<p>Ngày Mai Sương Muối</p>
<p>Ngày mai sương muối đặc biệt ngay từ khi mở đầu: nhẩn nha, chậm rãi, nhưng kỳ lạ thay, càng đọc lại càng thấy cuốn hút, bởi đã lâu lắm mới lại bắt gặp một cuốn sách viết về con người chân thực, từng trải, sâu sắc và tài hoa đến thế!</p>
<p>Trương Tư Tần Quỳnh đã dắt chúng ta mê man đi qua hơn 500 trang sách để ngộ ra những lý lẽ và cội nguồn phi thường của đất đai cùng những số phận lạ lùng, bi tráng. Người đọc được thích thú khám phá những câu chuyện huyền hoặc nửa hư nửa thực kỳ lạ, những đối thoại đầy ẩn dụ giữa cõi âm và cõi dương, những trường đoạn rạo rực hấp dẫn, những phân tích diễn biến tâm lý tài tình, những đoạn thoại duyên dáng đặc sắc. Phía sau trang sách, nông dân và nông thôn đã chỉ cho chúng ta thấy rất nhiều đạo lý ở đời, đặc biệt là quy luật nhân quả.</p>
<p>Mộc mạc, điềm tĩnh, công bằng, không thổi phồng, bi kịch hóa; đặc biệt là chất “quê như không thể quê hơn” chỉ có ở người am hiểu sâu sắc về nông dân và nông thôn, Trương Tư Tần Quỳnh đã viết bằng cái tâm thiện về một chủ đề thời sự nóng bỏng là chuyện dự án, chuyện giải tỏa đền bù đất nông nghiệp, “người nông dân hiền lành bất lực, kẻ chiếm đất thì ranh ma không từ thủ đoạn nào”. Nhưng thời lớn hơn sự rất nhiều, đó là niềm tin của người nông dân, từng là “lực lượng chủ lực đóng góp trong các cuộc chiến tranh giữ nước”, với Đảng, với chế độ. Người nông dân hôm nay hiện lên thật là... nông dân: có thô tháp thật thà, có đanh đá chua ngoa, có nhút nhát tiểu nông, có khôn ngoan tinh quái...</p>
<p>Làng xóm, bờ xôi ruộng mật... không phải tự dưng có. Đã biết bao mồ hôi, máu, nước mắt đổ xuống của tầng tầng thế hệ, đời nọ nối đời kia vỡ đất gìn giữ mà nên. Từ đất người ta sinh ra, duy trì nòi giống, tồn tại, rồi trở về với cát bụi. Nhỏ thì túp lều, căn nhà, vườn tược; lớn thì đồng ruộng, núi đồi, thảo nguyên; lớn hơn nữa là cương thổ quốc gia... Đất mang giá trị vật chất và tinh thần ngang nhau, đều không thể dễ dàng cho đi, đánh đổi hay tùy tiện chiếm đoạt. Cuốn sách kết thúc bằng một câu hỏi khắc khoải và ám ảnh: “Ngày mai con người sẽ đi về đâu?”</p>