<p>Học Sinh Tiểu Học Và Nghề Dạy Học Ở Bậc Tiểu Học</p>
<p>Dạy học là một nghề cao quý, nhưng dễ bị tổn thương. Cao quý vì nó liên quan đến sự tồn tại và phát triển của bất kỳ xã hội nào. Dễ bị tổn thương cũng vì lẽ đó: Giáo dục là việc của mọi người đang sống.</p>
<p>Giáo dục tiểu học là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho toàn bộ tiến trình được giáo dục và tự giáo dục của một người. Theo mạch tư duy đó, sau khi xuất bản cuốn sách “Giáo dục hiện đại” (tác giả Hồ Ngọc Đại) – gợi mở tư duy về triết lí giáo dục và phương thức triển khai triết lí trên nền tảng công nghệ giáo dục, Fahasa trân trọng gửi đến bạn đọc cuốn sách thứ hai trong Tủ sách Giáo dục mới: “Học sinh tiểu học và nghề dạy học ở bậc Tiểu học” của cố PGS. TS Nguyễn Kế Hào, do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản lần đầu năm 1992.</p>
<p>Nếu cuốn “Giáo dục hiện đại” là triết học về giáo dục, thì cuốn “Học sinh tiểu học và nghề dạy học ở bậc Tiểu học” có thể ví như cẩm nang “cầm tay chỉ việc” cho các nhà giáo ở bậc Tiểu học. Đây là một tham chiếu cho bất kì nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục nào trong việc triển khai từ triết lí giáo dục đến phương pháp giáo dục, và sau cùng là hoạt động giáo dục. Có thể nói, nếu GS. Hồ Ngọc Đại là tổng công trình sư của Công nghệ giáo dục, thì PGS. TS Nguyễn Kế Hào và các cộng sự chính là nhà thiết kế và thi công.</p>
<p>“Học sinh tiểu học và nghề dạy học ở bậc Tiểu học” mô tả chi tiết và cặn kẽ làm thế nào để giáo viên thiết lập mục tiêu giảng dạy, thiết kế hoạt động cho một tiết học, đảm bảo mục tiêu lấy học trò làm trung tâm trên cơ sở tâm lý học về trẻ em tiểu học. Cuốn sách cung cấp các hướng dẫn về sự chuẩn bị đúng đắn cho trẻ em 6 tuổi khi đến trường, đồng thời gửi đến giáo viên tiểu học những lưu ý, hướng dẫn quý giá về nghề dạy học ở bậc Tiểu học. Bạn đọc có thể cảm nhận cuốn sách như một lá thư của “ông thầy già” gửi đến các thế hệ giáo viên tiểu học để tiếp nối, với sự nghiêm cẩn, tình thương và sự gửi trao ân cần.</p>
<p>Fahasa muốn giới thiệu cuốn sách đã xuất bản cách đây 30 năm, đưa vào Tủ sách Giáo dục mới, bởi vì những gì tác giả viết ở đây vẫn còn ĐANG mới. Chúng tôi nhìn thấy sự tương đồng giữa các nguyên lí chuyển đổi số của thời đại này – thời đại số với triết lí giáo dục và phương pháp giáo dục của trường phái Công nghệ giáo dục mà tác giả - PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cùng GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tận tâm xây dựng.</p>
<p>Nước ta đang bước vào tiến trình chuyển đổi số toàn diện, và ngành giáo dục không nằm ngoài dòng chảy đó. Nếu như nhà trường truyền thống dạy trẻ theo phương thức “Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ” theo kinh nghiệm, thì giáo dục hiện đại theo Công nghệ giáo dục chính là áp dụng phương thức “Thầy thiết kế – Trò thi công”, “Thầy tổ chức – trò hoạt động” theo nguyên lý chuyển đổi số. Tri thức mà trẻ em có được lúc này là tri thức sống: Trẻ tự mình làm ra, tự mình hiểu biết, tự mình thấm thía, từ đó, tự mình thấy ra vẻ đẹp của việc học, và tự mình hưởng thụ.</p>
<p>Cách Công nghệ giáo dục triển khai dạy học thông qua các chuỗi thao tác chính là nền tảng của Agile thinking (tư duy linh hoạt), cũng là nền tảng của Creative thinking (tư duy sáng tạo). Các phương pháp dạy học gần đây như: dạy học theo dự án (Project base learning); lấy học sinh làm trung tâm (Student – centered learning)… về bản chất đã được tác giả Nguyễn Kế Hào mô tả tương đồng trong thiết kế hoạt động dạy – học từ 30 năm trước.</p>
<p>Thật thú vị khi nhận ra rằng, từ vài chục năm trước, ở nước ta đã có những nhà tư tưởng, những nhà giáo dục hiện đại với phương pháp giáo dục mà họ đã và đang triển khai vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay, dù bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi. Vì lẽ này, chúng tôi xin giữ nguyên nội dung cuốn sách mà không chỉnh lý bổ sung, với mục đích để bạn đọc thấy được giá trị lịch sử khi hình thành tác phẩm trong bối cảnh những năm đầu thập niên 1990.</p>
<p>Với lối viết giản dị, khúc chiết, trực diện – một đặc điểm dễ nhận thấy của các tác giả thuộc “Trường phái Công nghệ giáo dục” – cuốn sách dễ đọc, dễ ghi nhớ, dễ ứng dụng cho bất kỳ ai quan tâm và thực hành giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học. Cuốn sách cũng rất hữu ích với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiểu học. Đây cũng là một tài liệu quý về giáo dục và lịch sử giáo dục Việt Nam.</p>
<p>Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn gia đình tác giả và Viện Công nghệ Giáo dục đã tạo điều kiện để chúng tôi đồng thực hiện việc tái bản cuốn sách này.</p>
<p>Trân trọng.</p>