<p>Khí Chất Hướng Nội - Bạn Có Sống Thật Với Chính Mình?</p>
<p>Ngày nay, khi tìm việc, trong sơ yếu lý lịch, nhiều bạn trẻ thường nhấn mạnh một cách vô thức khả năng ứng xử và hoà đồng với mọi người như “tính tình vui vẻ, giao tiếp tốt, kỹ năng tổ chức tốt…” bất kể bản thân có phải là người như vậy không, và cũng không quan tâm mình có thích như thế hay không.</p>
<p>Tuy nhiên, sống không đúng với con người thật của mình lâu dần sẽ tạo tâm lý bồn chồn bất an. Ở một mức độ nào đó, chắc hẳn vẫn còn một “con người thật” ẩn sâu bên trong bạn, và việc buộc phải rời xa “con người thật” này luôn khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng, có cố gắng “diễn” cũng không thể kéo dài.</p>
<p>Bạn có thật sự muốn sống cả đời như vậy hay không?</p>
<p>Khi chiêm nghiệm lại, nhiều người sẽ nhận ra quan niệm mà những người lớn xung quanh muốn truyền đạt đều là “hướng nội không tốt.” Nhiều bậc cha mẹ cho con tham gia một số hoạt động xã hội từ khi còn nhỏ với mong muốn con mình hướng ngoại. Có nghĩa là trong quan niệm của người lớn, tính cách hướng nội không có lợi cho sự phát triển sau này của trẻ. Theo logic chung, người hướng nội rất khó thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, họ thường bị gia đình và bạn bè ép phải hướng ngoại hơn.</p>
<p>Tuy nhiên, những người cố thay đổi tính cách của mình sẽ phải chịu đựng những áp lực tâm lý khủng khiếp mà người ngoài không thể tưởng tượng được. Qua quyển sách KHÍ CHẤT HƯỚNG NỘI, tác giả Đàm Vân Phi đã chỉ ra một con đường khác cho người hướng nội: Nhận rõ ưu nhược điểm của chính mình để tìm ra cách sống và làm việc hiệu quả nhất cho mình, để vẫn tỏa sáng khí chất hướng nội trong một xã hội ưu ái người hướng ngoại.</p>
<p>Sự khác biệt là vô cùng quý hiếm, tại sao lại cố gắng thay đổi con người thật và xóa bỏ sự độc đáo của mình chỉ để hòa tan trong đám đông?</p>