<p>Sakurako Và Bộ Xương Dưới Gốc Anh Đào - Tập 3</p>
<p>Sakurako và bộ xương được chôn dưới gốc anh đào (tên gốc: Sakurako-san no ashimoto ni wa shitai ga Umatteiru) là series light novel trinh thám của tác giả Ota shiori, minh họa bìa Tetsuo. Đến nay series đã đạt được con số ấn tượng 1,5 triệu bản in. Tác phẩm cũng được chuyển thể sang rất nhiều phiên bản như TV series anime, drama live-action, manga.</p>
<p>Hokkaido, Asahikawa. Nơi đây là thị trấn tôi và Sakurako sinh sống. Sakurako là một tiểu thư đài các với ngoại hình và phong cách vô cùng ưu tú. Đáng tiếc thay, cô ấy lại có một nỗi ám ảnh quá mức với những bộ xương. Một ngày, vị tiểu thư ấy đã đến Lễ hội văn hóa trường trung học phổ thông nơi tôi đang theo học. Khi cô ấy yên lặng thì vẻ đẹp của cô luôn khiến tôi thầm rung động, nhưng rồi có một bộ xương người được tìm thấy trong phòng thí nghiệm khoa học… Bộ xương được ủy thác!</p>
<p>Mùa mưa ẩm ướt kéo đến cùng những lời nói dối với đầy đủ phong vị sắc thái tại thị trấn nơi phương Bắc, đưa tôi và Sakurako đến với những bí ẩn chưa được giải đáp.</p>
<p>Bộ truyện trinh thám tuyệt hảo về một người đẹp đáng tiếc Sakurako tiếp diễn!</p>
<p>Về tác giả:</p>
<p>Oda Shiori</p>
<p>Sinh ra ở Sapporo, Hokkaido. Bà sinh sống ở thành phố Asahikawa cho đến năm 2012. Bà trở nên nổi tiếng với khả năng hành văn tốt khi tác phẩm của ông được xuất bản tại trang đăng tiểu thuyết trên mạng. Cùng năm đó, bộ truyện Sakurako và bộ xương được chôn dưới gốc anh đào đạt giải thường xuất sắc trên trang sách ebook. Bà được đánh giá rất cao về khả năng viết lách trong mọi cuộc thi mình tham gia.</p>
<p>Minh họa bìa</p>
<p>Tetsuo</p>
<p>Bố cục sách:</p>
<p>Mở đầu</p>
<p>Xương thứ nhất … Người đàn ông bị nguyền rủa</p>
<p>Xương thứ hai … Món pudding của bà</p>
<p>Xương thứ ba … Bộ xương được ủy thác</p>
<p>Trích dẫn:</p>
<p>“Vậy bắt đầu thôi.”</p>
<p>Sakurako mỉm cười khúc khích, đeo chiếc găng tay ni lông giống như mọi khi, một tiếc ‘pặc’ vâng lên cổ tay cô. Nghe thấy âm thanh ấy, tôi chợt thấy một dự cảm không lành. Một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng, Thế nhưng đó hẳn phải là một phạn xạ có điều kiện, giống như chú chó Pavlov [1]vậy, nên tôi không để tâm. Nhưng rồi dự cảm này cuối cùng cũng không hề sai.</p>
<p>Vì chỉ việc tiến vào trong thôi cũng rất vất vả, nên chúng tôi bắt đầu gỡ từ núi đồ trước mặt. Mục tiêu đầu tiên là mở chiếc chiếc tủ lớn bằng thép ra. Phía trước chiếc tủ cũng còn rất nhiều những hộp chất đống.</p>
<p> Nhiệm vụ được giao của Sakurako vốn chỉ là những mẫu vật thôi. Đầu tiên là phải phân biệt những thứ bên trong hộp. Tôi mở một chiếc hộp gỗ đường kính khoảng 30 phân mới lấy xuống ra. Bên trong có ba chiếc xương được cất giữ. Thầy lấy chiếc xương ngoài rìa ra đầu tiên, ghép lại rồi... Có vẻ thầy đã nnghĩ vậy. Cho dùng chúng có lộn xộn cả nhưng sau khi chia ra thành từng khối với những chiếc túi trong suốt, thì mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn.</p>
<p>“Thế nhưng mà quả nhiên là nhiều thật đấy. Tất cả chỗ này là một mình thầy ấy làm ạ?”</p>
<p>Tôi với tay lấy một chiếc hộp khác, vừa cẩn thận kiểm tra bên trong vừa hỏi thầy Isozaki.</p>
<p>“Hình như thế. Thầy ấy tên là Sasaki. Thầy cũng mới chỉ nhìn thấy ảnh và nghe chuyện về thầy thôi. Có vẻ thầy ấy không phải là người quảng giao mà là kiểu hơi khác người.”</p>
<p>“À...”</p>
<p>Là vậy à. Nếu vậy thì chẳng phải giống hệt ai đó sao.</p>
<p>“Hàng ngày, ngoài giờ dạy là thầy ấy lại chỉ ở trong phòng khoa học xây dựng mẫu vật. Thỉnh thoảng khi nghĩ không có ai nhìn thấy, thầy ấy sẽ đi nhặt xác xương động vật bên ngoài.”</p>
<p>“...À.”</p>
<p>Tôi bất giác bật ra ‘phụt’ một tiếng. Thật sự là quá giống ai đó. Những người thích xương thì đều như thế chăng? Tôi cố nhịn cười.</p>
<p>“Nghe nói có lần thầy ấy mang đến một cái xác động vật đã hơi bốc mùi đến trường, cả hành lang và phòng khoa học trong một khoảng thời gian đã bị ám cái mùi đó. Thầy rất thích động vật, nhưng mà những con đã chết thì...”</p>
<p> “Cả mấy con vật hoang hay loài bọ nhưng bọ chét thầy ấy cũng mang về rất nhiều nhỉ.”</p>
<p> Có lẽ tình hình lúc đó đã phải nghiêm trọng rồi chứ chẳng còn đáng cười nữa nhưng tôi dần chẳng thể nhịn được nữa mà bất cười. Thật sự rất, rất giống Sakurako.</p>
<p>“Có cả mẫu côn trùng nữa cơ ạ.”</p>
<p>Thế nhưng, sự khác biệt lớn giữa Sakurako và thầy chắc là việc làm cả những mẫu vật khác ngoài xương. Ngoài xương ra, thầy còn cho cả mẫu côn trùng, quả từ cây ngoài tự nhiên, tóm lại là tất cả những thứ gì đã từng sống, vào trong hộp hay lồng thủy tinh. Có lẽ Sakurako là đơn thuần vì thú vui nên chỉ chuyên chú vào xương, còn thầy Sasaki thì do sở dĩ thầy là giáo viên chăng.</p>
<p>Tôi mang mẫu xương đó đến chỗ Sakurako đầu tiên. Khi tôi hỏi mẫu này liệu có xử lí được không, bất ngờ là Sakurako gật đầu. Thế nhưng nghĩ lại, Sakurako đúng là người hiểu nhiều biết rộng. Chỉ là cô không có hứng thú thôi chứ kiến thức thì vẫn có.</p>
<p> May thay thầy Isozaki là người am tường về thực vật. Những mẫu thực vật sẽ do thầy phân loại. Thầy rất thích hóa nên mỗi sáng đều tự mình trang trí hoa trong phòng học. Thầy tin là hình ảnh mình đứng trên bục giảng cùng đóa hoa tựa như một bức tranh vậy.</p>
<p>Như vậy, sau hai tiếng, chúng ta đã thuận lợi tới được chiếc tủ. Bên trong chiếc tủ, đúng như những gì tôi tưởng tượng, cũng toàn là mẫu vật chất đầy.</p>
<p>“Nào...”</p>
<p> Tôi thận trọng lấy những chiếc hộp bên trong ra, chồng vài chiếc lên nhau, đem ra ngoài phòng khoa học nơi Sakurako đang ở. Vì chỗ đó cũng khá nặng nên tôi lỡ đặt mạnh tay xuống trước Sakurako, liên bị cô mắng: “Nhóc đối xử với chúng cẩn thận đi.”</p>
<p> “Em xin lỗi, chỗ này cũng khá nặng... Đây là xương gì vậy nhỉ.”</p>
<p>“Chắc là cừu. Không có sừng nên có lẽ là con cái chăng.”</p>
<p>“Cừu... Cái này ấy ạ?”</p>
<p>Chẳng trách sao nó lại nặng. Tôi cho cô xem xương trong chiếc hộp bên dưới.</p>
<p>“Đây là ...xương chó. Cho chị xem cái đó nữa.”</p>
<p>“Hừm...”</p>
<p> Tôi đưa cho cô chiếc hộp khác, tôi đột nhiên có một cảm giác khó chịu như thắt nghẹn trong lồng ngực.</p>
<p>“Sao thế?”</p>
<p>“Dạ không... Nhưng mà nghĩ đến là xương loài động vật làm thú cưng, khiến em cảm thấy suy nghĩ.”</p>
<p>Tôi rất thích chó. Mà dù không tự mình nuôi nhưng tôi cũng hay đến chơi với chú chó Hector mà Sakurako mới nhận nuôi gần đây. Xương của loài vậy gần gũi khiến tôi có cảm giác khó chịu muốn chối bỏ, không muốn nhìn đến.</p>
<p>“Tại sao? Chẳng phải cũng giống như gia súc sao. Cùng lắm chỉ là sự khác nhau giữa việc để làm thức ăn hay để làm cảnh thôi.”</p>
<p>Thế nhưng, Sakurako lại chớp mắt vẻ ngạc nhiên.</p>
<p>“Sự khác biệt đó là rất lớn đấy ạ.”</p>
<p>Tôi cười khổ.</p>
<p>“Xương thú cưng chắc chắn là khác rồi. Chẳng phải sẽ có những kí ức về lúc mình yêu thương chúng phải không? Chị Sakurako giờ cũng đang nuôi Hector còn gì. Hơn nữa, hình như hồi trước đã từng nuôi mèo đúng không ạ?”</p>
<p>Tôi nhớ ra hình như hồi trước cô đã từng nói thế. Đến đây, chợt kí ức trong tôi kết nối lại. Chữ ‘Ulna’ trên tờ poster. Đó là mẫu xương ở phòng khách nhà Sakurako. Bên cạnh tên khoa học của loài mèo được in lên băng dính trắng, chữ ‘Ulna’ được viết trong ngoặc vuông.</p>
<p>“... Liệu có phải, mẫu xương mèo ở phòng khách là... ?”</p>
<p>Tôi sợ hãi hỏi Sakurako.</p>
<p>“Đúng rồi đấy. Ulna là con mèo chị từng nuôi.”</p>
<p>Thế nhưng Sakurako gật đầu với vẻ không hề nhận ra sự khó chịu của tôi. Cô mang vẻ mặt kiểu‘Thế thì sao?’</p>
<p>“Thì...”</p>
<p>“Làm sao?”</p>
<p>“Chị tự mình biến con mèo mình từng nuôi thành mẫu vật ạ !?”</p>
<p>“Ngoài chị ra thì còn có ai nữa?”</p>
<p>“Chuyện đó...”</p>
<p>Quả thực đến cả tôi cũng phải cảm thấy choáng váng như thể mới bị cái gì đập vào đầu. Chắc không phải là Sakurako tự giết con mèo đấy chứ? Sakurako chắc chắn sẽ không làm chuyện như thế. Cho dù thế nhưng tự mình dùng giao cắt xẻ thi hài con vật mình yêu thương, nấu trong nồi rồi lấy xương ra, tẩy trắng, đóng cứng lại bằng nhựa cây rồi ghép lại... Cô ấy đã tự mình làm những việc đó.</p>
<p>“...”</p>
<p>Tôi chợt không tìm ra lời nào để nói. Tất nhiên tôi không ghét Sakurako. Tôi kính trọng cô. Dù là một người rắc rối nhưng cô không phải người xấu. Thế nhưng trước sự vô tình và lạnh lùng khi biến con mèo yêu quý thành mẫu vật của cô, tôi cảm thấy sự khó chịu rõ ràng, cùng với đó dường như là cả sự khinh miệt.</p>
<p>“Chị không biết tại sao con mèo lại chết. Thế nhưng nó chết một cách không bình thường. Thế nên chị đã muốn xác nhận.”</p>
<p>Sakurako đã nhận ra chút gì đó ở tôi chăng? Cô chùng vai nói như thế đang cô biện lý do.</p>
<p>“Xác nhận... ạ?”</p>
<p>“Nó đã chết rồi mà. Chị giải phẫu riêng, nên cũng chẳng phải do thế mà con mèo phải chịu đau đớn.”</p>
<p>Sakurako lại tiếp nói bằng giọng điệu bình thản, đều đặn như thể chẳng có chuyện gì. Thế nhưng người nghe là tôi lại thấy choáng váng đầu óc.</p>
<p>“Trước khi làm mẫu mẫu vật thì cũng phải làm qua giải phẫu tổng thể. Trong trường hợp của Ulna thì sau khi tìm ra nguyên nhân cái chết, thì chị tiện làm mẫu vật luôn. Đó là mẫu xương đầu tiên chị tự mình làm hoàn chỉnh. Trước đó, thì chị chỉ ở mức ghép những xương chân gà hay lợn mua về thôi. Dù thỉnh thoảng chị cũng nhặt xương mấy con chồn chết về ghép nhưng do quá thiếu kinh nghiệm nên nó chẳng thành hình gì cả.”</p>
<p>Cho dù thế nhưng việc cô biến con mèo yêu quý thành mẫu vật đối với tôi vẫn quá khó chấp nhận.</p>
<p>“... Chị không thấy đau khổ ạ?”</p>
<p> “Về cái gì?”</p>
<p>“Về việc giải phẫu con mèo yêu quý của mình.”</p>
<p> Tôi cảm thấy mắt mình nóng lên với cảm xúc tựa thương tiếc dâng trào lên như con sóng trong lòng, hỏi Sakurako. Nghe thấy câu hỏi của tôi, cô im lặng một chút, rồi thở dài ra phù một cái.</p>
<p>“Lúc nó chết chị đã buồn. Bởi vì cũng đau khổ lắm.”</p>
<p>“... Chỉ vậy thôi ạ?”</p>
<p>“Ngoài ra thì còn gì nữa?”</p>
<p> Sakurako một lần nữa chớp mắt vẻ ngạc nhiên.</p>
<p>“Khi chị biến nó thành mẫu vật chị không thấy gợi lại kỉ niệm hay gì ạ? Ví dụ như, đây là cái chân mình đã chạm vào không biết bao nhiêu lần này... Hay là cái đầu này mình đã bao nhiêu lần xoa này...”</p>
<p>Trước câu hỏi của tôi, cô trông có vẻ không hiểu. Sakurako nghiêng đầu vẻ bối rối, có vẻ đã chán trả lời tôi rồi nên thay vào đó vân vê đầu ngón tay trên chiếc hộp sọ to cỡ một nắm tay.</p>
<p>“Đó là xương gì vậy ạ?”</p>
<p>“Xương mèo.”</p>
<p> Sakurako trả lời ngắn gọn. Họng tôi chợt nghẹn lại. Tôi vô cùng hối hận vì đã bất giác cất lời hỏi. Một sự bực tức gần như giận dữ dậy lên trong tôi.</p>
<p>“... Em đi lấy cái tiếp theo.”</p>
<p> Tôi thấy không còn muốn tiếp tục nói chuyện với Sakurako nữa. Việc chúng tôi nói chuyện mà không hiểu nhau là chuyện bình thường. Giá trị quan của tôi và cô quá khác biệt. Cho dù đã hiểu rất rõ điều ấy, tôi lại một lần nữa thất vọng ở cô. Cho dù có tiến gần đến thế nào, cho dù có cảm thấy dường như đã chạm đến trái tim cô, nhưng lúc nào cũng có một bức tường to lớn đột nhiên chắn đường thế này. Sự thực rằng cô sẽ chẳng bao giờ thay đổi ập đến phũ phàng.</p>
<p>Tôi cứ như thế mà đi rời khỏi chỗ Sakurako, quay lại phòng tài liệu. Cho dù làm việc với tầm mắt đã nhòe đi, mỗi khi chớp mắt lại thấy má mình nong nóng, nhưng tôi vừa sụt sịt mũi vừa đổ lỗi cho bụi trong phòng.</p>
<p>Thế nhưng, việc không muốn nói chuyện với Sakurako lại giúp tôi chuyên tâm vào việc dọn dẹp trong phòng. Giữa chừng, tôi đã không biết bao nhiều lần lờ đi lời đòi nghỉ từ thầy, im lặng lặp đi lặp lại việc mang những mẫu vật đi ra, rồi mang để lại vào trong chiếc tủ đã mở được tài liệu hay sách ảnh.</p>
<p>Có tất cả bốn cái tủ. Việc tôi chuyên tâm làm việc được đền đáp, đến quá trưa, khi mà thầy đã mệt gần chết kêu: “Thôi được rồi, nghỉ trưa thôi...” , thì công việc dọn dẹp đã tiến triển đến cái tủ thứ tư rồi.</p>
<p>“Cố một chút nữa thôi ạ. Ít nhất hãy cố hoàn thành cho xong cái giá này nào.”</p>
<p>Thầy nhăn mày kêu một cái nhưng tôi làm như không thấy. Thực tế tôi muốn làm đến đoạn nào phù hợp để dừng lại cơ. Chiếc tủ cuối cùng này, có lẽ là bởi nằm ngay cạnh bàn hay sao, là cái lộn xộn hơn cả từ đầu đến giờ. Một khi đã ăn uống xả hơi, tôi cảm thấy quay lại công việc sẽ vô cùng phiền phức nên không thích. Nếu đã vậy thì nên làm ngay lúc này khi mà sự tập trung vẫn còn liên tục.</p>
<p>“Thầy ơi, thầy cứ nghỉ trước đi cũng được ạ.”</p>
<p>“Làm sao có chuyện như vậy được.”</p>
<p> Liếc nhìn thầy đang thở dài, tôi lôi từ trong ra một chiếc hộp các tông.</p>
<p> “Hư...?”</p>
<p>Cái hộp này, so với những cái từ sáng tới giờ, cả sức nặng và cả cảm giác khi cầm đều khác biệt rõ ràng.</p>
<p>“... Đây là cái gì thế nhỉ.”</p>
<p> Mở bên trong ra thì quả như dự đoán, không phải là xương.</p>
<p> “Sách...?”</p>
<p>Chiếc hộp này bên trong lộn xộn rất nhiều thứ. Cùng với những thứ như thư từ, tài liệu, có những tầng sách bị nhét lung tung. Đó không phải là những quyển sách khổ bé thông thường, mà là những tuyển tập của nhưng nhà thơ từ Asahikawa, tạp chí hay tập san thơ được viết ra, khác hẳn với sách xuất bản thông thường. Đặc biệt là tập thơ ‘hoa không hương’ của người tên Kaduki có vẻ đã được nghiền ngẫm rất nhiều đến mức có vết rách.</p>
<p>“Thầy ơi, em thấy có thứ không phải xương. Làm sao đây ạ?”</p>
<p>“Cái nào?”</p>
<p>Tôi gọi thầy bảo là một mình không giải quyết hết chỗ này được. Thầy nhìn vào trong hộp, nhướn mày kêu: “Ồ”, rồi cho tay vào trong hộp.</p>
<p>“Tập thơ, sách, cái này ...hình như là thư nhỉ.”</p>
<p> Thầy một tay cầm vài quyển sách khổ nhỏ màu trà đã ngả tối, một tay lúc trong chỗ giấy kêu loạt xoạt. Đúng lúc ấy, từ giữa những quyển sách, một tấm ảnh đã ngả màu rơi nhẹ nhàng xuống sàn. Có vẻ nó đã được gập đôi lại rồi kẹp vào giữa.</p>
<p> Nhặt lên xem thì thấy có hai phụ nữ trẻ trong bức ảnh. Không biết có phải hai chị em không, nét mặt của họ có gì đó giống nhau.</p>
<p>“Cây tầm gửi, gửi lòng vào cây, trên xác tôi, trên ruột tôi, hồng môn nở”....?”</p>
<p>Lập sang mặt sau, phía sau ảnh tôi thấy những dòng chữ như vậy được viết đẹp đẽ bằng ngòi bút thanh mảnh.</p>
<p>“Thật là một bài thơ ngắn tuyệt vời. Thầy Sasaki viết ạ?”</p>
<p>Tôi không hiểu ý nghĩa bài thơ. Thế nhưng xác chết với dây ruột thì nghe không bình thường lắm. Trái ngược với nét chữ, nội dung bài thơ khiến người ta dựng tóc gáy.</p>
<p>“Đây có vẻ không giống chữ thầy.”</p>
<p>Thầy Isozaki cũng nhìn vào bức ảnh, xem dòng chữ ở mặt đằng sau rồi cầm lấy một tấm bưu thiếp từ trong hộp.</p>
<p>“Này. Trông giống của người viết bức thư này.”</p>
<p>“À, đúng thật. Ra là vậy.”</p>
<p>Đó là một tấm bưu ảnh với tên người gửi chỉ đề cái tên ‘Natsuko’, thêm một dòng ngắn gọn: “Anh vẫn mạnh khỏe chứ.” Nét chữ ấy quả thực rất giống nét chữ viết bài thơ. Đặc biệt là cách hất nét khi viết chữ ‘し’.</p>
<p>Chữ thầy Sasaki thì như thế nào nhỉ? Tôi muốn xác nhận xem, nhưng trong chiếc hộp này rõ ràng là tư trang của thầy. Việc tự tiện nhìn vào khiến tôi thấy có chút lưỡng lự. Có lẽ thầy Isozaki cũng đang suy nghĩ điều tương tự. Thầy trả lại tờ bưu thiếp, rồi đóng nắp chiếc thùng các tông.</p>
<p>“Cậu đọc cái này chứ.”</p>
<p> Tôi vội vã cầm lấy quyển sách khổ nhỏ mà khi nãy thầy lấy ra rồi quên mất. Quyển sách đã mất cả bìa, bị cháy nắng, cũ mèm. Sách có đề tên ‘Cây tầm gửi’ và tên tác giả nhưng tôi không đọc được.</p>
<p>“Hình như là ‘Roka’ thì phải. Thầy cũng không rõ lắm nhưng có vẻ đây là câu chuyện đã được dựng thành kịch ở Asahikawa... Phải rồi. Trong giờ ngoại khóa đến nhà tưởng niệm Hokuchin, cậu không thấy những khung hình à?”</p>
<p>“Nhà tưởng niệm Hokuchin ạ, có phải ở chỗ của Đội tự vệ đúng không ạ? Hôm đó em bị ốm nên nghỉ.”</p>
<p>Thầy chợt nhớ ra nói. Ở đó có một góc dánh cho những tác giả liên quan đến Asahikawa, nơi trưng bày những khung hình. Thế nhưng đáng tiếc thay, ngày hôm đó tôi lại nghỉ giờ ngoại khóa do bị cảm. Nhà tưởng niệm Hokuchin nằm đối diện Đền Hộ Quốc, ngay cạnh sân bóng chày Starffin nên những khi cùng ông đi xem đội Fighters thì tôi vẫn đi qua trước nhà tưởng niệm. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó thôi. Chỗ đó cách khá xa nhà tôi, tôi cũng chưa vào trong bao giờ.</p>
<p>“Nếu vậy thì cũng đành thôi nhỉ. Mọi người đều cười bảo có lẽ cậu do hồi hộp không ngủ được trước ngày đi dã ngoại đấy.”</p>
<p>“Em có phải là học sinh tiểu học nữa đâu. Đó đơn giản là em bị cảm mùa hè thôi.”</p>
<p>Thế nhưng việc nhà tưởng niệm nơi lưu giữ lịch sử của Asahikawa lại được quản lý bởi đội tự vệ, quả là phù hợp với thành phổ này nơi vốn được khai phá để làm cứ điểm quân sự.</p>
<p>“Thầy chưa từng đọc quyển sách này nhưng có vẻ là một chuyện tình buồn từ hình mẫu nhân vật có thật đấy. Thầy không thích những câu chuyện như thế, thành thực mà nói, chuyện tình cảm của người khác thì quan tâm làm gì.”</p>
<p> “Em cũng không thích lắm...”</p>
<p>Tôi lật qua mấy trang sách, thì thấy quả nhiên là sách cổ, văn phong rất khó hiểu. Không phải là tôi ghét tiểu thuyết tình yêu nhưng đấy cũng không phải thể loại tôi sẽ chủ động muốn tìm đọc. Tuy cũng thấy chúng hấp dẫn nhưng vì cảm thấy khó mà đồng cảm được với thể loại văn chương ấy cũng như sự đề cập đến những chuyện tình bi đát mà hứng thú của tôi cũng biến mất thôi.</p>
<p>“Hay thầy hâm mộ tác giả này nhỉ?”</p>
<p> “Chà. Nhưng dù sao có vẻ đây là đồ đạc cá nhân nên hay là đưa cho người thân của thầy ấy đi. Đây hẳn là những thứ mà thầy trân trọng lúc còn sống.”</p>
<p> “Chắc là vậy ạ.”</p>
<p> Thấy mặt sau của quyển sách có ghi: “Tại Shunkoudai” bằng nét chữ cẩu thả, vốn là một người yêu sách, tôi nghĩ: “Nếu thực sự trân trọng sách thì đáng lẽ không nên viết vào mới phải.” Rồi tôi trả quyển sách Cây tầm gửi lại vào trong hộp, gấp chéo hai bên nắp thùng các tông lên nhau để nó không dễ dàng bị mở ra, đặt xuống dưới chân cho khỏi vướng.</p>
<p> “... Vậy là, chúng ta không nghỉ trưa à?”</p>
<p>Thầy thở dài, nói.</p>
<p>“Phải rồi nhỉ.”</p>
<p> Có lẽ, sức tập trung của tôi, sau khi mở xong cái thùng các tông này cũng đã cạn theo rồi. Tôi bật ra một tiếng thở dài, đi đến phòng khoa học nơi Sakurako đang ở. Sakurako vẫn đang chuyên tâm vào việc làm danh sách nên kết cục, chúng tôi còn phải đợi thêm một lúc khá lâu nữa. Bữa trưa là phần cơm hôm mà bà giúp việc đặc biệt chuẩn bị.</p>
<p>Nhắc đến món zangi[2] thì những người không phải ở Hokkaido hẳn sẽ nghĩ đến thịt gà. Thế nhưng ở đây vốn có rất nhiều loại zangi. Nếu là zangi mực thì phải nhắc đến thực đơn cơ bản trong các quán rượu dành cho gia đình ăn cùng salad ramen. Thế nhưng nếu là món zangi phổ biến trong các gia đình, thì tôi nghĩ sẽ là zangi thịt cừu và zangi cá hồi. Dù là kiểu gì thì tựu chung lại cũng là thịt rán thôi, nhưng tôi vẫn thấy chúng thật sự rất ngon.</p>
<p> Cơm hộp hôm nay có món zangi thịt cừu. Món ăn dễ làm vốn chỉ cần rắc bột khoai tây lên thịt cừu nướng đã tẩm gia vị như thế mẹ tôi cũng hay làm. Món này chỉ cần rán với chút dầu mà không cần chuẩn bị nhiều nên với nhà tôi so với zangi thịt gà còn thân thuộc hơn.</p>
<p>Zangi thịt cừu so với thịt gà thì được cắt ra miếng mỏng hơn, khi ăn có thể cảm nhận hương vị một cách rõ ràng, nên cho dù có ăn nguội cũng vẫn thấy ngon. Cùng với mùi thơm của loai nước sốt chuyên dụng hơi cháy là mùi hôi đặc trưng của thịt cừu, nhưng tôi vẫn vô cùng thích thịt cừu. Thêm vào đó, tất nhiên những phần rán vừa tới giòn giòn là phần ngon nhất, nhưng phần da thấm chút dầu mềm mềm cũng rất tuyệt.</p>
<p> Tôi cắn một miếng zangi phồng cả má, rồi cứ thế mà gặm thêm một miếng cơm nắm nữa. Ngon tuyệt vời. Đặc biệt, món cơm nắm của bà giúp việc</p>
<p>còn có lượng muối nêm và kĩ thuật nắm rất vừa, đem đến cảm giác tan ngay trong miệng.</p>
<p>Tôi trong phút chốc mắc kẹt trong cái chu trình zangi, cơm nắm, zangi, cơm nắm... lặp đi lặp lại. Tôi cứ nghĩ giá mà cứ mãi tiếp tục thế này thì thật tốt.</p>
<p>Thầy Isozaki cũng liên tục khen ngon. Còn Sakurako thì chỉ chấm đũa lịch sự rồi quay lại với việc làm danh sách, khiến tôi phải muốn hỏi: “Chị thực sự đã ăn chưa đấy ạ?”</p>
<p>Có lẽ là bởi sau đấy cô muốn ăn được thật nhiều bánh ngọt chăng. Dù sao thì bị bà giúp việc mắng cũng rất là đáng sợ.</p>
<p>“Sao thế ạ?”</p>
<p>Vì để thừa lại thì thật lãng phí nên tôi vừa một tay cầm đến miếng cơm nắm thứ tư, vừa nhìn sang phần của Sakurako. Nói xong tôi mới nhớ ra đến lúc nãy mình vẫn còn bực mình với cô, nhưng đã muộn mất rồi. Được no bụng quả là một điều đáng sợ.</p>
<p>“Thật sự là tuyệt không còn lời nào để nói luôn đấy.”</p>
<p>Tôi định hỏi tình hình tiến triển thế nào rồi nhưng có vẻ Sakurako không để ý đến. Cô nheo mắt vẻ mãn nguyện, kéo lên kéo xuống con trỏ trên màn hình máy tính cho chúng tôi xem chỗ mẫu vật, dường như rất tự hào.</p>
<p>“Nhóc hãy thấy tự hào vì được học ở một ngôi trường thế này đi.”</p>
<p>Sakurako chăm chú nói như ngâm nga, má ửng hồng bởi phấn khích.</p>
<p>“Vâng em sẽ làm thế.”</p>
<p>Thật là cái con người này... Tôi ngạc nhiên, nhưng rồi cuối cùng cũng dần cảm thấy sự tức giận lúc nãy tan biến trong lồng ngực trước nụ cười vui vẻ của Sakurako.</p>
<p>Tôi muốn bình tĩnh nghỉ ngơi chút sau khi ăn xong nhưng bởi Sakurako lại đang chăm chỉ làm danh sách nên chúng tôi chẳng thế trốn việc được. Tôi và thầy Isozaki ăn xong liền vội vã uống nốt trà rồi quay lại công việc.</p>
<p>Chiếc tủ thứ tư thực sự là một thử thách lớn lao. Có rất nhiều tài liệu mà kết cục là tôi chẳng thể phân định nổi nữa, hoàn toàn chỉ còn làm công việc sắp xếp những đồ vật đã bị ăn mòn theo thời gian ở trên bàn hay giá sách trào ra từ trong tủ... Lúc tôi bắt gặp chiếc hộp ấy là vừa lúc sắp xếp xong quá nửa chỗ đồ ấy, vào khoảng gần 4 giờ chiều.</p>
<p> Tôi đang cúi người sắp xếp thì nhận ra bên cạnh có một chiếc hộp gỗ lớn.</p>
<p>“To thật đấy.”</p>
<p> Hình như đây là chiếc hộp được đặt trên nóc chiếc tủ thứ ba. Vì ở chỗ cao, mà chúng tôi cũng bảo những hộp to thì để quay lại làm sau nên vẫn chưa đụng đến cái hộp này. Nhưng mà dù sao đến một lúc nào đó cũng phải làm thôi. Tôi định mở nắp hộp thì nhận ra thì có khóa.</p>
<p>“Ồ?”</p>
<p> Một tiếng cạch vang lên cứng cáp, thứ ngăn cản tay tôi là một chiếc ổ khóa cũ. Chiếc hộp này khác với những chiếc hộp khác, nó dày và có vẻ cổ, ở mặt trước có in hình trông như gia huy, thiết kế như một chiếc hòm nhỏ.</p>
<p>Nếu đã khóa thế này rồi thì ngoài việc phá ra chẳng còn cách nào khác mở được.</p>
<p>“Thầy ơi... Cái này...”</p>
<p>“Hả?”</p>
<p>“À dạ, chiếc hộp này bị khóa ạ.”</p>
<p>Khi tôi kể lại chuyện về chiếc hòm thầy cũng có vẻ bối rối. Đầu tiên, chúng tôi hỏi Sakurako xem trong số những món đồ đến giờ có lẫn cái chìa khóa nào không nhưng cô cũng bảo không thấy rồi đi vào phòng tài liệu.</p>
<p>“Ừm... Cái này chắc là chỉ còn cách cứ vậy trả về cho gia đình thôi.”</p>
<p>Thầy Isozaki phàn nàn.</p>
<p>“Không biết bên trong là gì nhỉ? Liệu có phải xương không nhỉ.”</p>
<p>Nếu là xương thì khi gia đình thầy nhận được hẳn cũng sẽ bối rối. Bởi với kích cỡ thế này thì nhất định phải là một con vật lớn.</p>
<p> “Nếu mà phá cái hộp này ra thì sao nhỉ.”</p>
<p>Sakurako nói xong liền cúi xuống kéo cái nắp của chiếc hòm dù chắc chắn chẳng mở ra được.</p>
<p>“Chị Sakurako!?”</p>
<p>“Sao thế?”</p>
<p>“Sao cái gì chứ...”</p>
<p>Sakurako nhún vai với tôi và thầy đang bị bất ngờ.</p>
<p> “Ông của chị là người hay làm mất chìa khóa. Cái khóa này là thứ có cơ chế cực kì đơn giản thôi. Chỉ cần biết cách thì ai cũng mở được.”</p>
<p> Cô nói vậy, chẳng biết từ lúc nào trong tay đã cầm một chiếc đinh ghim nhỏ.</p>
<p>“Nhưng mà bởi...”</p>
<p>Trước hết, tự tiện mở một vật đã được khóa lại liệu có ổn không đây? Tôi quay sang nhìn thầy Isozaki. Sakurako lờ chúng tôi đi, không kiêng nể nhìn vào trong hộp.</p>
<p>“...”</p>
<p>Sakurako bật ra một tiếng ‘Ồ’ cảm thán. Sakurako lấy ra từ bên trong những mảnh xương nhỏ, xếp lên trên bàn.</p>
<p>“Sao thế ạ?”</p>
<p>Vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ hẳn trong hộp đang cất giữ một mẫu xương vô cùng tuyệt vời.</p>
<p> “Cái, cái này là...”</p>
<p>Thế nhưng, tôi với thầy vẫn nhẹ nhàng nhìn vào trong theo, để rồi thất kinh đến quên cả thở.</p>
<p>“Ng, ng, ng, ng, ng, xương người...!?”</p>
<p>Thầy giật nảy người ra sau, run lẩy bẩy.</p>
<p>“Đúng vậy. Đây không phải xương khỉ, có xương hàm dưới ở đây. Ngay cả khỉ đột hay tinh tinh có DNA rất gần với con người cũng không có phần này, đây là bộ phận chỉ có ở con người.”</p>
<p>Sakurako không tỏ ra vẻ bất ngờ dù chỉ một chút, ngược lại còn cất cao giọng, nhấc chiếc đầu lâu lên với vẻ yêu thương, xoa xoa phần chìa ra ở xương cằm.</p>
<p>Những chiếc xương khô ráp màu trắng sữa. Những bụi xương trắng bay bay trong không khí.</p>
<p>“A... Cái, cái đó...”</p>
<p>Tôi cảm thấy đầu gối mình như mất hết sức lực.</p>
<p>“Chẳng nhẽ, cái đó...”</p>
<p>Thật sự không thể tin được.</p>
<p>“Đến cả con người... Cho dù có thế nào đi nữa... Làm đến mức này.”</p>
<p>Thầy Isozaki rên rỉ. Từ vô số những xương được cất giữ trong căn phòng thì tôi cũng đã quá hiểu được tâm huyết của thầy Sasaki với xương. Tôi cũng nhận ra có vẻ thầy Isozaki có lẽ đang cảm thấy tâm huyết ấy đến mức này thì hơi quá rồi. Về phần tôi thì do đã quen biết Sakurako từ trước, nên vừa thấy có chút kì lạ, nhưng đồng thời cũng thấy một cảm giác như thân thuộc.</p>
<p align="right"> (Còn nữa)</p>
<p>[1] Chú chó mà Ivan Pavlov đã tiến hành thí nghiệm tiết dịch vị khi thấy đĩa thức ăn, tìm ra phản xạ có điều kiện trên động vật.</p>
<p>[2] Một món thịt rán kiểu Nhật.</p>