<p>"Việt Kiệu Thư" là trước tác duy nhất hiện nay còn lưu giữ được của Lý Văn Phượng (1512 - 1542), một viên quan nhà Minh xuất thân khoa cử, nhận nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động quân đội, bao gồm luyện tập tuần phòng, bố trí đồn sở, các việc liên quan đến binh dịch tại Quảng Đông, Vân Nam. Bộ sách được hoàn thành vào tháng 6 năm Canh Tý niên hiệu Minh Gia Tĩnh thứ 19 (1540), trên cơ sở kết quả thu thập, khảo cứu nhiều nguồn tài liệu thư tịch sử chí, phương chí của các triều đại, từ Hán đến Minh, do các tác giả người Việt và Hán biên soạn.</p>
<p>Nguyên bản chữ Hán của "Việt Kiệu Thư" gồm 20 quyển, mà theo lời tự bạch của chính Lý Văn Phượng trong trước tác này: “Phượng nhân lúc việc quan nhàn rỗi chọn lọc rồi chia làm từng loại, được thành 20 quyển. Phần đầu nói về địa dư, phong tục, vật sản, ấy là xét về ngọn nguồn dân sinh. Tiếp đến là chiếu thư, chế, sắc, là trọng lời nói của vua vậy. Rồi kế đến là việc biên niên lập quốc, chế độ trước sau, ấy là chép việc thực vậy. Tiếp đến chép là thư sớ, di văn, là để cho tường tận vậy… Lại tiếp đến văn, phú, thi, từ, cùng là thần, thiếp của nước ấy hễ có một điều hay cũng được chép đủ, là để thấy phong tục hay dở ưa chuộng của một phương vậy. Hợp cả lại mà gọi sách ấy là "Việt Kiệu Thư".</p>
<p>Trong bang giao với quốc gia láng giềng thời trung đại, các vương triều phong kiến Trung Quốc luôn áp đặt những nguyên tắc bất bình đẳng, thể hiện tập trung qua hoạt động sách phong, triều cống rất phức tạp. Quan hệ bang giao Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XV-XVI được xem là giai đoạn điển hình cho tính chất phức tạp này.</p>
<p>Chính vì thế, "Việt Kiệu Thư" được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là biên khảo có giá trị cao, vừa là một biên khảo địa phương chí, địa lý chí, vừa là một sử thư - tức ghi chép lịch sử… cung cấp thông tin cho việc nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, lịch sử Việt Nam. Sử liệu về Việt Nam giai đoạn triều Minh được "Việt Kiệu Thư" chép đầy đủ, chi tiết có nhiều nội dung có thể bổ sung cho những ghi chép sơ lược và khuyết thiếu của "An Nam truyện" trong "Minh sử" cũng như các bộ thư tịch cổ của Việt nam</p>
<p>Bỏ qua những hạn chế về quan điểm, góc nhìn, cách dùng từ ngữ của một tài liệu biên khảo do tác giả người Hán biên soạn, với mong muốn cung cấp cho quý độc giả một nguồn tư liệu quý, bao quát nhiều nội dung, từ diên cách hành chính, quá trình lập quốc, thay đổi triều đại, phong tục, sản vật, về các việc hình luật, binh chế, trường học... của Việt Nam, MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành trọn bộ 3 tập (20 quyển) "Việt Kiệu Thư" và hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc.</p><p>1. Việt Kiệu Thư (Trọn Bộ 3 Tập)</p><p>2. Bộ Bo Góc Bảo Quản</p>