<p>Văn học vết thâm là một tuyển tập thơ và tranh của Nguyễn Thị Thúy Hạnh.</p>
<p>Sau tập thơ đầu tay Di chữ, Thúy Hạnh trở lại với một tác phẩm chín muồi hơn, tinh tế hơn nhưng cũng nhiều thách thức hơn, thách thức cho chính tác giả và cho người đọc. Mỗi một tác phẩm, gồm cả thơ và tranh, đều hàm chứa trong đó một trải lòng đã được chắt lọc qua nhiều chiêm nghiệm, nhưng cũng đồng thời hàm chứa cả sự khai mở, kiếm tìm những điều còn hết sức chông chênh, mơ hồ của cuộc đời và của chính bản thân tác giả.</p>
<p>Những điều chông chênh, những thoảng qua trong suy tư, khó nắm bắt và vùn vụt đi ấy, đôi khi là một thoáng nhớ cốm Vòng Dịch Vọng, có khi là một chua cay giữa nụ hôn, có lúc chỉ là một tiếng mưa rơi “như tiếng người già nhai trầu”. Nhưng cũng có khi, nặng nề hơn, tăm tối và đột ngột, là hình ảnh một đám ma tôi kỳ quái thê lương, một giấc mộng có đàn bò ăn thành phố, một cánh chuồn chuồn nhão giữa những giấc chín của Hà Nội 99,9 °C,… Thực và mộng, thân quen và kỳ dị, bình lặng và điên dại, hiện tại và quá khứ, tất cả trộn lẫn vào nhau, như một bức tranh đã chằng chịt nét vẽ và sắc màu mà người ta không tài nào còn có thể lần ra đầu mối.</p>
<p>Nhưng dẫu có mơ hồ, xa xôi, có chìm ngập trong quá khứ hay kỳ dị như một giấc mơ, thì những ấn tượng ấy, chúng vẫn ở đó, như một sự thật rất đỗi ám ảnh. Chúng là những vết thương, những vết thâm không tài nào xóa bỏ. Những vết thâm lòng tràn vào con chữ, cất lên thành lời thơ. Những vết thâm còn tràn lên màu sắc, đổ vào trang giấy thành nét vẽ. Đó là cách mà Thúy Hạnh sáng tác: không sắp sẵn trước ý tưởng, không lên khung và tìm lời, tất cả là sự bùng phát của câu từ. Những vết thâm, chúng không còn làm ta đau, nhưng chúng ở đó, bắt ta nhìn vào đó, để ám ảnh khôn nguôi.</p>
<p>Với những cách biểu đạt tinh tế và mới mẻ, đặc biệt là những thể nghiệm mới trong hình thức sáng tác, tập thơ Văn học vế thâm giúp đưa bạn đọc vào những trải nghiệm, tuy không đơn giản và dễ dàng, nhưng chắc chắn thú vị và độc đáo, để thêm một cách lắng nghe cuộc đời, lắng nghe bản thân mình.</p>
<p>_______________
“Tôi nôn ra của mình - cái bóng - người kể chuyện, khi câu chuyện hoàn thành, tôi nuốt lại anh ta vào bụng
nuốt vào một đại dương nhả ra một cánh bướm nuốt vào một ngả đường nhả ra một đêm trắng nuốt vào một mùa xuân nhả ra một bạc tóc nuốt vào một Sartre nhả ra một Camus nuốt vào một điên rồ nhả ra một truyền thống nuốt vào một tự ngã nhả ra một thú nhận
nhả ra một lịch sử nuốt vào một hối hận
một tự sự im lặng.”</p>
<p>- Nguyễn Thị Thúy Hạnh</p>