<p>3000 ngày trên đất Nhật là tự truyện của tác giả Nguyễn Quốc Vương, anh ghi lại những gì ấn tượng và xúc động đối của mình trong những năm tháng du học ở Nhật.</p>
<p>Hoàn cảnh xuất thân con nhà nghèo, đông anh chị em việc Nguyễn Quốc Vương được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Lịch sử - Trường đại học Sư Phạm Hà Nội và tiếp tục học lên cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2004), hẳn với nhiều người đó là điều đáng tự hào mở ra một tương lai sán lạn. Nhưng thời gian này cũng là lúc anh băn khoăn mất phương hướng về con đường học thuật và lý tưởng của cuộc đời mình.</p>
<p>“Thời gian đó tôi cảm thấy khủng hoảng chủ yếu vì không tìm thấy hướng đi nào trong trí tuệ. Việc học cao học tôi thấy nhàm chán vì các kiến thức học ở đại học được lặp lại. Tôi không thấy có hứng thú nhưng cũng không tìm được một hướng nào để thoát ra khỏi tình trạng đó cả. Cảm xúc vui sướng khi được học không còn nữa. Thêm vào đó, lúc bấy giờ, khi đi làm, tôi thực sự bước vào thế giới của người lớn và có nhiều chuyện khiến tôi vô cùng thất vọng. Quá nhiều người, quá nhiều việc không như tôi mong đợi và như tôi đã nghĩ. Tôi cảm thấy buồn bã và ngột ngạt vô cùng. Trong lòng tôi thi thoảng lại nhen nhóm lên ý nghĩ hay là mình bỏ việc về quê dạy học.”</p>
<p>Cơ hội du học Nhật Bản đến bất ngờ là ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời tác giả. Thời gian lên đường sang Nhật chỉ vỏn vẹn có 1 tháng sau khi có thông báo trúng tuyển, hành trang Nguyễn Quốc Vương mang theo chỉ có khao khát được học tập và trải nghiệm trong một môi trường mới.</p>
<p>Với vốn tiếng Nhật gần như bằng 0 và số tiền học bổng ít ỏi, anh đã giành toàn bộ thời gian vào việc học tập và nghiên cứu. Những khác biệt văn hóa và bỡ ngỡ ban đầu vơi bớt khi anh có thêm những người bạn và học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Một lần nữa trở ngại lại tiếp tục thử thách anh, sau khi hết khóa học hầu như bạn bè quốc tế của anh đều được thầy cô hướng dẫn giới thiệu học lên tiếp, nhưng thầy hướng của anh không bảo lãnh để anh có thể tiếp tục học tiếp với lý do trình độ tiếng Nhật chưa đủ. Lúc này anh phải đứng giữa sự lựa chọn về nước làm giảng viên hay tiếp tục con đường du học đầy trông gai khi không còn học bổng.</p>
<p>Anh đã không ngần ngại lựa chọn tiếp tục du học, dù có thể sẽ không còn công việc giảng viên khi trở về và phải tự túc chi phí học tập và sinh hoạt. Những việc này, anh đều tự mình quyết định mà người thân và gia đình không hề hay biết. Để có chi phí trang trải cho cuộc sống vừa học anh phải vừa làm thêm đủ nghề, từ cửu vạn bốc vác vào ban đêm, đến làm thêm ở công ty làm cơm hộp rồi làm đi dịch cho các nghiệp đoàn, luật sư. Cũng từ đó anh được tiếp xúc với đủ mọi loại người từ tầng lớp dưới đáy xã hội như từ công nhân cửu vạn, tội phạm trộm cắp đến luật sư và giáo sư, bác sĩ. Môi trường cũng mở rộng từ giảng đường, kí túc xá, công xưởng, đến phòng tạm giam thậm chí là phố đèn đỏ... Vì thế anh có nhiều trải nghiệm sống phong phú.</p>
<p> Cuốn sách vừa cung cấp ta hiểu thêm về văn hóa, phong tục của Nhật vừa cho ta thêm những suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Liệu cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật có toàn màu hồng như những quảng cáo của các công ty môi giới xuất khẩu lao động?</p>
<p>Cuốn tự truyện 3000 ngày trên đất Nhật là câu chuyện rất riêng của tác giả nhưng cũng gợi ra nhiều suy ngẫm cho người đọc. Nhất là với các bạn trẻ trên con đường tìm hướng đi mới cho bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn để có được lối đi riêng.</p>
<p>Nguyễn Quốc Vương “nghỉ hưu” ở tuổi 40 để chuyên chú đọc sách, dịch sách, viết sách và “làm Khuyến đọc”. Quyết định có phần “mạo hiểm” này, phải chăng là khát vọng “xây nền văn hóa quốc gia” của một trí thức dám dấn thân trong thế kỉ XXI hôm nay.</p>
<p>(Khúc Thị Hoa Phượng)</p>
<p>Tác giả đã trải qua những năm tháng khó khăn vất vả những cũng không kém phần ngọt ngào ấm áp vì anh nhận được sự giúp đỡ đùm bọc của những người xa lạ. Cuốn sách có sự cô đơn của một người đi độc hành trên con đường học thuật, và hạnh phúc khi tìm ra chân lý và hướng đi của cuộc đời.</p>
<p>Nước Nhật đã tái sinh tôi thành con người khác và cũng đã làm cho tôi trở lại là chính tôi sau nhiều năm bị lạc mất chính mình. Đấy cũng là nơi tôi lấy lại cảm giác làm người, nếm trải cảm giác hạnh phúc và cả cảm giác đau khổ tột cùng. </p>
<p>Có những đêm khi đã trở về cố hương, ngủ trong căn nhà của mẹ, nửa đêm thức dậy khi vợ con đã ngủ say, tôi ra ngoài hiên ngồi lặng lẽ nghe tiếng côn trùng rền rĩ và nhìn bóng đêm bao trùm trước mặt. Ngày trước, hồi còn học phổ thông, tôi cũng thường ngồi một mình nhìn ra bóng đêm đen trước mặt như thế mỗi khi học xong chuẩn bị đi ngủ. </p>
<p>Thời gian trôi thật nhanh. Ngọt ngào mà tàn nhẫn. Bóng đêm vẫn như xưa, tiếng côn trùng vẫn thế dù có vẻ thưa hơn nhưng tôi không còn là cậu bé con hay chàng thanh niên mới lớn nữa. Tôi đã đi rất xa ra khỏi ngôi nhà ấy trong một thời gian dài và rồi trở lại. Tất cả những gì tôi đã trải qua ở nước Nhật xa xôi giờ đây giống như một giấc mộng kê vàng. Kí ức về nó vừa tươi mới vừa mỏng manh như thể là không thực. Có lúc tôi có cảm giác băn khoăn rằng thực sự thì có phải mình đã đến Nhật và sống ở Nhật trong từng ấy năm không hay đó là ảo ảnh?</p>
<p>Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu.</p>
<p>MỤC LỤC</p>
<p>Thay cho lời tựa 7</p>
<p>Phần I. 2000 NGÀY Ở SHIGA 15</p>
<p>Chương 1. Buổi sáng ở sân bay Kansai 17</p>
<p>Chương 2. Cuộc phỏng vấn bất ngờ 26</p>
<p>Chương 3. Đại học Shiga 34</p>
<p>Chương 4. Ký túc xá Hiratsugaoka 41</p>
<p>Chương 5. Thầy Yamazaki 48</p>
<p>Chương 6. Cô Kobayahi và cô Sato 55</p>
<p>Chương 7. Những người bạn Nhật 62</p>
<p>Chương 8. Những người bạn quốc tế 76</p>
<p>Chương 9. Suýt lấy vợ Nhật 98</p>
<p>Chương 10. Bạn cùng phòng người Trung Quốc 106</p>
<p>Chương 12. Vấp ngã 116</p>
<p>Chương 13. Đi làm cửu vạn 130</p>
<p>Chương 14. Cô Kawasaki 148</p>
<p>Chương 15. Bàn tay của thần may mắn 162</p>
<p>Chương 16. Việc học ở Đại học Shiga 174</p>
<p>Chương 17. Những chuyến đi chơi 197</p>
<p>Chương 18. Trận động đất ở vùng Đông Bắc Nhật Bản 207</p>
<p>Chương 19. Cuộc sống thường ngày ở Shiga 219</p>
<p>Phần II. 1000 NGÀY Ở KANAZAWA 229</p>
<p>Chương 20. Trở lại Nhật Bản 231</p>
<p>Chương 21. Chàng hàng xóm nhiều râu 237</p>
<p>Chương 22. Người Việt ở Ishikawa 243</p>
<p>Chương 23. Thuyết phục vợ ở lại Nhật Bản 253</p>
<p>Chương 24. Làm bố ở nước ngoài 256</p>
<p>Chương 25. Nhà trẻ Sakura 266</p>
<p>Chương 26. Bước vào thế giới thực tập sinh 271</p>
<p>Chương 27. Làm việc cho nghiệp đoàn Ozaki 288</p>
<p>Chương 28. Ngài Tanaka 301</p>
<p>Chương 29. Bán điện thoại cho ông Komura 309</p>
<p>Chương 30. Những cuộc gặp trong đồn cảnh sát 320</p>
<p>Chương 31. Việc học ở Kanazawa 347</p>
<p>Chương 32. Đưa thầy cô người Nhật về Việt Nam 359</p>
<p>Chương 33. Cuộc sống ở Kanazawa 369</p>
<p>Chương 34. Vĩ thanh 382</p>