<p>Tôi “bị” bố bắt cóc mở đầu thật bất ngờ với lời dẫn chuyện của nhân vật chính – Haru “Tôi bị BẮT CÓC, ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè” mà thủ phạm lại chính là bố của Haru. Thế nhưng, chuyến đi của hai người – thủ phạm và nạn nhân, hay chính xác là bố và con, không hề mất đi tính gây cấn, hồi hộp của một chuyến “bắt cóc” và cũng không thiếu tính thú vị, trong trẻo, yêu thương của một chuyến “du lịch gia đình”. Chuyến đi của hai bố con Haru khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện cổ tích Đi đến nơi vô định, để tìm vật vô hình. Thế nhưng chuyến đi “vô định” lên rừng xuống biển của Haru và bố đã giúp Haru và có lẽ, cả độc giả tìm ra được “vật vô hình” đó. Tôi “bị” bố bắt cóc không chỉ dành riêng cho trẻ em, nó thật sự rất đáng được các bậc phụ huynh thưởng thức, tham khảo như những cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con khác.</p>
<p>Cùng Tôi “bị” bố bắt cóc, các bậc phụ huynh sẽ mỉm cười hài lòng khi các thiên thần nhỏ đang tuổi lớn của mình có được những trải nghiệm mới, những suy nghĩ mới về cuộc sống, về tình thân gia đình khi đọc cuốn sách này.</p>
<p>Về tác giả: Nhà văn nữ Kakuta Mitsuyo người Nhật Bản. Tuy là nhà văn nữ trẻ nhưng cô đã có trong tay hàng loạt giải thưởng văn học danh giá. Tôi “bị” bố bắt cóc là tác phẩm đoạt giải văn học Robo no ishi năm 2000 (Totto-chan, cô bé bên cửa sổ đã đoạt giải này vào năm 1983).</p>