<p>Đêm Thiêng</p>
<p>Vào đêm thứ hai mươi bảy của tháng Ramadan, đêm thiêng liêng và quyền lực theo Hồi giáo, ông bố lúc hấp hối đã gọi cậu con trai Ahmed đến bên giường và trả tự do cho cậu. Chính thời khắc này, Ahmed bước vào một cuộc tái sinh với tên gọi mới, Zahra, tên của người phụ nữ, “bông hoa của những bông hoa”.</p>
<p>Sau đêm định mệnh ấy, như được cởi trói khỏi những xiềng xích của lối suy nghĩ cổ hủ và nền đạo đức rệu rã, Zahra dấn thân vào hành trình đi tìm lại bản thân và giới tính thực của mình khi bấy lâu nó đã bị giam cầm trong cuộc đời của một người đàn ông và trong cái vận mệnh đã bị đánh tráo.</p>
<p>Khi được tự do, Zahra nếm trải vị ngọt của tình yêu, vị chát của tị hiềm, vị đắng của tù tội, và muôn vị nhân sinh khác. Song, có một thứ mà cô không bao giờ thoát được là bóng ma quá khứ. Cho nên, đời cô là sự kéo dài của cái bi kịch mà ngay từ lúc chào đời đã cõng trên lưng không khác gì nhà tù số phận.</p>
<p>Tiếp nối Đứa trẻ cát, tiểu thuyết Đêm thiêng khai thác nội tâm bằng kĩ thuật tự sự độc đáo xoay quanh đề tài thân phận phụ nữ. Từ đó, tác phẩm nêu bật những vấn đề nhân sinh hiện thời trong một xã hội chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo.</p>
<p>TÁC GIẢ</p>
<p>Tahar Ben Jelloun sinh năm 1944, di cư sang Pháp năm 1971, và hiện đang sống ở Paris. Ông là nhà thơ, tiểu thuyết gia, tiến sĩ tâm thần học người Maroc. Với gia tài văn chương bao quát ở nhiều thể loại mà đặc biệt là địa hạt tiểu thuyết, ông đã trở thành tác giả có sách bán chạy và đồng thời là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học uy tín và danh giá. Tiểu thuyết Đêm thiêng đã đưa ông đến với giải Goncourt năm 1987, nhờ đó tên tuổi của ông phổ biến toàn cầu.</p>