhưng không có lòng tin vào Chúa. Sách của Giốp cũng được coi thuộc bộ Kinh Thánh. Cũng có tài liệu nói “Job” (? - 1607): giáo chủ đầu tiên của chính giáo Nga từ 1589, sau bị huyền chức và đi đày năm 1605.</p>
<p>[6] Trích thơ của thi sĩ Ogarev (1813 - 1877). Trong nhật ký, Bunin ghi rằng: nhờ đọc lại bài thơ này mà trong ông đã hiện ra hình tượng chiếc xe ngựa vấy đầy bùn như đã tả ở đầu truyện ngắn này.</p>