<p>Joseph Goldstein là một Phật tử, giáo thọ trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình và là một thành viên sáng lập của Hiệp hội Thiền Minh Quán (Insight Meditation Society). Ông là ví dụ cho một kiểu Phật tử mới mà chúng ta thấy ở phương Tây ngày nay. Thay vì bám chặt vào một truyền thống duy nhất, ông đã học với rất nhiều vị thầy, kết nối các phương diện khác nhau của nhiều truyền thống Phật giáo vào sự thực hành của mình. Đã có nhiều tiền lệ trong lịch sử cho cách tiếp cận như vậy. “Chứa đầy trí tuệ và lòng từ bi, Một Pháp cung cấp một bản đồ rực rỡ về con đường tâm linh.” (Daniel Goleman, tác giả của Trí tuệ cảm xúc).</p>
<p>Phật giáo thường được truyền thêm sinh khí khi một sự tổng hợp mới được sáng tạo từ những truyền thống đang sẵn có. Sự thực hành Phật giáo, ở bất cứ nơi nào mà nó có liên quan, bao gồm những thành phần căn bản như sự thực hành chú niệm, tâm từ, tâm bi, không dính mắc và trí tuệ. Những chủ đề chung này là những gì mà Joseph đã tập trung ở đây, trong quyển sách có tựa đề thật thích hợp này: Một Pháp.</p>
<p>Mục lục:</p>
<p>Lời nói đầu</p>
<p>Lời giới thiệu </p>
<p>Nhiều con đường – một lối đi</p>
<p>Lịch sử sơ kỳ</p>
<p>Bước vào con đường</p>
<p>Thức tỉnh niềm tin</p>
<p>Không làm những điều ác</p>
<p>Luôn làm các điều lành</p>
<p>Thanh tịnh tâm thức mình</p>
<p>Từ ái</p>
<p>Bi mẫn </p>
<p>Giải thoát nhờ không bám chấp</p>
<p>Niết Bàn</p>
<p>Gươm trí tuệ</p>
<p>Lời cảm ơn</p>
<p>Tài liệu trích dẫn</p>
<p>Tác giả:</p>
<p>Joseph Goldstein - Một trong những giảng viên Phật giáo được kính trọng nhất của Hoa Kỳ đã chắt lọc cả cuộc đời thực hành và giảng dạy trong việc khám phá đột phá truyền thống Phật giáo mới bắt rễ trên đất Mỹ.</p>
<p>Trích đoạn nội dung:</p>
<p>Ngày nay, chúng ta đang đi tới một vòng tròn trọn vẹn và lần nữa lại có một sự giao thoa lớn giữa các truyền thống. Những yếu tố nuôi dưỡng sự nổi lên của Một Pháp vào thời điểm này là sự phong phú to lớn của những giáo lý đã sẵn có và sự khó khăn của việc đánh giá những quan niệm khác biệt, mỗi quan niệm đều đúng và được chứng nghiệm từ góc nhìn của chính nó. Khi học hỏi và tôn trọng những vị thầy và giáo lý từ nhiều truyền thống khác nhau, thách thức của chúng ta là làm sao để nắm giữ tất cả trong sự sáng suốt thay vì trong sự hoang mang hoặc mâu thuẫn. Phật giáo phương Tây chắc chắn sẽ là một sự tổng hợp của những truyền thống trí tuệ vĩ đại này. Điều đó đã và đang diễn ra. Đây không cần phải là một sự mai một hoặc trộn lẫn của những giáo lý khác nhau. Chúng ta có thể thực hành mỗi giáo lý trong sự trọn vẹn của riêng chúng và đạt tới một chiều sâu thực sự của hiểu biết.</p>
<p>Năm 1985, tôi tham gia một khóa thiền ở Nepal với Sayadaw U Pandita. Chúng tôi sống trong những khu tập thể đông đúc và thực hành trong những hoàn cảnh mà tôi cho là kém lý tưởng. Năm người chúng tôi sống chung trong một căn phòng có nền bê tông ngay cạnh nhà tiêu. Khi thiền hành, tâm tôi cứ bị phân tán với đủ loại phán xét về người khác và sau đó tràn đầy nghi ngờ về bản thân, tất cả đều có vẻ hoàn toàn chính đáng. Khi tôi trình kinh nghiệm của mình với Sayadaw, Ngài khuyên: “Hãy chú tâm hơn nữa.” Lúc đầu tôi nghĩ: “Chà, một sự trợ giúp lớn đây!” nhưng sau đó quyết định thử làm theo lời khuyên của Ngài. Tôi bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến những chuyển động khi đi bộ, đến những cảm giác mà mình đang cảm nhận. Thật kinh ngạc, tâm lập tức yên lặng trở lại; trong sự khít khao của sự tập trung vào cơ thể, không có nhiều chỗ cho tất cả những đánh giá, nghi ngờ.</p>
<p>Học cách sống trong một không gian thân thiện và yêu thương đòi hỏi sự kiên nhẫn và liên tục. Chúng ta rất thường xuyên rơi vào những khuôn mẫu quen thuộc của sự khó chịu, bực bội, tức giận và ác ý. Nhưng những trạng thái này cũng có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta nên khảo sát hơn là chết chìm trong chúng. Thomas Merton biết rằng trải qua những giai đoạn khó khăn là một phần thiết yếu của hành trình tâm linh. Ông viết:“Cầu nguyện và yêu thương được học trong thời điểm mà cầu nguyện trở nên bất khả thi và trái tim hóa đá.”</p>