<p>Chúng ta đều biết rằng, tâm lí học xuất hiện ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Ở một mức độ nào đó, mỗi người chúng ta đều có thể được gọi là một nhà tâm lí học. Tại sao ư? Bởi vì trong cuộc sống hằng ngày, từng giờ từng phút chúng ta đều đang vận dụng tâm lí học một cách vô thức: trong bóng đêm, ta tự dặn lòng mình không được sợ hãi; mỗi sáng thức giấc, ta biết rằng mỉm cười trước gương có thể khiến tâm trạng của bản thân tốt hơn rất nhiều; sau mỗi lần làm điều gì đó dại dột, ta lại không ngừng tự kiểm điểm lỗi lầm của bản thân mình.</p>
<p>Hiển nhiên sự biến đổi tâm lí của chúng ta diễn ra vô cùng nhanh chóng và lại còn diễn ra trong tiềm thức. Nhiều khi, chính chúng ta cũng không hề để ý thấy sự biến đổi tâm lí của mình. Tuy nhiên, ta lại muốn tìm hiểu về tâm lí học, muốn nắm bắt được những điểm cốt yếu của tâm lí, muốn biết rõ động cơ hành động của bản thân, lí giải vì sao ta lại làm như thế, sau đó dùng chính những điều ấy để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của mình.</p>
<p>Đồng thời, những điều mà chúng ta quan tâm lại đều là những thứ vô cùng hiện thực, đôi khi là những điều vô cùng nhỏ bé. Tậm chí, ta có thể nói rằng, nhiều khi mọi người chỉ muốn quan tâm đến “những việc có liên quan đến bản thân mình”. Ví dụ như, tại sao hôm nay tôi lại cảm thấy buồn bực, tại sao tôi không thể nào hiểu được vợ tôi rốt cuộc muốn điều gì ở mình, tại sao tôi lại không chấp nhận được một số hành động của...?</p>
<p>Tuy nhiên, có nhiều cuốn sách viết về những khái niệm liên quan đến tâm lí học, đôi khi là quá khó hiểu, đôi khi là không thực tế, có khi lại không đề cập đến những khái niệm ấy. Quả thực, đại đa số chúng ta đều không hứng thú với các khái niệm của tâm lí học, nhưng trong thực tế, nhìn từ góc độ khoa học và chuyên ngành, nắm bắt và hiểu được những khái niệm cơ bản ấy đối với chúng ta là điều rất cần thiết. Có nắm vững được khái niệm, chúng ta mới có thể lí giải được chính xác những điều mà tâm lí học muốn nói.</p>
<p>Từ những điều trên, chúng tôi quyết định viết về những vấn đề như: trong cuộc sống, chúng ta cần phải chú ý đến những sự việc nhỏ bé nào, những sự việc nhỏ bé ấy có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lí của ta, và ta có thể khống chế những ảnh</p>
<p>hưởng đó để khiến cho cuộc sống của bản thân thêm phần vui vẻ, hạnh phúc hay không? Trong quá trình viết sách, chúng tôi đã dùng những ví dụ cụ thể để làm rõ một hiện tượng nào đó, đồng thời giải thích những điểm lí thuyết về những vấn đề tâm lí dù rất nhỏ mà chúng ta cần hiểu rõ trong cuộc sống. Và chúng tôi gọi những nội dung được đề cập thảo luận trong cuốn sách này là “Vấn đề tâm lí nhỏ”, dùng hình tượng để khái quát hóa những hoạt động của các vấn đề tâm lí nhỏ trong cuộc sống, gia đình, công việc, sự nghiệp của cá nhân mỗi người. Đương nhiên, “Vấn đề tâm lí nhỏ” không phải là một khái niệm học thuật chặt chẽ, nó chỉ là một phương thức mệnh đề được khái quát hóa, để từ góc độ những biến đổi tâm lí nhỏ tiến hành giải quyết một số vấn đề khác.</p>
<p>Hi vọng cuốn sách này có thể trở nên phổ biến, gần gũi hơn với độc giả, để độc giả có thể dễ dàng lí giải được tâm lí học, dễ dàng “đọc hiểu” được chính bản thân mình. Đồng thời, chúng tôi cũng hi vọng rằng, cuốn sách này có thể trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống và công việc của mỗi người, chỉ ra những khó khăn mà mọi người có khả năng phải đối mặt, đồng thời đưa ra những giải pháp tương ứng. Vì thế, khi viết cuốn sách, chúng tôi đã dùng rất nhiều ví dụ trong nhiều lĩnh vực, giải</p>
<p>thích các khái niệm và phương pháp giải quyết một cách đơn giản, dễ hiểu nhất. Những ví dụ và lí luận phân tích tương ứng bao gồm các lĩnh vực như: tình yêu hôn nhân, giáo dục trong gia đình, phát triển sự nghiệp, quyết định của cá nhân và tập thể, quản lí doanh nghiệp, tâm lí chuyên nghiệp, và quan hệ giao tiếp.</p>
<p>Nội dung sách chủ yếu xoay quanh việc một cá thể độc lập làm thế nào để có thể tự nhận thức bản thân, nắm bắt và điều chỉnh chính cảm xúc của mình, bao gồm: nhận thức bản thân, khống chế bản thân, giải thích hành vi của bản thân, quá trình quyết định của chúng ta, ảnh hưởng của kinh nghiệm đối với chúng ta, hành vi và thái độ của chúng ta biến đổi như thế nào, niềm tin chỉ đạo hành vi của chúng ta ra sao, sự quan trọng của việc duy trì cá tính và điều tiết, khống chế cảm xúc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổng kết lại những diễn biến tâm lí nhỏ bé mà chúng ta cần chú ý trong hôn nhân, xã giao, học tập và công việc. Hi vọng cuốn sách này có thể mang đến niềm vui và sự hữu ích cho mỗi độc giả.</p>
<p>Cuối cùng, chúng tôi cũng xin được nhắc lại, do kiến thức có hạn nên cuốn sách này không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được phản hồi của quý độc giả để cuốn sách có thể trở nên hoàn thiện hơn.</p>