<p>Ghi lại hành trình đi chụp ảnh rác thải nhựa gây ô nhiểm khắp Việt Nam của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng. Hùng Lekima đã đi gần 7000km trong đó có 3.269km bờ biển từ Bắc chí Nam bằng xe máy.
- Bố cục: Gồm 3 phần: Trước hành trình; Chặng đầu của hành trình; Chặng thứ hai của hành trình.
- Văn phong: Giản dị, chân thực.</p>
<p>+TRÍCH ĐOẠN: </p>
<p>Máy ảnh của tôi đã ghi lại những nơi… toàn rác. Những dòng sông, những con người oằn mình trong rác. Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây sẽ chẳng phải một câu chuyện hấp dẫn và thú vị, nhưng tôi nghĩ đó là một câu chuyện có ích. Tôi chỉ là một cá nhân với khả năng có hạn nhưng tôi tin một hành động nhỏ, thiết thực sẽ lan ra thành nhiều hành động tốt đẹp và lớn lao hơn…
“Tôi lấy bản đồ Việt Nam, dải đất hình chữ S hiện ra cong cong thật đẹp. 3.260km đường bờ biển – tôi đọc con số trên bản đồ. “Biển – cảnh đẹp – rác thải – ung thư…”, “Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm biển”, những từ khóa cứ lần lượt lướt qua trong đầu tôi. Bhutan có tới 72% diện tích được che phủ bởi rừng, chính việc trồng rừng đã biến một đất nước có đặc điểm địa lí toàn núi non thành một lá phổi xanh khổng lồ như thế. Họ đã biến yếu thế thành lợi thế. Còn chúng ta, 3.260km đường bờ biển chẳng phải là một lợi thế quá lớn hay sao? Vậy nhưng lợi thế ấy không những chưa được phát huy hết mà còn bị đe dọa bởi ô nhiễm trắng. “Tại sao không thực hiện một chuyến “phototour” ở chính đất nước mình, đi dọc bờ biển, nhưng lần này không chụp cảnh đẹp, mà chụp Rác – Rác thải nhựa ở biển nhỉ? – Ý tưởng ấy lóe lên trong đầu tôi và không lâu sau đó, tôi lên kế hoạch cho chuyến đi để đời này”.
“Ở Diêm Phố, máy ảnh của tôi hoạt động hết công suất. Qua bất kì chỗ nào tôi cũng chụp được những bức ảnh về thực trạng rác, phải nói là khủng khiếp và xót xa. Rừng cây chi chít túi ni-lông, gọi là rừng cây ni-lông thì đúng hơn. Tôi chụp quên cả ăn trưa, chụp đến lúc nắng tắt. Trời tối rất nhanh, lúc này tôi muốn qua sống nhưng tìm mãi không được đò chiều, tôi cảm giác mình sắp bị bỏ lại thì may mắn người chở đò xuất hiện. “
“Anh có tin không, chúng tôi có một vườn cây hoa trái sum sê nhờ bón phân bón khoáng hữu cơ do tái chế rác thải đấy”. Tôi mắt tròn mắt dẹt không tin vào tai mình. Chị dẫn tôi ra sau khu nhà máy. Thật không thể tin được, một vườn cây sum sê hoa trái. Rau xanh mướt, dưa lúc lỉu. Bao ngày, ống kính chỉ ghi lại những cảnh rác, túi ni-lông, cuộc sống ngập trong ô nhiễm, giờ đến với vườn cây này, đến với nhà máy xử lí rác thải, giống như một cơn mưa mùa hạ tưới tắm những ngày oi nồng. Tôi đi vào vườn cây mà như đi vào xứ sở thần tiên.</p>