Giấc Mơ Việt Nam Tôi - Tập 2: Còn Mãi Hương Xa
Khám phá hành trình tiếp nối của Giấc mơ Việt Nam
"Còn Mãi Hương Xa" là tập tiếp nối của "Giấc mơ Việt Nam tôi" - tác phẩm ghi lại hành trình theo đuổi giấc mơ đóng góp cho quê hương của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Nếu như tập 1 đã đưa bạn đọc đến với những ngày tháng nung nấu ý tưởng, những khó khăn ban đầu và thành quả được ghi nhận từ hai chính phủ Bỉ và Việt Nam, thì tập 2 tiếp tục khơi gợi những trăn trở sâu sắc hơn về con đường làm khoa học, làm giáo dục vì Việt Nam của ông.
Giấc mơ, trăn trở và những câu chuyện đời
Qua những dòng chữ chân thành, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ những cảm nghiệm quý báu trong hành trình của mình. Ông không chỉ tập trung vào khoa học, giáo dục, mà còn chia sẻ những tản mạn về văn hóa, xã hội, đời sống nơi ông đã từng đặt chân, những con người ông đã gặp gỡ và gắn bó. Cảm xúc chân thật, lời văn giản dị nhưng đầy sức lay động, "Còn Mãi Hương Xa" cho thấy một con người luôn dành trọn tình yêu cho quê hương, một tấm lòng luôn hướng về cội nguồn.
Lời tâm huyết của tác giả
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ về động lực viết sách:
"Tôi đã viết như người muốn tỏ bày những câu chuyện trong khoảng thời gian tôi về Việt Nam thực hiện ước muốn khắc khoải, khôn nguôi trong lòng: Làm một cái gì đó cho quê hương Việt Nam. Nguyện vọng thì chẳng có gì cao xa, nhưng thực hiện thật không đơn giản. Gặp bạn bè tâm huyết ôn lại những khúc mắc, những bước đi gian nan… ai cũng khuyến khích tôi nên viết lại. Và tôi viết… Hai cuốn sách này như một sự tổng hợp và khép lại sự nghiệp giáo dục đào tạo hơn 40 năm của tôi tại Bỉ và Việt Nam.”
Những lời đánh giá từ các chuyên gia
Giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên GS ĐH Văn Khoa Sài Gòn, GS thỉnh giảng Cao học về nghiên cứu Quốc tế (SAIS), ÐH Johns Hopkins, Washington, D.C, Hoa Kỳ:
"Xin chúc mừng anh Nguyễn Đăng Hưng. Sự thành công của anh cũng làm vẻ vang nòi giống Rồng Tiên ở nước ngoài."
Giáo Sư Ngô Vĩnh Long, Giáo Sư sử học, Đại học Maine, Hoa Kỳ:
"Cuốn bút ký này của GS Nguyễn Đăng Hưng rất phong phú và chân thực. Độc giả sẽ thấy một cuộc đời từ anh sinh viên đến một giáo sư tên tuổi luôn luôn dấn thân cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ngoài ra độc giả trong nước cũng được thấy hình ảnh của các nơi trên thế giới mà GS Hưng đã đến hoạt động. Đối với độc giả đang ở nước ngoài, đặc biệt là các du học sinh cùng lứa tuổi với GS Hưng, đây cũng là dịp để nhớ lại một thời kỳ buồn vui lẫn lộn trong quá trình đấu tranh cho đất nước."
Nguyên giáo sư Nguyễn Đình Cống, trường Đại học Xây Dựng Hà Nội:
"Thành tích đào tạo cán bộ khoa học bậc cao về ngành cơ học công trình của ông cho đất nước ít ai sánh kịp. Thế nhưng, đó chỉ mới là một phần nhỏ trong Giấc mơ của ông, phần lớn giấc mơ về chấn hưng nền giáo dục đã không thể thực hiện..."
Giáo Sư Géry de Saxcé, Khoa Cơ học, Trường Đại học Lille, Pháp:
"Thật là một đặc ân và là niềm hạnh phúc cho tôi khi được quen biết GS. Nguyễn Đăng Hưng. Thật vậy, trước khi tôi trở thành người đồng nghiệp, ông chính là người thầy, người hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến sĩ của tôi. GS là một nhà yêu nước đáng kính phục. Tôi có cảm tưởng ông có khả năng chuyển hóa nhiệt huyết của tuổi trẻ để hướng họ đến việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn."
Nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Phạm Chi Lan:
"Thật là tuyệt vời. Đây (được Vua Albert II, Vương quốc Bỉ, trao tặng Huân chương Đại thần) là niềm vui và vinh hạnh lớn không chỉ của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng mà của tất cả người Việt Nam mình. Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về niềm vinh hạnh đó, về những cống hiến của Giáo sư cho đất nước, cho nhân loại, về tấm gương sáng Giáo sư nêu cho mọi người."
Nhà biên khảo Thái Doãn Hiểu:
"Nguyễn Đăng Hưng là một Việt kiều biểu trưng cho tinh thần lá rụng về cội. Tâm hồn anh trở nên thư thái khi quyết định hồi hương về sống nốt những năm cuối đời ở cố hương trong tình nhà nghĩa nước..."
TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Hán Nôm, Hà Nội:
"Ai mở cuốn sách này sẽ bắt gặp một Con Người”. Chúng ta hãy cùng mở cuốn sách của ông để thấy chan hoà ánh sáng của trí tuệ và nhiều cung bậc của một bản đàn mà ông đang mời gọi chúng ta."
Nhà văn Trương Văn Dân, Việt Kiều tại Ý:
"Tôi đã từng xúc động đến bật khóc khi thấy hình ảnh GS Hưng, một ông cụ 72 tuổi, sau khi công thành danh toại trở về quê cũ, cung kính phủ phục lạy trước mộ song thân. Lần thứ hai khi thấy GS mặc áo dài khăn đóng lặn lội ra xứ người (Iran) để vinh danh chữ Quốc Ngữ cũng đã làm tôi ứa nước mắt."
Nhạc sỹ, nhà báo Quỳnh Lệ:
"Nhìn cách ông chơi guitar và phiêu linh theo những bài hát Mỹ, Pháp nổi tiếng của thập niên 1950 – 1960 do chính ông dịch lời Việt mới thấy ông thật là nghệ sĩ. Tự dưng tôi liên tưởng đến bài hát dân ca Mỹ “Một mình từ nơi xa tít xa, cây đàn xinh xắn vác trên bờ vai. Về nơi đây lang thang phất phơ, đi tìm cô bé trót yêu lâu rồi…”. Vâng, thứ mà ông trót yêu lâu rồi chính là những khúc hát mang đến những thông điệp cho cuộc sống, cho con người và tình yêu…".