<p>Đau Cũng Là Sống - Tự Truyện Của Người 30 Năm Sống Chung Với HIV</p>
<p>Là con người, hầu hết ai cũng mong muốn mình được may mắn, hạnh phúc, thành công và viên mãn. Nhưng thực tế cuộc sống không đơn giản và không phải ai cũng thuận lợi; không ít người đã phải đối diện với những nghịch cảnh, sự bất hạnh và sự thất bại đắng cay, khổ đau, sự tổn thương và khó tránh khỏi những sai lầm với những cú vấp ngã đau ê ẩm. Điều quan trọng là, sau những khốn khó gian nan, mỗi chúng ta có thể tự học cách để có thể đứng dậy và tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời.</p>
<p>Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuốn sách “Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm chung sống với HIV” của tác giả Đồng Đức Thành, một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Ông đã viết cuốn sách này trong thời gian bị trầm cảm. Dù không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng với phong cách viết theo lối kể chuyện chân thực, sinh động, tác giả đã miêu tả về cuộc đời mình từ thời thơ ấu đến khi phát hiện ra tình trạng có HIV, cho tới thời điểm hiện tại. Trong từng đoạn văn, tác giả kể lại câu chuyện về chính cuộc đời và trải nghiệm của mình suốt 30 năm sống chung với HIV đã phải vật lộn để giành giật lấy cuộc sống.</p>
<p>“Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy tôi dương tính với HIV. Bác sĩ nói: “Chúng tôi phải làm đủ 3 lần kỹ thuật mới khẳng định”. Nghe đến đây, tôi cảm thấy đầu óc choáng váng như không hề còn biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh”. Từ khi biết mình có HIV, Đồng Đức Thành đã phải đối diện với hàng loạt những hoàn cảnh khó khăn, cả về vật chất cũng như tinh thần, như bị mất việc làm, bị kỳ thị và phân biệt đối xử, bị trầm cảm nặng, thậm chí có lúc có ý nghĩ tự tử, bị mất tiền, tình cảm riêng tư đổ vỡ... Trong những nghịch cảnh trớ trêu, tác giả đã không ngừng nỗ lực học hỏi để tự chăm sóc bản thân, đứng dậy tiếp tục sống và đóng góp những công việc có ích nhất có thể cho gia đình, cộng đồng và xã hội.</p>
<p>Hiện nay, nhiều bạn trẻ cho rằng nếu có HIV thì đã có thuốc điều trị HIV, được gọi là thuốc ARV. Điều này cũng không sai vì nếu một người sống chung với HIV nếu được tiếp cận với chăm sóc điều trị sớm và sống lành mạnh thì có vẫn có sức khỏe tốt và hoàn toàn có khả năng làm việc và học tập để đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt là những người nào có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ cho bạn tình như vợ chồng và người yêu thông qua quan hệ tình dục, được gọi là không phát hiện bằng không lây nhiễm hay gọi tắt là k=k. Nhưng thực tế với những trải nghiệm của chính đời sống của tác giả thì không đơn giản như vậy, ngay cả khi được điều trị thì những người sống với HIV vẫn phải đối diện với rất nhiều vấn đề và áp lực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: Sự kỳ thị và phân biệt đối xử hiện tuy có giảm nhưng vẫn còn, mất nhiều thời gian cho các hoạt động thăm khám, sức khỏe tinh thần như trầm cảm, gánh nặng về tài chính như là dùng thuốc hàng ngày, chi tiêu cho y tế sức khỏe, tìm kiếm cơ hội việc làm tạo thu nhập, khó khăn trong tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình… Những người trẻ tuổi nên tìm hiểu và học cách tự bảo vệ bản mình.</p>
<p>THÔNG TIN TÁC GIẢ: </p>
<p>Đồng Đức Thành là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), sinh năm 1976, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ông là một trong những người sống chung với HIV tại Việt Nam đã công khai tình trạng có HIV của mình với báo chí, trên truyền hình và tham gia vào các diễn đàn vì mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đồng thời, ông cũng là một trong những người sống với HIV đầu tiên tại Việt Nam tham gia trong các chương trình Tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gọi tắt là chương trình GIPA.</p>
<p>Ông Thành là người có nhiều năm công tác trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các dự án về truyền thông, vận động chính sách về Y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Hiện nay ông đang đảm nhiệm vai trò Điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM). Từ một người có lối sống tiêu cưc, phóng đãng và mải chơi với cú sốc tâm lý nặng, ông Thành đã quyết tâm chữa lành chính mình và lan toả năng lượng tích cực đến với những người cùng cảnh.</p>
<p>(Đồng Đức Thành đang trình bày kế hoạch tại Hội thảo Lập kế hoạch tại Đà Nẵng, năm 2010, khi tác giả đang làm việc cho Dự án Sáng kiến Chính sách về Y tế).</p>
<p>Đồng Đức Thành cũng là tác giả của hàng trăm bài báo viết về HIV và các vấn đề xã hội và hai lần đạt giải Báo chí. Ông viết Tự truyện “Đau cũng là sống” để truyền tải thông điệp vượt qua nghịch cảnh cho những ai đã và đang bế tắc trong đời. Bởi với ông: “Dù đau thương, nghịch cảnh nhưng tôi đã được bơi ra xa bờ còn hơn là ở trong ao tù nước đọng”.</p>
<p>Ông chia sẻ: “Nếu không có khổ đau thì rất khó cảm nhận được hạnh phúc; nghịch cảnh và khổ đau có thể đến vào thời điểm này nhưng không có nghĩa là suốt cả cuộc đời. Gia đình người thân có thể chưa hiểu mình nhưng ngoài kia còn có rất nhiều anh, chị sẵn sàng giúp đỡ mình. Nếu bạn vượt được qua khổ đau sẽ là cả một bến bờ hạnh phúc và có thể sẽ có khả năng kháng thương (Anti-Fragility) để đối diện với những hoàn cảnh, thách thức mới. Điều này còn cao hơn cả chữa lành”.</p>
<p>Lời cuối sách, ông viết:</p>
<p>"Không ai khác chính bạn là người tự viết điếu văn cho cuộc đời của mình, nên hãy viết nó một cách tốt nhất có thể.</p>
<p>Khi còn là một thanh niên mới lớn, tôi đã không trú trọng, quan tâm đến rèn luyện sức khỏe, học hành và tu dưỡng đạo đức. Chúng tôi đã chìm đắm trong hưởng thụ, nhậu nhẹt, chơi bời phóng đãng, đánh lộn, sử dụng chất kích thích… Sang tuổi trung niên, sức khỏe của tôi đã xuống cấp nghiêm trọng và luôn cảm thấy mệt mỏi. Phải chăng đó là luật nhân quả mà tôi phải đón nhận? Và nhân quả báo ứng là có thật. Thậm chí nó xảy ra ngay trên cuộc sống hiện tại, không cần đợi đến kiếp sau vì kiếp sau có thể hiện tại chúng ta chưa thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, theo triết lý nhà Phật, giữa chữ Nhân và chữ Quả có chữ “Duyên”, nhờ sự nhận ra những sai lầm và nỗ lực, tôi cảm thấy cuộc sống mình thực sự có ý nghĩa, và hạnh phúc. Tôi đã cố gắng hết sức để tự viết một bản “Điếu văn” cho bản thân mình trọn vẹn nhất có thể.</p>
<p>Tôi nhớ lại, thời gian còn làm việc cho Dự án Sáng kiến Chính sách về Y tế (HPI), chúng tôi đã được được sang Thailand thăm quan, học tập về Mô hình Dự án “Huy động sự tham gia của Phật giáo trong các hoạt động phòng, chống HIV”. Chúng tôi có dịp đến thăm chùa ở Chieng Mai. Lúc đó, tôi rất ấn tượng với một thông điệp của nhà Chùa:</p>
<p>“Ma túy và HIV rất sợ không khí ấm áp của tổ ấm gia đình hạnh phúc”.</p>
<p>Những năm tháng sang tuổi trung niên, tôi cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng yếu đi nên việc rời xa cuộc sống tạm có thể đến gần hơn. Đây chính là lý do thúc đẩy tôi viết một quyển sách với hy vọng nó có một chút ích lợi gì đó cho những người trẻ tuổi thuộc thế hệ kế tiếp. Những bài học đời tôi hết sức cay đắng và đầy nước mắt, hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn trẻ. Là một người đã trưởng thành, tôi không thể đổ lỗi cho những di chứng, hậu quả từ tuổi thơ vì tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.</p>
<p>Tôi không dám đưa ra lời khuyên nào đối với những người trẻ tuổi bởi vì trong cuộc sống hiện đại đã có quá lời lời khuyên như những người làm khai vấn, các diễn giả trên mạng xã hội, các dòng sách self-help... Hơn nữa, mỗi con người làm một phiên bản khác nhau, với điểm mạnh, điểm yếu, hoàn cảnh và sứ mệnh khác nhau. Tuy nhiên, nếu được trở lại thời niên thiếu, biết đâu có thể tôi sẽ là một con người khác để hạn chế những rủi ro và sự thất bại. Chắc chắn tôi sẽ kết bạn và chơi với những bạn bè có tinh thần học tập để phát triển bản thân và có tình yêu thương, sự bao dung. Tôi sẽ quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân nhiều hơn bao gồm cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và trí tuệ.</p>
<p>Đôi khi, tôi rất muốn có con nhưng tôi lại sợ bởi vì tôi không muốn con tôi sẽ có tuổi thơ giống như tôi. Điều cuối cùng và vô giá là tôi học được từ cuộc đời này là sự sống và hơi thở tạo hóa đã ban tặng cho con người miễn phí nên cần trân trọng nó mỗi ngày, như Kahlil Gibran đã viết. “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Cho dù chưa thành công nhưng tôi cũng đã nỗ lực hết sức có thể để thoát ra khỏi nghịch cảnh. Với kinh nghiệm cá nhân tôi, sự đau khổ chỉ diễn ra trong những thời điểm nhất thời. Mỗi lần vượt qua nó, tôi thấy có cảm giác rất hạnh phúc bởi vì vượt qua sự khổ đau có thể sẽ là bến bờ hạnh phúc và có thêm kinh nghiệm để đối diện với các nghịch cảnh tiếp theo có thể xảy ra trong cuộc đời. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng:</p>
<p>“Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”.</p>
<p>TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY </p>
<p>Năm hết, Tết đến. Một năm đã qua đi kể từ khi tôi nghỉ việc ở công ty. Tôi vẫn sống và ngày nào cũng phải chịu đựng những lời bàn tán xì xào của hàng xóm gần nhà tôi. Mẹ tôi đã dọn hẳn sang ở cùng với anh trai lớn nhường lại cho tôi một mình một nhà. Năm nay, tôi phải ăn một cái tết không một xu dính túi, không một người bạn để nói chuyện và cũng không nhận được một lời chúc tết của bất kỳ ai. Đêm giao thừa cũng là sinh nhật lần thứ 25 của tôi. Tôi dùng chiếc bánh chưng tết làm bánh sinh nhật và cắm một ngọn nến lên trên. Tôi cũng thổi nến như những bữa tiệc sinh nhật bạn bè tôi đã từng làm. Trong căn nhà trống vắng, tôi nhắm mắt lại để ước. Điều ước thứ nhất là tôi muốn sống được 5 năm nữa để thực hiện những gì tôi đã dự định. Điều ước thứ hai là có một công việc để làm giúp ích cho những người khác. Như thế là quá đủ đối với tôi rồi. Tôi thì nghĩ cứng cỏi như thế thôi chứ đến bây giờ tôi cũng không hiểu mình đã làm thế nào để vượt qua một đêm giao thừa tịch mịch u ám như vậy. Cuối cùng tôi đã ngủ gục vào chiếc bánh chưng vào lúc gà gáy báo buổi sáng đầu tiên của năm mới. Sáng ra, tôi thấy mình như được hồi sinh một lần nữa, có điều sự sống thứ hai này của tôi mong manh và chông chênh quá”.</p>
<p>[…]</p>