<p>Tủ Sách Đời Người - Truyện Cổ Nước Nam: Quyển Hạ - Muông Chim</p>
<p>Một công trình lớn của Nguyễn Văn Ngọc là Truyện cổ nước Nam (1934), sưu tầm và phóng tác theo những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn dân gian và truyện cười dân gian. Bộ sách gồm 2 tập, trong đó 1 quyển kể về con người, và 1 quyển kể về các loài chim muông. Truyện cổ nước Nam được nhà văn kể theo cốt truyện mà ông sưu tầm được với quan điểm nhân văn trong sáng, được nhiều tầng lớp độc giả yêu thích.</p>
<p>Truyện cổ nước Nam tập hợp hơn 200 truyện cổ, sự tích về con người và muôn loài nước Việt đã lưu truyền trong đời sống dân gian từ xa xưa cho đến tận ngày nay, được học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc dày công lưu giữ, tuyển chọn và biên soạn. Đó là những truyện cổ làm cho “nước Nam mới thật là nước Nam vậy”, “một kho vàng vô giá của ông cha để lại làm cái vốn rất quý cho con cháu”, bởi “làm người Nam nên biết truyện cổ nước Nam. Tinh thần người Nam hiện ra ở đấy, tinh hoa nước Nam muốn lưu lại cũng ở đấy”.</p>
<p>ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA</p>
<p>“Truyện cổ nước Nam” gồm hai quyển “Người ta” và “Chim muông”. “Người ta” kể những chuyện liên quan đến con người. Ảnh hưởng của văn hóa Hán rất ít thấy bởi chúng được dẫn giải bằng tục ngữ, ca dao, lối ăn nói của người nông dân. “Chim muông”, với nhân vật là các loài vật, lại càng hồn nhiên dân dã, dễ đọc với bạn nhỏ, nhưng nhiều chuyện càng nghĩ càng thấy thâm thúy.</p>
<p>- Nhà văn Trần Chiến</p>
<p>TRÍCH ĐOẠN HAY</p>
<p>“Đồ cổ, xưa nay thiên hạ trân trọng, bất cứ là đồ sành, đồ sứ, đồ đồng, đồ thiếc, đồ gỗ, đồ son, đồ ngọc ngà, hay bức tranh, nét chữ... hầu hết là đồ của người Tàu, từ các đời xưa nào bên Tàu để lại cả.</p>
<p>Còn những truyện cổ chúng tôi sưu tập đây chúng tôi dám quyết rằng thật là của riêng của nước Nam, tự người Nam sáng tác, sản xuất ra, chứ không phải đi vay, đi mượn, nhờ vả vào ai mà được. Một chứng cớ rõ ràng: hơn 120 truyện trong sách, không có mấy truyện là không hàm một đôi câu thành ngữ hay sáo ngữ, ca hát hay phong dao bằng tiếng Nam, nghĩa là một thứ tiếng riêng nó làm cho nước Nam mới thật là nước Nam vậy. Gián hoặc có một đôi truyện, phảng phất tương tự giống như truyện Tàu thì chẳng qua cũng chỉ là bất kỳ ngẫu nhiên mà thôi. Còn bảo có nhiều truyện tất đã chịu một cái ảnh hưởng xa xôi tự ngoài đem vào, thì cái ảnh hưởng đó chắc là do từ đạo Phật bên Ấn Độ tràn sang, hơn là của đạo Khổng bên Trung Quốc đưa lại. Vả chăng đã là người, dù ở phương đông hay phương tây, dù phân da trắng hay da vàng, cũng là thuộc về một nhân loại, cũng cùng chung một tư tưởng như nhau được. Vậy người nước Nam cũng là người có một cái óc, cái tâm tính như người, thì há lại không tự nghĩ ngợi, phát minh nên được một cái gì giống như người hay sao!”</p>
<p>“Giữa lúc cổ, kim xung đột, kim có thế mạnh, như muốn nuốt cổ, mà ta cố lựa lọc giữ một vài phần hay trong những cái cái cổ của ta, nó khiến ta bao giờ cũng phải nhớ ta là ta, không phải là ai, thì cái công việc ta làm quyết nhiên không phải là vô ích.</p>
<p>Làm người nước Nam nên biết truyện cổ nước Nam. Tinh thần người Nam hiện ra ở đấy, tinh hoa nước Nammuốn lưu lại cũng ở đấy.”</p>
<p>CÂU QUOTE HAY</p>
<p>“Làm người nước Nam nên biết truyện cổ nước Nam. Tinh thần người Nam hiện ra ở đấy, tinh hoa nước Nammuốn lưu lại cũng ở đấy.”</p>
<p>“Thành trì cổ có sụp đổ, vùi dập xuống đất còn hòng có lúc, có người đào bới, mô phỏng mà xây đắp lại được. Chớ những truyện cổ, không ai ghi chép, cứ để trong lời nói, trong cái lối gọi là “truyền khẩu, truyền tụng” mà đã quên đi, là mất hẳn, sau này thật không tài nào cứu vớt, gây dựng lại cho được.”</p>
<p>VỀ TÁC GIẢ</p>
<p>Nguyễn Văn Ngọc (1/3/1890 - 26/4/1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông đặc biệt say mê nền văn hoá dân gian, đã giành cả cuộc đời để sưu tầm, khai thác và phổ biến nền văn học dân gian.</p>