<p>Bức chân dung nữ sĩ trong tiểu thuyết được vẽ nên bởi những con chữ có tiếng vọng của người xưa chỉ dẫn.</p>
<p>Tiếng vọng ấy đã đưa tôi về quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mảnh đất địa linh làng Quỳnh Đôi với gia tộc họ Hồ khoa bảng.</p>
<p>Buông liếp mái tranh nghèo, thầy đồ Hồ Phi Diễn dứt áo xa quê ra kinh thành lập nghiệp. Phi Diễn gặp gỡ người phụ nữ họ Hà, nên duyên cầm sắt. Một sáng sớm mùa thu - Hồ Phi Mai ra đời, chính quả ngọt cuối mùa, quà tặng của mối nhân duyên hai họ Hồ - Hà.</p>
<p>Tiếng vọng đưa tôi đến với tuổi thơ của nữ sĩ, thời thiếu nữ kiêu sa, rồi mối tình đẹp như trong mộng với thi hào Nguyễn Du - cậu Bảy.</p>
<p>Qua thời con gái, tiếng vọng đưa tôi về với mối tình của nữ sĩ khi làm dâu làng Gáp.</p>
<p>Lênh đênh qua mười hai bến nước tình đời, cuối cùng bến nhân duyên nữ sĩ Hồ Xuân Hương neo đậu cùng quan Tham hiệp Yên Quảng - Trần Phúc Hiển.</p>
<p>Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, “chữ tài gắn với chữ tai” đã ập đến với vợ chồng nữ sĩ. Người thác đi đã 200 năm, nhưng nợ đời chưa giải, oan chồng còn kêu.</p>
<p>Tôi đã nghe được tiếng vọng của người xưa, lấy bút mà ghi những thật thật hư hư, mong sao ngày mai trời sẽ tỏ rạng.</p>