<p>Bắt đầu bằng câu chuyện của chính người viết: cuộc đời cô sang trang bởi hội chứng “rối loạn lưỡng cực”. “Những người mắc bệnh này sẽ có hai đỉnh cảm xúc rất cực đoan. Khi ở trong trạng thái hưng cảm, họ sẽ có cảm giác phấn chấn, vui vẻ, vô cùng hào hứng, có thể làm những chuyện điên rồ, gây ra nguy hiểm cho bản thân mình và người khác. Ngược lại, khi rơi vào giai đoạn trầm cảm, họ sẽ trầm uất, buồn chán, tuyệt vọng đến cùng cực. Không ít người mắc chứng “rối loạn lưỡng cực” đã tìm đến cái chết để giải thoát. Đây là một dạng bệnh lý tâm thần”.</p>
<p>Biến cố diễn ra khi tác giả Lê Minh đang ở giai đoạn hoàn thành luận văn Thạc sĩ ngành Di truyền học (Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh), buộc cô thực hiện một cú nhảy ngoạn mục nhất trong đời: từ bỏ ngành công nghệ sinh họa chuyển sang làm việc trong lĩnh vực báo chí.</p>
<p>Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh mà bác sĩ khuyên không nên có quá nhiều cảm xúc, nhưng chính cô lại chỉ có thể chọn cảm xúc để biết là mình đang thực sự sống chứ không chỉ tồn tại. Làm báo, làm dự án sách chính là những công việc không nên làm đối với một người mắc chứng rối loạn lưỡng cảm. Công việc của cô không ít lần bị ngừng trệ, thay đổi, vì hội chứng này.</p>
<p>Quyết định không dùng thuốc để lấy lại cảm xúc của mình, cô như người đi trên dây: chấp chới giữa khỏe mạnh/ốm đau, chấp chới giữa các lựa chọn ngành nghề với câu hỏi lớn: đâu là con đường thực sự dành cho mình?</p>
<p>“Cho đến khi đi làm chính thức trong một công ty, tôi mới nhận ra việc chỉ làm đơn thuần một công việc ngày qua ngày khiến tôi cảm thấy cuộc sống trống trải đến ngột ngạt. Tôi nhớ cuộc sống bận rộn của mình ngày trước. Rồi bạn sẽ thấy, điều bi kịch nhất không phải là bạn stress vì làm quá nhiều việc mà chính là bạn có quá nhiều thời gian mà chẳng biết làm gì với chúng. Tôi mất khoảng ba tháng để làm quen với nhịp sống chậm rãi nơi này, mỗi ngày tôi đến sở làm, thực hiện các thí nghiệm, bấm thẻ ra vào đúng giờ và trở về. Vào những ngày trời mưa, khi cho xe máy lội lõm bõm qua con đường ngập nước để đến công ty, tôi chỉ muốn quay đầu trở về nhà. Nhưng thời tiết không phải là vấn đề, những ngày trời xanh nắng đẹp không khiến tâm trạng tôi khá hơn, tôi luôn tự hỏi bước chân của mình chẳng lẽ chỉ mãi in dấu trên con đường đơn giản nối giữa hai nơi nhà và chỗ làm?</p>
<p>Một hôm, tôi lấy hết can đảm trò chuyện với ba “Ba ơi, con không muốn tiếp tục uống thuốc. Những viên thuốc đã mang đi toàn bộ cảm xúc của con. Con không còn buồn nữa nhưng con cũng không có gì vui. Nếu sống mà không có cảm xúc thì khác gì người đã chết?”.</p>
<p>Trong quá trình làm báo, tác giả gặp rất nhiều nhân vật ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và hầu hết họ đều làm những việc không liên quan đến ngành học thời đại học.</p>
<p>Nguyên nhân nào dẫn tới những cú nhảy nghề nghiệp?</p>
<p>Yếu tố cần và đủ để thực hiện một sự chuyển đổi nghề nghiệp thành công?</p>
<p>Có cơ hội tỏa sáng nào dành cho những người nhảy sang một lĩnh vực mới?</p>
<p>Người viết đã ẩn giấu câu trả lời cho những câu hỏi trên bằng cách ghi lại câu chuyện kể của những nhân vật mà cô gặp. Câu chuyện của các nhân vật, cùng với câu chuyện của người viết ở tập 1 nhằm trả lời câu hỏi “Làm thế nào để một người nhận diện niềm đam mê của mình, hiểu đúng về bản chất của đam mê để có dũng khí theo đuổi nó?”.</p>
<p>“Tôi cho rằng nếu được lựa chọn, ai cũng mong mình sẽ tìm được một nghề nghiệp tốt ở những năm đầu của tuổi 20. Nhưng nếu dành dành lúc nào cũng nở hoa thì cuộc sống làm gì có khái niệm “bế tắc”. Là một trong những người đã từng bị mắc kẹt trong giai đoạn chuyển đổi nghề nghiệp đầy khó khăn, hơn ai hết tôi mong người trẻ sẽ có những bước đi thuận lợi hơn trong hành trình tìm kiếm nghề nghiệp và đam mê của mình. Và nếu chuyển đổi công việc là một bước đệm để các bạn theo đuổi ước mơ lớn của đời mình thì tôi hy vọng những câu chuyện trong quyển sách này sẽ tiếp thêm động lực để bạn thực hiện cú nhảy ngoạn mục đó”.</p>