<p>The Soul-selling guy - Người bán linh hồn là tuyển tập truyện 12 truyện ngắn song ngữ Việt - Anh mới nhất của tác giả Trần Thùy Mai. Tác giả xứ Huế tiếp tục ấp ủ trong những vần văn của mình một tình yêu, tình yêu như thể căn cốt và khởi nguồn của mọi điều bé nhỏ nhưng ý nghĩa trong cuộc sống. Mở tập truyện ngắn ra, người đọc như thể được "tản bộ" trên cung đường được tạo nên từ những câu từ đậm chất Huế và mềm mỏng chất nữ của tác giả, được "đi qua", "chứng kiến" mảnh đời của những người phụ nữ khác nhau, vui có, khổ có, lặn lội giữa dòng đời bằng tấm thân hao gầy, tấm nhan sắc trần trụi, những con người của sự cho đi và đánh đổi. Tuy nhiên, ánh lên đâu đó vẫn là niềm tin, sự hy vọng và trái tim ấm nồng khát khao được hạnh phúc, được bao bọc che chở bằng tình yêu thuần khiết, giản thuần.</p>
<p>Đó là những cô gái hết mình vì tình yêu như Lan trong Thương nhớ Hoàng Lan, Na trong Người bán linh hồn mặc cho những hận thù, rào cản, gièm pha của người đời vẫn hết mình hướng mình về người mình yêu, cầu được đáp lại dù chỉ chút tình thương nhỏ bé; thứ tình yêu của sự giam hãm, phụ thuộc và ngột ngạt, buộc người đàn bà vẽ ra viễn cảnh để thỏa lấp ước nguyện chẳng bao giờ thành của mình trong Chiếc nhẫn ngọc lục bảo, Núi Ngựa Trắng, cảnh người phụ nữ Việt long đong, vô định nơi xứ người với giấc mộng đổi đời trong Gặp ở xứ người, đến Eva dại dột, khi người đàn ông điên cuồng và tuyệt vọng nhào nặn cho mình một nàng thơ độc nhất, một người tình hoàn hảo để rồi trượt dài trong sự vỡ mộng, những nhập nhoạng cái đẹp nghệ thuật - đời thực và vụt mất tình yêu, một vòng luẩn quẩn của sự cố chấp...</p>
<p>Những truyện ngắn nhỏ nhưng gãy gọn, không nhạt nhòa, cũng không trôi qua như những kiếp người phù du mà đọng lại niềm tin và cháy mãi một tình yêu bất diệt là điều mà những nhân vật và ngôn từ của Trần Thùy Mai làm được qua The Soul-selling guy - Người bán linh hồn. Mạch truyện nhẹ nhàng thắt lại ở những cao trào đỉnh điểm, xen lẫn cả chất đời, cái cay nghiệt, chua xót của lòng người nhưng cũng đồng thời ấm lên sự đồng cảm, chất nữ dịu nhẹ ấp ủ như những ước mong bình dị và trong sáng nhất.</p>
<p>Sau thành công của "bộ tiểu thuyết quốc dân" Từ Dụ Thái hậu, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục "chiều lòng" bạn đọc với lối viết vốn là thế mạnh và có mê lực thu hút sự đồng cảm, những góc rung động mỏng, nhẹ và sâu nhất trong lòng mỗi bạn đọc. Đặc biệt, tác phẩm truyện ngắn lần này của Trần Thùy Mai được thể hiện dưới dạng song ngữ Việt - Anh, cho thấy sức hút của một cây bút không chỉ ấn tượng với bạn đọc, giới văn trong nước mà còn ghi dấu văn chương quốc tế.</p>
<p> Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.</p>
<p>Tác giả</p>
<p>Trần Thùy Mai</p>
<p>Tác giả của 14 tác phẩm văn học đã được xuất bản ở Việt Nam.</p>
<p>Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam.</p>
<p>Giải thưởng:</p>
<p>Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn Thập tự hoa.</p>
<p>Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Quỷ trong trăng.</p>
<p>Giải thưởng do Hội đồng thành phố kết nghĩa San Francisco - Hồ Chí Minh trao tặng vì những đóng góp trong văn chương và biên kịch.</p>
<p>Một số nhận xét của giới chuyên môn</p>
<p>“... Những nhân vật của Trần Thùy Mai thường không bình lặng. Họ cô đơn, hẫng hụt, tiếc nuối nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng sống của mình bằng cách bơi ngược dòng sông ký ức để làm sống lại những điều tốt đẹp... Con người dù giận hờn, hằn học nhưng trong tận cùng sâu thẳm của ý thức cộng đồng, họ âm thầm sẻ chia và nhận nỗi đau về mình để được yêu trong trắc ẩn dù có khi không tránh khỏi sự đối xử thờ ơ, nguội lạnh của tha nhân...” PGS Hồ Thế Hà - Trường Đại học Sư phạm Huế</p>
<p>“Từ tập truyện đầu tiên cho đến bây giờ, chị Mai bao giờ cũng giữ được cho mình một giọng văn, ngôn ngữ , phong cách thật trong sáng. Trong sáng đến mức tôi luôn có cảm giác như chị là người luôn đam mê, đắm đuối và đuổi theo một thứ ánh sáng kỳ ảo giữa cuộc đời.” Nhà thơ Lê Mỹ Ý - Báo Người đương thời</p>
<p>Trần Thùy Mai đã hướng đến, và thành công với một lối viết cổ điển theo nghĩa tích cực của từ này. Thực thế, người ta không tìm thấy trong truyện ngắn của Mai những ý đồ cách tân lối viết một cách mạnh mẽ như các trào lưu viết bây giờ đang xiển dương… Với lối hành văn nhẹ nhàng, những câu chuyện của Mai như tâm sự thường ngày, những chủ đề “muôn thuở” của con người, tưởng thoáng qua trong cuộc đời nhưng lại ở lại đậm sâu trong ký ức, sự lựa chọn trong tình yêu, tình bạn, những sa ngã đời thường, và hơn hết là thế giới của người phụ nữ…</p>
<p>Nhưng hơn hết, sự nhân ái trong cuộc đời là cái đọng lại sau mỗi câu chuyện của Trần Thùy Mai. Người với người cần tình thương yêu không phải vì đề cao đạo đức con người, mà đơn giản bởi đó là sự nương dựa lẫn nhau giữa người với người trong thế giới. Trần Thùy Mai đã lựa chọn cái cổ điển đầy khắc nghiệt để làm sinh quyển tồn tại cho sự viết. Từ cái nền cổ điển, Trần Thùy Mai đã kiến tạo nên cái riêng của mình bằng một phong cách văn xuôi nữ giới mang đậm đặc dấu ấn nữ tính, đàn bà tính, kiểu Huế. Và đấy là chỗ Trần Thùy Mai “mới”, hay nói chuẩn xác hơn, Mai “khác” mọi người để đứng lại trong văn chương. - Th.s văn học Nguyễn Mạnh Tiến</p>
<p>Điều kỳ diệu là đọc truyện Thùy Mai, đọc hoài không chán, mà còn hào hứng trong cảm giác tươi mát. Chung quy, với tôi, nghệ thuật Thùy Mai quay vòng chung quanh ba trụ điểm : kỹ thuật kể chuyện hấp dẫn, lối phân tích tế nhị, gợi suy tưởng, và cuối cùng, quý nhất là tấc lòng nhân hậu của tác giả. - Nhà phê bình Đặng Tiến - Báo Nghệ thuật mới</p>
<p>“Càng về sau văn chị viết càng đời, càng đầy đủ mặn ngọt đắng cay của những phận đời trong đó....dù những cái kết được báo trước nhưng người đọc vẫn muốn nếm hết những vị đắng cay, điệu man mác cho đến những dòng cuối cùng.” - Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ - Báo An ninh thế giới</p>