<p>Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu</p>
<p>TÓM TẮT SÁCH</p>
<p>Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội. Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen.</p>
<p>CUỐN SÁCH CÓ GÌ ĐẶC BIỆT</p>
<p>- Nếu bây giờ phải tìm đọc một câu chuyện nào để thấy được phần lớn diện mạo của Hà Nội từ chiến tranh vắt sang thời hậu chiến, đó chính là Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu – thiên bút ký đậm tính hồi ức của tác giả Trung Sỹ.</p>
<p>- Cuốn sách là tác phẩm thứ hai của Trung Sỹ (tên thật là Xuân Tùng, chàng trai Hà Nội từng tham chiến ở Campuchia), chọn góc nhìn từ câu chuyện dòng họ, gia đình mình để thuật lại những biến động thăng trầm của Hà Nội trong thời hiện đại.</p>
<p>- Không chỉ có anh dũng, và cũng không chỉ có đau thương theo cách người này viết về người khác để làm nên diện mạo "Hà Nội của ta". Đọc Trung Sỹ, thấy nhiều chiều kích, góc khuất và cả chuyện riêng tư của một "Hà Nội của tôi".</p>
<p>- “Cái thời bao cấp ngày xưa đói nhưng vui.” - Đó là câu nói mà những người đã trải qua thời kỳ đó thường nói. Với thế hệ không “sống” trong thời kỳ ấy chắc chắn sẽ không hiểu hết được cái “hồn” của nó. Họ chỉ có thể hiểu được một phần qua những lời kể, qua những chương trình ti vi,… Nhưng với những thế hệ đã đi qua, thời kỳ ấy là những kỉ niệm mà không tài nào quên được. Cuốn sách này sẽ tái hiện một cách chân thực, đầy đủ về thời kỳ này.</p>
<p>TRÍCH ĐOẠN HAY</p>
<p>- Ôi phố Phở! Hà Nội chẳng có phố nào tên là phố Phở, nhưng phố phở luôn là nỗi nhớ thủ đô trong lòng con trẻ. Có những buổi chiều dầu đèn nhập nhoạng dơi bay, tôi mở sách dừng lại ở bài này lâu nhất. Khuôn hình minh họa vẽ một góc phố nhỏ, phố có vỉa hè hẳn hoi, có ngôi nhà hai tầng chấp chới sau một tán bàng. Tiếng chùm chìa khóa đồng bà ngoại tôi vọng reo ling king đâu đó. Ngôi nhà hẳn bán phở nên mới gọi là Phố Phở. Tôi nhắm mắt, như nhìn thấy tảng thịt bò chín ngậy, mùi hành hoa điểm vị nồng của lát gừng cay đập dập trong trang sách. Nhớ phố, nhớ phở quá! Nếu bây giờ được về Hà Nội, tôi sẽ dứt khoát đòi bà ngoại bằng được một bát phở dù không ốm.</p>
<p>- Chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Khi cả nhà rời khỏi Hoài Đức vài hôm, máy bay Mỹ oanh tạc trúng hai làng Yên Bệ và Yên Vĩnh, nơi chúng tôi ở trước. U Nhu hớt hải chạy ngược về Hà Nội, kể ở Đức Thượng nhìn về Yên Vĩnh, thấy bom quật tung cả những bụi tre lớn lên trời. Không biết đơn vị bộ đội phòng không ở đó có thiệt hại gì không nhưng dân làng chết nhiều lắm. Ở đấy có tụi bạn học vỡ lòng của tôi: những thằng Báu mồm méo, thằng Bảo trọc, thằng Minh bồng, thằng Cường híp... bao lần cùng tôi chơi đánh trận giả dưới con hào giao thông nối những căn hầm. Thằng Năng hay nhổ cho tôi những bụi rong giềng, dưới gốc đeo nặng quầy củ dẻo thơm. Cây rong riềng lá tía, có những đọt hoa thắm đỏ chứa đầy mật ngọt. Không biết những đứa bạn làng quê của tôi có thoát được trận bom đó không?</p>
<p>- Những tiếng rao tiếng xẩm trên tàu hẳn là cái gạch nối liền mạch giữa hai chế độ, thực dân phong kiến và dân chủ cộng hòa. Mọi chính quyền đều có thể thay đổi, song những kẻ tàn tật dưới đáy xã hội vẫn chỉ có mỗi kế sinh nhai như cũ. Dường như không xuất hiện một đặc ân nào ngoài việc nhắn nhủ rằng nhân loại vẫn cần đến những tấm lòng trắc ẩn, dù chỉ lướt qua trên những chuyến tàu đời.</p>
<p>- Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố. Càng chật hơn nữa khi những lớp người cũ dường như không chốn nương thân trong không gian văn hóa đô thị mới. Họ co mình lại, chỉ thấy mặt nhau trên Facebook rồi bấm like hay than thở toét cả ngón tay.</p>
<p>- Chúng ta vẫn luôn thương nhớ những thứ xưa cũ, cũng giống như nhiều người vẫn còn lòng hoài niệm với Hà Nội thuở trước. Ví như việc sống giữa khu đô thị sang trọng hạng nhất thì người ta lại nghĩ đến căn nhà cấp 4 tường gạch vôi ve. Hoặc khi tận hưởng sự náo nhiệt, rực rỡ của Trung tâm thương mại thì người ta lại nhớ đến dáng vẻ mơ màng, yên ả của phố cũ. Hay cứ mỗi dịp Tết đầy đủ, sung sướng thì ta lại nhớ đến Tết xưa, nhiều khó khăn nhưng ấm áp tình thân</p>