quốc văn độc bản

quốc văn độc bản

<p>Ngày nay, bạn đọc biết đến Vũ Đình Long với tư cách là nhà khai sáng ra sân khấu kịch nói Việt Nam hiện đại. Vở kịch “Chén thuốc độc” mười ba hồi của ông được công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 1921 là viên gạch đầu tiên cho nền kịch nói Việt Nam sau này. Hơn nữa, Vũ Đình Long không chỉ được biết đến trong vị trí của nhà viết kịch, mà ông còn là người sáng lập Tân Dân thư quán tại 93 Hàng Bông nổi tiếng một thời với nhiều ấn phẩm của các nhà văn lừng danh giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan v.v...</p>

<p>Tuy vậy, vẫn còn một mảng hoạt động đã để lại nhiều dấu ấn nữa của Vũ Đình Long chính là soạn sách giáo dục. Trong suốt thời gian từ khi tốt nghiệp Trường trung học Paul Bert năm 1916 đến 1936, Vũ Đình Long làm nghề dạy học ở Hà Đông và làm ở Sở học chính Đông Pháp. Đây là thời gian ông đã tham gia soạn và dịch nhiều sách như Tục anh hùng náo, bản dịch in năm 1925; 200 bài tính đố, in năm 1925, soạn chung với Phạm Tá; Chuyện giải trí, in năm 1925 soạn chung với Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Quảng Hàm; Thế giới trẻ con, in năm 1927 v.v.., trong đó có cuốn Quốc văn độc bản (Sách đọc Quốc văn) in lần đầu năm 1924 mà bạn đọc đang cầm trên tay do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện tái bản.</p>

<p>Như tác giả cuốn sách đã nói trong Lời giới thiệu năm 1924, “sách cả thảy có 60 bài: 15 bài văn vần, thơ ngụ ngôn, ca khuyến thiện, ca khuyến hiếu... trích ở sách cổ nhân (Nam sử diễn ca, Nguyễn Trãi, Giáo huấn, Nhị thập tứ hiếu), hoặc mượn của mấy nhà văn mới, dịch thơ Tàu, thơ Tây. 45 bài văn xuôi của soạn giả dịch từ sách Tây hay tự ý soạn lấy. Có bài thuộc về luân lí, văn chương, có bài thuộc về lịch sử, địa dư, vệ sinh, cách trí”.</p>

<p>

Với phương pháp viết ngắn gọn, dễ hiểu, thực tế, nhằm vào sự “đào luyện Quốc văn” nên cuốn sách vẫn còn giá trị đối với bạn đọc ngày nay, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi. Tái bản cuốn sách này, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn đưa đến bạn đọc một tác phẩm sách soạn cho học sinh của Vũ Đình Long phần nào hiểu thêm được những đóng góp của tác giả đối với bạn đọc trong những năm nửa đầu thế kỉ XX với tư cách là một nhà giáo dục, soạn sách giáo khoa.

Trong một cuộc phỏng vấn của nhà văn Lê Thanh năm 1943, khi được hỏi: “Đi dạy học, ông đã khéo chọn cái “hoàn cảnh” cho sự đào luyện về Quốc văn?”, tác giả Vũ Đình Long đã trả lời rằng: “Trong thời kì dạy học, tôi rất chú ý đến việc luyện tập Quốc văn cho học trò tôi, mà tôi coi như những người thợ tương lai của cái lâu đài Quốc văn sau này. Tôi soạn những sách giáo khoa bằng Quốc văn cũng trong thời kì ấy và cũng không ngoài cái mục đích đào luyện những người thợ tương lai kia”. Câu trả lời này có lẽ cũng là thông điệp cho cuốn sách Quốc văn độc bản mà ông đã soạn ra.

Trong lần in này, chúng tôi theo nguyên văn bản in Quốc văn độc bản in lần thứ hai, bản tại Tân Dân thư quán Hà Nội của tác giả Vũ Đình Long. Chúng tôi chỉ chỉnh sửa một vài lỗi chính tả theo lối viết hiện hành. Một số địa danh được nhắc đến trong sách để nguyên theo cách dùng cũ. Các chú thích chân trang để trong ngoặc vuông là của biên tập viên.</p>

<p>Nhà xuất bản Kim Đồng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!</p>

<p>

“Các em ơi! Các em đi nhà trường để làm gì, các em có biết không? Này, các em đã lớn, các em đã biết viết, biết đọc ít nhiều, các em đến đây là cốt để học tập cho ngày sau nên người khôn ngoan tài giỏi, có ích cho mình, cho nhà, cho nước. Người mà không học, ngu si dốt nát làm gì cũng kém người. Người có học, làm thợ là tay thợ khéo, đi buôn là nhà buôn giỏi, làm ruộng là nhà điền chủ khôn ngoan. Sự học có ích là thế đó. Ngày xưa đi học là để làm quan, ngày nay nhiều người cho đi học là để làm việc nhà nước. Nghĩ thế là lầm to đó, các em ạ. Nếu ai đi học cũng muốn làm quan, làm việc nhà nước thì lấy ai làm ruộng, làm thợ, đi buôn? Ngày xưa chỉ có nghề làm quan, làm việc nhà nước là sang trọng, chứ ngày nay người nước ta đã tỉnh ngộ rồi, đã biết quý nghề rồi. Làm thợ mà khéo, đi buôn mà giỏi, làm ruộng mà tinh thì cũng được quý trọng chẳng kém gì ông quan, ông thông hay ông giáo. Ấy thế mà làm thợ, làm ruộng, đi buôn, lại được tự do hơn ông thông, ông quan, ông giáo, các em có chọn nghề cũng nên nghĩ cho chín.” (Câu chuyện ngày khai trường)” (Trích “Quốc văn độc bản”)</p>

    Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

    Liên Hệ