<p>Trung Quốc Thoát Khỏi Bẫy Nghèo Như Thế Nào</p>
<p>Trung Quốc đang trong bầu không khí kỉ niệm 73 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Gác lại những mâu thuẫn chính trị, ta không thể phủ nhận những thành tựu phát triển vượt bậc của đất nước này, đặc biệt là về kinh tế. Trên tinh thần học hỏi để tiến bộ, Book Hunter xin gửi đến bạn cuốn sách TRUNG QUỐC THOÁT KHỎI BẪY NGHÈO NHƯ THẾ NÀO của nữ tiến sĩ Yuen Yuen Ang, cuốn sách mới nhất thuộc Tủ sách Kiến Tạo của chúng mình.</p>
<p>Được ngợi ca là “thay đổi cuộc chơi” và “xoay chuyển đấu trường”, TRUNG QUỐC THOÁT KHỎI BẪY NGHÈO NHƯ THẾ NÀO đã thúc đẩy một mô hình mới trong sự phát triển của nền kinh tế chính trị và làm sáng tỏ sự trỗi dậy của Trung Quốc.</p>
<p>Làm thế nào để một đất nước nghèo nàn bạc nhược có thể thoát khỏi cạm bẫy đói nghèo? Các nhà kinh tế chính trị thường đưa ra ba câu trả lời: “trước tiên hãy kích thích tăng trưởng”, “trước tiên hãy xây dựng thể chế tốt”, hoặc “một số quốc gia may mắn đã được thừa hưởng thể chế tốt dẫn đến tăng trưởng”.</p>
<p>Yuen Yuen Ang bác bỏ cả ba học phái này và các giả định cơ bản của chúng bao gồm nhân quả tuyến tính, thuyết cơ giới và thuyết tất định của lịch sử. Thay vào đó, bà đưa ra một mô hình mới dựa trên các hệ thống có khả năng thích nghi phức tạp, bao gồm thực tế về sự phụ thuộc lẫn nhau và khả năng đổi mới của nhân loại.</p>
<p>Kết hợp với lăng kính gốc này cùng hơn 400 cuộc phỏng vấn với các quan chức và doanh nhân Trung Quốc, Ang đã tái hiện một cách có hệ thống quá trình phức tạp đã biến Trung Quốc từ vũng nước tù của chủ nghĩa xã hội trở thành kẻ phá bĩnh toàn cầu chỉ trong 35 năm. Trái ngược với những quan niệm sai lầm phổ biến, bà cho thấy điều đã thúc đẩy sự thay đổi lớn của Trung Quốc không phải là chế độ kiểm soát độc tài tập trung mà là “sự ứng biến có định hướng” – chỉ đạo từ Bắc Kinh song hành với sự ứng biến từ dưới lên của các quan chức địa phương.</p>
<p>Phân tích của bà cho thấy hai bài học lớn về sự phát triển. Thứ nhất, sự thay đổi mang tính chuyển đổi đòi hỏi một hệ thống quản lí có khả năng thích nghi trao quyền cho các nhân tố ở cấp cơ sở để đưa ra giải pháp mới cho các vấn đề đang tiến triển. Thứ hai, bước đầu tiên thoát khỏi bẫy nghèo là “sử dụng những gì bạn có” – khai thác các nguồn lực hiện có để khởi động các thị trường mới, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bất chấp các tiêu chuẩn của “Thế giới thứ nhất”.</p>
<p>Được nghiên cứu một cách táo bạo và tỉ mỉ, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào mở ra một hướng tư duy hoàn toàn mới cho các nhà nghiên cứu, nhà thực hiện và bất kì ai đang tìm cách xây dựng hệ thống có khả năng thích nghi.</p>