<p>“Lấy óc khoa học mà xét đoán, thì chuyện kể lại sau đây là một câu chuyện hoang đường. Nhưng ai đã từng đọc hết pho Liêu trai và bộ Truyền kỳ mạn lục, ai đã từng ngụ cư dăm bảy tháng trên các miền nước độc rừng thiêng, người ấy đọc truyện này ắt hẳn lấy làm thú vị, cho tôi không phải cố ý đặt ra một tiểu thuyết hão huyền. Phàm các truyện quái dị, huyền hoặc, có tự xưa đến nay, truyện nào cũng phát nguyên ở một hiện trạng – mắt tác giả đã thấy hoặc tai tác giả đã nghe – cũng do sự thực mà ra. Vẫn biết người viết truyện, tựa như cô ả thêu hoa dệt gấm, vẽ vời thêm cho ly kỳ, đẹp đẽ; song câu chuyện không phải chỉ toàn ở trong trí tưởng tượng của văn sĩ mà thôi. Cốt nó vẫn là một việc có thực. Việc đó nhiều khi bởi một trường hợp lạ lùng gây nên, một trường hợp ít người được trải, cho nên ta hay cho là vô lý, hoang đường.</p>
<p>Không phải tôi muốn cãi hộ cho Bồ Tùng Linh đâu, tôi chỉ muốn hiến cho các bạn một cảm giác khó chịu mà dễ chịu, êm ả mà rùng rợn, một cảm giác tương tự như thứ cảm giác ta thường có những khi, giữa quãng đêm khuya vắng lạnh, trùm chiếc mền bông lên tận cằm, ta chỉ hé cái đầu ra ngoài, nằm lắng tai chú ý nghe một ông già, một người bạn nhiều từng trải, kể lại những câu chuyện ma quỷ kinh hồn. Phần nhiều kẻ yếu bóng vía, hay sợ sệt, lại thích nghe chuyện rợn tóc gáy, nghe để rồi: bước ra sân phải có người đưa, nằm ngủ phải có người nằm bên cạnh, để rồi mùa bức cũng đắp chăn trùm kín mít, dẫu rằng mồ hôi đẫm ướt cả áo quần.</p>
<p>Câu chuyện sau đây nó sẽ có đặc tính là giống những truyện trong bộ Liêu trai hoặc pho Tình sử.</p>
<p>Ai là kẻ ghét truyện ma truyện quỷ, đọc đến câu này xin chớ đọc nốt quãng sau. Còn những người ưa được trải qua một vài phút bắt tâm hồn phải rung động cho đỡ buồn, nếu bạn là một nhân vật ra chỗ tối vắng cần phải có người đưa, xin bạn chớ đọc truyện này về buổi tối trước khi đi ngủ. Không nhẽ một tiểu thuyết ly kỳ tôi lại đang tâm đem chôn chặt dưới đáy tâm hồn tôi; tôi sẽ hối hận mãi mãi, sẽ tự thán mãi mãi về lòng tôi ích kỷ. Thiếu niên ta ngày nay đều xu hướng về khoa học, vì thế tôi tự nghĩ không nên tiêm vào tâm hồn bạn trẻ những thuyết vô lý, huyền hoặc, tôi dằn lòng giấu mãi chuyện này đi. Nhưng khốn nỗi ngọn bút hiếu sự của tôi, giờ đây, không cho tôi giữ bí mật của tôi lâu nữa.</p>
<p>Sau khi đã nói rõ ràng cốt truyện sắp kể, sau khi đã giao trước: “Tùy ai muốn xem thì xem!” tôi xin phép các bạn thuật nó lại, hiến cho những kẻ sợ ma, lại thích nghe chuyện ma, một vài giờ trằn trọc canh khuya, hồi hộp kinh khủng khi nghe tiếng con chuột con chạy rầm rầm trên ván gác.”</p>
<p>TchyA</p>
<p>Nhà văn TchyA (1908-1969) tên thật là Đái Đức Tuấn, bút danh khác: Mai Nguyệt</p>
<p>Quê quán tại xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.</p>
<p>Từng làm tham tá ở Nha học chính Đông Dương. Viết trên các báo Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san…</p>
<p>Bút danh TchyA được giải thích là chữ cái đầu của Tôi Chẳng Yêu Ai hoặc Tôi Chỉ Yêu Angèle.</p>
<p>Nổi tiếng với thể loại truyện truyền kỳ, mang nhiều màu sắc thần bí và định mệnh, điển hình là tiểu thuyết Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya…</p>
<p>CÁC TÁC PHÂM CHÍNH:</p>
<p>• Thần hổ (tiểu thuyết, 1937)</p>
<p>• Linh hồn hay xác thịt (tiểu thuyết, 1938)</p>
<p>• Kho vàng Sầm Sơn (tiểu thuyết, 1940)</p>
<p>• Ai hát giữa rừng khuya (tiểu thuyết, 1942)</p>
<p>• Đầy vơi (thơ, 1943)</p>
<p>MỜI CÁC BẠN TÌM ĐỌC TỦ SÁCH TRUYỆN KINH DỊ VIỆT NAM</p>
<p>• Vàng và máu - Thế Lữ</p>
<p>• Bên đường Thiên Lôi - Thế Lữ</p>
<p>• Ba hồi kinh dị - Thế Lữ</p>
<p>• Thần hổ - TchyA</p>
<p>• Kho vàng Sầm Sơn - TchyA</p>
<p>• Ai hát giữa rừng khuya - TchyA</p>
<p>• Truyện đường rừng - Lan Khai</p>