tuyệt không dấu vết

tuyệt không dấu vết

Tuyệt Không Dấu Vết

Hai sự vụ mà thám tử Tuấn của văn phòng “Tam Tuấn” thụ lý, được ghi vào hai folder “Mission 12 - thiếu phụ 7” và “Mission 14 - thiếu phụ 9” thoạt nghe chẳng có gì đặc biệt. Giống như đa phần các vụ án đồng dạng trước đây đều “nửa nhì nhằng ích kỷ, nửa thảm thiết tàn bạo, lẫn lộn cả hận lẫn yêu”, khiến thám tử “vừa chán vừa bải hoải”. Theo đó, chồng của thiếu phụ 7 - Diệu Phong, được gọi với danh xưng “Hà Thành lãng tử” là mối tình đầu của thiếu phụ 9 - Sơn Linh. Tục lụy ái tình vẫn đeo đẳng trong những giấc mơ của “số 9”. Thói giang hồ, bà ăn nem thì đương nhiên ông sẽ ăn chả, thứ trưởng phu quân của thiếu phụ 9 cũng công khai quan hệ bất chính với thiếu phụ 7. Xuất phát từ những động cơ khác nhau, cả hai cùng hoang mang đi tìm chồng và đến cậy nhờ Thám tử...

Đáng lưu ý là ngay từ đầu, thám tử đã nhận thấy ở vụ này “có một cái gì sâu kín cũ kỹ quen thuộc hoang mang tới mức không thể nhớ”; và rồi “rùng mình” khi: “Cách đây chưa lâu, khi vô tình thấy giờ sinh bên lề tờ khai sinh gốc của người mất tích [Lãng tử], thám tử đã lập tay lá số tử vi cho anh ta với bát tự là giờ Bính Ngọ, ngày Nhâm Ngọ, tháng Quý Hợi, năm Mậu Ngọ. Chúa ơi, nó trùng khít với 12h ngày 16 tháng 11 năm 1978, giống y thời gian sinh ra mình.” Những chỉ dấu song trùng xuất hiện không chỉ một lần, chắc hẳn đẩy không ít hoài nghi về phía độc giả.

---

“[...] Thám tử khẽ liếc đồng hồ, tại sao mình lại nhận lời với Mai Siêu Phong nhỉ. Cái vụ đẫm đầy ngôn tình gần đây, hồ sơ ghi là mision 4 - thiếu phụ 5+6, đã làm thám tử vừa chán vừa bải hoải. Một kiểu vụ án nửa nhì nhằng ích kỷ, nửa thảm thiết tàn bạo, lẫn lộn cả hận lẫn yêu. Đàn bà là thế sao, nhất là những nàng hoang tưởng nghĩ rằng mình dư dật thông minh và tiền bạc. Tình yêu mà không biết cao cả vị tha, thì rất dễ thành một thứ a xít ghen tuông, hoặc hại mình hoặc hại người. Thế nhưng vụ của thiếu phụ số 7 này, nó có một cảm giác cồn cào rất lạ. Thám tử từng đứng thật lâu trước ngôi nhà xinh xắn hai tầng giữa phố Hàng Trống của người chồng mất tích. Có một cái gì sâu kín cũ kỹ quen thuộc hoang mang tới mức không thể nhớ. Dejavu, người thì bảo đấy là một căn bệnh, người thì bảo đấy là một trải nghiệm có thực đến từ ký ức tiền kiếp…” (Trích tác phẩm)

khải huyền muộn (tái bản 2022)

khải huyền muộn (tái bản 2022)

Khải Huyền Muộn

Khải huyền muộn, cuốn tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Việt Hà, là một tham vọng về cấu trúc tiểu thuyết, nghệ thuật kể, điểm nhìn trần thuật và nhân vật chính là một cuốn tiểu thuyết…

Tác phẩm mở đầu bằng câu chuyện của một nhân vật nữ xưng tôi, là một cựu á hậu và là nguyên mẫu cho nhân vật Cẩm My trong cuốn tiểu thuyết dang dở của nhà văn. Chương đầu của cuốn tiểu thuyết xây dựng nên những mối quan hệ phức tạp trong thế giới người mẫu, thế giới quan chức... qua lời kể của Cẩm My và những chi tiết trong cuộc tình của cô và Vũ. Trên bề mặt những trang viết tưởng chừng chỉ đơn thuần tái tạo hiện thực đời sống hào nhoáng của những con người có nhan sắc, có tài năng và địa vị trong xã hội, Nguyễn Việt Hà hé lộ những khám phá về công việc sáng tạo ca nhà văn thông qua mối quan hệ giữa người sáng tạo với nguyên mẫu.

Nội dung cuốn tiểu thuyết về Cẩm My và câu chuyện đi tìm nhân vật của nhà văn lồng vào nhau, có thể xem như một dấu hiệu của nghệ thuật cấu trúc truyện lồng trong truyện, hư cấu lồng vào hư cấu. Bên cạnh đó, điểm nhìn trần thuật của tác phẩm không cố định ở một nhân vật mà liên tục thay đổi từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ 3. Bên cạnh câu chuyện có tính bề nổi của thế giới người mẫu hào nhoáng, tác giả dẫn dắt người đọc vào thế giới của các nhà văn và công việc sáng tác phức tạp, giữa thực tài và tham vọng hão huyền: "Là nhà văn thì phải viết cho dù nổi tiếng hay không nổi tiếng. Nhưng có tí tẹo danh mọn thì thật khắc nghiệt, cảm thấy khó viết hơn. Hoàn toàn không hẳn là hết vốn sống hay cạn kiến thức. Có nhiều lý do dung tục lắm. Thường thì cả đời một người viết, luôn luôn bị bôi. Người này bôi cho tý son, người kia bôi cho tý mực...".

Thực ra, nhân vật nhà văn và công việc sáng tạo xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà trong Khải huyền muộn đã có khởi nguồn từ Cơ hội của Chúa và những truyện ngắn trước đó. Mượn câu chuyện sáng tác của nhà văn Bạch, nhân vật này của Nguyễn Việt Hà chính là nơi diễn ra những phát ngôn về thiên chức nhà văn của tác giả. Nó phức tạp và đòi hỏi độc giả tư duy sâu hơn, và cũng hứa hẹn nhiều phiêu lưu hơn vào thế giới tâm hồn nhà văn

giọng của phố

giọng của phố

Giọng Của Phố

“Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại 'tủi thân' nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn." - Nguyễn Việt Hà

Ngay ở trong những tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà, độc giả cũng đã nhận ra ngay được "chất giọng" đặc trưng của người viết ra nó. Thể loại tạp văn, với tính chất "tung tẩy" của nó, "chất giọng" ấy càng được có cơ hội phát lộ một cách rõ ràng mà không bị gò bó bởi khung khổ thể loại. Thương hiệu tạp văn Nguyễn Việt Hà đã được khẳng định qua một loạt những tập tạp văn tên tuổi: Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu, Con giai phố cổ.

Đến "Giọng của phố" thì thương hiệu ấy đã hoàn toàn được "ấn chứng" trong lòng độc giả. Vẫn là cấu trúc 62 bài tạp văn trải dài rộng trên các chủ đề, vẫn phố ấy, người ấy... nhưng những câu chuyện tưởng là phiếm, dường như đã có độ lắng cần thiết để trở thành một thứ rượu nhiều tuổi đượm vị nhưng không gắt. Đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà, có thể gặp mênh mông những chuyện Đông-Tây, những pha "tân-cổ giao duyên" cực kỳ duyên dáng, nhưng có một cách đọc khác - đó là đọc một "cái giọng" - "giọng của phố".

    Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

    Liên Hệ