<p>Bố Già</p>
<p>Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc. Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử, vì thế mà có ý kiến cho rằng “Bố già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố già là đáp án cho mọi câu hỏi”.</p>
<p>Với cấu tứ hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo. Và như một cơ duyên đặc biệt, ngay từ năm 1971-1972, Bố già đã đến với bạn đọc trong nước qua phong cách chuyển ngữ hào sảng, đậm chất giang hồ của dịch giả Ngọc Thứ Lang.</p>
<p>Năm nay đánh đấu 55 năm tính từ lần đầu tiên tác phẩm The Godfather (Bố Già) của Mario Puzo ra mắt bạn đọc (1969 - 2024). Cuốn sách được Puzo viết trong tình trạng túng quẫn và niềm tin với nghiệp văn chương đã lung lay. Ông gửi đề cương tiểu thuyết có chủ đề mafia này cho 8 nhà xuất bản, tất cả đều từ chối. Rốt cuộc, nhà xuất bản GP Putnam’s Sons nhận in, và ứng cho ông số tiền nho nhỏ là năm ngàn đô-la.</p>
<p>Sau khi xuất bản, cuốn sách đã đưa tên tuổi Puzo lên đỉnh cao danh vọng. Năm 1969, Bố Già đã trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản, đứng đầu danh sách bán chạy của New York Times suốt sáu mươi bảy tuần, và bán được hơn hai mươi mốt triệu bản trên khắp thế giới.</p>
<p>Bản dịch mới</p>
<p>Bố Già được dịch sang tiếng Việt nhiều lần. Bản dịch nổi tiếng nhất, gần như đi vào huyền thoại, là của Ngọc Thứ Lang. Hai chữ “Bố Già” là sáng tạo của Ngọc Thứ Lang, thiết nghĩ không gì thay thế được. Cách dịch phóng và khoáng hoạt, dịch mà không mang dấu vết dịch của Ngọc Thứ Lang đã được được nhiều sự mến mộ của độc giả.</p>
<p>Để ghi dấu 55 năm từ khi tác phẩm ra mắt bạn đọc, và để đưa đến cho bạn đọc những trải nghiệm mới, lần này, chúng tôi giới thiệu bản dịch mới do dịch giả Nguyễn Minh chuyển ngữ. Bản dịch này được thực hiện với quan điểm: dịch thì phải phóng, song chỉ dừng ở mức phóng dịch, chứ không đến mức gần như phóng tác. Ngoài ra, các bản dịch Bố Già trước đây đều chưa đầy đủ, bị lược bớt nhiều đoạn. Bản dịch mới này chủ trương giữ đúng tinh thần tác phẩm nên không giảm nhẹ, không né tránh, cũng không cắt bỏ. Bởi xét cho cùng, một cuốn tiểu thuyết đặc tả về xã hội đen thì lẽ tất nhiên phải… đen.</p>
<p>Nguyễn Minh là dịch giả quen thuộc với bạn đọc trước đây. Trước đó, anh đã dịch tiểu thuyết Dại thì chết của cùng tác giả. Bên cạnh các dịch phẩm văn học kinh điển như Gatsby vĩ đại, Robinson Crusoe…, dịch giả đã chuyển ngữ nhiều cuốn sách khác do Đông A ấn hành như Lịch sử quân sự - Bách khoa thư các loại vũ khí định hình thế giới, Danh tướng – Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử, Những trận chiến thay đổi lịch sử…</p>
<p>2. Giới thiệu tác giả:</p>
<p>Mario Puzo (1920 - 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ gốc Italy nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết về đề tài mafia và tội phạm. Bố già (The Godfather) xuất bản năm 1969 là đỉnh cao của dòng văn chương hư cấu này, đồng thời là tác phẩm đưa Puzo lên tột đỉnh vinh quang. Đây cũng là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Ngoài Bố già, Mario Puzo còn nổi tiếng với các tiểu thuyết khác như Sicilian khúc ca bi tráng, Luật im lặng, Ông trùm quyền lực cuối cùng, Gia đình Giáo hoàng…</p>
<p>3. Minh họa của họa sĩ Art Werger</p>
<p>Ấn bản lần này sử dụng minh họa của Art Werger - họa sĩ đương đại người Mỹ từng nhận hơn 250 giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế. Ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Đồ họa tại Đại học Wisconsin-Madison, và hiện đang giảng dạy in ấn tại Đại học Ohio ở Athens Ohio. Tranh của ông thường nắm bắt khoảnh khắc, hướng tới lột tả tâm trạng nhân vật và khơi gợi bầu không khí để người đọc hòa mình vào cảnh truyện được minh họa. Dẫu một số chi tiết có thể không hoàn toàn bám sát theo nguyên văn tác phẩm, nhưng hiệu ứng đạt được chắc chắn sẽ khiến người xem phải sững sờ, bởi họa sĩ đã tinh tế lựa chọn và khéo léo truyền tải được những khoảnh khắc đắt giá, giúp cho trải nghiệm đọc thêm phần trọn vẹn.</p>