rừng mắm

rừng mắm

Rừng Mắm

"Rừng mắm" là một truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc, in lần đầu trong tập "Ký thác", năm 1968 (Nxb Cửu Long). Chuyện kể về một gia đinh ba thế hệ, vì nghèo không có đất, lưu lạc tới xứ Cà Mau để khai phá. Họ đã chọn bờ rạch để làm nơi định cư, đặt tên nơi nầy là Ô Heo, vì vùng đó lúc đầu là hang ổ của loài heo rừng và nhiều thú dữ khác. Vùng đất Bình Nguyên Lộc miêu tả không chỉ có chim thú, và các loài cây rậm ri, mà còn rất nên thơ, cái nên thơ qua con mắt nhìn của Cộc, một thiếu niên bắt đầu chộn rộn tâm hồn khi nghĩ đến một bóng hình con gái. Nơi đó cũng hứa hẹn một tương lại xán lạn, người dân tứ xứ có thể theo chân họ đến lập nghiệp, qua tiên đoán của ông Nội của thằng Cộc.

Qua một truyện ngắn, nhà văn Bình Nguyên Lộc như tái hiện lại lịch sử của vùng Nam bộ thuở những người Việt đầu tiên di cư đến, thuần hóa đất đai. "Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua ô nước rọng hũ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn..."

Ngoài truyện 'Rừng mắm" được lấy làm tên chung cho tập truyện, còn có nhiều truyện ngắn khác, được nhà văn viết hồi giữa thế kỷ trước, mà nay đọc lại, giá trị văn chương và lịch sử của chúng vẫn khiến chúng ta kinh ngạc. Cuối cùng, dư âm đọng lại là một tình yêu lớn của tác giả với đất đai, quê hương, làm nên một nỗi ngậm ngùi khó tả.

mưa thu nhớ tằm

mưa thu nhớ tằm

Tập truyện này được viết vào khoảng những năm 1950, được nhà xuất bản Phù Sa in năm 1965, gồm 17 truyện. 

“Mưa thu nhớ tằm” kể về một người đàn ông từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Ông trồng một cây dâu trước nhà, nhìn cây mà nhớ nghề nuôi tằm xưa ở quê hương. Có đêm, ông giật mình nghe như tiếng tằm ăn lá, thắp đèn soi tìm nhưng không thấy tằm đâu. Đó là một mong ngóng hão huyền nhưng đầy thơ mộng của một người xa xứ. 

Truyện “Lại mẹ tôi tái giá” viết về nỗi hờn ghen của một cậu bé khi người mẹ tái giá. Cậu đã bỏ đi biệt tích, lăn lóc với đời, theo giang hồ hành nghề móc túi rồi bị bắt vào trại giáo hóa. Mãn hạn, cậu phải lòng một cô gái rồi từ đó nghe tim mình vỡ vụn, không phải vì tình yêu mới chớm, mà vì nhận ra sai lầm lớn nhất của đời mình là không thấu hiểu người mẹ năm xưa, người “có lẽ ngày nay không còn nước mắt nữa để mà khóc.” 

Mỗi truyện trong tập đều có một sức hấp dẫn riêng. Qua những chi tiết vừa giản dị vừa thật lạ lùng, nhà văn Bình Nguyên Lộc khảo sát nỗi niềm của các nhân vật mà hầu hết là những thân phận nghèo trôi dạt tứ phương. Một bệnh nhân điên hết bệnh nhưng chờ mãi không thấy người thân đến đón, biết mình bị bỏ rơi, cô sống ở nhà từ thiện và coi như mình đã chết rồi (truyện “Xác không chôn”). Một anh lính Tây trong một đội tuần tiễu bị lạc vào rừng, đã quyết định ở lại vùng sơn cước cheo leo, đi giúp đỡ một bộ tộc lạc hậu (truyện “Kẻ đào ngũ”).
Hay truyện "Quyển gia phổ", trong cái lung linh của ngôn từ tinh lọc, hàm súc và nhiều tầng nghĩa, tác giả đưa người đọc dõi theo một nhóm bạn cùng đàm đạo chuyện nhân tình thế thái trong một đêm cuối năm: Những khác biệt trong quan niệm tồn giữ các giá trị xưa cũ, hay sự mâu thuẫn giữa nỗi mặc cảm và niềm kiêu hãnh đã được đẩy lên cao trào khi ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy trên ban thờ tổ tiên trong sự tuyệt vọng bất lực của gia chủ - quyển gia phổ, bảo vật của gia đình đã trở thành đống tro tàn.
Đọc Bình Nguyên Lộc, đặc biệt là gia tài truyện ngắn của ông, mới thấy được hết tầm vóc của một nhà văn lớn, mà sức ảnh hưởng đối với dòng văn học Nam bộ, về sau ông, là không thể đong đo được.

cõi âm nơi quán cây dương

cõi âm nơi quán cây dương

Nhà văn Bình Nguyên Lộc có một mảng sáng tác lớn về đề tài tâm linh. Các truyện ngắn của ông thường bắt đầu bằng những chi tiết kỳ lạ mang yếu tố phi phàm, nhưng rồi rốt lại ông sẽ lý giải các hiện tượng có vẻ ma quái đó bằng cái nhìn khoa học. Cho nên đọc những truyện mang màu sắc liêu trai của ông, người đọc thường chỉ thấy hấp dẫn mà không sợ hãi. Đối với tiểu thuyết Cõi âm nơi quán Cây Dương, ông lại đi theo một hướng khác - liêu trai đến tận cùng, với nhân vật là chàng thanh niên trẻ yêu một hồn ma, mà anh ta tưởng đó là cô gái thật. Đêm đêm khi cô gái bí mật xuất hiện với tư cách là một nữ thám tử đã biết rõ tung tích của chàng (chàng trốn gia đình từ Sài Gòn lên Thủ Đức làm việc nơi quán Cây Dương) thì giữa họ đã nảy nở tình yêu. Cho đến một ngày chàng vỡ lẽ ra nàng chỉ là một hồn ma, thì tình cảm đã trở nên sâu đậm. Nhưng vì hai thế giới âm dương có nhiều cách trở, cuối cùng cô gái kia đành phải xa lìa, và cậu chàng đã trở lại cuộc sống bình thường.

Đây là tiểu thuyết tâm lý tình cảm có những tình tiết kỳ dị, lôi cuốn; người đọc khó rời trang sách, và nếu vì bận việc mà phải tạm gác lại việc đọc thì nỗi hiếu kỳ về số phận mối tình kỳ lạ ấy sẽ khiến họ sớm quay lại... đọc tiếp. Cõi âm nơi quán Cây Dương còn là cuộc khảo sát tâm lý của một người đang yêu - người ta có thể mù quáng, quên hết mọi thứ, kể cả không ý thức được rằng tính mạng mình đang bị đe doạ, điều đó nhiều khi không phải là tốt, như trường hợp của nhân vật N. trong tác phẩm này. Nó cũng cho thấy tình yêu, trong mọi cảnh ngộ, đều vô cùng mạnh mẽ, bất chấp mọi chướng ngại, lực trường của nó thậm chí xuyên qua các cõi âm dương, và điều này lại giúp củng cố thêm một niềm tin rằng: sự luyến ái vốn là đặc tính của con người, giúp họ tồn tại, nhưng cũng khiến họ khó bề được giải thoát.

Truyện dài Cõi âm nơi quán Cây Dương, xuất bản lần đầu vào năm 1972, Nhà xuất bản Mây Hồng.

    Tải Sách là website thư viên sách chia sẻ tài liệu sách với nhiều định dạng pdf/epub/mobi/prc/azw3 được tổng hợp mới nhất. Bạn có thể đọc online hoặc download về các thiết bị di động, máy tính, máy đọc sách để trải nghiệm.

    Liên Hệ