<p>Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ "cuồng loạn" cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2. Mô tả chi tiết từ việc học, thi đến chơi, ăn ở, yêu đương, cuốn sách hướng đến cung cấp cho người đọc một cái nhìn cởi mở hơn, thấy được nét hài hước và dễ thương của các bác sĩ tương lai.</p>
<p>Được viết bằng giọng văn hài hước, khai thác khía cạnh trực tiếp đời sống sinh viên Y, không vĩ mô, dễ cảm nhận, mỗi bài viết sẽ có một phần text box với nội dung quan trọng giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp hoặc truyền cảm hứng.</p>
<p>Sách có một số hình minh họa vui nhộn, hài hước.</p>
<p>LỜI GIỚI THIỆU</p>
<p>Hôm nhận được bản thảo của cậu học trò năng động, thông minh Thái Doãn Minh lại trùng với ngày hẹn gặp 4 người bạn đồng khoá 89 - 95 trường Đại học Y Hà Nội sau mấy năm đại dịch. Bao kỷ niệm về một thời trai trẻ lại tràn về.</p>
<p>Mỗi người có tính cách, công việc và có cuộc sống khác nhau nhưng đều có điểm chung là rất lạc quan, tích cực trong suy nghĩ và hành động. Thành và Phi ở trong ký túc xá còn tôi và Sơn là sinh viên ngoại trú, vậy nhưng chúng tôi hầu như có mặt 24/24 tại phòng các cậu ấy trong dãy nhà E2 cũ kỹ của trường. Chẳng phải chúng tôi ham học mà thú thực cuộc sống tự do không bị giám sát bởi các vị phụ huynh khó tính đã biến điều kiện vật chất kham khổ trong ký túc xá trở thành thiên đường. Những kỷ niệm 6 năm đại học của tôi chủ yếu ở ký túc và sân bóng. Những trận cầu kịch tính ngay từ năm Y1 đã nhanh chóng cho tôi biệt hiệu Hiếu “con”. Trận thắng đội bóng mạnh nhất trường lúc ấy của bọn Y “muỗi” chúng tôi nổi tiếng vì hay và có xì-căng-đan. Cậu bạn phổ thông “đội lốt” đá cùng và bị tố bởi một ông Y6. Bị xử thua, lòng đầy tức giận và ấm ức, cả bọn đi tìm kẻ mách lẻo để ăn thua đủ. Thật may cho ông Y6 và cả cho chúng tôi là không xảy ra ẩu đả vì nếu có chắc tôi đã bị kỷ luật nặng theo thông lệ hà khắc của Đại học Y. Rồi những trận rượu lạc rang thách đố khiến ông bạn Hà Nội gốc say ngất “tè” cả ra quần trên giường tầng của ông Phi bống.</p>
<p>Đánh bài là môn thể thao trí óc của chúng tôi phát triển dưới vô vàn hình thức. Từ bài lá, chắn cạ đến xóc đĩa bằng cách cắt vỏ bao thuốc lá 555 làm phỉnh vị… Phong trào rầm rộ đến nỗi Thầy Tôn Thất Bách phải đích thân đi tuần. Không may cho hai cậu bạn bị tóm khi đang sát phạt, lệnh đuổi học được ban ra. Cả lớp sục sôi, tôi cậy là em họ Thầy nên đã đứng đầu đơn kiện với lý do hai bạn ấy chỉ chơi vui. Được mời lên hội đồng ở “nhà trắng”- chính là trung tâm tim mạch của tôi hiện giờ, hiên ngang tranh luận với các thầy cô nhưng rồi phải cúi đầu trước câu chốt của Thầy Bách: “Xóc đĩa có ai mà đánh vui, không ăn tiền !!!”. Cũng may án phạt giảm xuống 1 năm nên dù tốt nghiệp muộn nhưng Phi vẫn là bác sĩ “xịn” mở được công ty cung cấp trang thiết bị Y tế.</p>
<p>Kết thúc bữa trưa là câu chuyện “rơi gầu” cười ra nước mắt. Chuyện là ký túc xá chỉ có một bể nước to dùng để nấu ăn, tắm giặt. Mấy thằng quỷ sứ chúng tôi toàn giả vờ rơi gầu múc nước rồi nhảy vào bể để vớt nhưng thật ra là cú tắm đã đời. Lúc ấy mà chuyện này bị bại lộ chắc bọn tôi bị tẩn một trận tơi bời…</p>
<p>Kể như vậy để thấy ai đã từng là sinh viên mà đặc biệt là sinh viên y khoa đều có những kỷ niệm không thể nào quên, gắn chặt với ký túc xá cùng những người bạn đồng khoá. Chính vì vậy tôi đã rất hào hứng đọc “Ký túc xá - cá tốc ký” ngay buổi chiều hôm được Minh nhờ viết lời giới thiệu. Vậy nhưng không như thông thường, phải gần hai tuần tôi mới “ngốn” được hết quyển sách dày gần 300 trang đầy ắp những chữ này. Có thể do tôi đã già hoặc do cái thời bao cấp của chúng tôi khác nhiều so với bây giờ nên những câu chuyện các bạn kể, những suy nghĩ và hành động của các cô cậu mới ngoài 20 đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Năm thứ nhất đã nhận thức được rằng: “Là một bác sĩ, một chi tiết nhỏ thôi cũng có thể cứu sống một bệnh nhân. Vì vậy, học Y không chỉ cho mình mà còn học vì người khác. Đây là điều mà tôi và các bạn học Y sẽ phải luôn tâm niệm và nỗ lực thực hiện suốt đời.”</p>
<p>Rồi đã biết tự chăm lo cho bản thân mình “học Y, ngoài cái đầu nhiều chữ ra tôi nghĩ bạn nên nghiêm túc với kế hoạch rèn luyện thể lực. Tôi còn nhớ những hôm ốm dặt dẹo, bao nhiêu bài vở hay kế hoạch đều chất đống. Nhưng rồi sức ì tăng lên, càng về những năm sau, chúng tôi càng viện cớ bận học để tránh tập thể dục. Kết quả là gầy quá hay béo quá đều không tốt, sức học giảm sút đáng kể. Giờ đây, tôi đang chật vật làm lại từ đầu với môn chạy bộ. Tôi mong bạn sẽ chăm lo sức khoẻ bản thân sớm nhất có thể nhé.”</p>
<p>Càng đọc càng thấy tự tin là chắc chắn chúng ta không thiếu những người giỏi và nhiệt huyết để cống hiến cho y khoa. Họ có đầy đủ kiến thức, ngoại ngữ, sự sáng tạo và trí thông minh để tiến vào đời một cách vững chắc. Hơn nữa óc hài hước đi kèm với sự chân thành là những tình cảm chủ đạo bao phủ toàn bộ quyển sách của Minh khiến người đọc vô cùng thích thú. Điểm cộng nữa là những bức tranh minh họa thật đẹp đã làm tăng giá trị của tác phẩm này. Cho dù hành văn còn phải hoàn thiện nhiều nhưng theo tôi đây là quyển nhật ký rất độc đáo mang lại niềm vui cho cả người viết và người đọc. Đấy cũng là mục đích mà tác giả theo đuổi.</p>
<p>Chúc mừng em. Tôi tin chắc em và những người bạn cùng phòng ký túc sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng gắn bó với nhau qua 6 năm dưới mái nhà Đại Học Y Hà Nội. Những kỷ niệm ấy sẽ là hành trang giúp các em vào đời. Cho dù “đời không đẹp như mơ” nhưng kiên định trên con đường mà chúng ta đã chọn, lòng sẽ bình an và nhất định hạnh phúc sẽ đến.</p>
<p>Chúc các em thành công.</p>
<p>PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu</p>
<p>Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội</p>
<p>Phó trưởng Bộ môn Tim mạch,</p>
<p>Trường Đại học Y Hà Nội</p>
<p>LỜI TỰA (của người anh em nương tựa)</p>
<p>Kính thưa bạn đọc! Và muôn phần kính chào tác giả!</p>
<p>Phần lớn những lời giới thiệu sẽ do tác giả cuốn sách mời đọc và xin đôi dòng cảm nhận với tư cách là những độc giả đầu tiên, nhưng lời giới thiệu này được viết ra do tôi đi “xin xỏ” tác giả mà có. Ngay từ khi Minh Cá lên ý tưởng viết một cuốn sách về cuộc sống ký túc xá - nơi chúng tôi có 6 năm gắn bó, tôi đã chủ động đề nghị: “Cậu ạ! Sau này tôi sẽ viết lời giới thiệu cho cuốn sách nhé? Nếu cậu thấy không ưng, tôi xin phép tự in và đóng vào cuốn sách của cậu xem như phần phụ lục hoặc hiệu đính vậy”.</p>
<p>Sở dĩ tôi mong muốn được viết tới vậy, vì phòng ký túc xá của chúng tôi khá đặc biệt khi sở hữu toàn nhân vật “quái dị” với những câu chuyện không đầu, không cuối và luôn được chúng tôi hào hứng nhắc lại mỗi lần họp phòng. Nguyên tắc hoạt động của phòng gần giống như cách mà tôi có được những dòng này vậy đó: đề đạt nguyện vọng đầy lịch sự, nếu không được đồng ý thì tự mình hành sự. Thế mà chừng ấy con người vẫn chung sống và tu luyện hòa thuận suốt 6 năm trong “ngôi nhà chung” (thuật ngữ trích từ Việt Nam Nếch - tóp - mo - đồ), với chỉ đôi ba lần sứt đầu mẻ trán. Ở đó, 110E2 được lãnh đạo bởi một “cô” Thiết phó phòng quyền lực nhưng nói không đi đôi với làm; một “thánh” Vượng chuẩn mực trong lối sống và học hành; một cậu Đạt thích tâm linh; một ông Hoàng Béo đam mê lịch sử và hay hờn dỗi; một Hùng – trưởng phòng “danh dự” trang bị toàn diện bộ kĩ năng sống; một cậu Thình hết mình với ngôn ngữ học; một cậu Dũng thích kể chuyện nhạt; một cậu bé Tuyên thích cười duyên khiêu khích; một bạn Thế hiền lành sao cũng được; và chúng tôi nữa, cặp bài trùng Minh Cá và Hoàng Còm sở hữu bộ lưỡi bán cả thiên hạ. Tất nhiên, sự biến động nhân sự trong 6 năm học là không tránh khỏi. Những sự bổ sung chất lượng như: em Ba Duy bóng bẩy giàu lòng trắc ẩn, ông em Thanh mọt sách, ông anh Bình cam chịu hay ông anh Khánh nghệ sĩ… Tất cả những con người ấy hòa thanh hoàn hảo như bản nhạc hiệu của chương trình Gặp nhau cuối tuần mỗi khi tôi nghĩ về.</p>
<p>Trong những ngày tháng sinh viên, có phần mơ mộng và xốc nổi, tôi từng nghĩ nếu có đoàn phim đến trường Đại học Y Hà Nội để làm phim về đề tài học y thì có lẽ tôi với Minh sẽ ngay lập tức lao vào xin nói chuyện với biên kịch và đạo diễn về những câu chuyện của phòng ký túc xá. Thật may mắn, những mẩu chuyện về cuộc sống sinh viên y đã không bị bào mòn theo thời gian và được Minh gói ghém cẩn thận trong tác phẩm “Ký túc xá – Cá tốc ký”.</p>
<p>Cuốn sách này chắc chắn sẽ xóa bỏ những tiền sử định kiến về hình ảnh sinh viên Y đầu bù, mắt trố, thụ động cả ngày bên đèn sách. Thật không quá khi nói rằng tác giả đã phơi bày trần trụi tất cả những triệu chứng điển hình và không điển hình từ cấp độ cá thể đến quần thể của bao thế hệ sinh viên trường Đại học Y Hà Nội.</p>
<p> Tôi cũng tin tưởng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em học sinh đang có ý định dấn thân vào ngành Y tham khảo ngoài những nguồn thông tin “chính thống” và “chuẩn mực”. Qua cuốn sách dễ đọc này, các em sẽ ít nhiều có những chẩn đoán sơ bộ cho bản thân trong tương lai.</p>
<p>Và hơn hết, cuốn sách là một hành trình đẹp của tất cả chúng tôi - những sinh viên học thật, thi thật và chơi cũng rất thật dưới mái trường Đại học Y Hà Nội, là liều thuốc khơi gợi những miền kí ức chung mà chắc hẳn ai đã từng trải qua những tháng ngày sinh viên sẽ cảm thấy sục sôi ùa về khi đọc nó.</p>
<p>Đôi lời gửi tác giả:</p>
<p>Tôi thực sự khâm phục cách cậu quyết định hướng đi cho cuộc đời của mình: liều lĩnh, dứt khoát nhưng cũng rất điềm đạm và chắc chắn. “Ký túc xá – Cá tốc ký” được thai nghén và ra đời cũng dựa trên nền tảng phẩm chất của cậu, từ cách cậu kĩ lưỡng trong chuẩn bị nội dung, câu chữ tới cách cậu quyết liệt liên hệ xuất bản và cả cách cậu “dũng cảm” gửi bản thảo đến thầy Nguyễn Lân Hiếu. Với tất cả tâm huyết ấy, tôi tin rằng đứa con đầu lòng này của cậu chắc hẳn sẽ được độc giả đón nhận với rất nhiều niềm vui lấp lánh.</p>
<p>Cuối cùng, thay lời cho những cư dân của 110E2, cảm ơn cậu đã lưu giữ những kỉ niệm đẹp trong suốt quãng đời sinh viên của chúng ta vào từng câu chữ và tôi thực sự trân trọng hành trình mà cậu tạo ra nó.</p>
<p>“Sinh viên Y – Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm”.</p>
<p>Anh em nương tựa</p>
<p>Hoàng Còm (nay đã 75 kg)</p>
Lời cảm ơn
<p>Cuốn sách này do bản thân tôi viết ra nhưng để thành hình hài và có tâm hồn, tôi thực lòng mang ơn sự đóng góp và lời động viên của cả tập thể.</p>
<p>Cảm ơn Linh Huyền, từ xa xôi ở Đại học Oxford, bạn là người đầu tiên “xắn tay và vào cuộc” cùng tôi dù cả hai chưa một lần gặp mặt. Sẽ không quá khi nói rằng: nếu không có bạn, mọi câu chuyện tôi viết ra chỉ mãi ở trên máy tính hoặc khó lòng chia sẻ rộng rãi với độc giả.</p>
<p>Gửi đến Minh Hoàng, tôi hạnh phúc và biết ơn cuộc đời khi có một người bạn tuyệt vời như cậu. Tôi sẽ không quên những lần một đến hai giờ sáng, chúng ta háo hức khi sực nhớ ra chi tiết đắt giá về phòng 110E2, rồi cả những lần cậu tranh thủ giờ ngủ của con để cùng tôi đọc, chỉnh sửa bản thảo. Cậu và Linh Huyền thực sự đã tiếp sức mạnh to lớn cho tôi đi hết chặng đường này.</p>
<p>Tôi xin cảm ơn chị Thanh Giang, chị Hoà Bình. Hai biên tập viên giúp sách của tôi gọn gàng và lột xác hoàn toàn. Các chị rất lắng nghe ý kiến của tôi mỗi khi tôi muốn thêm, bớt dù chỉ vài câu chữ. Cảm ơn Xuân Anh, cậu không những đọc bản thảo mà còn viết bản phản hồi chi tiết để tôi biết rằng mình đang làm một việc có ý nghĩa.</p>
<p>Tôi rất biết ơn Thầy Nguyễn Lân Hiếu, dù bận trăm công nghìn việc, Thầy vẫn dành hai tuần để đọc và viết lời giới thiệu cuốn sách này. Cảm ơn Thanh Chương, tôi vui lắm khi em nói rằng “cuốn nhật ký thật dễ thương, dễ đọc. Nó giống như lời hồi đáp đến năm 2012 phiên bản Việt Nam vậy”.</p>
<p>Quá trình làm sách cho tôi may mắn được biết tới Trường - người em khoá sau và là hoạ sĩ tuyệt vời của những tấm hình minh hoạ trong Ký túc xá – Cá tốc ký. Tôi quý sự lễ phép của em và trân trọng cách làm việc tận tâm, chuyên nghiệp trong từng bức vẽ em thể hiện. Cảm ơn em thật nhiều. Gửi đến anh Vũ lời cảm ơn chân thành, anh luôn động viên tôi viết và chia sẻ với mọi người những gì mình trải nghiệm. Dẫu biết rằng đôi lúc khoảng cách giữa tự tin và tự cao là mong manh, nhưng tôi nghĩ khi bản thân hiểu giá trị mình đang nằm nơi đâu, đó cũng là một hạnh phúc.</p>
<p>Tôi biết ơn những người ủng hộ tôi viết sách, những người có niềm tin một cuốn sách ra đời chứ không dừng lại ở vài bài viết chia sẻ trên facebook. Và chắc chắn là lời cảm ơn tới quý độc giả đang cầm trên tay và đọc cuốn sách tôi viết.</p>
<p>Cuối cùng, tôi xin dành vài lời tâm sự với gia đình. Cha mẹ sẽ phải dành rất nhiều ngày để đọc hết cuốn sách này, thậm chí một số từ ngữ cần có anh chị tôi phiên giải mới hiểu. Tôi biết ơn và ấm lòng vì cha mẹ, anh chị luôn ủng hộ tôi từ quá trình cố gắng học hành đến bước chân ra đời vững chắc.</p>
<p>Xin chân thành cảm ơn vì tất cả!</p>