<p dir="ltr">Hòa Âm Đêm</p>
<p dir="ltr">Hòa Âm Đêm tuổi 80 của nhà thơ, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai</p>
<p>Tập thơ Hòa Âm Đêmnhân dịp sinh nhật lần thứ 80 và đón nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023. Trương Tuyết Mai được xem là cánh chim đầu đàn trong những nữ nhạc sĩ Việt Nam với gia tài âm nhạc đồ sộ gồm hơn 400 bài hát và hợp xướng, trong đó có những ca khúc quen thuộc được đông đảo công chúng nhiều thế hệ yêu mến như “Xe ơi ta lên đường” (phỏng thơ Huy Cận), Huế – tình yêu của tôi (phổ thơ Đỗ Thị Thanh Bình), Sao anh không là, Từ ngày ấy, Rừng với tình em,... Sinh năm 1944 tại Hải Phòng, nguyên quán ở Sông Cầu, Phú Yên; nhạc sĩ Trương Tuyết Mai bắt đầu hoạt động âm nhạc từ các trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Năm 1965, bà tốt nghiệp môn sáo flute ở Trường Âm nhạc Việt Nam, về công tác tại Dàn nhạc Đài Phát thanh Giải phóng. Từ năm 1974, bà phục vụ tại chiến trường Trị-Thiên và Khu V trong Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng, rồi chuyển về làm việc tại dàn nhạc Đài Tiếng nói VN. Từ năm 1981, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai làm công tác biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM cho đến khi nghỉ hưu. Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, bên cạnh thế mạnh về âm nhạc cùng nhiều tuyển tập ca khúc đã phát hành thì ít ai biết rằng Trương Tuyết Mai còn là tác giả thơ và văn xuôi, hiện là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Hòa Âm Đêm là tập thơ thứ 7 sau các tập thơ mà Trương Tuyết Mai đã ra mắt từ trước như: Một nửa cho anh (2006), Lá vỡ (2008), Nghe trăng (2009), Gọi thầm (2013), Mắc cạn (2018), Gập ghềnh khúc đau (2020) cùng với 1 tập hồi ký “Lật từng mảnh ghép” (2014)...</p>
<p>“Vẫn biết kiếp tằm phải nhả tơ</p>
<p>Vần thơ gan ruột tươi màu huyết</p>
<p>Bện dệt buồn vui thẳm phận người”</p>
<p>“Đau tình ta khóc trong mơ</p>
<p>Đau đời ta hóa lơ ngơ giữa đời”</p>
<p>“Giá như đừng nhìn điều chi cũng rõ</p>
<p>Thì hồn ta đâu đẫm lệ người ơi!”</p>
<p>"Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài</p>
<p>Sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không"</p>