<p>Minh Triết Về Nỗi Sợ - Một Góc Nhìn Sau Đại Dịch</p>
<p>Hãy để tri thức và trực giác sáng suốt của bạn chiến thắng nỗi sợ!</p>
<p>Đại dịch xảy ra, cả thế giới sợ hãi.</p>
<p>Một mạng xã hội đột ngột biến mất, cả thế giới tán loạn.</p>
<p>Một người khoe thu nhập cao ngất ngưởng, rất nhiều người lo âu.</p>
<p>…</p>
<p>Nếu như vào những thế kỷ trước con người chìm trong sợ hãi vì thiếu thông tin, thì con người ở thế kỷ 21 sợ hãi vì quá tải và nhiễu loạn thông tin. Với internet, những kẻ thao túng đã tạo ra rất nhiều nỗi sợ phi lý, đẩy những những con người đang ngơ ngác và bất an vào bể thông tin hỗn loạn, làm tê liệt khả năng tự giải quyết vấn đề của họ, rồi lại tung ra chiếc phao cứu trợ giả để họ bám víu vào.</p>
<p>Vậy chúng ta có thể học được gì sau đại dịch, sau những vụ lừa đảo, sau sự cố mất mạng toàn cầu, hay bất cứ khi nào có một điều gì đó dấy lên trong ta cảm giác sợ hãi, bất an?</p>
<p>Trong cuốn sách “Minh triết về nỗi sợ: Một góc nhìn sau đại dịch”, nhà hoạt động xã hội Mikki Willis sẽ cho bạn một góc nhìn khác về nỗi sợ.</p>
<p>Đối lập với "sợ hãi" không phải là "dũng cảm", mà là "thông thái". Bởi vì sợ hãi là sự thiếu vắng của minh triết. Khi một người càng có hiểu biết về lĩnh vực nào đó, họ sẽ càng bớt đi nỗi sợ hãi, định kiến về lĩnh vực đó.</p>
<p>Trong Hiến pháp của người Tây Ban Nha, họ đặc biệt tuyên bố rằng “biết chữ” là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ. “Biết chữ” không có nghĩa là có khả năng đọc bảng tin trên Twitter mà là khả năng hình thành một câu hỏi độc lập, tạo ra một giả thuyết độc lập, đi ra ngoài và tìm kiếm thông tin để kiểm tra điều đó.</p>
<p>Từ “Minh triết về nỗi sợ”, từ những câu chuyện trong đại dịch, chúng ta sẽ “biết chữ” thêm bằng việc rèn luyện khả năng tách biệt khỏi đám đông, tự quan sát, đặt vấn đề, phản biện, đưa ra quyết định và bảo vệ bản thân. Và quan trọng nhất, sau cùng hãy luôn tin tưởng và yêu thương bản thân, để dù có đưa ra lựa chọn nào thì sự hài lòng từ nội tâm vẫn to lớn hơn nỗi ân hận và tiếc nuối.</p>