<p>Trạng Thái Tâm Giải Thoát</p>
<p>"...Cuốn sách 'Trạng thái Tâm Giải thoát' tổng hợp cặn kẽ những bài pháp do Sayadaw U Pandita thuyết giảng trong khóa thiền một tháng tại Hiệp hội Thiền Minh sát (IMS), ở Barre, Massachusetts, Mỹ vào tháng 5 năm 2003. Trong khóa thiền này, ngài đã thực hiện một cách tiếp cận mới bằng việc giới thiệu thiền Vipassana trong một bối cảnh rộng lớn, bao quát hơn của Pháp và Luật (Dhamma Vinaya).</p>
<p>Bức tranh toàn cảnh này bắt đầu với những giáo lý nền tảng. Pháp (Dhamma), chân lý, là về những gì chúng ta nên làm; Luật (Vinaya), giới luật, là về những gì chúng ta nên tránh làm. Với hai điều này, việc thực hành của chúng ta giống như trồng hoa thơm và nhổ cỏ dại.</p>
<p>Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thực hiện những thực hành giúp nâng cao sức mạnh cho tâm và hàn gắn các mối quan hệ trong xã hội và gia đình, bởi vì bạo lực, chiến tranh và bất ổn là đặc trưng cho thời đại hiện tại của chúng ta. Những thực hành này được gọi là bốn thiền bảo hộ. Chúng nâng đỡ và bảo vệ chúng ta, giúp chúng ta hướng thượng, và ngay cả những thiền giả tham gia những khóa thiền dài hạn cũng được yêu cầu thực hiện chúng.</p>
<p>Tiếp theo, ngài đã đi sâu vào những cơ chế cơ bản về cách thức tâm ý được chữa lành bằng Giáo Pháp (Dhamma). Một trong những lời dạy cốt lõi của "Trạng Thái Tâm Giải Thoát" là sự giải thích cách thức và lý do Bát Chánh Đạo hiện diện trong mọi khoảnh khắc của chánh niệm. Ngài cũng hệ thống hóa và cụ thể hóa mối quan hệ giữa giới, định và tuệ theo những cách mà bất kỳ nhà phân tâm học nào cũng phải nể phục.</p>
<p>Sự giữ vững giới luật giúp ngăn chặn hành động bất thiện thuộc về thân bắt nguồn từ sự thúc đẩy của những phiền não trong tâm. Sau đó, tuy những hành động bên ngoài đã trở nên lắng dịu, nhưng những sự thôi thúc trong tâm gây đau khổ đã được ăn sâu bám rễ và vẫn còn dai dẳng. Việc tu tập định có thể chuyển hướng sự chú ý của tâm ra khỏi những ám ảnh này của nó. Cuối cùng, với tâm đủ sáng suốt, sự hay biết trực tiếp có thể thể nhập vào sự vắng mặt cố hữu của bản ngã. Đây là cách trí tuệ trực giác phát triển và xóa bỏ khổ đau trong tâm...”</p>