<p>Đề tài trọng tâm mà Brecht triển khai trong vở kịch này là sự thắc mắc về những điều kiện cho một cuộc sống xứng đáng với con người.</p>
<p>Dưới hình thức một chuyện ngụ ngôn, Brecht đưa ra vấn đề này qua sự trình bày những mâu thuẫn cá nhân và liên kết nó với sự phân tích các tương quan xã hội. Dưới thể dáng của cô gái Tàu: Thiện Tâm, Brecht chỉ cho ta thấy những mâu thuẫn xã hội của thời đại: ấy là “vừa tốt và vừa sống còn” thật khó để có thể thực hiện được.</p>
<p>Mở đầu vở kịch là cảnh anh chàng bán nước dạo vô gia cư gặp ba vị thần đang chu du thiên hạ để tìm một người hảo tâm. Họ tìm được một cô gái điếm Thiện Tâm, một cô gái không thể nói “không”. Họ giúp cô mở một tiệm bán thuốc lá để cô có thể dùng số tiền kiếm được giúp đỡ những người nghèo khó.</p>
<p>Tuy nhiên, vì lòng tốt của mình, Thiện Tâm lại bị những người quá nghèo khó mà trở thành vô lại lợi dụng đến nỗi gần như phá sản. Do sự xúi giục của bọn này mà Thiện Tâm hóa trang thành người anh họ giả tên là Thúy Đại – trở thành một người buôn bán ích kỷ, bóc lột người lao động.</p>
<p>Thiện Tâm xuất hiện dưới hai bộ mặt: vừa là chính mình, vừa là Thúy Đại. Càng lúc, Thúy Đại càng có mặt nhiều hơn và bọn người bị hắn đàn áp (những người mà trước kia từng được Thiện Tâm giúp đỡ) đã đi tố cáo Thúy Đại trước tòa án (mà quan tòa là những vị thần trong màn mở đầu) rằng Thúy Đại đã giết chết Thiện Tâm.</p>
<p>Với việc chia đôi vai chính thành hai bộ mặt: một</p>
<p>Thiện Tâm tốt bụng, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ và một Thúy Đại ích kỉ, tàn nhẫn, Brecht đã nêu rõ được tính chất mâu thuẫn xã hội, chính những mâu thuẫn này dẫn đến hiện sinh nhị trùng và cuộc sống hai mặt (doppelleben). Với cách chia đôi vai trò, Brecht đã cho ta thấy một cách sống động vấn đề đạo đức và những khao khát rất người của từng cá nhân về hạnh phúc, tình yêu và sự che chở không thể hòa hợp với các tương quan xã hội được.</p>
<p>Trích đoạn:</p>
<p>"Với lòng sợ hãi, tôi nghiệm ra là người ta phải cần biết bao nhiêu điều may mắn để khỏi sa xuống dưới bánh xe! Biết bao nhiêu sáng kiến! Biết bao nhiêu là bạn bè!
Nhưng tại sao anh cứ nói một cách vô hi vọng như thế? Người ta nói rằng: Nói mà không hi vọng thì cũng như nói mà không có lòng nhân.
Sự cao quí giống như một cái chuông, nếu người ta đánh nó, thì nó ngân nga, nếu không đánh nó thì nó chẳng ngân nga.
Con nên lấy từ đâu cho người những gì cần thiết?</p>
<p>Chỉ lấy từ chính con thôi! Nhưng như thế thì chính con cũng chết! Gánh nặng của những dự tính tốt lành đè con xuống tận đất sâu. Thế nhưng khi làm việc ác con lại vùng lên đầy thế lực oai phong và hưởng được thịt thơm mỡ béo! Phải có điều chi nhầm lẫn ở nơi cõi thế của các ngài. Tại sao việc ác được treo giải thưởng và tại sao người lành lại phải chịu nhiều trừng phạt gắt gao? Ôi trong con đã có bao ham muốn được nuông chiều sung sướng! Và trong con cũng đâm mầm tri thức hiểm sâu vì người mẹ nuôi con đã từng tắm gội con với thứ nước uống cống rãnh đường mương! Cho nên từ đó mắt con thành sắc bén. Tuy thế, lòng thương người đã làm con đau đớn đến nỗi dại điên như chó sói hung hăng. Trước cảnh lầm than, để rồi con thấy mình hoàn toàn đổi xác và môi con trở nên vành môi sắc bén của sài lang Như tro xám trong mồm vị chát từng lời dịu ngọt. Mặc dù thế con vẫn muốn nơi ngoại thành mình là một thiên thần trong sạch."</p>
<p>Về tác giả:</p>
<p>Bertolt Brecht (1898 – 1956)</p>
<p>Sinh tại Augsburg (Đức), là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn kịch người Đức có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Những tác phẩm của ông được trình diễn trên khắp thế giới. B. Brecht đã sáng lập và thực hiện nền kịch nghệ "thơ ca kịch" (episches Theater), còn gọi là kịch phá cách hay kịch biện chứng.</p>
<p>Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Diễn ca ba xu (Die Dreigroschenoper), Mẹ đảm và các con (Mutter Courage und ihre Kinder) cũng như tác phẩm phê phán nền tư bản Bà Thánh Johanna của những lò sát sinh (Die heilige Johanna der Schlachthöfe). Tác phẩm Gióng trống trong đêm (Trommeln in der Nacht) là vở kịch được diễn đầu tiên trong sự nghiệp viết kịch của văn hào B. Brecht. Vở kịch Cuộc đời ông Galilei được dạy ở các trường học cho đến ngày nay.</p>
<p>Người hảo tâm thành Tứ Xuyên là vở kịch được biên soạn công phu và dài ngày nhất của B. Brecht.</p>