<p>Nhà Và Người</p>
<p>Bìa sách nổi bật hình ảnh thiếu phụ mặc áo dài da cam bên cái trường kỷ cổ, trên nền trắng ngà, không có gì khác. Có lẽ đây là thông điệp đầu tiên tác giả muốn gửi đến bạn đọc, đó là sự tối giản, cô đọng, súc tích. “Cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng “nói” ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng “vô ngôn”. “Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Nói cách khác, tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay của tôi, là người nào của ấy, là “căn cước” của tôi.” – Lê Thiết Cương từng nói như thế.</p>
<p>Hơn 50 tản văn, Lê Thiết Cương chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận, suy ngẫm của mình về những ngôi nhà, từ kiến trúc đến đồ nội thất và những con người chủ nhân hay liên quan đến ngôi nhà, đồ vật ấy, bằng những cảm nhận rất riêng.</p>
<p>Trong một bài viết về bộ sưu tập ghế, anh gọi một cái ghế gãy chân là “ghế làm bằng nước mắt” vì nó vốn là cái ghế các con chiên ngồi xưng tội trong nhà thờ; viết về một người sưu tập đồng hồ, anh ngẫm ra mỗi người là cái đồng hồ của riêng mình; về bộ sưu tập chân nến của Nguyễn Quang Thiều, anh nói chơi chân nến chính là chơi với lửa, nên mới có “Sự mất ngủ của lửa”…</p>
<p>Theo bước chân tác giả đi khắp nước, từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, từ Sa Pa đến Đà Lạt, từ các ngôi nhà phố xưa cũ đến các làng cổ đầy ắp chuyện xưa, thấp thoáng hình bóng chủ nhân, dị nhân… gợi cho người đọc rất nhiều suy ngẫm và ý tưởng mới. Vì tác giả tối giản, viết rất ngắn gọn, kiệm lời.</p>
<p>Nhận định của tác giả có thể ta đồng tình hay có cách nghĩ khác, nhưng quả là nó làm cho người đọc phải nghĩ. “Con người vẫn là yếu tố khó nhất để tạo nên sự sang trọng cho ngôi nhà. Chính chủ nhà là yếu tố design đặc biệt cho ngôi nhà. Chủ nhà sang thì ngôi nhà sẽ sang gấp đôi. Nhưng chủ nhà hèn thì vẻ đẹp của ngôi nhà không phải giảm đi hai lần mà mất cảm tình toàn bộ”… Nói đi, nói lại, rồi tác giả kết luận “Cho nên cứ phải tùy duyên mà nhìn, mà ngắm, tùy duyên mà chơi, tùy duyên mà làm, tùy duyên mà đẹp, tùy duyên mà sang”.</p>
<p>“Tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp? Tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”? Tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới? Tại sao chất đất – chất người của Thăng Long – Hà Nội lại thiên về âm thổ?...”</p>
<p>“Làm bằng gì, để dùng khi nào, phong cách này hay kia, cũ hay mới vẫn là ghế. Nếu chỉ để ngồi thì hẳn không cần nhiều loại như thế. Phải đẹp nữa chứ.” Vậy thì, viết gì thì viết, đề tài nhà hay người, cũ hay mới, nhưng viết phải đẹp, trang sách phải đẹp nữa chứ…</p>
<p>Suy cho cùng, tất cả các tản văn của Lê Thiết Cương qua cuốn sách này đều là cảm nhận, suy ngẫm về cái Đẹp, cái đẹp xưa cũ, cái đẹp tươi mới, cái đẹp kín đáo, cái đẹp bình an… rất nhiều cung bậc về cái đẹp. - Nhà báo Nguyễn Phan Khiêm</p>