<p>Du Ký Phan Quang - Tiếc Nuối Hoa Hồng</p>
<p>Tiếc nuối hoa hồng là tuyển tập du ký của nhà báo, nhà hoạt động đối ngoại Phan Quang. Các bài được viết vào những thời điểm khác nhau sau các chuyến đi công tác nước ngoài, đã in thành sách: Thơ thẩn Paris, Nhà xuất bản Văn học, 2002; Bên mộ vua Tần, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2003. Năm 2005, Nhà xuất bản Văn học gộp cả hai tập trên lại, chọn lọc và bổ sung một số bài viết về các nước khác in thành cuốn Du ký. Năm 2010, Nhà xuất bản Kim Đồng lại chọn lọc và tập hợp thành bộ ba sách có nhiều minh họa, gồm Thơ thẩn Paris (Pháp, Bỉ), Bên mộ vua Tần (Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar) và Chia tay trên sông (các nước khác).</p>
<p>Lần tái bản này, chúng tôi lựa chọn và in thành một tuyển tập gồm 50 bài. Dù mang tên chung là Tiếc nuối hoa hồng nhưng tuyển tập này bao gồm các bút ký tác giả viết về nhiều nơi ông có dịp đặt chân tới thuộc năm châu lục: Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi (lần tái bản này chọn những bài viết về khoảng hai mươi nước, một con số khiêm nhường so với tất cả những nơi ông may mắn có dịp ghé thăm). Nhiều hơn cả là các bài viết về Pháp và Trung Quốc, hai quốc gia tác giả có dịp lui tới nhiều lần và cũng là hai nền văn hóa ông có đôi điều hiểu biết. </p>
<p>Tuyển tập sẽ đưa bạn đọc đi qua các nước và châu lục theo trình tự: từ Pháp, Bỉ, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, châu Á và kết thúc ở Trung Quốc. Khép lại tuyển tập là phần Phụ lục chọn trích cảm nhận của một số độc giả về Du ký của Phan Quang, đã đăng báo, in sách, có ghi rõ xuất xứ và thời điểm, cùng hai bài thơ do hai người bạn vong niên của tác giả sáng tác nhân dịp mừng tác giả đạt tuổi 90.</p>
<p>Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Tiếc nuối hoa hồng của Phan Quang.</p>
<p>GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:</p>
<p>Phan Quang (1928) là nhà văn, nhà báo Việt Nam kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin. Ông tên thật là Phan Quang Diêu, sinh ra và lớn lên tại làng Thượng Xá, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 20 tuổi, ông bước chân vào nghề báo, là cây bút quen thuộc trên báo Cứu quốc Liên khu IV. Năm 1954, ông được điều động về báo Nhân dân và làm việc tại đây trong gần 30 năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ngòi bút của ông hoạt động mạnh mẽ về phong cách và đa dạng về thể loại, từ phóng sự, tiểu luận đến truyện ngắn, bút ký, truyện dịch. Trong thời gian công tác, ông có điều kiện đi qua nhiều nước, trải nghiệm nhịp sống và văn hóa của nhiều dân tộc trên khắp năm châu, và lưu lại nhiều bài bút ký ấn tượng. Ông còn là một dịch giả nổi tiếng với các bản dịch gây tiếng vang từ thập niên 1980 đến tận bây giờ, trong đó có bản dịch Nghìn lẻ một đêm của Antoine Galland và Nghìn lẻ một ngày của François Pétis de la Croix.</p>
<p>MỘT SỐ NHẬN XÉT:</p>
<p>Rõ ràng Phan Quang đã vận dụng và điều khiển tài tình “âm binh” của anh mới đắc đạo được đến thế đấy. Tôi thấy sự khác biệt đồng thời lại hài hòa được báo và văn, văn và báo trong một ngòi bút. - Nhà văn Tô Hoài</p>
<p>Quả thật nhà văn Phan Quang có cái nhìn tinh tế. Ông nhìn Tây Hồ với con mắt của một nhà thơ, ông tả cảnh Tây Hồ chính xác mà hấp dẫn, có lẽ chưa có ai viết hay hơn. - Nhà văn Lê Thành Chơn</p>
<p>Phan Quang đi đâu viết đó, viết đâu ra đó. - Nhà báo Lê Phú Khải</p>
<p>Đọc Du ký của Phan Quang, tôi thấy như mình được “hiển hiện” nơi ông đến và viết.- Nhà văn Vu Gia</p>