<p>Tuyệt Duyên - 9 Truyện Ngắn Của 9 Tác Giả Trẻ Châu Á</p>
<p>“Tuyệt duyên” là tuyển tập gồm chín truyện ngắn đương đại của các tác giả trẻ tiêu biểu ở châu Á, trải dài qua Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là đại diện của Việt Nam tham gia vào tuyển tập lần này.</p>
<p>“Tuyệt duyên”, nghĩa là đoạn tuyệt, cắt đứt mối nhân duyên, mối quan hệ với một người, nhiều người, hay thậm chí với cả thế gian này. “Tuyệt duyên” ở đây vừa là tựa, vừa là từ khóa mang tinh thần chủ đạo xuyên suốt tác phẩm. Trong thời đại ngày nay, việc kết nối – ly biệt đã trở thành chuyện thường tình giữa người với người. Chúng ta kết nối vội vã, rời xa cũng chóng vánh. Có những lần tuyệt duyên dứt khoát không mảy may vướng bận, nhưng cũng không ít lần tuyệt duyên mang đến cho ta bao thống khổ, lưu lại vị đắng suốt đời khó quên. </p>
<p>Chín câu chuyện mang đến chín góc nhìn văn hóa từ các vùng miền khác nhau trên khắp châu Á, mỗi tác phẩm lại có kiến giải riêng về hai chữ “Tuyệt duyên”. Từ những đứa trẻ ngây ngô ngập ngừng ngưỡng cửa dậy thì, những thanh niên bức xúc thời cuộc, những người mẹ, người vợ nặng mang nỗi niềm sâu kín... cho đến những vết hằn trong tâm trí, xung đột thế hệ, bất công trong xã hội, định kiến về chủng tộc, loạn ly vì chiến tranh v.v.. Tất cả là tác nhân cho những “tuyệt duyên”, cũng như bao cảm xúc bạo liệt bộc phát. Đặt trong từng bối cảnh đa dạng, xứ nắng xứ mưa, xứ mơ xứ thực, xứ yên xứ loạn, mỗi câu chuyện là một bức tranh dữ dội có, dịu êm cũng có, thẳng thừng giãi bày mọi khổ đau, giằng xé, uất nghẹn trong thẳm sâu tâm hồn. Tất thảy nhập nhằng vần xoay, tâm lý con người như chưa bao giờ được lột tả trần trụi đến thế. Từng cây bút trẻ mà đầy nội lực của châu Á đã cất lên một tiếng nói đồng lòng, về cách mà con người đối diện với quá khứ, hiện tại, tương lai, với bước ngoặt của số phận. Cái xấu phải bóc trần đến tận cùng, nhưng cái “thiện căn ở tại lòng ta” vẫn được tôn vinh muôn thuở. Có ly biệt ắt có kết nối. Có tuyệt vọng ắt có hy vọng. Tin rằng qua ngần ấy chân dung nhân vật, độc giả sẽ tìm thấy chính mình trong những trang văn, bắc nhịp cầu giữa bản thân với nhân vật, để tự vấn, phản tư và suy xét chính mình của hiện tại.</p>
<p>Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư góp mặt trong tuyển tập này với truyện ngắn “Trốn thoát”. Câu chuyện là những băn khoăn và hồi ức của một linh hồn người mẹ sắp lìa khỏi xác trần. Bệnh nặng, ngã xuống sàn nhà tắm mà cả chồng lẫn con đều không hay biết, trong khoảnh khắc cuối cùng của kiếp người, bà ngẫm lại cuộc đời bạc bẽo, lam lũ đến ngày trút hơi thở cuối cùng để hy sinh cho đứa con ngỗ nghịch. Kỳ thực trong thời khắc ấy, bà có thể gọi con đến cứu, nhưng bà đã chọn dứt tình, ra đi không luyến tiếc.</p>
<p>Mãnh liệt trên từng câu chữ, “Tuyệt duyên” sẽ mang đến cho độc giả một lữ trình xuyên qua muôn vàn cảnh sắc của văn đàn châu Á vốn gần gũi, nhằm chuẩn bị tâm thế tiến sâu vào hành trình khám phá dòng chảy văn học đương đại thế giới.</p>
<p>------------------------------</p>
<p>Tác phẩm có sự tham gia của chín tác giả: Sayaka Murata – Alfian Sa’at – Hác Cảnh Phương – Wiwat Lertwiwatwongsa – Hàn Lệ Châu – Lhacham Gyal – Nguyễn Ngọc Tư – Liên Minh Vệ – Chung Serang. Chín tác giả tham gia tuyển tập đều là các nhà văn đương đại nổi bật, đã giành được thành công thương mại nhất định và nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn.</p>
<p>Sayaka Murata là tác giả nổi tiếng tại Nhật Bản với hàng loạt giải thưởng văn học. Cô nổi tiếng với tác phẩm “Cô nàng cửa hàng tiện ích”, đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và bán hơn một triệu bản trên toàn thế giới.</p>
<p>Alfian Sa’at là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch người Singapore. Trong sự nghiệp sáng tác, anh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học của Singapore, trong đó có Giải Nghệ sĩ trẻ năm 2001 (giải thưởng cao nhất dành cho các nghệ sĩ từ 35 tuổi trở xuống).</p>
<p>Hác Cảnh Phương, nữ nhà văn khoa học viễn tưởng người Trung Quốc. Năm 2016, cô được trao Giải Hugo (giải thưởng quốc tế dành cho các tiểu thuyết, truyện ngắn và các công trình khác thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, thành lập từ năm 1953) cho tác phẩm “Folding Beijing”.</p>
<p>Wiwat Lertwiwatwongsa, sinh ra tại Phuket, là nhà văn đương đại Thái Lan. Anh thường viết bài đánh giá tác phẩm điện ảnh dưới bút danh “Filmsick”. Ngoài ra, anh cũng là thành viên góp phần tổ chức một số sự kiện chiếu phim trong và ngoài nước.</p>
<p>Hàn Lệ Châu, nữ nhà văn người Hồng Kông, Trung Quốc. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, cô đã giành được hàng loạt giải thưởng văn học danh giá, tác phẩm của cô đã hai lần được đưa vào danh sách “Top mười tiểu thuyết tiếng Trung Quốc hay nhất” vào năm 2008 và 2009.</p>
<p>Lhacham Gyal, sinh ra ở Tây Tạng, Trung Quốc. Với bút pháp tinh tế khắc họa cuộc sống đời thường đầy hoang mang và khổ tâm của người trẻ, nhà văn được giới trẻ Tây Tạng yêu mến như một người “nói hộ nỗi lòng” của họ. Tác phẩm của anh cũng giành được nhiều giải thưởng văn học ở Tây Tạng nói riêng và cả Trung Quốc nói chung.</p>
<p>Nguyễn Ngọc Tư, thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2005, tác giả gây tiếng vang lớn với tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Tác phẩm được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008 và được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2010. </p>
<p>Liên Minh Vệ, Thạc sĩ ngành Văn chương sáng tác và Văn học nghệ thuật Anh quốc tại Đại học Quốc lập Đông Hoa. Các tác phẩm của anh được giới phê bình đánh giá cao và đã nhận được 7 giải thưởng văn học trong giai đoạn 2007 - 2018.</p>
<p>Chung Serang, nhà văn đương đại người Hàn Quốc. Tác giả đã viết nhiều thể loại khác nhau bao gồm khoa học viễn tưởng, giả tưởng, kinh dị. Tiểu thuyết “Năm mươi người” của tác giả đã được giới thiệu lần đầu tại Việt Nam vào năm 2020.</p>