<p>Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam, thu nhập của mỗi hộ gia đình đều tăng lên. Mối bận tâm của ba mẹ từ “ăn sao cho no” thành “ăn sao cho đủ”. Khi mà sự hấp dẫn mang tên “đồ ăn nhanh”, sự lo lắng khi trẻ “không chịu ăn rau xanh” hay các thức quà ăn vặt tràn lan khiến bố mẹ không khỏi suy nghĩ xem nên tạo cho con một chế độ ăn như thế nào.</p>
<p>Nhưng có một sự thật là những món ăn không tốt cho sức khỏe thì thường thơm ngon và màu sắc lộng lẫy hơn hẳn và trẻ thì thường bị thu hút bởi điều đó. Cha mẹ thì thường bó tay trước sự nài nỉ hoặc cáu bẳn đòi hỏi của trẻ, những phụ huynh cương quyết hơn thì lại dẫn đến cãi vã hay khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Rõ ràng là chúng ta muốn điều tốt cho con cơ mà.</p>
<p>Vậy làm thế nào để có thể giúp con hình thành thói quen ăn uống lành mạnh?</p>
<p>Hãy nhớ rằng trẻ đủ nhận thức nếu cha mẹ thể hiện đúng sai trước mặt con và giảng giải cho trẻ từ khi chúng con nhỏ. Và đặc biệt phải trở thành ví dụ cho con.</p>
<p>Cuốn sách Mẹ là Doctor Chef được viết bởi huấn luyện viên dinh dưỡng Trần Thị Ánh Phương nhưng cũng là một người mẹ, một người săm sắn từng bữa cơm cho gia đình với những mong muốn tốt đẹp nhất cho con.</p>
<p>Qua cuốn sách cha mẹ sẽ biết được:</p>
Cách giúp trẻ tự giác tiếp nhận và phân loại những loại thức ăn có lợi và hại cho sức khỏe.
Vì sao cả trẻ và ba mẹ đều cần “học ăn”.
Thức ăn bổ sung có thực sự tốt?
<p>Với những nội dung được gắn liền với những câu chuyện cổ tích, những hình tượng quen thuộc với trẻ không chỉ thu hút mà còn khiến những kiến thức dinh dưỡng khô khan trở nên dễ tiếp thu và áp dụng.</p>
<p>Trích đoạn sách hay:</p>
<p>MẸO KHUYẾN KHÍCH BÉ ĂN RAU DÀNH CHO BỐ MẸ</p>
<p>Với rau lá: Các bé có thể gặp khó khăn với phần cuống dai hơn, nên khi mới ăn có thể cắt ngắn cho bé ăn phần lá và cuống non trước. Rau lá trộn với vừng lạc giã nhuyễn (không thêm muối) rất ngon. Một số loại rau lá lại hợp với dầu vừng, dầu olive,... Rau đã luộc và trộn vừng lạc có thể được giã nhẹ nhàng nếu bé vẫn khó ăn. Bố mẹ nên tăng dần độ thô, độ “xơ” của rau để con làm quen và tự mình xử lý được rau chứa nhiều chất xơ hơn. Các bố mẹ biết không, trẻ em châu Phi thường xử lý chất xơ tốt hơn so</p>
<p>Dành cho bố mẹ với trẻ em châu Á và đặc biệt là hơn đứt trẻ em châu Âu, chính là nhờ việc làm quen với thức ăn có nhiều chất xơ từ nhỏ đấy.</p>
<p>Với củ: Nên hấp hoặc luộc cả củ rồi mới gọt vỏ và cắt thì củ sẽ ngon ngọt hơn. Các mẹ sẽ bất ngờ khi nếm thử su su nguyên vỏ luộc cả quả, cà rốt nguyên vỏ luộc cả củ hay đậu cô ve chỉ ngắt 2 đầu để dài ngoằng ngoẵng cho vào luộc. Tất nhiên, chúng ta cần chọn rau củ sạch không hóa chất phun xịt rồi. Luộc hay hấp xong rồi thì mới gọt vỏ, cắt nhỏ (nếu cần). Củ luộc kiểu này chấm vừng lạc rất ngon.</p>
<p>Để ý một chút, các mẹ sẽ biết kết hợp không chỉ rau mà còn cả củ và kết hợp nhiều loại rau củ màu sắc khác nhau, cách chế biến khác nhau cho thực đơn của nhà mình thêm phong phú mà không mất quá nhiều thời gian sơ chế chuẩn bị. Mỗi khi lên thực đơn, bạn chỉ cần tự hỏi “Hôm nay, rau củ nhà mình sẽ có mấy màu” thay vì thói quen xưa cũ “món mặn hôm nay là món gì?” Muốn thay đổi thói quen, cần phải thay đổi cách nghĩ trước đã.</p>
<p>Dù định hướng “ăn như cầu vồng” nhưng không nhất thiết các mẹ phải bày biện thành hình thù đẹp như tranh ảnh hay nhân vật hoạt hình đâu nhé, trừ khi bạn quyết định rằng mình có thể dành nhiều năm tháng để ngày nào cũng như ngày nào vui vẻ làm việc này. Còn bình thường, chỉ cần gắp đồ ăn ra đĩa một cách cẩn thận, xếp theo hình đĩa nếu được; thay vì đổ lẫn lộn một đĩa to đầy su su luộc miếng dài miếng ngắn lổn nhổn; là đã đủ đẹp mắt rồi.</p>
<p>Một bí kíp nhỏ rất thú vị là “rau củ quả xiên que”, áp dụng rất hiệu quả với các loại: củ luộc xắt nhỏ quân cờ, khoai luộc, cà chua bi, dưa chuột, dứa, hạt ô-liu, hạt sen tươi, bỏng ngô,... thậm chí có thể cho thêm giò hoặc chả xắt quân cờ nữa. Các bạn nhỏ thường không từ chối ăn kiểu này và bố mẹ có thể thoải mái thay đổi nguyên liệu cho phù hợp.</p>
<p>Các bé sẽ hào hứng ăn rau củ hơn khi chính các bé được tham gia nấu ăn, sơ chế thức ăn, đi chợ, thậm chí là trồng rau tưới rau hái rau cùng người lớn. Bất cứ khi nào có thể, hãy khuyến khích con làm cùng bố mẹ một phần những việc nhà này, nhưng không phải “làm giúp bố mẹ”, mà là “làm cùng bố mẹ” nhé. Việc nhà đâu phải việc của riêng bố mẹ mà lại gọi là làm giúp, phải không?</p>
<p>Đôi khi đi mua thức ăn cùng con, các bố mẹ có thể tỏ rõ sự hào hứng của mình khi tìm mua các nguyên liệu nấu ăn, chẳng hạn có thể thốt lên với con “Ôi nhìn xem, củ cà rốt này tươi ngon chưa kìa!”, “Mẹ tìm thấy rau cải bó xôi rồi nhé, mình sẽ làm món gì thật ngon với rau này nhỉ?”... Các bé sẽ cảm nhận rõ hơn mối liên hệ giữa nguyên liệu và món ăn, sẽ được tham gia vào công đoạn chọn lựa nguyên liệu tươi ngon cho chính gia đình mình. Chắc chắn là dù có những món các bé chỉ ăn được chút xíu nhưng các bé cũng sẽ biết ơn thức ăn, biết ơn người làm ra thức ăn, biết ơn người nấu ăn cho mình... hơn đấy!</p>
<p>Phụ huynh không được làm xao nhãng hay khuyến khích con ăn bằng những yếu tố bên ngoài bản thân việc ăn như: vô tuyến, hoạt hình, hò reo cổ vũ mỗi miếng con nuốt, thậm chí lấy bánh kẹo, thức ăn rác làm phần thưởng. Những “chiêu trò” đối phó này không đi từ gốc rễ vấn đề và cuối cùng cũng sẽ dẫn đến bế tắc. Ăn uống tự nó đã là niềm vui và là nhu cầu bản năng của bất cứ động vật nào trong đó có con người. Đừng đánh cắp niềm vui ấy trong mỗi miếng nhai của con và đừng xóa nhòa bản năng vốn đang rất mạnh mẽ ở trẻ nhỏ ấy các bố mẹ nhé!</p>
<p>Không có bí kíp khuyến khích bé ăn uống tốt nào hiệu quả bằng việc bố mẹ làm gương. Một tấm gương đúng sẽ không cần nhiều lời lẽ để dạy bảo. Lời nói của bạn, con có thể quên nhưng hành động của bạn, con sẽ nhớ mãi.</p>