<p>Nâng Cao Chất Lượng Dạy Học Tác Phẩm Hồ Chí Minh (Tái Bản Có Sửa Chữa, Bổ Sung)</p> <p>Việc nâng cao chất lượng giảng dạy về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên các tác phẩm do Người soạn thảo có vị trí quan trọng. Do đó, nghiên cứu, giảng dạy, học tập về tác phẩm Hồ Chí Minh theo định hướng năng lực và phẩm chất là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đáp ứng các chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo các ngành giáo dục chính trị, chính trị học, Hồ Chí Minh học... ở các trường đại học, học viện, trường chính trị các cấp.</p> <p>Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề đổi mới dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh, có rất ít công trình hay bài nghiên cứu đề cập trực tiếp về nguyên tắc, biện pháp, vấn đề đổi mới ôn tập, đánh giá môn học này. Các công trình dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh hiện nay thường thiên về phân tích nội dung tác phẩm hơn là định hướng cho người học cách thức tiếp cận nội dung tác phẩm Hồ Chí Minh. Do đó, cuốn sách Nâng cao chất lượng dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh của TS. Nguyễn Thị Thanh Tùng - TS. Hoàng Thị Thuận (Đồng chủ biên) có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trên cả phương diện tiếp cận khoa học chính trị và phương diện khoa học giáo dục.</p> <p>Cuốn sách gồm hai phần:</p> <p>- Phần thứ nhất làm rõ một số vấn đề lý luận chung về dạy học tác phẩm Hồ Chí Minh.</p> <p>- Phần thứ hai giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh (như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh, Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc,...).</p> <p>Trong mỗi tác phẩm, tác giả đã xác định mục tiêu dạy học tác phẩm (năng lực, phẩm chất), hoàn cảnh ra đời và bố cục của tác phẩm, nội dung cơ bản của tác phẩm, giá trị của tác phẩm và một số câu hỏi ôn tập.</p>