<p>Thương Học Phương Châm</p>
<p>Ngày nay nghe nói đến Đông-Kinh Nghĩa - Thục, người Việt nào cũng ngưỡng mộ, kính phục những nhà cựu học đã gây nên phong trào duy tân đầu tiên ở nước nhà. Bị un đúc trong cái lò thi phú mà các cụ có đầu óc mới mẻ như vậy quả thực là siêu quần.</p>
<p>Công của các cụ rất lớn.</p>
<p>Nhờ Nghĩa Thục mà sau những vụ thất bại ở cuối thế kỷ trước, chúng ta lấy lại được lòng tự tín: không tự ti đối với Trung Hoa và Âu Tây mà cũng không tự cao đến mù quáng. Chúng ta vẫn tôn trọng những giá trị tinh thần - hi sinh và bất khuất - của cựu học mà đồng thời cũng biết nhận giá trị thực tế của tân học:</p>
<p>Học Tây học Hán có rành mới hay.</p>
<p>Cởi bỏ được những quan niệm lạc hậu rồi - nhất là quan niệm trung quân quá cố chấp - tinh thần dân tộc của ta vững thêm. Các cụ một mặt khai thác cái vốn cũ của dân tộc mà vốn quí nhất là ngôn ngữ, một mặt tiếp thu văn hóa Âu Tây bằng công việc dịch thuật. Các cụ là người đầu tiên bỏ khoa cử và hô hào mọi người học tiếng Việt, viết lách bằng tiếng Việt, do đó mở đường cho các nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong sau này.</p>
<p>Nghĩa Thục chỉ thọ khoảng một năm mà tên Nghĩa Thục được ghi trên sử...“Mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Mà danh ấy thọ là nhờ đám “nho lưu” ấy, gồm hầu hết những bực tuấn-tú, nhiệt-tâm, chí-khí nhất trong nước, tức cái tinh-hoa của non sông đã tụ họp nhau ở nhà số 4 phố hàng Đào của cụ Lương-văn-Can để nắm tay nhau mà cải-tạo non sông."</p>
<p>Nguyễn Hiến Lê – Đông Kinh nghĩa thục</p>