<p>Thơ Cách Cổ Hoài Tân - Về Trung</p>
<p>Sự xuất hiện của Đặng Thân với tư cách là “đại diện cho một chủ thể diễn ngôn hoàn toàn mới” (NPB Lã Nguyên) là một may mắn cho văn chương Việt trong bối cảnh khủng hoảng văn hóa tranh luận “đối thoại phản biện”, “phản tư” kéo quá dài.</p>
<p>Với triết học, ông đã thăng hoa, khoáng hoạt, tươi vui... một cách “phạc nhiên” mà lật lại nhiều vấn đề, đối thoại với các nhà triết học và tôn giáo nhân loại từ tiền Socrates đến ngày nay. Vậy hãy pha một ít cách đọc thi ca vào đọc triết lí của Đặng Thân. Với thi ca, đa phần ông đã sáng tạo bằng cảm hứng triết học, đẩy cảm xúc xuống tầng sâu. Vậy hãy pha một ít cách đọc triết học vào đọc thi ca của Đặng Thân. Có vậy, chúng ta mới tránh được lối tiếp cận “bì phu” thô thiển, biết “cân bằng trong hỗn loạn” (NPB Võ Hương Quỳnh) mà thâm nhập vào tư tưởng siêu minh triết của họ Đặng.</p>
<p>Là nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận tư tưởng uyên bác, linh động, ông đã xây dựng một hệ từ vựng mới mẻ, độc đáo, sáng tạo... cho ngôn ngữ Việt Nam. Với lối nói giễu nhại, sử dụng nhiều “từ lóng” một cách thần tình... văn thơ Đặng Thân tràn đầy sự lôi cuốn, hấp dẫn với những ai bắt kịp tư tưởng của ông. Thơ Đặng Thân là âm thanh của những “cọng lông siêu độ vang choang choang” (‘Suến đuên 3’), là “lời vô định trào ra từ đại định” (‘Suến vô định 1’). Âm thanh ấy có sức mạnh náo động bờ mê, bến lú, thức tỉnh những u mê - u mê triết học, u mê tôn giáo, u mê chính trị, và cả u mê nghệ thuật, đã ám lấy con người hằng bao thế kỷ.</p>
<p>“Về trung”? Đúng hơn là “trung” về. Điệu cười, phách hát của những Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tản Đà... được hóa giải bằng giọng điệu phạc nhiên bát ngát, ngôn ngữ hậu hiện đại, độc lạ... cho người đọc những phút giây đầy sảng khoái, đầy bất ngờ, thú vị.</p>