<p>Cậu Bé Cầm Bút Thần Đánh Giặc (Truyện Cổ Tích Cao Lan)</p>
<p>Người Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay. Cách đây khoảng 300 đến 500 năm, họ đã trải qua một cuộc thiên di đầy khó khăn, gian khổ tới nước ta, dần gắn bó với dải đất này, trở thành nhóm người thân thiết của đại gia đình dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên văn hóa dân tộc với nhiều nét tinh hoa và đa sắc màu.</p>
<p>Văn hóa của người Cao Lan vừa có nét riêng vừa tiếp thu được những nét văn hóa của các tộc anh em khác. Mảng văn nghệ dân gian của người Cao Lan khá đặc sắc và phong phú. Từ truyện kể truyền miệng đến dân ca, ca dao, tục ngữ...</p>
<p>Trong đó, truyện kể truyền miệng của dân gian Cao Lan có nội dung phong phú, phản ánh quan niệm về nguồn gốc vũ trụ, loài người; phản ánh quá trình lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên của người Cao Lan.</p>
<p>Đặc biệt, ẩn hiện lấp lánh sau những câu chuyện cổ ấy, qua những mối quan hệ đa dạng phức tạp, qua các đoạn đời thăng trầm và hành trình vươn tới hạnh phúc của các nhân vật chính, là một diện mạo xã hội – văn hóa Cao Lan với những phong tục tập quán, những cách thức ứng xử nhân văn, những quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh khá riêng biệt.</p>
<p>Hơn thế, mỗi câu chuyện còn giá trị như những bài học răn dạy đạo đức, đề cao truyền thống đạo lí của tổ tiên. Nhìn chung, xã hội Cao Lan đầy tình nhân ái bao dung, khung cảnh và sinh hoạt của Cao Lan thể hiện quan niệm vừa gần gũi với thiên nhiên vừa gắn kết cộng đồng các tộc người khác.</p>
<p>Người Cao Lan sống chân thực, dung dị, nhân ái, thủy chung. Triết lí của tộc người Cao Lan cũng giản dị mà thâm trầm.</p>
<p>Tất cả những điều đó sẽ hiện rõ khi các bạn lật mở những trang truyện cổ của người Cao Lan trong cuốn sách nhỏ này.</p>
<p>---</p>
<p>Soạn giả TRIỆU THỊ LINH là một người con của đồng bào Cao Lan.</p>
<p>Chị sinh ngày 31/3/1983 tại Tuyên Quang; là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang.</p>
<p>Chị đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Toàn quốc năm 2005” với đề tài “Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích kể về người mồ côi của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”.</p>
<p>Soạn giả Triệu Thị Linh từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bởi những lời hát sình ca của bà của mẹ, được sống trong cái nôi văn hóa truyền thống Cao Lan.</p>
<p>Năm 2005, khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Hằng Phương cùng với sự giúp đỡ của người thân và người Cao Lan ở Tuyên Quang, soạn giả đã thực hiện đề tài “Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích kể về người mồ côi của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”. Công trình đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Toàn quốc năm 2005”.</p>
<p>Để hoàn thành nghiên cứu này, Triệu Thị Linh đã thực hiện việc điền dã suốt 2 năm liên tục tại các làng bản người Cao Lan sinh sống. Soạn giả đã gặp gỡ những nghệ nhân, những cụ già Cao Lan còn nhớ và kể được truyện cổ, lắng nghe, ghi âm và ghi chép cẩn thận rồi ghép nối, biên soạn những câu chuyện được kể, bao gồm cả dị bản.</p>