rắc rối giới - gender trouble

rắc rối giới - gender trouble

<p>“Judith Butler được gọi là vua và nữ hoàng của thuyết lệch pha...”</p>

<p>Gender Trouble (Rắc rối Giới) là “một trong những công trình nghiên cứu về nữ quyền và lệch pha được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử”.</p>

<p>Với những người “trong ngành”, Judith Butler là cái tên không xa lạ, dù họ thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối các công trình học thuật của tác giả này. Judith Butler (24/2/1956), hay tên đầy đủ: Judith Pamela Butler, là một nhà triết học và nhà lí thuyết giới người Mỹ có những tác phẩm ảnh hưởng đáng kể đến triết học chính trị, đạo đức cũng như đến các lĩnh vực thuộc làn sóng nữ quyền thứ ba, lí thuyết queer và lí thuyết văn học.</p>

<p>Nói về những bài viết, những công trình nghiên cứu của Butler, người ta thường coi cuốn sách Gender Trouble (Rắc rối Giới) là “nổi” nhất – thách thức các quan niệm quy chuẩn về giới, đồng thời phát triển thuyết biểu hành giới (“gender performativity”, cũng được dịch là lí thuyết trình diễn giới). Mặc dù Gender Trouble (Rắc rối Giới) không hề dễ đọc một chút nào, song sách đã bán hơn 100.000 bản với khoảng 30 ngôn ngữ trên toàn cầu. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng tin tưởng rằng bản tiếng Việt sẽ tiếp tục góp phần nâng thêm các con số nói trên.</p>

<p>Trước hết, tiêu đề chứa đựng một từ khóa mà bản thân nó toát lên tinh thần của cuốn sách này: “rắc rối”. Tác giả cho rằng không nên nhìn nhận từ “rắc rối” một cách tiêu cực: “Tôi kết luận rằng rắc rối là tất yếu, và nhiệm vụ của chúng ta là gây rắc rối, là gặp rắc rối sao cho hiệu quả nhất”. Gender Trouble (Rắc rối Giới) dường như mở một lối đi nữa cho các nhà nghiên cứu giới khác, thí dụ Sara Ahmed nhận thấy việc “gây rắc rối” chứa đựng khả năng thúc đẩy một công việc mới của nữ quyền, bởi điều đó chất vấn các khái niệm xưa nay hợp thành tính đồng nhất của con người: giới tính/ giới/ ham muốn; chất vấn các phạm trù vốn dĩ hỗ trợ cho quan điểm phân biệt, kì thị phụ nữ và dị tính luyến ái bắt buộc về giới ở phương Tây. Còn Sandra Lipsitz Bem thì diễn giải Gender Trouble (Rắc rối Giới) thành 3 sự đảo lộn căn cốt: a) 2 giới tính nam – nữ không phải là nguyên nhân của dị tính luyến ái bắt buộc và duy nhất, mà chính là kết quả; b) mọi giới đều là diễn giới, do đó không có bản gốc mà chỉ có các bản sao; và c) những cá nhân không có trạng thái hòa hợp, mạch lạc giữa giới tính/ giới/ ham muốn thì không kì dị mà chẳng qua do bị hệ thống dị tính luyến ái bắt buộc định nghĩa như thế. Shildrick nêu ý kiến rằng có thể coi lý thuyết của Butler là “điều kiện không thể thiếu” của nữ quyền luận hậu hiện đại. Thậm chí Sara Salih từng nhận định như sau: “Ngay cả những nhà tư tưởng không đồng tình với Rắc rối Giới cũng phải thừa nhận nó đã và tiếp tục có ảnh hưởng và tầm quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực”.</p>

<p>Trở lại với bình luận rằng Gender Trouble (Rắc rối Giới) chẳng hề dễ đọc, chính Judith Butler cũng lên tiếng cho tác phẩm của mình:</p>

<p>“Dù khen hay chê, nhiều độc giả phê bình Rắc rối giới khó đọc. Thậm chí một số người còn cảm thấy kỳ lạ và tức giận khi một cuốn sách khó tiêu thụ như vậy lại trở nên ‘nổi tiếng’ đến thế theo tiêu chuẩn học thuật. Cuốn sách của tôi khiến nhiều người ngạc nhiên có lẽ vì chúng ta đã đánh giá thấp độc giả. Trên thực tế, độc giả có đủ khả năng và ham muốn đọc những văn bản phức tạp và thách thức, khi sự phức tạp có lý do của nó, khi sự thách thức có mục đích chất vấn những sự thật hiển nhiên, khi tính hiển nhiên của những sự thật ấy quả thật đang áp bức người khác”.</p>

<p>Song với tất cả những ai đã đọc công trình này thì có một thực tế rõ rành rành – cuốn sách đòi hỏi độc giả phải đọc nó nhiều hơn một lần, nếu không muốn nói là đọc đi đọc lại, phần vì nhiều quan điểm khác, lạ, thậm chí mang tính “lật đổ”, gây khó chịu, xuất hiện:</p>

<p>“Nếu chúng ta vẫn phải tranh cãi về sự bất biến của giới tính thì có lẽ ‘giới tính’ cũng được văn hóa kiến tạo như giới. Quả thật, có lẽ giới tính vốn vẫn luôn là giới, và việc phân biệt giới tính/ giới hoá ra hoàn toàn vô nghĩa”.</p>

<p>“Thật vậy, tôi sẽ chỉ ra rằng giới tính, về bản chất, vốn vẫn luôn là giới”.</p>

<p>“Chúng ta không nên giả định trước rằng có một phạm trù ‘phụ nữ’ chỉ chực chờ được điền vào những cấu phần khác nhau của chủng tộc, giai cấp, tuổi tác, sắc tộc hay tính dục để trở nên trọn vẹn”.</p>

<p>Dẫu vậy, cuốn sách của Butler không chỉ chứa đựng tầng tầng thuật ngữ được cài giắt trong lớp lớp văn phong phức tạp, không chỉ huy động, viện dẫn kiến thức đa ngành đầy thử thách... mà ở sâu thẳm vẫn xuất phát từ thương tổn cá nhân hết sức “đời thường”:</p>

<p>“Tôi cũng thấm thía sự phũ phàng của một cuộc đời bị ngăn chặn, bị coi là không ‘đáng sống’, bị giam cầm và đình chỉ, một án tù chung thân. Tôi lì lợm cố gắng ‘phi tự nhiên hóa’ giới cũng chỉ vì khát khao chống lại bạo lực quy chuẩn ngầm ẩn trong những hình thái giới tính lý tưởng, cũng như nhổ tận gốc những giả thiết phổ biến về dị tính tự nhiên hay áng chừng trong các diễn ngôn đời thường và học thuật về tính dục”.</p>

<p>Dĩ nhiên, không dừng lại ở nỗi trăn trở nội tại, của chính mình, Judith Butler ấp ủ những tác phẩm như Gender Trouble (Rắc rối Giới) là dành cho những thân phận khao khát sống cho ra sống mà nay đang chịu cảnh lạc loài, bị xem như bất khả tri:</p>

<p>“Nếu Rắc rối Giới thực hiện một nhiệm vụ quy chuẩn tích cực nào đó thì đó là kiên quyết đòi hỏi xã hội hợp pháp hóa những cơ thể bị coi là sai trái, không thật, và bất khả tri”.</p>

<p>Tháng 10/ 2022, Gender Trouble (Rắc rối Giới) bản tiếng Việt ra mắt – sau vài năm làm việc của nhóm dịch Tiên Phong, cùng sự hỗ trợ nhiệt thành của người hiệu đính, trở thành ấn phẩm Gender Trouble được xuất bản đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á!</p>

<p>Trước đó, vào tháng 10/2020, nhân kỉ niệm 30 năm xuất bản ấn phẩm, Tạp chí nghiên cứu châu Á đã tập hợp một số nhận định của những học giả đại diện cho từng khu vực về nó: Geeta Patel mặc dù không đánh giá cao các nguồn dữ liệu của Butler trong cuốn sách, song tin tưởng rằng “những thách thức mà Butler ném ra cho các dữ liệu này (...) có thể được triển khai ở mức độ rộng hơn nhiều”. Hoặc Gail Hershatter kết luận: “Nhìn lại nhiều thập kỷ từ khi Rắc rối Giới xuất hiện, sau sự xuất hiện của thuyết lệch pha, chính trị về chuyển giới, giới phi nhị phân, và việc tư duy lại về cả giới tính lẫn giới trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ chăm sóc trẻ cho đến sinh học tế bào, rõ ràng là Butler đã mang lại cho giới học thuật và chính trị biết bao nhiêu thói quen tư duy mới. Mặc dù Rắc rối Giới khởi sự một cuộc đối thoại, nhưng nó không phải là lời kết luận cuối cùng, hay thậm chí là lời cuối cùng của Butler về chủ đề này” v.v.</p>

<p>Gender Trouble (Rắc rối Giới) quả thực đã tỏa bóng cho nhiều lớp người trong xã hội, và ra nhiều ngành nghiên cứu như chính trị học, dân tộc học, ngôn ngữ học, tâm lý học xã hội, nghiên cứu nhân văn v.v.</p>

yêu sách của antigone - thân tộc giữa sự sống và cái chết

yêu sách của antigone - thân tộc giữa sự sống và cái chết

<p>Yêu Sách Của Antigone - Thân Tộc Giữa Sự Sống Và Cái Chết</p>

<p>Yêu sách của Antigone là tác phẩm cô đúc các bài giảng của học giả Judith Butler tại các trường đại học lớn như Đại học California, Cornell và Princeton năm 1998, bàn về tác phẩm kinh điển Antigone của Sophocles, là một vở kịch được đề cập nhiều nhất trong lịch sử triết học và lý thuyết chính trị phương Tây. Vở kịch, nằm trong bộ ba câu chuyện thành Thebes (Vua Oedipus, Oedipus ở Colonus và Antigone), kể về gia đình bi thương của ông vua Oedipus – kẻ đã giết cha lấy mẹ, số phận cô con gái Antigone (kết quả của mối tình oan nghiệt này) cùng mối tình loạn luận với người anh trai Polyneices và bi kịch của nàng. Theo nhận xét của John Seery, cuốn sách là “một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua”, không những vậy, “một cách đọc như thế về một văn bản cổ điển chỉ khoảng 2.500 năm mới xuất hiện một lần”.

Từ lâu, nhân vật Antigone của Sophocles thường được cho là hình ảnh của nữ giới, đại diện cho gia đình và thân tộc. Tuy nhiên Judith Butler đặt lại vấn đề này. Thứ nhất là bản thân tính đại diện của Antigone: nàng là một nhân vật hư cấu, khó có thể đem ra làm hình mẫu mà không rơi vào phi thực tế. Thứ hai, Antigone khó lòng là đại diện tiêu biểu cho nữ quyền, vì chính nàng cũng dính líu vào quyền lực mà nữ quyền đang chống lại. Bản thân Antigone cũng không phải hình mẫu phụ nữ thuần túy: nàng không hành động, nói năng như nữ giới, không lấy chồng, sinh con. Antigone cũng khó lòng đại diện cho thân tộc, vì những rắc rối, lệch chuẩn của thân tộc mà nàng gắn vào.</p>

<p>Tác giả sử dụng quan điểm của Hegel và Lacan – những người có cách đọc Antigone ảnh hưởng nhất từ trước đến nay – để phản biện lại chính họ, đồng thời cố gắng trả lời câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu phân tâm học lấy Antigone, thay vì Oedipus, làm xuất phát điểm của mình?” Cuốn sách chính là nỗ lực của Butler để chứng minh Antigone là một nhân vật có khả năng mở ra những khả thể, khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ lại và phần nào mở rộng ranh giới của những chuẩn mực tưởng chừng tự nhiên và bất di bất dịch, trong lịch sử cũng như trong đời sống.</p>

<p>Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu quý độc giả cuốn sách “Yêu sách của Antigone: Thân tộc giữa sự sống và cái chết”.</p>

<p>Trích đoạn</p>

<p>… [M]ục đích của nàng không phải là trở lại với trạng thái bình thường của gia đình, cũng không phải ca tụng thực hành loạn luân. Thế nhưng, tình thế khó khăn rắc rối của nàng mang lại một phúng dụ về khủng hoảng thân tộc: những chỉnh hợp xã hội nào có thể được công nhận là tình yêu chính đáng, và những mất mát nào của con người có thể được than khóc minh nhiên, được cho là mất mát thực sự và đáng kể? Antigone từ chối tuân theo bất kỳ luật nào không công nhận công khai sự mất mát của nàng, và theo cách này, báo hiệu hoàn cảnh mà những người có mất mát không thể than khóc công khai – chẳng hạn như do AIDS – biết quá rõ. Họ đã bị kết án kiểu chết nào khi còn đang sống? […]</p>

<p>Antigone, người kết thúc tấn kịch Oedipus, không tạo ra được kết thúc dị giới cho tấn bi kịch đó, và điều này có thể chỉ báo riêng một hướng cho một lý thuyết phân tâm học lấy Antigone làm điểm xuất phát của mình. Chắc chắn, nàng không giành được một tính dục khác, một tính dục không phải là dị tính, nhưng dường như nàng đã giải định chế tính dục dị tính bằng cách từ chối làm điều cần thiết để ở lại sống vì Haemon, bằng cách từ chối trở thành một người mẹ và một người vợ, bằng cách xúc phạm đến công chúng với giới đầy dao động (wavering gender) của mình, bằng cách đón nhận cái chết như buồng tân hôn, và đồng nhất ngôi mộ của mình với một “tổ ấm yêu thương sâu thẳm” (kataskaphes oikesis).</p>

<p>Tác giả</p>

<p>Judith Butler hiện giảng dạy tại Khoa Văn học so sánh và chương trình Lý thuyết phê phán tại Đại học California, Berkeley, là một triết gia, nhà nghiên cứu giới rất có ảnh hưởng, đồng thời là người luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới thông thường, người thuộc nhóm thiểu số về tính dục). Câu nói của bà được trích dẫn nhiều và rất được ủng hộ là “Cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình”.</p>

    Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

    Liên Hệ