nhà lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn sâu dân, mọt nước

nhà lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn sâu dân, mọt nước

<p>Nhà Lê Sơ (1428 - 1527) Với Công Cuộc Chống Nạn 'Sâu Dân, Mọt Nước'</p>

<p>'Thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lịch sử trong nước và ngoài nước, bởi những thành tựu mà triều đại này đã đóng góp vào tiến trình phát triển của dân tộc trên nhiều phương diện. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tổng quan hoặc chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của thời Lê sơ được công bố. Tuy nhiên, phần lớn đều là những công trình nghiên cứu về thành tựu và những đóng góp thiên về hướng tích cực. Hiện vẫn còn chưa nhiều những công trình nghiên cứu về những tồn tại, hạn chế và cách thức ứng phó với những biểu hiện tiêu cực, hạn chế của thời Lê sơ. Công trình nghiên cứu Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” của anh Trần Đình Ba có thể được xem là một trong số ít ỏi đó. Thông qua tư liệu lịch sử và phương pháp tiếp cận của sử học để xem xét, đánh giá những nỗ lực của nhà Lê sơ trong việc bài trừ vấn nạn tham nhũng, công trình nghiên cứu của Trần Đình Ba đã góp phần làm sáng tỏ bức tranh hiện thực lịch sử về thời Lê sơ không chỉ ở gam màu sáng mà còn ở cả gam màu tối. Qua đó, hiện thực lịch sử được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và toàn diện hơn. Đây cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của công trình nghiên cứu này.</p>

<p>Bằng văn phong khoa học, Trần Đình Ba đã dẫn dắt người đọc chậm rãi nghiền ngẫm về vấn nạn tham nhũng của thời Lê sơ nhưng cũng là vấn nạn của mọi thời đại. Qua thời Lê sơ đối với tệ nạn tham nhũng tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng; những nỗ lực ngăn chặn nạn sâu dân, mọt nước của nhà Lê sơ thông qua một hệ thống các biện pháp kết hợp giữa răn đe, trừng phạt và giáo dục; chính sách bồi dưỡng và sử dụng con người trong bộ máy công quyền nhằm đề cao tinh thần “dưỡng liêm” và năng lực thực hành công vụ của đội ngũ quan lại… Công trình này sẽ rất có giá trị với nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu thích lịch sử nước nhà. Tác giả Trần Đình Ba còn rất trẻ, cần có sự bồi bổ kinh nghiệm nghiên cứu không ngừng để các công trình nghiên cứu của anh có hàm lượng khoa học ngày càng cao hơn, thể hiện sự sắc sảo hơn nữa. Riêng đối với công trình nghiên cứu này, Trần Đình Ba đã cho thấy được năng lực nghiên cứu, năng lực kiến giải những vấn đề lịch sử “gai góc” cùng sự say mê đối với khoa học lịch sử của anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm này!'</p>

<p>(PGS.TS TRẦN THỊ MAI)</p>

<p></p>

những con chữ ngoài trang sách

những con chữ ngoài trang sách

<p>Những Con Chữ Ngoài Trang Sách</p>

<p>Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách mà quý độc giả đang cầm trên tay này là sự thu góp những gì tác giả đã tìm hiểu, đã đọc, đã viết về một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta, cho đến tháng 8 năm 1945.</p>

<p>Tác phẩm được chia thành những bài ngắn theo các chủ đề cụ thể để tiện cho độc giả theo dõi hơn là triển khai liền mạch theo hướng công trình nghiên cứu chuyên sâu. Tác giả cung cấp những thông tin, tư liệu liên quan đến việc xuất bản, in và phát hành sách thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945: từ hoạt động sáng tác, tới bản thảo, chế độ kiểm duyệt, in ấn, xuất bản, phát hành; thậm chí là vấn đề thiết kế bìa, sửa lỗi sai cho đến giá cả, số lượng in, quan điểm về sách, vai trò của việc đọc cùng những gương ham đọc sách...</p>

<p>Sách được chia làm ba phần. Phần 1 và Phần 2 điểm lược về lịch sử hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ xưa tới năm 1945 theo những chủ đề nhỏ sát hợp với đời sống xuất bản, như hoạt động in ấn, văn thi sĩ làm xuất bản, hoạt động dịch thuật, các cách quảng cáo, phát hành, bán sách... Phần 3 tập trung vào những cá nhân gắn liền đời sống với sách vở và văn hóa đọc. Họ là những con người coi trọng sách, đọc nhiều cũng như có những quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của sách, của sự đọc, cho thấy tiền nhân nâng niu, quý trọng</p>

<p>và sử dụng sách hữu dụng biết bao. Chia theo những chủ đề nhỏ như vậy, nên với tác phẩm này, sự bao quát sẽ không thể đạt được tính toàn diện mà chỉ là những mảnh ghép góp phần bổ túc ở mức độ nhất định những gì liên quan đến hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách.</p>

<p>Tác phẩm này khởi một phần từ những bài viết của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí: Thanh niên, Pháp luật 4 phương, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Công giáo và Dân tộc, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Zingnews... Đây cũng là ấn phẩm mà Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức vào hạ tuần tháng 4 năm 2023.</p>

<p>Mong rằng, với tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách, bạn đọc sẽ có thêm được thông tin về ngành xuất bản, in ấn và phát hành sách Việt Nam mà chúng ta còn khá ít tài liệu. Lẽ dĩ nhiên, tác phẩm không thể bao quát toàn diện tất cả những gì liên quan mà độc giả mong muốn tìm về để nâng niu sự đọc.</p>

việt án lần theo trang sử cũ (tái bản 2019)

việt án lần theo trang sử cũ (tái bản 2019)

<p>Với cuốn sách các bạn đang cầm trên tay, kể ra, ban đầu tác giả cũng không dự định viết nên. Mà,có thể xem đó là một cơ duyên vậy. Số là tháng 5 năm 2015, báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp ra một tuần báo riêng mang tên Pháp luật 4 phương. Tình cờ và cũng hữu duyên làm sao, từ cầu nối qua nhà báo Lương Chí Công, chủ biên tuần báo này, mà tôi nhận lời đảm nhận một chuyên mục mình đề xuất mang tên “Án xưa tích lạ”, với mục đích tìm trong sử cũ, gom góp những án xưa, viết lại hầu bạn đọc, cốt sao nói xưa ngẫm nay mà thôi chứ không có gì gọi là to tát. Thế rồi, kể từ số báo đầu tiên ra ngày 11 tháng 5 năm 2015, đều đặn hàng tuần, bên cạnh công việc chính, tôi lại cặm cụi nhặt nhạnh trong sử sách nước nhà xem có những án nào hay, đặc biệt để viết. Càng tìm, càng thấy nhiều. Đâu chỉ những vụ án lâu nay ta đã quen như án Lệ Chi viên, án Thái sư Lê Văn Thịnh… Có nhiều, nhiều lắm những vụ án, những cách xử án có một không hai trong sử ta cứ dần dần hiện ra sau khi lần giở bao trang sách. Còn đó việc Bùi Cầm Hổ xử vụ án bát canh lươn; vẫn chưa mờ phai vụ án Thái tử Lê Duy Vỹ bị vu cáo mà phải chết oan ức; bài học Quốc lão Phạm Công Trứ vì vô tình ăn món chả chim đút lót mà phải thay đổi việc định tội danh cho phạm nhân… và biết bao nhiêu vụ án khác nữa kể sao cho hết.</p>

<p>Nay, dù chưa dám gọi là nhiều, nhưng cũng xin mạn phép mà lọc ra những bài viết trên mục “Án xưa tích lạ”, chỉnh sửa cho hợp với văn phong của một xuất bản phẩm để tạo thành cuốn sách mang tên Việt án lần theo trang sử cũ với giới hạn quãng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX (có một số vụ án liên quan đến dạo thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX và thời Pháp thuộc sau đó đến năm 1945, chúng tôi xin phép thuật lại trong một cuốn khác khi có điều kiện), những mong bạn đọc muốn tìm hiểu về những vụ án xưa trong sử nước nhà mà chưa có điều kiện tra cứu sách vở, thì có thể tìm thấy ở đây đôi điều mình muốn. Hoặc giả sử có bạn đọc yêu báo Pháp luật 4 phương, muốn lưu giữ một ấn tượng, kỷ niệm về báo, thì cũng tìm thấy được một mảnh nhỏ từ sách này.

Đọc qua Việt án lần theo trang sử cũ, độc giả có thể cảm được rằng, không phải vụ án nào cũng được xét xử dựa theo luật pháp, mà ngoài ra, tính công bình của những Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ… còn phụ thuộc vào tài năng, cách xử lý của người nắm giữ cán cân pháp luật. Lại cũng qua đây, nhiều vụ án được khám phá thông qua những cách thức phá án hết sức sáng tạo, tài tình của quan xử án, chứng tỏ cha ông ta xưa kia khi phương tiện điều tra, xét hỏi còn hạn chế, đã rất linh hoạt vận dụng tài tình nhiều cách phá án, xử án khác nhau. Mục đích cuối cùng, đa phần những mong pháp &nbsp;luật được thực thi, xử đúng người, đúng tội, và cũng để đảm bảo tính nhân văn của luật pháp nước Việt.</p>

<p>Dĩ nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn đó những góc tối của một số vụ án bị cong vênh bởi việc tham ô, nhũng nhiễu, bởi sự cảm tính của người đại diện cho cán cân pháp luật, bởi mục đích đen tối của những cá nhân, tập thể vì mưu đồ chính trị… Và qua đây, ta thấy không thiếu những vụ án oan khiên được tạo nên bởi quyền lực mà đẩy người ta vào vòng lao lý, thậm chí là phải lụy thân.</p>

<p>Qua các vụ án, chúng ta thấy người bị tội có nhiều thành phần khác nhau, từ dân đen cho đến đội ngũ quan viên, thậm chí là hoàng thân quốc thích của vua chúa. Cũng xin lưu ý thêm với bạn đọc rằng có những vụ án, tính xác thực còn chưa được minh định rõ ràng, tỉ như vụ án vua Lê Thánh Tông nhờ Quận Gió mà phát hiện quan tham ô, hoặc có vụ án không ghi rõ tên tuổi nhân vật như vụ án ở Từ Sơn… chúng tôi vẫn mạn phép chép ra đây, để bạn đọc biết thêm vậy.</p>

<p>Với các vụ án được trình bày trong sách này, chúng tôi cũng chỉ là làm công việc góp nhặt những ghi chép của tiền nhân mà tạm hợp thành những vụ án cho bạn đọc dễ theo dõi, chứ chưa dám đặt mục đích gì cao siêu như phân tích hay đánh giá. Chỉ ở một đôi chỗ, có chăng là mạo muội bàn thêm như về thân thế quan họ Phan thời Lê Trung hưng trong vụ án mất trộm trứng gà, hay về sự thực vụ án của vị quan Trịnh Đường thời Nguyễn, góp nhặt tư liệu mà hình thành sơ thảo ban đầu về Tri phủ Nguyễn Bá Thịnh thời Nguyễn cùng vụ án liên quan… Bấy nhiêu, đã thấy mình bạo gan quá lắm.</p>

<p>Những vụ án được sắp xếp theo tiến trình thời gian để bạn đọc dễ theo dõi. Ở đây, cũng xin lưu ý bạn đọc rằng một số vụ án đã nhiều người biết tới như vụ Lệ Chi viên, vụ Thái sư Lê Văn Thịnh… sách vở, báo chí viết đã nhiều, nên tác giả không

đưa vào khi chưa có được sự tìm hiểu, kiến giải mới. Và hẳn còn nhiều vụ án nữa đã từng được ghi lại mà với thời gian và tầm kiến thức hạn hẹp, chúng tôi chưa tìm hiểu cho hết được.

Lại thêm một điều nữa, là để bạn đọc tiện đối chiếu khi cần, nên phần tài liệu tham khảo ở từng bài viết dành cho từng vụ án cụ thể, chúng tôi ghi rõ nguồn tham khảo với tên tác giả, hoặc người dịch, tên tác phẩm, đơn vị xuất bản, năm xuất bản cũng như số trang. Có thể cùng một tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, hay Đại Việt thông sử, Vũ trung tùy bút… lại có nhiều bản dịch, nhiều đơn vị xuất bản, thời điểm xuất bản khác nhau. Mà trong quá trình viết bài, thì vì thư viện gia đình có nhiều bản in khác nhau, nên tiện lấy bản nào tham khảo cho bài viết thì dùng, chứ lòng không nghĩ xa đến việc tập hợp thành sách như bây giờ. Thành thử nay lại là điều bất tiện. Bởi vậy, bài viết tham khảo bản in nào chúng tôi ghi rõ để bạn đọc khỏi lầm nếu muốn tìm hiểu, đối chiếu.</p>

<p>Dẫu có cố gắng chăm chút câu chữ, gạn lọc tư liệu đi chăng nữa, nhưng vẫn biết rằng, trí tuệ, khả năng của cá nhân là hữu hạn. Có thể vẫn còn những thiếu sót mà trong quá trình viết, tác giả chưa phát hiện ra, hay thiếu tư liệu mà tác giả chưa có dịp bổ túc. Bản thân xin được nhận trước sự hạn chế chủ quan này với độc giả với tinh thần cầu thị chân thành.

&nbsp; Dù biết có nói bao nhiêu, câu chữ cũng không thể gửi gắm hết được những điều gan ruột tới quý độc giả. Thôi thì cũng xin có đôi lời thưa trước vậy với quý độc giả!</p>

<p>Sài Gòn, ngày 08 tháng 7 năm 2018</p>

<p>Tác giả</p>

    Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

    Liên Hệ