<p>“Người Nhớ Người Quên – Lạc nhau giữa Phố”</p>
<p>“Năm tháng qua đi, những chuyện lưng chừng, không trọn vẹn nghĩ lại càng lúc càng thấy đẹp. Bi ai và tiếc nuối cũng trôi nhẹ từ lâu. Người ta chẳng phải từng bảo, khoảng khắc đẹp nhất là khi sắp viên mãn sao? Đó là dịp chờ hoa sắp nở, chờ trăng sắp tròn, chờ giao thừa sắp đến.</p>
<p>Ai không mong mình được hạnh phúc, nhưng cuộc tình kiếm hạnh phúc đời này có thực là đi đến một điểm đích? Hạnh phúc có phải là một hòm kho báu chờ chúng ta vượt tuyết băng đồng để khám phá? Hay hạnh phúc chính là khoảnh khắc, là năm tháng chìm nổi, là hành trình, là quá khứ, là chính giây phúc này?</p>
<p>Chẳng biết đời sẽ còn ngắn dài ra sao, được mất thế nào. Có khi một ngày lại định nghĩa hạnh phúc là điều gì đó khác lắm, mà giờ không nghĩ ra được. Nhưng ít ra hiện tại, một lần nhớ lại người xưa, một câu chào với tình cũ, một tin nhắn từ cố nhân...chẳng còn khiến bản thân nghẹt thở, mà chỉ thấy tinh khôi, dịu ngọt. Có lẽ, khi không còn cảm giác ân hận về quá khứ, người ta sẽ hạnh phúc”</p>
<p>- Trích Lời mở đầu của tản văn “Người Nhớ Người Quên”</p>
<p>Đây là cuốn sách viết bởi một chàng trai Miền Tây khăn gói lên Sài Gòn ăn học và ở lại mảnh đất này đã 13 năm. Như anh nói, đó là hơn một thập niên “sống, thương, nhận và trả lại” cho Thành phố. Không chỉ là tình yêu, mà còn nhiều thứ khác.</p>
<p>Về nội dung, sách gồm những chuyện không đầu không đuôi, đa phần không trọn vẹn, nhưng lấp lánh an yên. Cuộc sống của anh cũng như bao thị dân khác, thế hệ Y và Z, với tình cảm trai gái, bạn bè và những cảm nghiệm về cuộc sống và công việc. Tất cả là một thế giới đa màu, đủ dư vị của hạnh phúc - chia ly, nhớ nhung – quên lãng. Dù vậy, nội dung tản văn không giật gân, an lành như đời vốn thế.</p>
<p>Do được viết bởi một người trẻ, trải nghiệm mười năm biến đổi của bản thân và Sài Gòn nên tản văn mang đậm hơi thở của cuộc sống người trẻ đương dại. Họ là những con người sống không tách rời mạng xã hội, quay cuồng trong tương quan công việc và yêu đương, cố bám trụ ở đây cũng có, chọn từ biệt chốn này cũng có.</p>
<p>Thế giới của tản văn cũng đa dạng bản dạng giới, không né tránh LGBT nhưng cũng không mượn đó để giật gân, câu khách. Nó dung chứa mọi kiểu người, nhiều loại tâm tư, tựa như Sài Gòn hào phóng đón nhận mọi khuôn mặt, nhiều tính cách cùng hội tụ về đây.</p>
<p>Rất nhiều khả năng, bất kỳ ai đọc quyển sách sẽ thấy có một chút gì đó giống mình ở trong đó. Đó là những chi tiết giản dị, dễ bị lãng quên hay quá hiển nhiên trong đời sống đến độ không ai viết ra thành sách. Tản văn không đi giải quyết bất kỳ câu chuyện gì lớn lao, tranh luận về nhân sinh xã hội, dù nó có nhắc đến những ngày Sài Gòn giãn cách vì Covid-19. Và trên hết, dù lãng đãng trôi trong những dòng tâm tình xoay quanh chuyện yêu đương là chính, nhưng tác giả khẳng định đó “không phải là một cuốn sách ngôn tình”.</p>
<p>Về bố cục, sách có tổng cộng 19 tản văn, chia làm 3 phần gồm: Hôm trước; Đêm nay; Ngày Mai cùng một truyện ngắn xếp vào Phụ truyện. Phần 1 (Hôm trước) đa phần những cuộc</p>
<p>tình dang dở. Đó là những bạn gái cũ của An hoặc của bạn bè, đồng nghiệp An. Những cuộc tình không có đúng sai, và sau nhiều năm chia tay nhìn lại thì đã hết giận hờn hay vấn vương, điều mà không phải ai cũng làm được. Tất nhiên, họ vẫn có những lấn cấn nhẹ trong lòng mà mãi sau này mới nói ra, hoặc không bao giờ nói ra.</p>
<p>Như An đã từng chơi trò “vờ quên với Daisy đến một ngày cả hai chia tay chỉ vì nhợt nhạt, cứ không có nguyên nhân gì lớn:</p>
<p>“Tôi và Daisy không quan tâm nhiều đến kiểu tình yêu của người xưa, rằng gặp gỡ ai đó ở đời này chính là nhân duyên mà chúng ta: hoặc gieo để gặt, hoặc nợ để trả, hoặc dang dở để đến lúc hoàn thành. Chúng tôi từng không quan tâm điều đó.</p>
<p>Nhưng khi chúng tôi rời nhau nhiều năm, đắm mình trong những quan điểm yêu đương khác thường và cấp tiến do chính bản thân tạo ra, cuối cùng nhận ra: nếu không tin nhân duyên có thể đuổi bắt người ta từ kiếp này qua kiếp khác, thì trong chính hiện tại, những buồn – vui của tháng ngày gắn bó cũng không thể qua loa khỏa lấp, chối từ hay che giấu, vì nó là hạt giống của sự lâu dài.</p>
<p>Khi chúng tôi chọn chơi trò chơi, với người vờ quên và người chấp nhận một kẻ không cần nhớ, thì chúng tôi đã vứt đi hạt giống để tình cảm nảy nở thành hoa trái”</p>
<p>- Trích “Vờ quên”</p>
<p>Hay như Minh không bao giờ biết Lam đã biến mất vì điều gì, sau một hôm vẫn còn trò chuyện thân tình:</p>
<p>“Nhưng cũng đến ngày, Lam cắt chỉ mà không hề báo trước. Minh càng không hiểu, vì mới đó cô và anh còn nói chuyện với nhau nhiều hơn bình thường. Mùa dịch ở Sài Gòn là lúc những mối quan hệ của chúng ta sắp xếp lại, có khi tạm thời, có khi vĩnh viễn. Những mối quan hệ đó, được điều chỉnh bằng trực tuyến. Đó là nơi một ánh mắt lảng đi, một cái nhìn bâng quơ ra phố, một bàn tay buông thõng, hay một lần vuốt tóc suy nghĩ không bị bắt gặp.</p>
<p>‘Bạn em nói rằng, hai tháng ít ra đường giúp cô sàng lọc những chân tình. Có những người ít liên hệ đã lâu, giờ quan tâm nhau hàng ngày. Còn vài người, từng sáng đón chiều đưa, đột nhiên nhợt nhạt’’’</p>
<p>- Trích “Biến mất”</p>
<p>Phần 2 (Đêm nay) đa phần kể về những con người quanh An. Một là một thằng bạn nhậu Bisexual ế quanh năm, chăm chỉ đi làm mai mối cho người khác nhưng chuyện tình của chính mình thì không có đâu. Một thằng em (gay) với tâm tư lạ thường An mãi mãi không biết tên, đã chọn rời Thành phố. Cô em gái đồng nghiệp ghét ăn chè đậu đỏ nhưng bị chú An giục ăn chè đậu đỏ mỗi lần Thất Tịch để chóng có bồ. Một bạn không tên đã lâu không gặp, cứu An vài lần tâm trạng chìm nổi trong đêm, nay thường khoác áo lam trong sân nhà Phật.</p>
<p>Và điểm nhấn của Phần 2 là 2 tản văn liên tục tên “Sau này” và “Khóa lòng”, xoay quanh An, người yêu cũ tên Yến và cậu em không ruột rà tên Dư. An và Yến là một mối quan hệ từ người yêu cũ trở thành chốn thân thiết, nhưng chẳng thể quay lại. Trong khi, Dư là cậu bé Gen Z của thế giới đam mỹ, làm “đau đầu” cả An và Yến. Câu chuyện của cả 3 đan xen, tác giả cũng chẳng rõ, họ buồn hay vui nhiều hơn.</p>
<p>“Đợt cuối tuần Dư đi Đà Lạt, Yến rủ tôi qua nhà lên sân thượng ‘chè chiều’. Hôm đó Yến lần đầu nấu chè trôi nước. Tôi ngồi xắn viên chè khen dẻo, khen bùi. Chợt nghe, Yến bâng quơ đọc: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. “Câu thơ vậy, giờ đọc lại mà đã mấy trăm năm, giông gió người xưa chìm lâu như chuyện cổ tích”, Yến bình luận.</p>
<p>“Có chén chè mà nay tâm tư thế!”</p>
<p>“Vậy ăn chè không được tâm tư? Nhất là ngồi với bồ cũ?” “Tâm tư vậy sao mai mốt dám qua ăn chè nữa.”</p>
<p>“Anh bao tuổi rồi còn ngại ngùng, coi hai đứa đó Gen Z yêu nhau kia kìa.”</p>
<p>Gió chợt nổi to, tôi nằm xuống sàn bê tông, một cánh diều nào đó từ nhà hàng xóm tạt qua. Chợt nhận ra đã đến mùa diều. Nằm kể với Yến rằng đã mười mấy năm rồi không chơi trò này nữa. Con diều đầu đời của tôi hình một con rùa. Nó gần như tròn xoay nên khó thả đến không ngờ. Và chắc có lẽ vì thế mà chỉ mình tôi mua nó, rồi chẳng thấy mấy xe diều bán loại đó lần nào nữa. Nghe chưa dứt đoạn, Yến chợt phá lên cười: “Anh cũng khéo chọn diều, phải rụt rè chậm chạp như con rùa mới chịu.”</p>
<p>“Em biết kết thúc của con rùa đó sao không?” “Ra sao?”</p>
<p>“Bị một nhóm khác cưa mất. Về sau anh chơi thả diều cá mập cho dễ, phổ biến và chẳng bị ai cưa. Chỉ có người yêu là người khác cưa mất.”</p>
<p>Yến cũng nằm xuống nền, nhìn cánh diều chao đảo trên không. Một lúc lâu, em nói: “Người yêu đó của anh cũng có khi không phải ai cưa mất”. Tôi quay sang hỏi: “Sao em nói vậy?”</p>
<p>“Biết đâu cô ta chỉ là tìm một chỗ khác ngồi đọc sách, ngắm diều. Những lúc gió cao, cần người đủ quan tâm, đưa tay vén tóc hộ.” Chuyện trôi lưng chừng, Yến nhắc đến Dư, rằng đã dặn em nó mua ít hoa Astiso tươi mang về để nấu canh. Tôi sẵn dịp hỏi thằng nhỏ đi chơi cùng với ai.</p>
<p>“Nó bảo đi với nhóm bạn đại học. Anh không chỉ vô tâm với người yêu, mà với em nuôi cũng thế.”</p>
<p>“Nó lớn rồi mà”, tôi chống chế. “Hôm định hỏi nhưng anh quên. Nó không đi cùng với thằng Hiệp à?”</p>
<p>“Nó bảo không đi Đà Lạt với bồ, đi về sợ chia tay.”</p>
<p>“Thằng nhỏ dị đoan dữ. Nhưng theo kinh nghiệm của anh thì... chia tay thiệt.”</p>
<p>Yến ngồi dậy dọn chén chè, vừa nói vừa cười: “Đi Huế còn chia tay được thì Đà Lạt là gì.” Tôi tự dưng thấy cách em trêu chuyện cũ bỗng đáng yêu. Yến đôi khi vô tư lự như thế. Tôi chẳng có người yêu cũ nào làm bạn thân thiết và tự nhiên như vậy sau khi chia tay, ngoài Yến. Dù đôi lúc, tôi cũng thấy cảm xúc của mình không giống “bạn” cho lắm”</p>
<p>- Trích “Khoá lòng”</p>
<p>Phần 3 (Ngày mai) - là phần tác giả tâm đắc nhất - đa phần là những tản văn tươi sáng. Tất nhiên chẳng có hạnh phúc nào là trọn vẹn. Nhân vật “chị” không tên trong “Đậu biếc” cũng trải qua bao năm yêu xa, từ chối tình gần, để cuối cùng rẽ sang con đường khác. Hay như Chi cũng phải chục năm chìm nổi với tính cách khác biệt mới gặp được chàng phi công Gen Z, quay về với cuộc sống bình yên. Trịnh cũng vậy, sau hàng chục năm phong lưu, giàu có, giờ cũng chọn hướng đi mà An không ngờ tới.</p>
<p>Còn bản thân An, khi chìm nổi ở đời cũng đủ nhiều, chợt gặp lại người xưa. Cả hai tìm lại ngày tháng an lành, nhưng chẳng còn yêu đương hay chồng vợ.</p>
<p>“Trên đời này, đâu phải chuyện gì cũng có thể quay đầu. Thời gian chỉ ngày một tăng, con người cũng chỉ có thể già đi mà chẳng trẻ lại. Người ta bảo, giữa vạn sự xoay vần ấy, chỉ có hoa cỏ vô tình là còn mãi. Nhưng thực ra, hoa vẫn nở nhưng không còn là đóa hoa năm ấy, cỏ vẫn xanh nhưng chẳng phải cỏ dưới chân năm nào. Chúng tôi, tự biết lẫn nhau đã không hợp để cưỡng cầu duyên phận, chỉ còn xem như chỗ tâm giao, bình lặng nói chuyện muôn năm cũ.” - Trích “Cùng nhau”</p>
<p>Ngoài ra, phần Phụ truyện sẽ là một truyện ngắn mang yếu tố kỳ ảo, không khí khác lạ, ít nhiều bất ngờ và giải trí cho người đọc. Do không nằm cùng mạch của tản văn, là nội dung tặng kèm nên được xếp vào mục phụ, được xem là quà tặng kèm.</p>
<p>Như tác giả đã minh định đầu sách, tất cả những câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, qua lời tự sự của An. Tuy nhiên, tản văn không phải là ký về cuộc đời của tác giả. Tất cả những chất liệu cóp nhặt vào sách là từ cuộc sống, bạn bè quanh tác giả.</p>
<p>Về tác giả:</p>
<p>Nguyễn Hữu Phiên An tên thật là Nguyễn Viễn Thông, sinh năm 1990, quê tại Vĩnh Long. Anh đến TP HCM để theo học khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2008. Tốt nghiệp năm 2012, anh ra trường và ở lại TP HCM để theo đuổi công việc trong ngành báo chí – truyền thông cho đến nay. “Người Nhờ Người Quên – Lạc nhau giữa Phố” là tản văn đầu tay của anh. Vài chia sẻ của tác giả:</p>
<p>“Viết một cuốn sách là một trong những mục tiêu mà tôi đặt ra cho bản thân khi đến tuổi 30. Kế hoạch này ấp ủ từ khá lâu, và đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư mang đến cơ duyên để tôi hiện thực hóa nó. Tôi có nhiều thời gian hơn để tĩnh lặng, nhìn lại trải nghiệm bản thân qua 13 năm trưởng thành ở Sài Gòn. Nhờ vậy, tôi bắt đầu chấp bút viết tản văn đầu tay. Mất khoảng 3 tháng để bản thảo được hoàn thiện.</p>
<p>Dù sách chủ yếu nói về chủ đề yêu đương nhưng thú thật tôi không phải là một người hâm một các thể loại tiểu thuyết tình cảm. Tôi đơn giản chỉ là viết lại những điều mình tâm tư nhất trong chục năm thanh xuân nhất đời vừa qua. Mà ở tuổi ấy, những khuôn mặt đã cùng mình khóc cười, thề hẹn…thì làm sao có thể quên được. Hầu hết các câu chuyện trong sách đều dang dở, nhưng không đau đớn, luyến tiếc. Ngược lại, tôi hy vọng độc giả cảm thấy bình an sau khi gấp sách lại.</p>
<p>Tôi từng nghĩ, ai mà đọc những câu chuyện yêu đương nhàn nhạt, không gì kịch tính và cũng chẳng ngôn tình. Nhưng tôi lại nghĩ, chẳng phải vốn dĩ có những điều giản dị, những tình cảm chân phương, những ánh mắt, cái ngoái nhìn…làm ta nhung nhớ cả đời đó sao. Yêu đương có lẽ không nhất thiết cần lắm phong ba, những màn diễm lệ để khắc cốt ghi tâm là vậy.”</p>