<p>Nguyễn An Ninh (1900 – 1943), một chí sĩ yêu nước không giống bao kẻ sĩ khác cùng thời. Không giẫm bước trên dấu giày của kẻ khác, phụng sự chế độ thực dân để hưởng vinh hoa, phú quý, Nguyễn An Ninh đã vượt qua những hạng người đó, dùng tài học của mình để tìm con đường giải thoát dân chúng.</p>
<p>Ông tổ chức mít tính, diễn thuyết, viết báo, hăng hái đấu tranh với chính quyền thực dân bóc lột. Cuộc đời ông có hai lần diễn thuyết lớn. Lần đầu là đêm ngày 25/1/1923 với đề tài “Nền văn hóa Việt Nam”. Lần thứ hai là vào đêm 15/10/1923 với đề tài “Lý tưởng thanh niên An Nam”. Tiếng vang qua hai bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh đã tác động mạnh đến dư luận thanh niên và trí thức Sài Gòn, đã làm đau đầu chính quyền thống trị. Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Cognacq phải gọi ông lên dinh để mong bịt miệng. Dụ dỗ không thành, Cognacq đã ra lệnh cấm Nguyễn An Ninh diễn thuyết hay tụ họp bất cứ nơi đâu.</p>
<p>Không thể tiếp tục đấu tranh bằng lời, ông chuyển sang đấu tranh bằng ngòi bút. Ông cho ra đời báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) bằng Pháp văn với người quản lý Pháp lai tên Eugène Dejean de la Bâtie vào ngày 10/12/1923. Mặc dù lo sợ nhưng không cấm đoán được, viên Thống đốc Cognacq và nhà cầm quyền Pháp chủ trương đánh phá La Cloche Fêlée. Bất cứ ai cầm tờ báo trên tay cũng bị mật thám theo dõi, bị đuổi học, đuổi việc. Chủ nhà in, thợ sắp chữ liên tục bị hăm dọa. Báo phải đổi nhà in, chủ báo Nguyễn An Ninh vừa là ký giả, vừa phụ xếp chữ với thợ, sửa bản vỗ, làm long tong. Sau khi in xong, đích thân Nguyễn An Ninh mặc đồ dài, tay ôm sấp báo đứng bán ở góc đường Catinat. Phát hành được 19 số, đến ngày 14/7/1924, tờ báo phải tạm ngưng vì lý do sức khỏe của ông và sự đánh phá của giới cầm quyền.</p>
<p>Con đường đấu tranh của Nguyễn An Ninh không dừng lại ở đó, ông tiếp tục các hoạt động của mình bằng việc sáng lập và tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng, còn được biết đến với tên Hội kín Nguyễn An Ninh. Đây được xem là một trong những tổ chức có ảnh hưởng rộng khắp Nam Kỳ trong suốt thập niên 20 của thế kỷ trước…</p>
<p>Việt Tha – Lê Văn Thử, một chí sĩ yêu nước từng sát cánh với Nguyễn An Ninh trong những ngày đấu tranh khốc liệt, đã ghi lại về cuộc đời “anh Ninh” trong tác phẩm “Hội kín Nguyễn An Ninh” một cách chân thật và dung dị, đúng theo như tinh thần và đức tính đáng mến của tác giả: Thấy sao nói vậy! Trong những lời đầu sách, Lê Văn Thử viết:</p>
<p>“Tôi lấy tên quyển sách này là Hội kín Nguyễn An Ninh bởi tôi có sống trong thời kỳ ấy. Tôi được mục kích sự khủng khiếp ở đây và được nghe tiếng dội của luồng dư luận trong các chính giới ở Pháp. Họ cho là một phong trào vĩ đại chưa từng có. Họ khủng khiếp bởi bấy lâu, chừa ra một vài phong trào nông dân như Thiên Địa hội hay là Phan Xích Long do vài tên du đãng mê tín dựa vào nông dân gây ra mà chưa có một tay tri thức nào đứng ra dẫn đạo như phong trào Hội kín. Tuy quyển sách này nói nhiều về đời anh Ninh, song tôi muốn để tên Hội kín, bởi tôi muốn nhắc lại đời anh chỉ có lần hội kín mà anh được tên tuổi nhiều và cũng do hội kín mà người ta quên sự lầm lạc của anh đi.”</p>
<p>MaiHaBooks trân trọng giới thiệu tới quý độc giả cuốn sách “Hội kín Nguyễn An Ninh“, để chúng ta cùng nhìn lại những năm tháng đấu tranh quên mình của người chí sĩ yêu nước này.</p>