<p>Là một người quan tâm đến giáo dục và mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam, trong thời gian du học tại Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã tìm tòi nghiên cứu và có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu có tính phản biện và đưa ra các phân tích mang tích độc lập về các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam.</p>
<p>Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy hầu hết các vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay còn đang tranh cãi thì ở Nhật đã gặp phải, cũng như đã giải quyết được cách đây hơn 70 năm. Và để có được một xã hội Nhật Bản thịnh vượng như ngày nay, Nhật Bản đã phải trải qua công cuộc cải cách giáo dục một cách toàn diện, thậm chí chấp nhận xóa bỏ toàn bộ nền giáo dục trước đó. Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản đã đổi mới thành công bởi các nhà quản lý giáo dục Nhật Bản: Chú trọng “cải cách giáo dục từ dưới lên”; coi Chương trình chỉ là tham khảo; Các môn học và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới hoàn toàn mới so với trước.</p>
<p>“ Sau khi chính quyền Minh Trị được thiết lập năm 1868, trong vòng 10 năm đầu, quá trình cận đại hóa theo hướng “khai hóa văn minh” được xúc tiến mạnh mẽ. Cải cách giáo dục đã đi từ các thay đổi lẻ tẻ ở địa phương trở thành chính sách quốc gia. Phương châm của chính phủ Minh Trị lúc đó là đẩy mạnh cải cách giáo dục để cận đại hóa đất nước, du nhập nhanh và rộng các giá trị văn minh phương Tây. Để “nhập khẩu” văn minh, chính phủ Minh Trị đã cử học sinh ra nước ngoài du học và tích cực sử dụng người phương Tây trong vai trò là các chuyên gia, cố vấn.”</p>
<p>“Ở Nhật Bản trước Chiến tranh thế giới thứ hai, “triết lý giáo dục” không được coi trọng hay nói khác đi là không được ý thức đầy đủ. Nền giáo dục khi ấy được vận hành chủ yếu bởi các nguyên lý bất biến được xác định bởi “Học chế” và “Sắc chỉ giáo dục” do Thiên hoàng Minh Trị ban hành. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dựa trên nền tảng của Hiến pháp 1946, triết lý giáo dục mới được xây dựng. Triết lý này được ghi rõ trong các bộ Luật về giáo dục như: Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục nhà trường, Luật về Ủy ban giáo dục…Trong các bản Hướng dẫn học tập phần đầu tiên bao giờ cũng là phần trích dẫn những nội dung quan trọng nhất của Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học và Quy tắc thực thi Luật giáo dục trường học. Ở đó, triết lý giáo dục được trang trọng đặt ở chương đầu tiên “Mục đích và triết lý giáo dục”. Triết lý giáo dục mới này được thể hiện tập trung ở mục tiêu giáo dục nên người công dân có đầy đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội dân chủ, hòa bình, tôn trọng con người.”</p>
<p>Từ việc so sánh về giáo dục Việt Nam và Nhật Bản, tác giá đưa ra kết luận: Ở Việt Nam cho đến nay “triết lý giáo dục” vẫn là một thuật ngữ chuyên môn tương đối mới và xa lạ. Trong các văn bản quản lý giáo dục và thậm chí trong Hiến pháp, Luật giáo dục cũng không hề thấy xuất hiện thuật ngữ này mặc dù đối với một nền giáo dục “Triết lý giáo dục” là vô cùng quan trọng. Vì vậy, về lâu dài muốn xây dựng được nền giáo dục dân tộc, hiện đại và hội nhập quốc tế thì chắc chắn vấn đề “triết lý giáo dục” cần phải được giải quyết thấu đáo. Giáo dục Việt Nam cần đến một triết lý thu nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân và phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại. Một khi có triết lý giáo dục rõ ràng, cải cách giáo dục sẽ diễn ra thuận lợi tạo nên những thay đổi tích cực.</p>
<p>Tác giả khẳng định, nếu không có một Triết lý giáo dục rõ ràng thì dù có nhập khẩu các chương trình giáo dục nổi tiếng, đã thành công trên thế giới, hay việc tìm tới những phương pháp giảng dạy tối ưu càng khiến giáo dục Việt Nam rơi vào tình trạng rối như bế tắc và có những biến tướng khó có thể chấp nhận.</p>
<p>MỤC LỤC</p>
<p>PHẦN I.</p>
<p>GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ GIÁO DỤC NHẬT BẢN</p>
<p>Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?</p>
<p>Cải cách giáo dục từ dưới lên</p>
<p> “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông như bài thơ viết vội</p>
<p>Một chương trình-nhiều bộ sách giáo khoa: Những điều kiện đủ</p>
<p>Ý nghĩa của cơ chế “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”</p>
<p>Khi người thầy nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy”</p>
<p>Lớp trưởng là chủ tịch: Đừng “chế Mercedes thành công nông”!</p>
<p>Tại sao không dạy nghề mà chỉ là “định hướng nghề nghiệp”?</p>
<p>Tại sao không phải là ‘con đại gia đỗ thủ khoa’?</p>
<p> Chỉ vì chữ “tác” thành chữ “tộ”</p>
<p> Nhật Bản cải cách giáo dục như thế nào?</p>
<p> Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản-bước ngoặt về tư duy giáo dục</p>
<p> Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản được tạo ra như thế nào?</p>
<p> Yếu tố tạo ra thành công của cải cách giáo dục Nhật Bản</p>
<p> Đánh giá học sinh ở Nhật khác gì ở Việt Nam?</p>
<p> Du học Nhật Bản: không có chỗ cho người mơ mộng</p>
<p> Sau 1945, học sinh Nhật Bản đã học những “kĩ năng sống” nào?</p>
<p> Từ chuyện tổ chim ngẫm về giáo dục Tính “địa phương” trong giáo dục phổ thông – một bài học sâu sắc.</p>
<p> </p>
<p>PHẦN II.</p>
<p>GIÁO DỤC LỊCH SỬ Ở VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN</p>
<p>Hướng đi nào cho giáo dục lịch sử ở Việt Nam?</p>
<p>"Đơn thuốc nào cho căn bệnh “giáo dục lịch sử”</p>
<p> Đối thoại hậu bài viết “Đơn thuốc cho giáo dục lịch sử”</p>
<p>Học tập nước ngoài, nhưng cẩn thận mắc ‘bệnh hình thức’</p>
<p>Khi học sinh không chọn môn Sử thi tốt nghiệp phổ thông trung học</p>
<p>Khám phá, giải mã quá khứ qua lịch sử</p>
<p>Môn Sử ‘biến mất’ và thách thức chưa từng có của Bộ Giáo dục</p>
<p>Lịch sử phải là môn “khoa học” trước khi thành môn “bắt buộc”</p>
<p> Dạy học tích hợp có mâu thuẫn với sự độc lập của môn Lịch Sử?</p>
<p>Thư một học sinh gửi người lớn: Không chọn thi môn Sử có gì là sai?</p>
<p>Thử phát triển “nhận thức lịch sử khoa học” và “phẩm chất công dân” cho học sinh lớp 8 qua thực tiễn dạy học lịch sử ở Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.</p>
<p> Cải cách giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản thời hậu chiến (1945-1950) và những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam</p>
<p>Tìm hiểu về ba hình thái giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản từ sau 1945</p>
<p> Sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản: Nơi học sinh lớp 6 có thể là nhà sử học</p>
<p>Tác giả:</p>
<p>Nguyễn Quốc Vương đã từng làm giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học sư phạm Hà Nội.</p>
<p> Làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, anh tâm huyết với các vấn đề giáo dục của nước nhà và có nhiều bài viết, dịch về các vấn đề liên quan đến giáo dục, cải cách giáo dục và so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản.</p>
<p>Hiện nay anh là nhà nhà phê bình tự do và tập trung cho các hoạt động khuyến đọc.
Tác phẩm đã xuất bản:</p>
<p>Các tác phẩm đã dịch:</p>
<p>Cải cách giáo dục Nhật Bản - Ozaki Mugen, NXB Từ điển Bách Khoa và Thaihabooks, 2014</p>
<p>Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, NXB Phụ nữ và Công ty cổ phần Sách Truyền thông Quảng Văn, 2016</p>
<p> Hướng dẫn học tập môn xã hội, tập 1, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học Công nghệ Nhật Bản, NXB Đại học Sư Phạm, 2016</p>
<p>Hướng dẫn học tập môn xã hội, tập 2, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học Công nghệ Nhật Bản, NXB Đại học Sư Phạm, 2017</p>
<p>Tác phẩm sáng tác:</p>
<p>Điều bí mật trong vườn (thơ), NXB Văn học, 2015.</p>
<p>Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, NXB Phụ nữ, 2016</p>
<p>Môn Sử không chán như em tưởng, NXB Phụ nữ, 2017</p>
<p>Mùi của cố hương, NXB Phụ nữ, 2017</p>
<p>Đi tìm triết lý giáo dục</p>
<p>Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng giới thiệu.</p>
<p>Trích một số bài viết trong sách:</p>
<p>“70 năm sau ngày độc lập Việt Nam lại đứng trước những thử thách và lựa chọn quan trọng trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư. </p>
<p>Hơn lúc nào hết giáo dục đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân cả nước. Ở đó, người dân đủ mọi thành phần thông qua truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các diễn đàn khác, đang hàng ngày thể hiện sự lo lắng trước hiện trạng giáo dục và kỳ vọng vào cải cách. Nỗi lo lắng và niềm hy vọng ấy của người dân là dễ hiểu. Đơn giản vì giáo dục có tác động trực tiếp đến mọi gia đình trong xã hội và quyết định đến sự hưng vong của dân tộc. Cải cách thực sự và triệt để là phương thức hữu hiệu để giải quyết các vấn đề đang ngày một trở nên trầm trọng trong nền giáo dục của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để đi tới thành công cải cách giáo dục phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Vì thế, trong quá trình thiết kế và thực thi cải cách giáo dục, sẽ có hai công việc cần phải được tiến hành: </p>
<p>
Thứ nhất là xem xét lại toàn bộ nền giáo dục từ trước đến nay để phân tích, tìm ra những ưu điểm cần lưu giữ, phát triển và những vấn đề cần phải giải quyết.
Thứ hai là nghiên cứu giáo dục thế giới, đặc biệt là giáo dục ở các nước tiên tiến để tham khảo, học hỏi từ đó xây dựng phương án cải cách phù hợp. </p>
<p>Cả hai công việc đó đều cần đến tư duy và thao tác so sánh. Giáo dục Việt Nam chỉ có thể được nhận thức một cách khách quan, toàn diện và sâu sắc khi nó được tham chiếu, so sánh với giáo dục ở các nước khác. Với tư cách là một người làm giáo dục và muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi đã sử dụng tư duy so sánh nói trên để nhận thức về giáo dục Việt Nam. Những bài viết được tập hợp trong cuốn sách có tên “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?” này là kết quả của việc so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản được tôi tiến hành từ năm 2009 đến nay. </p>
<p>Hy vọng, thông tin từ các bài viết trong cuốn sách nhỏ này sẽ có ích cho bạn đọc trong quá trình nhận thức về giáo dục và góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục ở Việt Nam sớm thành công.”</p>
<p>Nguyễn Quốc Vương</p>
<p>Trích Lời nói đầu “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản</p>
<p>Cải cách giáo dục từ dưới lên </p>
<p>Cải cách giáo dục, dưới góc độ lịch sử, có thể được chia làm hai loại: cải cách từ trên xuống và cải cách từ dưới lên. Cải cách giáo dục từ trên xuống được hiểu là cuộc cải cách xuất phát từ phía nhà nước - các cơ quan quản lý giáo dục, đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua các chính sách và chỉ đạo có tính chất hành chính, bắt buộc. Trái lại, cải cách giáo dục từ dưới lên được tiến hành bởi các giáo viên ở các trường học và bằng các “thực tiễn giáo dục”.</p>
<p>“Thực tiễn giáo dục” là gì?</p>
<p>Có thể hiểu một cách đơn giản rằng “thực tiễn giáo dục” là tất cả những gì giáo viên thiết kế, tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn như một vài tiết học khi thực hiện một chủ đề học tập, trong một học kỳ, một năm học hoặc cũng có thể là cả quãng đời dạy học, và thu được ở hiện trường giáo dục. Các thực tiễn giáo dục là kết quả tự chủ và sáng tạo của giáo viên trên cơ sở nghiên cứu mục tiêu giáo dục, chương trình khung, sách giáo khoa, tình hình thực tế của nhà trường, học sinh. Thực tiễn giáo dục có thể không hoàn toàn trùng khớp hay chỉ là sự minh họa, diễn giải những gì được trình bày trong sách giáo khoa, nó là sản phẩm của sự sáng tạo mang đậm dấu ấn của giáo viên, của ngôi trường họ đang dạy học. Chính vì vậy, thực tiễn giáo dục thường được gọi bằng cái tên gắn liền với ngôi trường hoặc giáo viên sáng tạo ra nó.</p>
<p>Vai trò của “thực tiễn giáo dục”</p>
<p>Có thể coi thực tiễn giáo dục là một con đường đi giữa những chỉ đạo về nội dung và phương pháp giáo dục của cơ quan hành chính giáo dục và tình hình thực tế trường học nhằm đi đến cái đích là “mục tiêu giáo dục”. Đây là nơi thể hiện tài năng nghề nghiệp của giáo viên. Khi thiết kế và thực thi thực tiễn giáo dục, giáo viên phải xử lý một cách khéo léo nhất mối quan hệ giữa chương trình, sách giáo khoa, mục tiêu giáo dục, yêu cầu thực tế của xã hội, nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu truy tìm chân lý nội tại của học sinh và tình hình thực tế của nhà trường, địa phương.</p>
<p>Bằng việc thiết kế và thực hiện các thực tiễn giáo dục có tính độc lập tương đối và mang tính sáng tạo cao, các giáo viên sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực ở ngay hiện trường giáo dục. Hàng ngàn, hàng vạn thực tiễn giáo dục như vậy khi hợp lại, với hiệu quả cộng hưởng, sẽ làm nên cuộc “cải cách giáo dục từ dưới lên”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, các cuộc cải cách giáo dục từ trên xuống cho dù ban đầu có quy mô đến bao nhiêu đi nữa thì về sau nó cũng dần dần nguội lạnh. Vì vậy, các cuộc cải cách giáo dục từ dưới lên với vô vàn các thực tiễn giáo dục vừa có tác dụng thúc đẩy, duy trì vừa có tác dụng điều chỉnh cuộc cải cách giáo dục từ trên xuống. Nói cách khác, trong cuộc cải cách giáo dục, giáo viên sẽ không chỉ đóng vai trò như một người thợ, một người thừa hành thuần túy mà họ, bằng lao động nghề nghiệp giàu tính chủ động, sáng tạo, thấm đẫm tinh thần tự do, sẽ dẫn dắt giáo dục đi đúng hướng và thực hiện mục tiêu giáo dục.</p>
<p>Ở phạm vi hẹp hơn, các thực tiễn giáo dục còn tạo cơ hội cho các giáo viên trong trường học và các đồng nghiệp xa gần trao đổi chuyên môn thực sự. Thực tiễn giáo dục được ghi chép, tổng kết lại cũng sẽ là những tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu.</p>
<p>“Thực tiễn giáo dục” được ghi lại như thế nào?</p>
<p>Tiến hành các thực tiễn giáo dục là công việc thường xuyên của giáo viên. Đó là sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, công việc của giáo viên không chỉ dừng lại ở việc thiết kế và tiến hành các thực tiễn giáo dục. Giáo viên cần ghi lại, tổng kết các thực tiễn giáo dục của bản thân và công bố chúng. Thông thường, một thực tiễn giáo dục ở quy mô nhỏ (thường là một chủ đề học tập với dung lượng từ ba đến bảy tiết học) được ghi lại với cấu trúc sau:</p>
<p>+ Tên “thực tiễn giáo dục”: Có thể trùng với tên của chủ đề học tập hoặc tên riêng thể hiện mục tiêu, phương châm giáo dục của giáo viên.</p>
<p>+ Thời gian-địa điểm: Ghi rõ ràng, chính xác thời gian bắt đầu, kết thúc, địa điểm tiến hành thực tiễn (trường, địa phương, lớp).</p>
<p>+ Đối tượng: Học sinh lớp mấy, số lượng, đặc điểm học sinh.</p>
<p>+ “Giáo tài”: Tài liệu dùng để giảng dạy và “chuyển hóa” nội dung giáo dục thành nội dung học tập của học sinh.</p>
<p>+ Mục tiêu của “thực tiễn” (chủ đề học tập): Về tri thức (hiểu biết), kĩ năng, mối quan tâm, hứng thú, thái độ…</p>
<p>+ Kế hoạch chỉ đạo (giáo án): Bao gồm các chỉ đạo cụ thể của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh.</p>
<p>+ Quá trình thực hiện: Ghi lại khách quan, trung thực và đầy đủ tối đa về diễn tiến của thực tiễn trong thực tế, chú trọng các phát ngôn và hành động của giáo viên và học sinh.</p>
<p>+ Hồ sơ giờ học: Tập hợp các cảm tưởng, bài viết, bài kiểm tra, ghi chép của học sinh, sản phẩm của học sinh tạo ra trong thực tiễn…</p>
<p>+ Tổng kết thực tiễn: Giáo viên tự đánh giá về thực tiễn trong tham chiếu với mục tiêu đặt ra và những điểm cần lưu ý rút ra cho bản thân.</p>
<p>+ Phụ lục: Tài liệu sử dụng hoặc liên quan đến thực tiễn. Các thực tiễn giáo dục khi đã được “văn bản hóa” như trên có thể được trao đổi thông qua các buổi thuyết trình, thảo luận chuyên môn hoặc công bố trên các tập san, tạp chí. Gần đây, với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật số, giáo viên có thể ghi lại thực tiễn giáo dục bằng hình ảnh.</p>
<p>Cơ hội tiến hành các thực tiễn giáo dục ở Việt Nam</p>
<p>Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố trong đó có sự tồn tại quá lâu của cơ chế “Sách giáo khoa quốc định” (một chương trình - một sách giáo khoa), các thực tiễn giáo dục với ý nghĩa như vừa phân tích ở trên gần như không tồn tại. Sự giống nhau từ nội dung, phương pháp đến tài liệu giảng dạy, ngày giờ tiến hành của các bài học trên cả nước là biểu hiện cụ thể cho hiện thực đó. Nhận thức của giáo viên về thực tiễn giáo dục và vai trò chủ động, sáng tạo khi tiến hành các thực tiễn giáo dục cũng là một vấn đề đang được đặt ra.</p>
<p>Tuy nhiên, bằng việc chấp nhận cơ chế “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” trong cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên tiến hành các thực tiễn giáo dục. Đây là “cơ hội vàng” cho các giáo viên ở hiện trường giáo dục thực thi và tổng kết các thực tiễn. Các thực tiễn giáo dục sẽ trở thành chủ đề của các buổi sinh hoạt chuyên môn hoặc được công bố trên các tạp chí có liên quan. Các blog cá nhân của giáo viên hay website của các trường phổ thông cũng có thể là nơi công bố các thực tiễn giáo dục. Sự phong phú của các thực tiễn giáo dục sẽ tạo ra sinh khí cho các trường học và đem đến niềm vui cho giáo viên và học sinh. Bằng việc tiến hành hàng ngàn, hàng vạn các thực tiễn giáo dục trên cả nước, cải cách giáo dục từ dưới lên nhất định sẽ thành công, góp phần tạo ra những người công dân mơ ước có tư duy độc lập và tinh thần tự do.</p>