<p>Luận Về Tái Sinh</p>
<p>Phật giáo nói chung cho rằng, tất cả chúng ta đều đã trải qua vô số lần tái sinh trước đây, và rằng ta sẽ tiếp tục được tái sinh, chừng nào còn chưa vượt qua được những vọng tưởng, ràng buộc mình vào một quá trình tái sinh liên tục gọi là luân hồi.</p>
<p>Cuốn sách là một nỗ lực khiêm tốn để khảo sát toàn diện quá trình hơn 2000 năm đàm luận của Phật giáo về chủ đề này. Trọng tâm đặt lớn nhất vào Phật giáo Ấn Độ, bởi hầu hết các tư tưởng và truyền thống tu tập được Phật tử khắp nơi ở châu Á áp dụng hoặc cải biến, đều có thể được tìm thấy từ những văn bản cũng như truyền thống đã phát triển trên tiểu lục địa Tiểu lục địa: ý chỉ Ấn Độ trong khoảng từ năm 400 trước Công nguyên cho đến năm 1200.</p>
<p>Bên cạnh đó, tác giả cũng sẽ đề cập đến xu hướng Phật giáo của các khu vực châu Á khác ngoài Ấn Độ và xem xét một cách ngắn gọn về nơi chốn Tái sinh trong tư tưởng Phật giáo hiện đại, đặc biệt là ở phương Tây. Nhưng trong phần lớn cuốn sách này, nội dung mô tả những tư tưởng và pháp tu của đạo Phật sao cho chúng trở nên dễ hiểu nhất có thể. Tuy nhiên, thỉnh thoảng thì một vài nhận xét có tính quy phạm dường như là cần thiết. Và cuối cùng, đối với những gì đáng giá, cách tiếp cận của riêng mình đối với “vấn đề Tái sinh” – nếu thực sự, nó là điều cần thiết.</p>
<p>Cuốn sách dành cho những độc giả quan tâm đến quan niệm tái sinh trong Đạo Phật bởi trong cuốn sách, các quan điểm về tái sinh từ nhiều hệ tư tưởng và trong các truyền thống tu tập mà xưa nay được các Phật tử lưu truyền và cải biến cho phù hợp với văn hóa từng vùng.</p>
<p>Tác giả:</p>
<p>ROGER R. JACKSON là Tiến sĩ, Giáo sư danh dự về lĩnh vực Nghiên cứu Châu Á và Tôn giáo tại Đại học Carleton. Ông có gần 50 năm nghiên cứu và thực hành Phật giáo, đặc biệt là truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Ông có mối quan tâm đặc biệt về triết học, thiền định và nghi lễ Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng; thơ tôn giáo Phật giáo; tôn giáo và xã hội ở Sri Lanka; việc nghiên cứu chủ nghĩa thần học; và tư tưởng Phật giáo đương thời.</p>
<p>Roger là một học giả, giáo sư và nhà văn rất được kính trọng và yêu mến. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo học thuật, đồng thời là cộng tác viên thường xuyên cho các tạp chí Lion's Roar , Buddhadharma và Tricycle .</p>
<p>Trích dẫn sách:</p>
<p>Con đường thoát khỏi Luân hồi là một hay chỉ là một cách gọi khác của con đường Phật đạo, cho dù đó là con đường “Bát Chánh Đạo” được chỉ rõ trong Kinh Chuyển Pháp Luân hay được giải thích ở những nơi khác trong “Tam vô lậu học”, bao gồm: Giới (tiếng Pāli “sīla”, tiếng Phạn “Śīla”), Định (samādhi), Tuệ (tiếng Pāli “paññā”, tiếng Phạn “prajñā”). Mỗi điều trong số chúng đều rất phức tạp. Giới – ở mức độ cơ bản nhất – bao gồm việc tránh “Mười điều bất thiện” vừa được nhắc đến ở trên. Ở mức độ cao hơn là cam kết thực hiện các giới luật tạm thời hoặc lâu dài khác nhau, được liệt kê trong nhiều bộ luật quy định cho cả Phật tử tại gia lẫn tu sĩ xuất gia. Định là sự đòi hỏi việc đưa tâm trí vào một điểm trọng tâm, thông qua bốn bậc hòa nhập “Thiền – na”, bằng cách loại bỏ dần các yếu tố nhận thức lẫn tình cảm, cho đến khi chỉ còn lại sự tập trung nhất tâm (tiếng Pāli “samatha”, tiếng Phạn “śamatha”), rồi sau đó, thần thông có thể xảy đến. Bên cạnh đó, Định cũng có thể đạt được thông qua sự chứng ngộ “Tứ vô sắc” nằm ngoài Thiền – na: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Không có trạng thái Định nào trong các trạng thái trên – dù riêng lẻ hay tổng hợp – là đủ cho sự giải thoát, bởi chúng thiếu pháp tu thứ ba là Tuệ. Tuệ đòi hỏi chúng ta phải hiểu vạn vật như thực sự nó là (yathābhūta), dù là xét về “Tứ Diệu Đế”, luật nhân quả của “Pháp duyên sanh” hay học thuyết cốt lõi về “Vô ngã”. Chúng ta phải quán chiếu những chủ đề này một cách sáng suốt, nhưng đồng thời cũng phải thực chứng trong những trải nghiệm trực tiếp thông qua thực hành “Thiền tuệ”, mà qua đó, ta sẽ quan sát được sự lên xuống của các biến cố vật chất lẫn tinh thần, cũng như hiểu rõ bản chất của chúng là vô thường, khổ đau, vô ngã. Cùng với nhận thức trực tiếp về cách mọi thứ là chính nó – đồng nghĩa với việc đã đạt được Chánh kiến – chúng ta bắt đầu quá trình nhổ tận gốc các phiền não của mình, lần lược đạt được các trạng thái Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Các vị A La Hán, những người đã thoát khỏi Luân hồi, được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là những người “đã được giải thoát bởi tuệ giác” – tức những người có kinh nghiệm tối thiểu về các bậc Thiền – na và chứng quả vô sắc; nhóm thứ hai là những người “được giải thoát bởi cả hai cách” – tức những người đã làm chủ một phần hoặc toàn bộ nhiều trạng thái của Định và cũng đạt được tuệ giác. Phật là một vị A La Hán đã được giải thoát theo cả hai cách, mang trên vai một vai trò cụ thể phải hoàn thành như là người tái sáng lập Giáo pháp, tại một thời điểm cụ thể, trong một chu kỳ vũ trụ và lịch sử. Thế nên, quả vị A La Hán là tương đối phổ biến, trong khi các vị Phật thì cực kỳ hiếm. Ở đây, điểm mấu chốt khi nhắc lại vũ trụ quan của Phật giáo trong buổi sơ khai này, chính là việc Tái sinh dường như là một mối quan tâm tuyệt đối quan trọng: chúng sinh phải đối mặt với Tái sinh, phải phục tùng Tái sinh và sự giải thoát khỏi nó là hy vọng duy nhất cho an lạc cũng như bình an lâu dài.</p>
<p>Mục lục</p>
<p>Chương I: Lời giới thiệu - Tái sinh trong văn hóa thế giới</p>
<p>Chương II: Các học thuyết về tái sinh ở Ấn Độ thời tiền Phật giáo</p>
<p>Chương III: Đức Phật luận về tái sinh</p>
<p>Chương IV: Nơi tái sinh xảy ra</p>
<p>Lướt nhanh qua pháp giới của đạo Phật</p>
<p>Chương V: Tái sinh xảy ra như thế nào?</p>
<p>Thập nhị nhân duyên, Chết và được Tái sinh</p>
<p>Chương VI: Tại sao tái sinh lại xảy ra? Cơ chế hoạt động bí ẩn của nghiệp</p>
<p>Chương VII: Ghi chép ngắn gọn về các truyền thống “phổ biến</p>
<p>Chương VIII: Quan điểm về tái sinh của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ</p>
<p>Chương IX: Những quan điểm về tái sinh của Phật giáo Mật tông Ấn Độ</p>
<p>Chương X: Tái sinh có thật hay không?</p>
<p>Những luận chứng của Phật giáo Ấn Độ</p>
<p>Chương XI: Sự truyền bá đạo Phật và quan điểm của Phật giáo Thượng tọa bộ về tái sinh</p>
<p>Chương XII: Quan điểm về tái sinh ở Đông Á</p>
<p>Chương XIII: Quan điểm về tái sinh của vùng Nội Á</p>
<p>Chương XIV: Tái sinh và Phật giáo hiện đại</p>
<p>Chương XV: Những cuộc tranh luận đương đại và triển vọng tương lai</p>