<p>Gió Nổi Lên</p>
<p>Giống như “làng K.” luôn hiện ra trong những khuôn hình tuyệt đẹp giữa thiên nhiên nguyên sơ trong trẻo - cho dù khoác chiếc áo mùa hè với muôn vàn loài hoa khoe sắc trong Ngôi làng thơ mộng, hay trở thành “thung lũng khuất bóng tịch liêu” vùi mình dưới lớp tuyết phủ dày giữa mùa đông cô quạnh trong Gió nổi lên - cả hai tác phẩm nối liền nhau trong cuốn sách này đều có vẻ đẹp lung linh của phiến băng trong suốt.</p>
<p>Trong suốt có thể là trạng thái nguyên vẹn tinh khôi chưa nhuốm màu ố tạp, nhưng cũng có thể là trạng thái khi sự vẩn đục do khuấy động đã tan biến, lắng sâu. Vì thế, không chỉ có vẻ đẹp lung linh khi tình yêu chớm nở rạng ngời trong Ngôi làng thơ mộng, mà trong Gió nổi lên, khi hai người yêu nhau bị viễn cảnh chết chóc và chia ly đe dọa, thì tình yêu của họ như bỗng trở thành phiến hóa thạch trong veo, tuy chẳng còn ngát hương như quãng đời trước đó nhưng vẫn sáng long lanh trong bóng tối đau buồn.</p>
<p>-Dịch giả Lam Anh-</p>
<p>THÔNG TIN TÁC GIẢ</p>
<p>HORI TATSUO (1904 - 1953)</p>
<p>Là nhà văn, nhà thơ và dịch giả người Nhật. Sinh thời, ông tự xem mình là môn đồ của Akutagawa và bày tỏ lòng yêu thích văn hóa cổ Nhật Bản, nhưng đồng thời, văn chương của ông cũng thể hiện những ảnh hưởng rõ nét của các tác giả Tây phương.</p>
<p>Sau cú sốc từ cái chết của Akutagawa năm 1927, ông công bố tác phẩm Gia đình linh thiêng (1930) để thương tiếc thầy mình, và tiếp theo sau là Ngôi làng thơ mộng (1933 – 1934) và Gió nổi lên (1936 – 1938). Chính các tác phẩm này đã định hình phong cách văn chương Hori Tatsuo và đưa tên tuổi ông ra thế giới.</p>
<p>Các tác phẩm tiêu biểu khác của ông: Nhật ký của Kagerou (1937 – 1939), Naoko (1941), v.v.</p>
<p>Một bảo tàng mang tên ông được đặt tại thị trấn Karuizawa, nơi ông và vị hôn thê từng dưỡng bệnh – chính bởi căn bệnh lao đã trở thành nguyên cớ cho các chủ đề về tình yêu và cái chết trong sáng tác của ông.</p>