<p>Dạy Con Trong Hoang Mang II</p>
<p>Gửi gắm thông điệp “chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”</p>
<p>Với thông điệp “Chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”, bộ sách Dạy con trong “hoang mang” gửi đi một thông điệp khác biệt với những cuốn sách khác trên thị trường sách Việt Nam hiện nay: các bố mẹ cần chuyển hóa chính mình, “hòa giải” với quá khứ và những tổn thương của mình, để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Đây chính là thông điệp chủ đạo xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách, và cũng chính là điều khiến bố mẹ Việt Nam đồng tình, chia sẻ giá trị của cuốn sách với nhiều người khác. Cuốn sách đã tạo nên một hiệu ứng xã hội tích cực trong 6 tháng cuối năm 2017.</p>
<p>Dựa trên những phản hồi của bạn đọc thông qua giải pháp Social Books của Anbooks và tác giả Lê Nguyên Phương, bao gồm những thắc mắc hỏi rõ thêm và gợi ý về những chủ đề mới, sau khi về Mỹ, TS. Lê Nguyên Phương đã bắt tay vào thực hiện Dạy con trong “hoang mang” 2. Sách bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan tâm, gửi thắc mắc và cần hỗ trợ. Có những chủ đề được phân tích, chia sẻ trong một bài viết, nhưng cũng có những chủ đề được chia sẻ thành nhiều bài liên tiếp. Từ câu chuyện “Thiên đàng đổ vỡ”, chia sẻ về nỗi đau của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo hành trong gia đình, những di chứng về tâm hồn mà chúng phải gánh chịu; ảnh hưởng rõ rệt của các di chứng này trong đời sống của con cái; đến “Sau lời chia tay” nói về những tổn thương trẻ có thể hứng chịu do quá trình ly hôn của cha mẹ và những diễn biến trong tâm lý, hành vi của trẻ theo tiến trình thời gian sau khi sự việc xảy ra; từ câu chuyện hiểu sao cho đúng về phương pháp “tâm bình an”, “nuôi con an yên” theo phong trào đang rộ lên thời gian gần đây, chính là “khả năng tự phục hồi cảm xúc” trong khoa học, đưa ra một cái nhìn thấu đáo nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những “lỗ hổng” trong nhận thức của nhiều người về vấn đề này. </p>
<p>Các chủ đề trong Dạy con trong “hoang mang” 2 mở rộng từ gia đình đến nhà trường, từ gia đình đến xã hội. Nếu “Để con nhảy múa” đề cập đến hiện tượng các bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và khuôn phép lên con mình, khiến con không được tự do sáng tạo và thoải mái như chính con đáng có, đến những câu chuyện lớn về nhân sinh quan của đời người như “Công ơn dưỡng dục”, nói về mối tương quan giữa con người với thế giới, với vạn vật, hay “Muối của đất công chính”, nói về ý thức liêm chính trong xã hội có thể bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ…</p>
<p>Sau đây là những trích đoạn trong sách: Trích đoạn “Thiên đàng đổ vỡ”:</p>
<p>“Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng con cái sẽ nhanh chóng lãng quên khi lớn lên. Vâng, chúng rồi cũng sẽ lớn, có thể rồi cũng quên ít nhiều chi tiết của những cơn ác mộng hằng đêm. Nhưng cuộc đời của chúng là minh chứng cho hậu quả của một môi trường độc hại như thế. Chúng không còn biết một gia đình bình thường là như thế nào, có chăng chỉ là những mảnh vụn hạnh phúc của gia đình người khác kể vắn tắt qua câu chuyện của bạn, thoáng nhanh qua phim ảnh, hay trộm hưởng khi ghé chơi nhà một người quen. Những tấm gương trong gia đình nay trở nên méo mó dị thường như trong nhà kính của một hội chợ [fun mirror house], không có gì vui lạ mà lại què quặt bệnh hoạn. Những đứa con gái lớn lên lại có thể tìm những ông chồng lỗ mãng, ồn ào, tàn bạo như cha mình vì không quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông dịu dàng, ôn tồn và nhỏ nhẹ. Những đứa con trai lớn lên lại có thể đe nẹt, dọa dẫm và hành hung vợ mình, không ưa thích những người đàn bà cứng cỏi, độc lập và mạnh mẽ. Mặc cảm vì là phụ nữ, trẻ gái lớn lên lại chịu đựng chồng bạo hành vì nghĩ mình cũng “ngu dại” như cha mình đã từng mắng nhiếc mẹ mình. Tự kiêu là đàn ông, trẻ nam lớn lên lại chứng tỏ bằng cách trừng mắt, nạt nộ, tát đá như cha mình đã từng đối xử với mẹ mình. Quan hệ thân mật giữa vợ chồng dường như chỉ chứa đựng bạo lực và trấn áp để đạt được những gì mà đáng lẽ ra chỉ cần một yêu cầu dịu dàng thì cũng đã được đáp ứng.”</p>
<p>...</p>
<p>“Những hướng tiếp cận thành công trong điều trị và hỗ trợ tâm lý cho những gia đình bạo hành thường là việc giúp ổn định môi trường cho trẻ và gia đình. Đôi khi cha mẹ không hiểu biết hoặc đong lường được hết những tổn thương do chính họ gây ra trong việc xung đột với nhau. Bản thân cha mẹ cũng cần phải được điều trị chữa lành những chấn thương và nội kết ấy. Chính người cha phải tự hóa giải những bất mãn với công việc, xã hội và đời sống của mình để từ đó làm hòa với vợ con và ngay cả với bản thân. Những ấn tượng bạo hành từ trong gia đình của người cha ở nhiều trường hợp là nguyên nhân trực tiếp nhất cho việc tái diễn bạo hành ở thế hệ kế tiếp. Riêng đối với người mẹ, chính người mẹ phải được chữa lành đồng thời cung cấp những kỹ năng tự vệ cho mình và con cái. Lo cho người mẹ được ổn định tinh thần để họ có thể chăm sóc con cái là việc cần thiết. Cả hai cha mẹ đừng vội vã vì mê tín mà tìm kiếm những nguyên nhân từ kiếp trước. Hãy nhìn vào những trải nghiệm từ nhỏ của mỗi người trong gia đình riêng của mình để xem đâu là nguyên nhân của những cuồng nộ và tàn bạo, những bạc nhược và cam chịu trong hành vi và lời nói của mình.”</p>
<p>NHỮNG CHỦ ĐỀ TRONG CUỐN DẠY CON TRONG HOANG MANG 2</p>
<p>1. Quan hệ bạn bè của các con</p>
Áp lực phục tùng: Ảnh hưởng và áp lực của bạn bè trong học đường
Lạc lõng giữa sân trường: Nhu cầu có bạn bè của trẻ và những hệ lụy của nó
<p>2. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình</p>
Cha, người dẫn đường: Vai trò của người cha trong việc xây dựng sự nghiệp cho con
Con là chân sự: Giá trị của con trẻ đối với sức khỏe và tinh thần của cha mẹ
Mẹ là thượng đế: Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng cơ cấu nhận thức và nhân sinh quan của con
Tứ đại đồng đường: Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong việc nuôi dạy con trẻ
<p>3. Nhận diện và điều hòa cảm xúc</p>
Đối mặt quỷ dữ: Nhận diện và giải quyết sự giận dữ
Buồn ơi chào mi: Nhận diện và xây dựng thái độ tích cực với chứng trầm cảm và cảm xúc ưu sầu
Trong nỗi cô đơn: Nhận diện và xây dựng thái độ tích cực với nỗi cô độc và cô đơn.
Những vết thương đời: Chứng Chấn thương Phức tạp và ảnh hưởng của nó với tâm lý của trẻ
Sư nhỏ đứng dậy: Xây dựng thái độ tích cực và vượt khó đối với những cảm xúc trong tâm hồn
<p>4. Ảnh hưởng của một số tình huống trong gia đình và cách dạy con</p>
Đóng vai cha mẹ: Ảnh hưởng của việc trẻ phải gánh vác việc gia đình quá sớm
Che khuất bầu trời: Ảnh hưởng của việc kiểm soát con cái quá mức của cha mẹ
Thiên đàng đổ vỡ: Ảnh hưởng của bạo hành gia đình đối với con cái.
Thế hệ thủy tinh: Ảnh hưởng của việc chiều chuộng con quá đáng.
Sau lời chia tay: Ảnh hưởng của việc ly dị đối với con cái
<p>5. Sự khác biệt cá tính của con trẻ cùng một gia đình</p>
Hũ mắm đầu giàn: Vai trò và yếu tố tâm lý của con trưởng
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính: Các yếu tố gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành cá tính của trẻ
<p>6. Xây dựng nhân cách và các giá trị sống</p>
Làm kẻ bàng quan: Xây dựng tinh thần dấn thân
Than thân trách phận: Xây dựng tinh thần chịu trách nhiệm
Làm người cương trực: Xây dựng tính cách cương trực
Công ơn dưỡng dục: Xây dựng thế giới quan sinh thái
Muối của đất công chính: Xây dựng tiêu chí đạo đức và luân lý
Nuôi con vượt khó: Xây dựng khả năng vượt khó
Để con nhảy múa: Xây dựng tính cách xả ly và hoan hỉ
O tròn như quả trứng gà: Xây dựng cảm hứng học tập và đọc sách
Trứng khôn hơn rận: Xây dựng kỹ năng tư duy
Đàn bà biết gì: Xây dựng thái độ tôn trọng nữ giới
<p> </p>