<p>Nếu bạn đang nghĩ: “Mình làm gì có thương hiệu để mà kiểm soát”, vậy thì cuốn sách Branding for dummies chính xác là dành cho bạn đấy. Cuốn sách cũng dành cho những người muốn xây dựng một thương hiệu tốt hơn, khắc phục hình ảnh cho một thương hiệu đã bị phá hỏng, củng cố sức mạnh cho một thương hiệu giá trị, hay tạo dựng từ đầu một thương hiệu mới hoàn toàn.</p>
<p>Xây dựng thương hiệu luôn là một đề tài nóng hổi và có vai trò không ngừng tăng vì một lý do xác đáng: Thương hiệu mở đường cho thành công về marketing.</p>
<p>Khi nghe đến tên công ty của bạn – hay tên riêng của bạn, nếu là thương hiệu cá nhân – trong đầu mọi người sẽ xuất hiện những ý nghĩ, và chúng sẽ tác động đến quan niệm của họ cũng như cách họ mua hàng. Ý nghĩ tồn tại trong tâm trí mọi người là cơ sở nền tảng cho thương hiệu của bạn. Chúng có thể là kết quả của sự liên tưởng trực tiếp tới bạn hay công ty bạn, nhưng khả năng cao hơn thì chúng là kết quả của những hoạt động tìm kiếm trên mạng, những bài đánh giá trực tuyến, những lời nhận xét truyền miệng, hoặc những ấn tượng khác mà bạn tạo ra ngay cả khi bạn không hiện diện.</p>
<p>Mục tiêu của cuốn sách này là xác định tầm nhìn cũng như ý tưởng về hình ảnh thương hiệu theo mong muốn của bạn, sau đó làm sao để đảm bảo rằng những ấn tượng mà bạn tạo ra đều hướng đến những ý nghĩ tích cực mà bạn muốn mọi người lưu giữ trong đầu cũng như khiến họ tin tưởng vào con người bạn và giá trị mà bạn ủng hộ.</p>
<p>Cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn về quá trình xây dựng thương hiệu, cùng bạn tạo dựng một thương hiệu tốt hơn, mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh thành công trong thế giới rộng lớn với vô vàn thương hiệu xung quanh.</p>
<p>Mục lục:</p>
<p>Về tác giả </p>
<p>Lời giới thiệu </p>
<p>Phần 1: Bắt đầu xây dựng thương hiệu </p>
<p>Chương 1: Hiểu đúng về thương hiệu và xây dựng thương hiệu </p>
<p>Chương 2: Vì sao cần xây dựng thương hiệu, xây dựng cái gì, như thế nào, và vào khi nào? </p>
<p>Chương 3: Chuẩn bị xây dựng thương hiệu hoặc tạo nên một thương hiệu tốt hơn </p>
<p>Chương 4: Kích hoạt thương hiệu cá nhân và thương hiệu của công ty một-người </p>
<p>Phần 2: Các bước trong xây dựng thương hiệu </p>
<p>Chương 5: Lập hồ sơ và định vị thương hiệu </p>
<p>Chương 6: Diễn tả thương hiệu thành lời </p>
<p>Chương 7: Đặt tên cho thương hiệu </p>
<p>Chương 8: Thiết kế logo và khẩu hiệu </p>
<p>Phần 3: Thu hút người ủng hộ và người theo dõi cho thương hiệu </p>
<p>Chương 9: Đếm ngược tới ngày khởi hành: Ra mắt hoặc tái ra mắt thương hiệu</p>
<p>Chương 10: Xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số </p>
<p>Chương 11: Gắn kết khán giả trực tuyến bằng mạng xã hội </p>
<p>Chương 12: Quảng cáo, quảng bá, và đưa thương hiệu ra công chúng </p>
<p>Phần 4: Chăm sóc cho thương hiệu </p>
<p>Chương 13: Hoàn thiện trải nghiệm thương hiệu </p>
<p>Chương 14: Giành sự trung thành với thương hiệu</p>
<p>Chương 15: Định giá và tận dụng thương hiệu </p>
<p>Chương 16: Hồi sinh thương hiệu với chương trình làm mới thương hiệu một phần hoặc toàn phần </p>
<p>Phần 5: Bảo vệ thương hiệu </p>
<p>Chương 17: Bảo vệ thương hiệu bằng các biện pháp pháp lý và thông qua việc sử dụng thương hiệu thận trọng</p>
<p>Chương 18: Hành động khi thương hiệu gặp sự cố </p>
<p>Phần 6: Danh sách mười điều </p>
<p>Chương 19: Mười dấu hiệu cho thấy thương hiệu cá nhân cần sự chú ý </p>
<p>Chương 20: Mười sai lầm lớn trong xây dựng thương hiệu và cách phòng tránh </p>
<p>Chương 21: Mười sự thật cần nhớ về xây dựng thương hiệu</p>
<p>Index</p>
<p>Thông tin tác giả:</p>
<p>Bill Chiaravalle am hiểu các thương hiệu và cách xây dựng chúng. Ông có 11 năm kinh nghiệm với công ty thiết kế và chiến lược thương hiệu nổi tiếng thế giới Landor Associates, nơi ông từng là Nhà thiết kế cao cấp, Giám đốc Thiết kế và Giám đốc Sáng tạo. Bill thực hiện các chương trình thương hiệu cho Hiệp hội Audubon, American Express, AT&T, Bacardi, Bell Atlantic, xổ số bang California, Danone, Delta Airlines, FedEx, khách sạn Four Seasons, Gatorade, khách sạn Hyatt, IBM, Microsoft, Motorola, NEC, P&G, Radio Shack, sở thú San Francisco, Smucker’s, Sunkist, Trinchero Winery, United Airlines, Đại học California, và nhiều doanh nghiệp khác.</p>
<p>Trích đoạn sách:</p>
<p>Cảnh báo: Có thể bạn đang có thương hiệu đấy, dù bạn có nhận thức được điều đó hay không</p>
<p>Khi nhắc đến tên bạn, trong đầu mọi người sẽ hiện lên những ấn tượng và ký ức định hình nên suy nghĩ của họ về bạn. Quan niệm của họ có thể là kết quả của những lần tiếp xúc trực tiếp với bạn hay tổ chức của bạn, hoặc xuất phát từ kết quả tìm kiếm trên mạng, danh tiếng tốt hay xấu, thông tin truyền miệng, những bài đánh giá và kết quả xếp hạng trực tuyến, hay bất kỳ hình thức đề cập nào khác đã gieo những ý nghĩ về bạn trong tâm trí họ.</p>
<p>Người khác có thể đã có sẵn vô số các quan niệm về bạn, hoặc họ hầu như không có bất kỳ ấn tượng nào về bạn cả. Dù quan niệm của mọi người về bạn nhiều hay ít, tốt hay xấu, chính xác hay không, chúng vẫn tạo nên được hình ảnh về thương hiệu của bạn, tác động đến cách suy nghĩ và hành vi mua sắm của khách hàng. Xây dựng thương hiệu là nhằm bảo đảm rằng hình ảnh thương hiệu của bạn trong tâm trí người khác hoàn toàn khớp với hình ảnh thương hiệu mà bạn mong muốn họ có trong đầu.</p>
<p>Vậy thương hiệu là gì?</p>
<p>Thương hiệu là lời hứa. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày thêm những khái niệm toàn diện hơn, nhưng khi bạn chu du vào thế giới của xây dựng thương hiệu, hãy luôn ghi nhớ trong đầu định nghĩa “năm chữ” trên cùng với ba sự thật sau:</p>
<p>» Bạn thiết lập thương hiệu bằng cách tạo dựng lòng tin vào một lời hứa có-một-không-hai. Lời hứa truyền tải thông điệp về việc bạn là ai, bạn đại diện cho điều gì, bạn mang đến những lợi ích độc đáo và có ý nghĩa như thế nào.</p>
<p>» Bạn xây dựng thương hiệu bằng cách sống đúng với lời hứa đó mỗi lần mọi người tiếp xúc với bạn, tên của bạn, thông điệp của bạn, hay hoạt động của bạn . Điều này luôn đúng và không đổi, dù sự tiếp xúc đó đến từ đâu: một cuộc tìm kiếm trên mạng, website của bạn, mạng xã hội, quảng cáo, ấn phẩm truyền thông, thông tin truyền miệng, trải nghiệm mua sắm, dịch vụ khách hàng, thanh toán hóa đơn, hàng hóa trả lại, hay bất kỳ hình thức giao tiếp nào. Mỗi lần tiếp xúc đều tác động đến cách mọi người nhìn nhận thương hiệu của bạn.</p>
<p>» Bạn tăng cường sức mạnh cho thương hiệu của mình bằng cách liên tục củng cố lời hứa thương hiệu . Nếu những lần tiếp xúc với thương hiệu không khớp với kỳ vọng của mọi người, thì rốt cuộc những trải nghiệm đó sẽ là sự thất hứa, phá vỡ thương hiệu, và gây ảnh hưởng tiêu cực đối với danh tiếng của bạn.</p>
<p>Xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự tập trung, niềm đam mê, sự kiên trì, và tính cẩn thận. Không chỉ có thế, xây dựng thương hiệu còn đòi hỏi nỗ lực và sự cam kết theo đuổi. Thành quả nhận về – một thành quả rất lớn – là thương hiệu mạnh sẽ tạo đà cho thành công cá nhân và thành công của tổ chức. Các phần dưới đây trình bày những điều mà thương hiệu có thể làm được và vì sao chúng lại quan trọng.</p>